Hai thắc mắc về vụ bauxite Tây Nguyên

Dư luận về vụ này đang xôn xao thêm từng ngày, không chỉ các trang mạng trong nước mà cả báo chí quốc tế cũng đưa tin sát sao. Bộ Chính trị đã có kết luận, bây giờ mọi người còn hồi hộp theo dõi xem Quốc hội sẽ thảo luận vấn đề này như thế nào. Vị dân biểu Nguyễn Lân Dũng đã sớm cho biết ý kiến là ông đã "hoàn toàn thoả mãn" với các kết luận của BCT rồi, nhưng còn mấy trăm vị nữa, quốc dân cũng rất mong các vị tỏ rõ chính kiến.

Với tư cách là một công dân, tôi có một thắc mắc từ đầu mà đến nay tôi vẫn chưa biết rõ.
Đó là vấn đề: ý tưởng về dự án Bauxit khởi đầu do ai (phía VN hay phía TQ) nêu lên? Không nhắc lại việc VN đề xuất với khối Comecom hồi đầu thập kỷ 1980 đã được các chuyên gia Nga góp ý không nên thực hiện. Hồi đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Phó thủ tướng trực tiếp thụ lý vấn đề này, đại tướng đã cho biết rất rõ trong bức thư, nay ai nấy đều được biết cả rồi. Điều tôi thắc mắc là trong và sau quá trình bình thường hóa quan hệ VN-TQ, bên nào là phía đầu tiên đề xuất vấn đề hợp tác khai thác Bauxit ở Tây Nguyên?

Việc đó:

a- Đơn thuần là một sáng kiến làm kinh tế có lợi cho cả đôi bên, được đề xuất riêng biệt, trong hoàn cảnh hợp tác bình thường như bao viêc kinh doanh buôn bán khác lâu nay ?

b-Hay là một đề tài được đề xuất cả gói (chung với các yêu cầu đề nghị khác) được đem ra đàm phán để tiến đến ký kết bình thường hóa quan hệ Việt - Trung?

Hai khởi đầu khác nhau dẫn đến các cách giải quyết vấn đề khó dễ khác nhau.

Nếu đơn thuần là hợp tác kinh tế thì tôi nghĩ Đảng cứ để cho bên chính quyền (Thủ tướng) làm, đồng thời cũng nên để cho dư luận xã hội tham gia đóng góp ý kiến, càng nhiều phản biện càng tốt. Chính các nhà lãnh đạo của Đảng mấy năm gần đây cũng rất nhiều lần kêu gọi như vậy. Thế nhưng đang khi nhiều nhà chuyên môn hiểu sâu về bauxit đang nghiêm túc tranh biện thì Thủ tướng lại nói đây là "chủ trương lớn của Đảng", rồi Bộ Chính trị lại ra bản kết luận, khiến cho dư luận nhân dân không khỏi cảm thấy đây không đơn thuần là vấn đề hợp tác kinh tế có lợi đôi bên, mà là một vấn đề chính trị ngoại giao hệ trọng liên quan đến quan hệ hai nước Việt-Trung.

Đành rằng việc quốc gia cũng có khi phải giữ bí mật (trong thời gian ngắn) để tiện làm việc, nhưng nay Trung Quốc tuyên bố rõ ràng rồi: quan hệ với Việt Nam là quan hệ láng giềng hữu nghị, minh bach công khai, theo thông lệ quốc tế chứ không theo cách nói tinh thần "đồng chí" CSCN như xưa nữa. Gần đây nhất sau khi VN nộp hồ sơ về thềm lục địa mở rộng thì TQ lập tức đã gửi công hàm phản đối, mà ta cũng đã gửi ngay công hàm phản đối hồ sơ của TQ, như thế là công khai minh bạch, không có gì khuất tất. Xa nữa thì như công hàm 1958 của Thủ tương Phạm Văn Đồng, trước họ cũng giữ kín không nói rõ, nhưng gần đây họ cũng đã họp báo phổ biến khắp thế giới rồi, có gì phải "bí mật" để giữ quan hệ đâu? Vậy thì vấn đề có tên dự án Bauxit Tây Nguyên trong các đề xuất cả gói khi đàm phán bình thường hóa quan hệ Viêt - Trung hay không Chính phủ cũng nên công khai thông báo cho cả nước được biết.

Cứ để tình trạng lờ mờ như hiện nay, dư luận có thể suy ra là có một sự gì đó rất khác thường, vì dự án Bauxit Đắc Nông được nêu lên trong thông cáo chung sau cuộc hội đàm của người đứng đầu hai ĐCS Trung Quốc-Việt Nam năm 2001, tức là một việc lớn chứ không phải việc lặt vặt chỉ ở mức 600 triệu USD chưa đủ quan trọng để thảo luận ở Quốc hội như ông Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng mới phát biểu gần đây. Lưu ý rằng nếu Chính phủ ta không chủ động nói rõ vấn đề này thì đến một lúc thích hợp nào đó chính ĐSQ Trung Quốc tại VN họ cũng sẽ nói ra. Mọi người hẳn còn nhớ vụ phá cây xanh xây khách sạn trong công viên Thống nhất, khi dư luận rộ lên, đại diện văn phòng UBND TP Hà Nội nói lờ mờ dự án ấy liên quan đến nhà đầu tư Thuỵ Điển là nước có công ủng hộ ta trong kháng chiến chống Mỹ, cách không mấy ngày ĐSQ Thuỵ Điển đã ra thông cáo cải chính ngay là họ không liên quan gì đến công trình khách sạn ấy nữa! Tôi hy vọng rằng dự án Bauxit Đắc Nông hay Tây Nguyên không nằm trong một hiệp nghị tổng thể nào quan trọng như tầm cỡ hiệp định khôi phuc quan hệ bình thường giữa hai nuớc.

Lại nữa, ngay cả khi nó đã được trói vào phần cứng đó, thì dư luận cũng cần được biết thêm "sáng kiến" bauxit ấy là do phía VN chủ động nêu lên cho “đủ sức nặng” để trao đổi với gói của Trung Quốc, hay ngược lại là do phía TQ nêu lên – nghĩa là TQ đòi bauxit như một điều kiện trong gói đàm phán?

Thật khó khăn, nếu như tên Bauxit Đắc Nông đã được ghi trong phần cứng của một hiệp định VN-TQ ở tầm cỡ quốc gia. Nếu có chuyện đó, các nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước lại càng cần cho toàn dân biết rõ để đồng thuận tìm cách giải quyết, chứ không nên giữ im coi là "chuyện đã rồi" như ông dân biểu Dương Trung Quốc có nói đến. Ký kết rồi mà không thực hiện thì TQ họ sẽ nói VN mình "lật lọng" (tôi xem internet TQ thấy rất nhiều các bài vở thiếu hữu nghị với VN như vậy). Nhưng tôi nghĩ rằng, hãy tổ chức các hội thảo khoa học một cách khách quan (chứ không phải hội thảo đạo diễn như cuộc vừa qua) để xác định lợi ích được - mất của dự án, thậm chí cần phải mời cả các tổ chức quốc tế có uy tín làm tư vấn thẩm định v.v. Rồi Quốc hội thảo luận một cách rất thẳng thắn dân chủ công khai, nếu cần dừng hay điều chỉnh thế nào thì sẽ thương thảo lại với phía TQ, họ chịu hay không là một chuyện, chứ có gì mà cứ phải giữ kín lờ mờ ? Đó là một tình thế có thể nói là khá kẹt, nhưng nếu cần vẫn phải làm. Thế giới ngày nay có những cuộc khủng hoảng tưởng xẩy ra chiến tranh tới nơi mà người ta vẫn giải quyết được, vụ bauxit làm gì đã đến mức như vậy mà e dè không muốn nói thật ra?

Cuối cùng, nếu quả thật dự án Bauxit Đắc Nông (hay Tây Nguyên nói chung) không bị gắn vào một cam kết cứng nào đó phải thực hiện, các khả năng còn lại đôi bên chỉ coi như một dự án hợp tác giữa các tập đoàn kinh tế với nhau thì lại càng có thể tìm ra lối thoát. Giả dụ cứ "cố đấm" làm cho được cái dự án ấy, thì về môi trường, Tây Nguyên bị tàn hại như thế, mà về lợi ích kinh tế, ông Kiển đã có câu nói rất nổi tiếng 50:50, nghĩa là rất có thể bị lỗ hoặc có lời thì mức độ cũng khá thấp! Làm gì cũng vì lợi ích quốc gia (chứ có phải việc riêng quyền lợi riêng của các vị đâu), thế thì hay gì cái chuyện cứ làm thục mạng mà dư luận hiện nay đã khá đông người không đồng tình. Dăm ba năm năm nữa lên Tây Nguyên thấy xơ xác một màu đỏ ối mà đời sống người dân Tây Nguyên chẳng khá lên được tí nào, thì thử hỏi các vị có yên tâm với công sức của bao người đã bỏ ra hay không ? (Lời lãi như ông Kiển nói đó thì lấy gì mà cải thiện đời sống cho đồng bào Tây Nguyên?).

Tôi thích xem đá bóng, thường vẫn gọi đội U22, U23, v.v. Nay tôi đã là cầu thủ đội ngoài 70 rồi, tuy theo dõi vẫn thường xuyên nhưng mấy chục năm trường trôi qua, tôi tuyệt nhiên chưa viết một bài nào về chuyện quốc gia đại sự cả. Nhưng nay những người cùng trang lứa như GS Nguyễn Huệ Chi vốn là bạn học của tôi hồi thiếu niên, sau lại cùng làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu giới thiệu di sản Hán Nôm, nay đứng chính thảo hai bức thư nêu những kiến nghị rất xác đáng với một tinh thần rất thẳng thắn, trong sáng không chút vụ lợi. Vậy thì tôi cũng phải mạnh dạn ghi lại mấy thắc mắc về sự khởi đầu của dự án Bauxít Tây Nguyên. Tôi đã mất nhiều thì giờ tra tìm, không thấy đâu nói đến. Đó là thắc mắc thật của tôi chứ không phải cách đặt ra câu hỏi để tự trả lời như thường thấy.

Nếu may mắn có vị lãnh đạo có trách nhiệm bằng cách nào đó giải đáp cho thì rất tốt (lưu ý trách nhiệm giải đáp, tránh tình trạng như chuyện ĐSQ Thuỵ Điển cải chính đã nói ở trên). Nếu không được như thế thì bàì nêu thắc mắc này kể như cũng rơi vào "sự im lặng đáng sợ". Biết làm sao nữa?

Ngô Đức Thọ

50, ngõ 210/41/11 Đội Cấn,Hà Nội

ngoductho@hn.vnn.vn

HD Mạng Bauxite Việt Nam hiệu đính

0 comments: