Dự án khai thác bôxit Nhân Cơ, Đắc Nông: Báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa ổn

Nguồn: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=315320&ChannelID=17


TT - Ngày thứ hai làm việc ở Tây nguyên (9-5), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên đã thị sát khu vực chuẩn bị xây dựng Nhà máy alumin Nhân Cơ và nghe chủ đầu tư báo cáo phương án bảo vệ môi trường.

Đoàn kiểm tra tại khu vực tập trung mẫu quặng bôxit của Nhà máy alumin Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, Đắc Nông - Ảnh: T.T.D.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh đợt kiểm tra này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là cơ sở để bộ này báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Chính trị để trung ương quyết định có cho phép tiếp tục đầu tư nhà máy sản xuất alumin ở Nhân Cơ hay không. Theo đánh giá sơ bộ của đoàn kiểm tra, Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản VN (TKV), cụ thể là Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ-TKV (VNAC - chủ đầu tư) còn phải làm nhiều việc để hoàn tất báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này.

Chuẩn bị chưa tốt

Ông Bùi Quang Tiến, tổng giám đốc VNAC, cho biết dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ đã được khởi động đầu tư từ cuối năm 2005 với công suất dự kiến lúc đó là 100.000 tấn alumin/năm (tương đương 250.000 tấn quặng tinh/năm). Các hồ sơ dự thầu lúc ấy không đáp ứng yêu cầu và xét thấy hiệu quả kinh tế không có nên chủ đầu tư kiến nghị và được Thủ tướng cho phép điều chỉnh nâng công suất lên 300.000 tấn alumin/năm.

Tuy nhiên, kết quả đấu thầu lần thứ hai cũng không chọn được nhà thầu và tính toán lại hiệu quả kinh tế nên chủ đầu tư một lần nữa kiến nghị và được Thủ tướng cho phép điều chỉnh công suất lên mức 600.000 tấn/năm vào đầu tháng 5-2008. Lần này chủ đầu tư không tổ chức đấu thầu mà được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho phép TKV chỉ định Công ty TNHH Công trình quốc tế nhôm Trung Quốc (Chalieco) - nhà thầu chính dự án bôxit Tân Rai - thực hiện gói thầu Nhà máy alumin Nhân Cơ.

BXTN: Tại sao vậy???

Theo ông Tiến, ngày 18-3, VNAC và Chalieco đã ký hợp đồng, theo đó nhà thầu chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ thiết kế, nguyên vật liệu, thi công xây dựng các hạng mục công trình của nhà máy alumin và các dịch vụ đi kèm. Thời gian thi công và vận hành, chạy thử nhà máy là 24 tháng, bắt đầu tính từ ngày 1-10-2009.

Nếu làm tốt thì không lo dân phản đối

Liên quan đến vấn đề dân sinh, tỉnh sẽ cố gắng bảo đảm tiến độ di dời dân trong khu vực dự án và tổ chức tái định canh. Thời gian qua TKV đã làm tốt công tác dân vận và hỗ trợ địa phương phát triển hạ tầng, đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, theo tôi, cần có phương án hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho người dân, những người không thể canh tác hoặc tham gia lao động phục vụ nhà máy. Việc tái định cư, định canh cần tham khảo ý kiến của người dân xem việc bố trí nhà cửa như thế dân có chịu hay không. Nếu chúng ta làm thật lòng, thương dân thật lòng và lo cho dân đến nơi đến chốn thì chắc chắn không có chuyện người dân chống đối. Nếu lo tốt cho đồng bào bản địa thì ta mới thu phục được lòng dân, vấn đề là ở chỗ này chứ đâu phải chuyện chúng ta đền bù giá cao hay cấp lại cho dân một, hai mẫu đất.

Ông TRẦN QUỐC HUY
(bí thư Tỉnh ủy Đắc Nông)

Tuy nhiên, đến nay công tác chuẩn bị xây dựng nhà máy alumin chỉ mới dừng ở mức chuẩn bị mặt bằng và chuẩn bị các khu tái định cư cho người dân. Trong khi đó, điều kiện quan trọng nhất để được cấp phép xây dựng nhà máy là báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lại chưa được chủ đầu tư hoàn thiện.

Ông Tiến cho biết ĐTM đã được chủ đầu tư lập xong tháng 1-2009 và trình Bộ Tài nguyên - môi trường phê duyệt, sau đó được bộ chuyển cho UBND tỉnh Đắc Nông thẩm định phê duyệt theo quy định phân cấp mới.

Ông Trương Văn Hiển, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đắc Nông, cho biết tỉnh đã thành lập hội đồng thẩm định với sự tham gia của các nhà khoa học để tổ chức đánh giá. Hội đồng này đã yêu cầu chủ đầu tư làm rõ các căn cứ thiết kế nhà máy với công suất 600.000 tấn/năm và khả năng mở rộng lên 1,2 triệu tấn/năm như ĐTM đề cập. Đồng thời chủ đầu tư phải đánh giá kết cấu địa chất, địa tầng và khả năng chịu tải của khu vực hồ chứa bùn đỏ vì trên địa hình Đắc Nông có một số vị trí đứt gãy có khả năng xảy ra địa chấn.

Theo ông Hiển, đến nay tỉnh chưa nhận được bản ĐTM bổ sung những điều chỉnh theo yêu cầu của hội đồng thẩm định.

Không để “đắm thuyền”

Lãnh đạo Cục địa chất và khoáng sản VN cho biết trong thành phần bùn đỏ của dự án Nhân Cơ có một hàm lượng lớn các nguyên tố quý hiếm nên chủ đầu tư cần có giải pháp tận thu để tránh lãng phí. Tuy nhiên, trước hết VNAC phải tính hết các phương án bảo đảm không xảy ra tình trạng bùn đỏ chảy tràn trong mùa mưa.

Ông Dương Văn Hòa - phó tổng giám đốc TKV kiêm chủ tịch HĐQT của VNAC - nhìn nhận: “Hiện nay chỉ mới đủ thông tin phục vụ thiết kế cơ sở cho hồ bùn đỏ, chưa đủ lập thiết kế chi tiết và hiện chủ đầu tư tiếp tục khoan thăm dò để bổ sung”. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Xuân Cường cho rằng dự án triển khai ở Nhân Cơ có lợi thế là nằm ngay khu vực có trữ lượng bôxit giàu nhất Tây nguyên với hơn 4 tỉ tấn và có thể rút kinh nghiệm từ dự án Tân Rai đang triển khai xây dựng.

Tuy nhiên, ông Cường lưu ý chủ đầu tư là công tác chuẩn bị để cho ra đời nhà máy chưa tốt, các thủ tục về hành chính chưa đầy đủ, nhất là về công tác ĐTM. Theo ông Cường, nơi VNAC chọn làm hồ chứa bùn đỏ là một thung lũng có tính chất tụ thủy, tuy về lý thuyết có thể ngăn đập thành hồ kín nhưng thực tế chưa chắc an toàn tuyệt đối.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhận định việc chuẩn bị và triển khai dự án khai thác bôxit để chế biến alumin ở Nhân Cơ còn nhiều thách thức. Thậm chí theo kết luận của Bộ Chính trị, việc có tiếp tục thực hiện dự án hay không còn tùy thuộc việc chủ đầu tư có chứng minh được hiệu quả kinh tế và bảo đảm an toàn về môi trường.

“Nói như thế nhưng chúng ta phải xác định không để “đắm thuyền”, việc ta bàn hôm nay là cần làm gì để dự án được tiếp tục. Bởi vì vấn đề quan trọng không chỉ là Nhà máy alumin Nhân Cơ này mà phải tính tới tương lai của cả tỉnh Đắc Nông, làm tốt dự án này sẽ là lực đẩy để Đắc Nông phát triển” - ông Nguyên nhấn mạnh. Ông Nguyên cho biết Bộ Tài nguyên - môi trường sẽ có trách nhiệm với tỉnh trong giám sát công tác bảo vệ môi trường. Bộ sẽ xem xét lại việc nên để tỉnh Đắc Nông phê duyệt ĐTM như phân cấp hay trực tiếp phê duyệt, ngay cả trong trường hợp UBND tỉnh phê duyệt thì bộ cũng sẽ thẩm định và có ý kiến chính thức để chia sẻ kinh nghiệm, trách nhiệm với tỉnh.

Sau khi phê duyệt ĐTM, bộ sẽ cùng tỉnh Đắc Nông thành lập hội đồng giám sát việc thực hiện tương tự như đối với dự án Tân Rai.

Thông tin về hồ chứa bùn đỏ còn sơ sài

Ông Bùi Cách Tuyến, phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Môi trường, nhắc lại chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội thảo về khai thác bôxit mới đây rằng hồ chứa bùn đỏ của dự án phải có thiết kế được duyệt thì mới được phép triển khai. Nhưng trong báo cáo của chủ đầu tư, theo ông Tuyến, thông tin về hồ bùn đỏ quá sơ sài và ĐTM chưa đánh giá hết được yếu tố phát thải của các hạng mục thuộc dự án nhà máy alumin.

NGUYỄN TRIỀU

______________

Tin, bài liên quan:

>> Tây nguyên: các dự án bôxit chuyển động
>> Khai thác bôxit, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Không thể phát triển bằng mọi giá
>> Khai thác quặng bôxit ở Tây Nguyên: Nhiều nguy cơ, chưa có giải pháp
>> Tây nguyên sẽ “chết” vì... khai thác bôxit
>> Lao động phổ thông nước ngoài đổ vào Việt Nam
>> Bộ Chính trị kết luận vấn đề bôxit: Thực hiện nghiêm ngặt bảo vệ môi trường (*)
>> Vấn đề môi trường đã được quan tâm đúng mức
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Rà soát lại quy hoạch bôxit
>> Thành lập nhóm giám sát môi trường dự án bôxit Tân Rai
>> Dự án bôxit Tân Rai: Sẽ lập “đội đặc nhiệm” giám sát môi trường

Tin bài liên quan

0 comments: