Bộ Công Thương: Đặt nhà máy alumin ở Tây Nguyên là hợp lý

Nguồn: http://www.laodong.com.vn/Home/Dat-nha-may-alumin-o-Tay-Nguyen-la-hop-ly/20095/136630.laodong

(LĐ) - Đó là khẳng định của lãnh đạo Bộ Công Thương với báo giới, trước hàng loạt ý kiến cho rằng: Đề nghị xem xét chuyển địa điểm nhà máy alumin ở khu vực Tây Nguyên ra khu vực ven biển để tăng được cao hơn hiệu quả kinh tế.

(Tiêu Phong) - Các ý kiến đề nghị chuyển địa điểm nhà máy ra ven biển là một cố gắng giảm tác hại của dự án nhằm chấp nhận "sự đã rồi". Nhưng đúng ra là phải kiên quyết dừng dự án, tiến hành nghiên cứu, đánh giá toàn diện và khoa học để xác định có làm hay không, nếu làm thì làm như thế nào, có các bảng biểu, con số dự tính, có người chịu trách nhiệm sống chết với dự án,... Và tất nhiên mọi việc này ta phải tự là, xin cảm ơn nhưng mời bàn tay Tàu rụt lại!!

Chấp nhận giảm hiệu quả kinh tế

Theo giải thích của Bộ Công Thương, Tây Nguyên có nguồn tài nguyên bauxite lớn nhất cả nước. Chủ trương của Đảng và Nhà nước xây dựng và phát triển ngành sản xuất alumin ở đây nhằm mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên - là địa bàn đang hết sức khó khăn về kinh tế và xã hội. Phương án bố trí nhà máy alumin tại khu vực Tây Nguyên có thể có hiệu quả kinh tế thấp hơn so với phương án bố trí tại khu vực ven biển.

Nhưng việc đặt nhà máy tại đây sẽ bảo đảm yếu tố tích cực để góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên thông qua việc xây dựng tuyến đường sắt đa dụng, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, tạo điều kiện cho việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và các loại hình dịch vụ phục vụ cho ngành công nghiệp khai thác bauxite và chế biến alumin.

Việc làm này sẽ đáp ứng được nguyện vọng và lợi ích của nhân dân địa phương, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Xuất phát từ việc cân nhắc các yếu tố nêu trên, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, quy hoạch định hướng địa điểm các nhà máy alumin đặt tại khu vực Tây Nguyên là hợp lý, phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân địa phương.

Trước hàng loạt các ý kiến của dư luận bày tỏ sự nghi ngại về tính hợp lý và hiệu quả kinh tế của việc bố trí các nhà máy alumin ở Tây Nguyên, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định: Chính việc phát triển các nhà máy alumin tại Tây Nguyên tuy có giảm bớt hiệu quả kinh tế của dự án, nhưng đổi lại, việc làm như thế sẽ đảm bảo cho sự phát triển kinh tế và cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đảm bảo sự phát triển hài hoà giữa kinh tế với phát triển văn hoá - xã hội ở vùng đất còn khó khăn như hiện nay.

Còn theo ông Đoàn Văn Kiển - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV): Sự hình thành cụm kinh tế công nghiệp bauxite khu vực sẽ kéo theo sự phát triển các ngành kinh tế dịch vụ như giao thông vận tải, cơ khí, xây dựng, thương mại, khách sạn và du lịch, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống... Đây là tiền đề để tạo nên sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực từ thuần nông - lâm nghiệp sang kinh tế đa ngành nghề, trong đó có công nghiệp là thành phần kinh tế cơ bản.

Sẽ không để ô nhiễm môi trường Tây Nguyên

Có thể khẳng định rằng, mối lo lắng nhất hiện nay của dư luận là khả năng sẽ gây ô nhiễm môi trường do việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Khẳng định sẽ không để xảy ra vấn đề ô nhiễm môi trường, ông Đoàn Văn Kiển cho biết: Rút kinh nghiệm sâu sắc về vấn đề bảo vệ môi trường đối với việc khai thác than ở Quảng Ninh, TKV đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương để lập các phương án đối phó với vấn đề ô nhiễm môi trường, nghiên cứu rất kỹ các giải pháp bảo vệ môi trường, hoàn thổ sau khai thác đã được áp dụng tại Australia và Trung Quốc của các tập đoàn nước ngoài như Alcoa, Chalco... để ứng dụng trong quá trình khai thác bauxite tại Tây Nguyên.

Mối lo lớn nhất còn là nguy cơ về an ninh quốc phòng nữa, các vị cố tình ỉm đi! Còn với nguy cơ môi trường, xin cảm ơn cái rút kinh nghiệm sâu sắc của ông Kiển, nhưng để được ông rút kinh nghiệm sâu sắc thì tài nguyên đất nước, cuộc sống của hàng chục ngàn người dân phải trả giá hơi đắt đấy! Các phương án đối phó, các giải pháp được nghiên cứu rất kỹ của cac vị đâu, sao không đưa ra cho nhân dân biết và đánh giá giám sát? Alcoa của Mỹ rút rồi, Australia khai thác trên vùng sa mạc, ông cố tình không biết? Tóm lại với ông Kiển, hãy ghi nhớ lời ông khi trả lời phóng viên về việc tại sao dự án bô-xít đã chuẩn bị được 10 năm (?) mà bây giờ dân mới biết: "Lúc đó tôi đã làm [Tổng giám đốc TKV] đâu mà trả lời". Ông ấy nói đúng đấy chứ, Lãnh-đạo-có-nhiệm-kỳ mà. (Tiêu Phong)

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kết quả phân tích bùn đỏ của bauxite Tây Nguyên đã có kết luận tin cậy về thành phần bùn đỏ không có chất gây độc hại cho môi trường, không có chất phóng xạ và không thuộc loại rác thải nguy hiểm. Tuy nhiên, trong phần dung dịch bùn đỏ còn có lượng kiềm dư nhất định, độ PH³12,5. Lượng kiềm này có thể thẩm thấu, gây tác hại cho đất xung quanh và làm ô nhiễm nguồn nước; vì vậy, phải xử lý huyền phù bùn đỏ theo tiêu chuẩn xử lý chất thải nguy hiểm. Hiện nay, công nghệ hiện đại thải và chứa cách ly bùn đỏ đã đạt hiệu quả gần như an toàn tuyệt đối với môi trường và đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới.

Bộ Công Thương cho rằng, việc khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên không thể tránh khỏi gây ra những tác động môi trường nhất định; tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế của thế giới cho thấy những tác động môi trường này hoàn toàn có thể khống chế tới mức an toàn cần thiết. Vấn đề quan trọng là phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và giám sát các giải pháp bảo vệ môi trường ngay trong quá trình xây dựng cũng như quá trình vận hành các dự án alumin.

Được biết, vấn đề này đã được Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì để phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương liên quan kiểm tra, giám sát các giải pháp bảo vệ môi trường đối với các dự án khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên.

Công Thắng

0 comments: