Hạn chế tối đa ảnh hưởng của bùn đỏ và sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm trong sản xuất alumina

Vấn đề môi trường mà nhiều người lo ngại nhất trong quá trình sản xuất alumina là bùn thải (bùn đỏ) và cùng với đó là nguồn cung cấp nước. Đặt vấn đề có lẽ nhầm rồi các anh phóng viên! Chẳng nhẽ điều này đáng lo ngại hơn Đánh giá tác động môi trường hay sao? Xin đọc ở đây!

Trong buổi kiểm tra dự án này ngày 9/5, bước đầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã bày tỏ hài lòng với phương án xử lý bùn đỏ của TKV. Sao lại có chuyện "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" vầy hè? Ồng Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường lại "chơi gác" Bộ trưởng khi nói "chưa chắc an toàn" (tức là chưa hài lòng) rồi!

Nhân dân địa phương rất phấn khởi chủ trương khai thác bauxite. Nhưng sao lại có tin hàng trăm hộ dân ở đây đang gặp khó khăn vì đền bù giải toả không thoả đáng! Chắc là hỏi người dân tộc ở thị xã!

Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông K'Beo nói với chúng tôi: Đồng bào dân tộc làm nông nghiệp nhiều đời nay mãi chưa giàu lên được. Nhưng PTT Hoàng Trung Hải đã khẳng định "Không thể làm bô-xít bằng mọi giá!"

Chủ trương của Đảng và Chính phủ phát triển công nghiệp bauxite ở vùng Đắk Nông bà con rất mừng, vì việc đó sẽ giúp phát triển công nghiệp của tỉnh, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, bà con có điều kiện thay đổi tập quán sản xuất, ổn định hơn về cuộc sống và nâng cao trình độ. Ông Chủ tịch lại nói suông, không có cơ sở rồi, sao ông biết? Hay ông lại "dựa" ông Tổng Than, "Làm rồi mới biết!"?

Bauxite Việt nam


(13/05/2009-04:00:00 PM)

(Chinhphu.vn) - Vấn đề môi trường mà nhiều người lo ngại nhất trong quá trình sản xuất alumina là bùn thải (bùn đỏ) và cùng với đó là nguồn cung cấp nước. Để giúp bạn đọc có một cái nhìn cụ thể, nhóm phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã thị sát trực tiếp tìm hiểu quy trình và phương pháp xử lý các vấn đề này tại khu vực thi công của Công ty cổ phần Alumina Nhân Cơ (tỉnh Đắk Nông).

Khu vực sẽ được cải tạo thành hồ chứa bùn đỏ - Ảnh: Chinhphu.vn

Xử lí bùn đỏ ở mức tối đa nhằm bảo vệ môi trường

Tại một khoảnh đất lõm rộng chừng 210 ha nằm ngay sát mép khu mặt bằng đã được san phẳng, cán bộ Công ty cổ phần Alumina Nhân cơ giới thiệu cho chúng tôi biết đây là khu vực dành để chứa bùn đỏ, ô đất đó sẽ được khoét sâu thêm và ngăn ra từng ô nhỏ để chứa bùn đỏ.

Theo tính toán, để sản xuất 1 tấn alumina, dự kiến khoảng 0,8- 1,5 tấn bùn đỏ được thải ra.

Trong các dự án của TKV đang triển khai, bùn đỏ được xử lí theo phương thức các gói bùn sẽ được chia nhỏ rồi thải ra nối tiếp nhau.

Khu vực bãi chứa bùn đỏ được áp dụng giải pháp chống rò rỉ hoàn thiện để tránh tình trạng dung dịch của bùn đỏ thấm thấu gây ô nhiễm nguồn nước dưới lòng đất.

Hồ bùn đỏ sau khi chia thành những ô nhỏ, nền của hồ sẽ được nạo vét; sau đó được phủ một lớp đất sét nén chặt, trên lớp đất sét là 1 lớp vật liệu chống thấm; trên nữa sẽ đặt các hệ thống ống thu nước để hút nước ra và trên cùng là lớp cát.

Khi được đổ vào các ngăn nhỏ, bùn đỏ sẽ tự lắng, sau khi hút hết nước, lượng bùn sẽ đông, khô cứng lại rồi sau đó được vùi dưới một lớp đất.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Alumina Nhân Cơ Bùi Quang Tiến giải thích: Đây là phương pháp đã được các nước trên thế giới sử dụng từ hơn 100 năm nay.

Hiện nay và dự báo trong tương lai khoảng 90% lượng alumina trên thế giới vẫn được sản xuất bằng công nghệ Bayer (công nghệ thuỷ luyện bằng kiềm).

Bùn đỏ thực chất là cặn không hoà tan trong kiềm và thu được trong quá trình hoà tách bauxite với dung dịch kiềm (NaOH).

Xét theo thành phần hoá học của bùn đỏ thì trong chất rắn của bùn đỏ không có chất gây hại đặc biệt đến môi trường, không có chất phóng xạ, chất rắn huyền phù bùn đỏ không thuộc loại rác thải nguy hại.

Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, tại khu vực bao quanh hồ bùn đỏ, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam sẽ xây dựng các công trình đập ngăn nước mặt chảy tràn vào khu hồ để tránh việc nước mưa ở các khu vực xung quanh tràn vào hồ bùn.

Hệ thống đập sẽ được xây dựng thành 3 lớp để hạn chế tối đa ảnh hưởng của bùn đỏ. Các đập này được thiết kế chống được động đất cấp 6.

Khi hồ bùn đỏ đã được lấp đầy ở độ cao nhất định theo thiết kế, sẽ tiến hành lấp hồ bùn đỏ và tiến hành tái tạo sinh thái.

Bên cạnh các phương án trên, Tập đoàn đang phối hợp với một số cơ sở nghiên cứu việc tận dụng bùn đỏ

Trong buổi kiểm tra dự án này ngày 9/5, bước đầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã bày tỏ hài lòng với phương án xử lý bùn đỏ của TKV.

Dự án không sử dụng nguồn nước ngầm

Theo tính toán, dự án Nhân Cơ cần 28 triệu m³ nước/năm, trong đó nước dành cho nhà máy tuyển là 14 triệu m³ và nhà máy sản xuất alimina là 4 triệu m³.

Hồ Cầu Tư sẽ được cải tạo nâng công suất thêm 10 triệu m³ - Ảnh: Chinhphu.vn

Hiện nay nguồn nước cho dự án này được Công ty dự kiến sử dụng từ 2 nguồn: suối Đắk Tít và hồ Cầu Tư.

Tỉnh Đắk Nông đã đồng ý cấp cho dự án 1.000 m³ nước/giờ và theo đánh giá, lượng nước này không ảnh hưởng tới các công trình thuỷ điện trên địa bàn.

Với nguồn nước từ hồ Cầu Tư, Công ty sẽ có phương án cải tạo để nâng công suất hồ từ 1 triệu m³ lên 11 triệu m³.

Với lưu lượng bề mặt hồ 25 km² cộng với lượng mưa trung bình 2.500mm/năm, hồ Cầu Tư sẽ dự trữ nước đủ đáp ứng cho dự án và phục vụ tưới tiêu trong cả mùa khô của tỉnh mà không cần phải sử dụng tới lượng nước ngầm.

Có thể nói, khai thác và chế biến bauxite tại Tây nguyên không thể tránh việc gây ra những tác động môi trường nhất định. Nhưng những tác động môi trường này hoàn toàn có thể được khống chế đạt mức an toàn cần thiết.

Điều quan trọng là trong quá trình triển khai thí điểm dự án, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phục hồi diện tích khai thác như đã đề ra. Đặc biệt công tác kiểm tra giám sát trong quá trình thi công và vận hành dự án cũng phải luôn được các cấp, các ngành giám sát chặt chẽ.

Bà con các dân tộc tỉnh Đắc Nông mà chúng tôi đã gặp, đã hỏi chuyện đều rất phấn khởi với chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp bauxite ở địa phương. Khai thác bauxite sẽ giúp công nghiệp nói riêng cũng như kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, đời sống của bà con sẽ ổn định hơn và nhất là đồng bào có điều kiện thay đổi tập quán sản xuất và nâng cao dân trí.

Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông K'Beo nói với chúng tôi: Đồng bào dân tộc làm nông nghiệp nhiều đời nay mãi chưa giàu lên được. Chủ trương của Đảng và Chính phủ phát triển công nghiệp bauxite ở vùng Đắk Nông bà con rất mừng, vì việc đó sẽ giúp phát triển công nghiệp của tỉnh, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, bà con có điều kiện thay đổi tập quán sản xuất, ổn định hơn về cuộc sống và nâng cao trình độ.

Nhóm phóng viên Cổng TTĐTCP

Nguồn: Cổng TTĐTCP

0 comments: