Bauxite Tây Nguyên: Đôi điều trăn trở
Posted On Saturday, May 2, 2009 at at 11:02 PM by Bô-xít Tây Nguyên
Nguồn: http://www.bauxitevietnam.info/ykien/090502_doidieutrantro.htm
Là một công dân Việtnam, tôi cũng như tất cả mọi người trong và ngoài nước đều quan tâm đến sự phát triển của đất nước từng ngày, từng giờ. Tôi luôn mong mỏi đất nước mình ngày càng giàu mạnh để có tiền đầu tư cho Giáo dục, Y tế nhiều hơn và hy vọng phúc lợi xã hội của người dân ngày càng tốt hơn. Thời gian gần đây, chủ đề về quy hoạch và các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên được bàn luận khắp nơi. Người ủng hộ việc cũng nhiều mà người phản đối cũng không ít. Dù quan tâm, nhưng nghĩ vì mình không phải là “chuyên gia chuyên ngành” gì cả, cũng không có học vị, tự biết kiến thức mình nông cạn, nên tôi đành ngồi “dựa cột mà nghe”. Kẻo nói sai nói bậy, không khéo người ta bảo mình “tát nước theo mưa” thì khốn khổ cái thân già.
May sao, trang mạng bauxitevietnam.info được lập ra và dành cho những ai quan tâm đến vấn đề khai thác bauxite ở Tây nguyên tham gia bàn luận, đóng góp ý kiến, và học hỏi. Xin cám ơn những người đã mở trang mạng này để cập nhật tin tức mới về bauxite. Nhân đọc bài báo của phóng viên Ngô Chí Tùng, tôi xin được bày tỏ vài điều “trăn trở” của mình. Tôi dùng hai từ ‘trăn trở’ vì từ bé tới giờ tôi chưa có “ý kiến” bao giờ. Lâu rồi thành quen.
Nếu đem so sánh tấm bản đồ địa hình của Tây Nguyên chụp năm 2008 với tấm bản đồ chụp hơn 10 năm trước thì mới thấy thật là xót xa, khi những vùng bờn bợt như màu cỏ úa cứ loang rộng ra trên bản đồ và lớn hơn rất nhiều vùng có màu xanh thẫm.[1]
Tôi không biết tính xác thực của bài báo trên được mấy phần. Vì vào thời buổi kinh tế khó khăn này, viết báo cũng là một cái nghề. Khách hàng đặt sao thì người viết thuê sẽ viết theo đúng đơn đặt hàng của khách [như ông Hà Văn Thịnh có trần tình]. Nếu đoạn văn trên trong bài báo của phóng viên Ngô Chí Tùng là đúng thì tôi ủng hộ việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Theo tôi hiểu, thì ý của tác giả bài báo trên muốn nói rằng: “Đất Tây Nguyên đã chết, đang chết, và sẽ chết!”
Do đó, nếu đất Tây nguyên đã, đang và sẽ chết, thì đất Tây nguyên có chết sớm một chút do việc khai thác bauxite thì cũng chẳng sao và cũng không có gì để bàn cãi. Vì chết sớm chết muộn thì cũng là chết thôi. Thôi thì cho nó chết sớm đi môt chút cho khỏe xác, đỡ bớt nhọc nhằn. Nhưng trước khi sự kết thúc đó xảy ra, tôi có vài điều trăn trở.
1. Quy hoạch và các dự án chuẩn bị hời hợt, nhưng tiến hành quá vội vã
Bộ Chính trị nêu rõ: Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bô-xít là nhất quán từ Đại hội IX và Đại hội X của Đảng đến nay. Triển khai các nghị quyết Đại hội, trong 2 nhiệm kỳ, Bộ Chính trị đã nhiều lần bàn và ra các nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ngành công nghiệp bô-xít, alumin, nhôm, phục vụ phát triển kinh tế đất nước nói chung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên nói riêng. [2]
Như vậy, vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã được đề cập tới gần đây nhất mà chúng ta được biết là từ năm 2001. Điều làm tôi băn khoăn ở đây là tại sao Chính phủ không đưa vấn đề này ra bàn bạc trong các kỳ họp Quốc hội, và công luận sau “nhiều lần nhất quán” kia? Mà để đến 11-01-2007 thì Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt tại Quyết định số 167/2007/QD-TTg?[3] Và nếu vấn đền này được đưa ra dư luận sớm hơn, hẳn có thể có nhiều cái lợi.
1. Các ngành liên quan, các nhà khoa học liên đới có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề ảnh hưởng tốt cũng như xấu của việc khai thác bauxite để có thể tư vấn tốt nhất cho Chính phủ và Quốc hội.
2. Có thời gian để gởi các chuyên gia của nước ta đi tham quan học hỏi từ những nước đang khai thác bauxite để học hỏi những kinh nghiệm từ các khâu khai khoáng, đến xử lý bùn đỏ và môi trường.
3. Có thời gian đào tạo kỹ sư, nhân viên kỹ thuật chuyên ngành. Như bài báo dưới đây, năm 2011 đã cho ra lò những sản phẩm đầu tiên mà bây giờ (2009) chưa tuyển được người để gởi đi đào tạo thì nhân lực ở đâu mà làm ra sản phẩm? Gởi đi nước nào thì học viên cần phải thông thạo ngôn ngữ nước đó mới theo kịp chương trình đào tạo. Nội học ngôn ngữ cũng khá nhiêu khê rồi. Còn đào tạo Kỹ sư cũng mất 4 năm. Cao đẳng thì 2 năm hoặc hơn 2 năm. Học viên không biết ngoại ngữ mà vừa học chương trình đào tạo kỹ thuật & học ngoại ngữ một lượt thì làm sao tiếp thu và nắm bắt kiến thức vững vàng? Hay là Chính phủ đã có chương trình đào tạo Hoa ngữ, Anh ngữ cho các em học viên rồi? Nếu được vậy thì là điều đáng mừng vì chúng ta có những người lãnh đạo có tầm nhìn xa.
Trong khi đó, một bộ phận khác đang làm nốt các thủ tục cần thiết để tuyển dụng gần 1.000 lao động địa phương đưa ra nước ngoài đào tạo [không biết ngoại ngữ mà học làm sao] hoặc gửi tới Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Việt Bắc –TKV [chưa có kinh nghiệm gì nhiều trong khai khoáng và chế biến quặng bauxite] để kịp về phục vụ nhà máy tinh luyện quặng dự kiến cho ra lò những sản phẩm đầu tiên vào năm 2011.[1]
Nếu không tìm hiểu, nghiên cứu kỹ những ảnh hưởng xấu của việc khai thác bauxite trước khi khai thác thì rủi khi có chuyện xảy ra, làm sao ta biết cách đối phó? Hay là ta chờ nó xảy ra thì mới tìm cách? Lúc đó có muộn hay không? Về nhân lực cũng vậy. Ta phải đào tạo đủ nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành nhà máy và khai thác. Còn không thì chúng ta sẽ phụ thuộc vào nguồn nhân lực nước ngoài. Lúc đó, ta sẽ bị lệ thuộc. Mà thời nào cũng vậy, bị lệ thuộc là điều không nên.
2. Canh bạc về hiệu quả kinh tế
Theo thông tin của TKV, vốn huy động cho các dự án từ 680 đến 900 triệu đô la Mỹ, trong đó vốn chủ sở hữu TKV bỏ ra là chỉ có 30%, phần còn lại phải đi vay. Trong thời buổi khủng hoảng này, vay từ 476 đến 630 triệu đô la Mỹ đâu có dễ dàng gì. Để được vay dù từ các ngân hàng trong hay ngoài nước, thì các dự án phải qua các khâu kiểm toán, thẩm định luận chứng kinh tế. Và theo TKV, đi vay cũng không có bảo lãnh của Chính phủ, Bộ Tài chính. “Lỗ hay lãi bây giờ chỉ là dự đoán. Chúng tôi nói có lãi, các nhà khoa học bảo không. Khoa học và thực tế bao giờ cũng là 50:50. Vậy thì tốt nhất hãy làm đi, rồi mới kiểm nghiệm được. Thực tế sẽ trả lời.” Đó là lời của ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị TKV[4]
Tôi không rành về kinh tế. Nhưng theo lời ông Đoàn Văn Kiển nói trên đây thì nếu Chính phủ có 1 tỷ rưỡi đô la Mỹ, thì tiến hành khai thách bauxite ở Tây Nguyên. Còn không có đủ số tiền trên thì nên ngừng khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Chúng ta ai cũng biết hoặc đã từng chơi trò “chẵn, lẻ”. Tức là 50/50. Một trò chơi đơn giản. Vậy xin mọi người thử đặt 10 lần thì kết quả trúng (hay thắng) được bao nhiêu? (Còn ai mà “rành” cá độ đá banh thì biết rõ kết quả “thắng thua” ra sao). Là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị một công ty lớn, được Chính phủ giao trọng trách thi hành giám sát, thi công các công trình của “một chủ trương lớn” của Chính phủ mà ông Kiển ví như một canh bạc 50/50 thì thật là “thập bách phần nguy hiểm”. Nếu ông Kiển cho tôi là “tát nước theo mưa” thì xin ông gọi cho ông Bùi Tiến Dũng để hỏi thăm kinh nghiệm xương máu của canh bạc 50/50.
Tôi nông cạn nên chỉ biết trăn trở được đôi điều. Nhưng thiển nghĩ rằng, tình hình kinh tế đất nước đang khó khăn, 680 triệu USD không phải là nhỏ. Chính phủ phải đi vay đi mượn chỗ nọ chỗ kia. Mà mượn thì phải trả, ai đai lưng ra mà trả nếu không phải trên 80 triệu dân Việt Nam, đời này không trả hết, con cháu cũng phải trả. Là người dân thì ai cũng mong “chủ trương lớn” của Chính phủ thành công. Tuy nhiên, chữ “nếu” thì không biết trước được. Vì “nếu lỗ hay thất bại” thì sao? Lúc đó thì rõ ràng là ‘hoà cả làng’ thôi, vì chính ông Kiển đã cảnh báo trước cho Chính phủ và bàn dân thiên hạ rằng chuyện khai thác bauxite Tây nguyên là “5 ăn, 5 thua”, là “đánh bạc” mà cứ làm thì ráng mà chịu! Ông Kiển có thể còn đòi Chính phủ tuyên dương công trạng nữa là khác! Mà đằng nào ông cũng "thắng", cho dù dự án có lãi hay lỗ, chỉ có mọi người đều thua!
Xin cảm ơn trang mạng và kính chúc tất cả lời chào sức khỏe.
Thân ái,
Nguyễn Đính
[1] Nguồn: http://www.laodong.com.vn/Home/Bauxite-Tay-Nguyen-cai-nhin-can-canh/20094/136066.laodong
[2] Nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/04/844142/
[3]Nguồn:http://www.bauxitevietnam.info/ykien/090501_chamdiemchothongcao.htm
[4]Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/6642/index.aspx