Ngày 29.4.2009, website này đã đăng tuyên bố của Trung Quốc trước sự kiện Việt Nam bổ nhiệm chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa. Tuyên bố được phát ngôn bởi bà Khương Du: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Tây Sa cùng vùng biển xung quanh. Trung Quốc và Việt Nam không tồn tại tranh luận đối với quần đảo Tây Sa. Cách làm kể trên của phía Việt Nam là trái phép và vô hiệu. Trung Quốc đã nghiêm chỉnh bày tỏ lập trường với phía Việt Nam về việc này”. | Tuyên bố của bà Khương Du trên www.vietnamchina.gov.vn | Tây Sa là từ mà người Trung Quốc dùng để chỉ Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam đã xác lập chủ quyền chính thức đối với quần đảo Hoàng Sa từ thời vua Gia Long (năm 1816). Người dân Việt Nam đã hiện diện trên phần lãnh thổ có chủ quyền hợp pháp này liên tục hàng trăm năm cho đến khi bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng vào ngày 19.1.1974.
Việc Trung Quốc có những tuyên bố sai trái về quần đảo Hoàng Sa không phải là điều mới xảy ra. Tuy nhiên, khi tuyên bố này được đăng trên một website có tên miền “gov.vn” chỉ cấp cho các cơ quan Chính phủ Việt Nam; nội dung ở trang chủ cũng ghi cơ quan chủ quản là: bộ Thương mại nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…, thì nó trở thành một vấn đề gây hoang mang cho người đọc ở trong và ngoài nước.
Sáng 13.5, sau khi đọc được thông tin này trên blog Lê Tuấn Huy, được trang web viet-studies.info của GS Trần Hữu Dũng dẫn link, chúng tôi đã thông báo ngay tới các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cho đến ngày 14.5, những thông tin sai trái nói trên vẫn chưa được đưa ra khỏi trang web “Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc”.
Vào lúc 10h30 sáng 14.5, chúng tôi đã liên lạc trực tiếp với ông Nguyễn Thanh Hưng, cục trưởng cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, bộ Công thương, cơ quan chịu trách nhiệm về trang web này. Lúc đầu ông Hưng cho rằng, “tôi nghĩ là không có gì quá ghê gớm cả. Anh phải vào thực tế trang web thì thấy có nhiều thông tin về hợp tác thương mại, kinh tế có nhiều điểm rất là tốt”.
Khi chúng tôi hỏi về phần tiếng Việt của website đăng tuyên bố của bà Khương Du thì ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng: “Đó là trang web của Trung Quốc chứ có phải của mình đâu”. Chúng tôi hỏi: “Trang web có đuôi .gov.vn thì người ta phải hiểu là của Việt Nam, thưa ông?”. Ông Hưng giải thích: “Của mình nhưng mà là phía Trung Quốc phụ trách. Tiếng Việt do phía Trung Quốc phụ trách để họ đăng trực tiếp bằng tiếng Việt giúp doanh nghiệp Việt Nam”.
Theo giới thiệu của ông Nguyễn Thanh Hưng, chúng tôi liên hệ với người trực tiếp phụ trách trang web, ông Trần Hữu Linh, phó cục trưởng cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, bộ Công thương. Ông Linh xác nhận trang web tiếng Trung do phía Việt Nam phụ trách, vietnamchina.gov.vn, vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, bên cạnh trang web này, chúng tôi còn tìm thấy một trang web khác, cũng gọi là “Mạng thông tin hợp tác kinh tế – thương mại Việt Nam – Trung Quốc” bằng tiếng Trung, nhưng có tên là chinavietnam.gov.cn/ (đuôi “vn” được thay bằng “cn”) và nội dung thì tương tự như website tiếng Việt, thể hiện quan điểm của chính quyền Trung Quốc về các vấn đề quốc tế và đặc biệt là về biển Đông.
Như vậy, trên thực tế, các nhà doanh nghiệp Trung Quốc thay vì tiếp cận được với website do bộ Công thương phụ trách lại nhận được thông tin do phía Trung Quốc đưa ra. Về phía các nhà doanh nghiệp Việt Nam, khi truy cập website “hợp tác...” để tìm thông tin về thương mại họ còn phải đọc những thông tin về các vấn đề đối ngoại và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam theo quan điểm của chính quyền Trung Quốc.
Cũng trong buổi sáng 14.5, ông Linh cho biết: “Cục Quản lý báo chí, bộ Thông tin truyền thông vừa đề nghị có mấy bài phải bỏ xuống. Tôi cũng đang báo cáo với lãnh đạo bộ để xử lý”. Nhưng, theo ông Linh thì vì, “theo thoả thuận phía Trung Quốc lo phần tiếng Việt. Phía Việt Nam lo phần nội dung bằng tiếng Trung”; cho nên bộ sẽ phải “gửi công hàm sang bộ Thương mại Trung Quốc đề nghị bỏ những nội dung không dành cho kinh tế và thương mại”.
Theo thông tin của trung tâm Internet Việt Nam (Vnnic) thì trang web này do bộ Thương mại (nay là bộ Công thương) đăng ký tên miền. Về nguyên tắc, khi đã đăng ký tên miền Việt Nam, thì server phải đặt tại Việt Nam. Nhưng, theo Vnnic, trang web www.vietnamchina.gov.vn đang hoạt động với một server ở Trung Quốc. Căn cứ nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet thì từ nội dung đăng tải trên website, đến phương thức hoạt động của trang web “Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc” đều có nhiều sai phạm.
|