Bộ Công Thương đã từng mất cảnh giác

Ngày 28/4/2009 đại diện Bộ Công Thương họp báo có lời phê phán những người tham gia Kiến nghị về Bô Xít Tây Nguyên là “kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện, … thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng”.

Tôi không tham gia ký Kiến nghị vì quan điểm của tôi có điểm khác, là có thể khai thác Bô Xít Tây Nguyên nhưng các công đoạn luyện bằng nước, xút, nung kết và điện phân thì nên làm tại hạ lưu ở bắc Đèo Cả; nhưng tôi rất trân trọng những người đã ký Kiến nghị vì họ thật sự yêu nước và cảnh giác vì sự an bình của đất nước.

Bống nhiên, đọc bản tin trên báo Thanh Niên ngày 7-7-2008, tôi thật sự thấy lo lắng:

Ngày 6-7-2008 động thổ: Dự án Khu liên hợp thép và cảng Sơn Dương (xã Kỳ Lợi, H.Kỳ Anh) là dự án 100% vốn nước ngoài. Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Formosa, một tập đoàn kinh tế đa ngành lớn nhất của Đài Loan.

Theo kế hoạch của nhà đầu tư, giai đoạn 1 của dự án có số vốn đầu tư lên tới 7,9 tỉ USD, bao gồm hai hạng mục: Nhà máy liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm, với tổng vốn đầu tư 7,2 tỉ USD; Cảng biển nước sâu Sơn Dương, gồm 8 cầu cảng và 4,2 km đê chắn sóng, chuyên dùng phục vụ sản xuất nhà máy thép, công suất bốc dỡ 30 triệu tấn/năm, với tổng vốn đầu tư là 0,7 tỉ USD.”

Theo thông tin trên mạng, từ khi khảo sát đến lúc động thổ công trình, thời gian không quá 1 năm. Một đại công trình như vậy mà tiến trình xét duyệt lại quá nhanh, nên gần như các ban ngành có nhiệm vụ phản biện đều bị vô hiệu hóa. Dự án này thuộc Bộ Công Thương quản lý.

Năm 2003 khi về Hà Tĩnh với cương vị là Trưởng Ban cơ sở hạ tầng cảng Biển, tôi đã trực tiếp báo cáo với Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh là tiềm năng cảng lớn nhất của Hà Tĩnh là vùng phía nam Vũng Áng sau khi xây con đê nối mũi Ròn và hòn Sơn Dương dài 3km. Đó là vị trí cảng ổn định và tốt nhất bờ biển phía bắc của Việt Nam, không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà cả ý nghĩa quân sự (đọc bài “Tây Nguyên là yếu huyệt trên bộ, vậy trên bỉển đâu là yếu huyệt?”)

Tiếc rằng vịnh Sơn Dương hiện nay đã hoàn toàn bị kiểm soát bởi công ty Đài Loan. Phải chăng người Việt Nam chúng ta thiếu cảnh giác?

Để hiểu mối quan hệ Đài Loan và Trung Quốc xin đọc bản tin của Thông Tấn xã Việt Nam (Tin Tham khảo thứ Sáu, 01-08-2008; Số 175-TTX)

Trích: Đài Loan từng hổ trợ quân sự cho Trung Quốc ở Biển Đông—TTXVN (Hồng Kông 31/7). Tờ “Thái Dương” ngày 30 /7 dẫn nhận định của bình luận viên Cổ Lữ cho rằng Trung Quốc và Đài Loan đã từng thỏa thuận ngầm về vấn đề Nam Hải ( Biển Đông). Trong thời kỳ đối đầu gay gắt nhất giữa hai bờ Eo biển Đài Loan , Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc vẩn kiên trì lập trường Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông. Ngày 19/1/1974, tàu chiến của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến ra Hoàng Sa. Trước đây khi tàu chiến của PLA đi ra vùng biển giữa Đông Hải và Nam Hải ( Biển Đông) đều phải vòng qua vùng biển quốc tế ở Đông Nam Đài Loan. Làn này do tình hình quân sự khẩn cấp nên đã trực tiếp đi thẳng qua Eo biển Đài Loan. Quân đội Đài Loan sau khi phát hiện đã báo cáo với Tưởng Giới Thạch. Tưởng Giới Thạch nói “Chiến sự ở Hoàng Sa khẩn cấp” nên quân đội Đài Loan không những không nã pháo vào tàu chiến PLA, mà còn bật đèn chiếu sáng để tàu chiến PLA đi qua thuận lợi.

Tháng 3/1988, tàu chiến của PLA đã từng triển khai chiến đấu tại khu vực biển ở bãi Xích Qua (Việt Nam gọi là đảo Gạc Ma) thuộc quần đảo Trường Sa và cũng đã dừng chân ở đảo Thái Bình một tuần để bổ sung lương thực và nước uống. Khi đó Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Đài Loan Trịnh Vi Nguyên đã công khai bày tỏ “nếu lại nổ ra chiến tranh, quân đội Quốc dân đảng sẽ giúp quân đội Trung cộng chiến đấu” … Đảo Thái Bình nằm ở phía Tây Bắc Quần đảo Trường Sa, từng được gọi là “”Trái tim của Biển Đông “” cách Quần đảo Hoàng Sa 400 hải lý, cách Cao Hùng 860 hải lý , cách căn cứ Su bic của Philippin 440 hải lý , cách Singapore 540 hải lý. Vì thế có vị trí chiến lược rất quan trọng. Ngoài ra đảo Thái Bình cũng có giá trị trên các mặt an ninh vận tải, thông tin cứu hộ trên biển , thăm dò khí tượng biển Đông , thông tin về các tuyến đường bay quốc tế … Điều quan trọng hơn là dảo Thái Bình là đảo duy nhất ở quần đảo Trường Sa có nguồn nước ngọt , có thể cung cấp cho 2 đại đội sử dụng… Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống Trần Thủy Biền đã cho xây dựng sân bay ở đảo Thái Bình , Trần Thủy Biền còn đi máy bay ra thăm đảo.Đảo Thái Bình có sân bay cũng có nghĩa là đã trở thành một” hàng không mẩu hạm không thể đánh chìm.” Hết trích dẫn

Bộ Công Thương có đọc bản tin trên không? Rõ ràng Bộ Công Thương đã mất cảnh giác khi cân đối giữa tiếp nhận đầu tư và an ninh quốc phòng. Xin đừng nghĩ rằng mình yêu nước hơn người khác. Ý kiến người khác là “kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện, […] thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng”.

Trong quá trình xây dựng đất nước, sự sai sót là không tránh khỏi. Có làm thì có sai. Nhưng quan trọng là phải biết nhìn nhận được điều mình sai, chỉ có nhận biết được sự sai mới có thể điều chỉnh và sửa sai. Đó là một chuyện bình thường trong quy trình làm việc trong khoa học cũng như trên thực tế.

Thương trường quốc tế là một chiến trường, không có bạn vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi Tổ quốc Việt Nam là vĩnh viễn. Chúng ta tôn trọng quyền lợi các dân tộc khác nhưng phải luôn cảnh giác bảo vệ độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

KS Doãn Mạnh Dũng

BXVN hiệu đính

0 comments: