Gánh nặng của thế hệ hôm nay

Link gốc: http://www.laodong.com.vn/Home/Ganh-nang-cua-the-he-hom-nay/20091/123460.laodong

(LĐ) - Trữ lượng các loại khoáng sản ở nước ta rất nhiều. Có khoáng sản thì chúng ta phải khai thác phục vụ đời sống, phát triển. Nhưng đã qua rồi cái thời cứ vô tư khai thác không cần biết đến hệ lụy về môi trường sống.

Nếu khai thác nhiều quá thì những chất thải độc hại nhiều tỉ tấn cứ thế "trôi" và rải khắp nơi.

Nhiều tỉ tấn chất thải sẽ tàn phá hàng triệu hécta đất canh tác và khi ấy chúng là tai hoạ đối với mùa màng, cây cối, con người. Ơ các nước tiên tiến, muốn khai thác quặng độc hại, người ta phải tìm một thung lũng "chết" để chứa chất thải vào đó, sao cho hạn chế đến mức thấp nhất sự thiệt hại của môi trường ở những vùng sinh thái cận kề. Giải pháp đó hiện nay ở nước ta là rất khó, bởi chúng ta không dễ tìm được một thung lũng có đủ độ an toàn như thế.

Bài toán về khai thác tài nguyên thật khó. Không thể không khai thác nguồn tài nguyên quý giá, nhưng cũng không thể bất chấp hiểm hoạ môi trường và rất nhiều hệ lụy... Không thể vì lợi ích thu được tiền từ khai thác khoáng sản mà lại làm thiệt hại nghiêm trọng đến môi sinh của hàng triệu người.

Ngay cả khi có những đối tác nước ngoài có đủ tiềm lực kỹ thuật, tài chính vào khai thác thì họ có đủ tâm huyết và khả năng để bảo vệ môi trường sống cho con cháu chúng ta hay không lại là vấn đề lớn, cần phải cân nhắc kỹ càng.

Lo cho cháu con mai này là trách nhiệm và là đạo lý của cha ông. Nếu chưa thể lo được thì ít nhất cũng tìm giải pháp để đề phòng hiểm hoạ. Làm sao có thể thực thi những dự án trong khi đã biết chắc rằng dự án đó sẽ gây ra rất nhiều hiểm hoạ cho đời sau? Trách nhiệm của người đi trước luôn phải là đủ khả năng, tầm nhìn, hiểu biết để lượng định mọi hậu quả có thể xảy ra. Rất nhiều nhà khoa học, kinh tế học đã cảnh báo, có nghĩa là chúng ta đã biết; vậy thì, tại sao nơi này, nơi kia vẫn tiếp tục làm điều sẽ gây nguy hại đến cuộc sống của thế hệ sau?

Có tài nguyên thiên nhiên là tốt, cần lắm. Nhưng, có những đất nước không có tài nguyên vẫn giàu có như thường - bài học từ Nhật Bản là một dẫn chứng điển hình. Nếu chúng ta cứ vắt thật nhanh, bòn thật nhiều "của để dành" cho con cháu, thì mai này lịch sử sẽ ra sao? Dù muốn hay không, chúng ta cũng buộc phải thừa nhận rằng chưa bao giờ tài nguyên của đất nước bị khai thác một cách vội vã đến như thế và, chưa đủ tinh thần trách nhiệm đến như thế.

Phải giải quyết xong "bài toán" chất thải từ việc khai thác các loại quặng trước khi khai thác nó, đó là nguyên tắc. Phải tính toán sao cho tài nguyên của đất nước được chia đều cho nhiều thế hệ là bổn phận của những người đi trước. Đây không là chuyện hôm nay, mà là lợi ích dài lâu. Nếu không vì lợi ích dài lâu, đất nước ta sẽ không phát triển bền vững.

Hà Văn Thịnh


-->đọc tiếp...

Chính phủ sẽ tổ chức hội thảo về bô-xit Tây Nguyên

Link gốc: http://www.vnn.vn/chinhtri/2009/01/823912/

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chuẩn bị tổ chức một Hội thảo khoa học về việc thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xit trên địa bàn Tây Nguyên, có tính tới những ảnh hưởng môi trường và bàn giải pháp khắc phục.

Chú thích ảnh: Một cảnh khai thác bô-xít trên thế giới (ảnh: picasaweb)
Thành phần tham dự sẽ bao gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan; các nhà khoa học và hoạt động xã hội; các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo thông báo hôm nay của Văn phòng Chính phủ, ngày 5/1/2009 vừa qua, Thủ tướng đã chủ trì một cuộc họp về thăm dò, khai thác bô-xit, sản xuất alumin và luyện nhôm. Ngoài bốn phó thủ tướng và đại diện các bộ, còn có lãnh đạo các tỉnh: Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN
Tại cuộc họp này, sau khi nghe ý kiến các bộ, ngành, Thủ tướng kết luận, việc khai thác bô-xit, sản xuất alumin và luyện nhôm tại Tây Nguyên là phù hợp với chủ trương của Đảng và Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xit giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến 2025 đã được phê duyệt năm 2007.

Các bộ, ngành, địa phương và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tiếp tục triển khai Quy hoạch.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương chuẩn bị báo cáo để kiến nghị Bộ Chính trị cho phép tiếp tục thực hiện việc thăm dò, khai thác bô-xit, sản xuất alumin và luyện nhôm.

Báo cáo cần nêu rõ chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ về phát triển công nghiệp khai thác bô - xit, sản xuất alumin và luyện nhôm cũng như nội dung chủ yếu của Quy hoạch phân vùng. Các dự án đầu tư thăm dò, khai thác đang triển khai và hình thức thực hiện; các dự án dự kiến hợp tác với phía đối tác nước ngoài.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu phân tích các ảnh hưởng môi trường trong khai thác, tuyển rửa quặng bô-xit sản xuất alumin và luyện nhôm, nêu giải pháp khắc phục. Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho trước mắt và lâu dài phát triển ngành công nghiệp này.

Như vậy, mặc dù quy hoạch khổng lồ về khai thác quặng nhôm ở Tây Nguyên đã bắt đầu được triển khai, các nhà khoa học vẫn đang phản biện quyết liệt. Trong hai ngày 22 và 23/10/2008 vừa qua, tại tỉnh Đắk Nông đã diễn ra một hội thảo khoa học về quy hoạch ngành khai thác quặng nhôm (bô-xít) ở Tây Nguyên, với nhiều ý kiến phản đối.

  • Lê Nhung

-->đọc tiếp...

Bức thư thứ nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Link: http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5875/index.aspx

Đại tướng Võ Nguyên Giáp góp ý về dự án bô xít Tây Nguyên

(TuanVietnam) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa gửi thư đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đề nghị "cho dừng triển khai các dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên và báo cáo Bộ chính trị chỉ đạo tiến hành các nghiên cứu vĩ mô cần thiết làm căn cứ cho mọi quyết định".


Để đảm bảo thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam giới thiệu toàn văn bức thư này để độc giả tham khảo.

Kính gửi: Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ

Thời gian vừa qua báo chí đăng nhiều bài và ý kiến của các nhà khoa học và hoạt động xã hội cảnh báo nguy cơ nghiêm trọng đối với môi trường tự nhiên và xã hội của các dự án khai thác bô-xít trên Tây Nguyên.

Đầu tháng 11-2008 một số nhà khoa học và quản lý có tên tuổi đã gửi kiến nghị đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề nghị cho dừng các dự án này để nghiên cứu, xem xét lại, cân nhắc lợi hại một cách toàn diện.

Tuy nhiên, các dự án này vẫn đang được triển khai, trong tháng 12-2008 đã có hàng trăm công nhân Trung Quốc đầu tiên có mặt trên công trường (dự kiến cao điểm sẽ lên tới vài nghìn tại một dự án).

Cần nhắc lại rằng, đầu những năm 1980 Chính phủ đã đưa chương trình khảo sát khai thác bô-xít trên Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên với khối COMECON. Tôi được phân công trực tiếp theo dõi chỉ đạo chương trình này. Sau khảo sát đánh giá hiệu quả tổng hợp của các chuyên gia Liên Xô, khối COMECON đã khuyến nghị Chính phủ ta không nên khai thác bô-xít trên Tây Nguyên do những nguy cơ gây tác hại sinh thái lâu dài rất nghiêm trọng, không thể khắc phục được đối với dân cư chẳng những tại chỗ mà còn cả dân cư và vùng đồng bằng Nam Trung Bộ. Chính phủ khi đó đã quyết định không khai thác bô-xít mà gìn giữ thảm rừng và phát triển cây công nghiệp (cao su, cà phê, chè...) trên Tây Nguyên.

Ý kiến phản biện của các nhà khoa học nước ta vừa qua phân tích trên nhiều phương diện, trong các điều kiện kinh tế kỹ thuật hiện nay cũng đi tới kết luận như các nhà khoa học Liên Xô cách đây 20 năm. Với những cảnh báo nghiêm trọng như vậy, chúng ta cần xem xét các dự án này một cách khách quan - cần đánh giá lại quy hoạch khai thác bô-xít trên Tây Nguyên đến 2025.

Về quy mô, quy hoạch khai thác bô-xít Tây Nguyên từ nay đến 2025 là một kế hoạch lớn, giá trị ước tới gần 20 tỷ đô-la Mỹ, sẽ tác động sâu sắc nhiều mặt còn hơn cả các công trình kinh tế lớn đã có ở nước ta.

Vì vậy nên mời thêm các tư vấn chuyên ngành quốc tế có nhiều kinh nghiệm phối hợp với các nhà khoa học và nhà quản lý của nước ta cùng thẩm định cho khách quan, sau đó báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội xem xét, cân nhắc kỹ càng, không thể chỉ đưa vào đề xuất của các Bộ hay tập đoàn kinh tế.

Vừa qua đồng chí Thủ tướng đã quyết định bác dự án nhà máy thép lớn của Hàn Quốc tại vịnh Vân Phong, khẳng định quyết tâm của Chính phủ phát triển kinh tế bền vững, được đông đảo nhân dân và các nhà khoa học đồng tình, ủng hộ.

Việc xác định một chiến lược phát triển Tây Nguyên bền vững là vấn đề rất hệ trọng đối với cả nước về kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng. Tôi đề nghị Thủ tướng cho dừng triển khai các dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên và báo cáo Bộ chính trị chỉ đạo tiến hành các nghiên cứu vĩ mô cần thiết làm căn cứ cho mọi quyết định.

Chúc đồng chí mạnh khỏe,

  • Võ Nguyên Giáp

-->đọc tiếp...

10 lý do đề nghị tạm dừng dự án bô xít Tây Nguyên

Link gốc: http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5543/index.aspx

10 lý do đề nghị tạm dừng dự án bô xít Tây Nguyên
(TuanVietNam)- Cũng như dự án thép ở Vân Phong, chúng ta xin hãy tiếp tục nói “không” với các dự án bô-xít trên Tây Nguyên mang tính hủy diệt môi trường và không hiệu quả về mọi mặt. - Kiến nghị của các nhà khoa học Việt Nam.

>> Triển vọng bô-xít Tây Nguyên - tìm hiểu tại chỗ

Để đảm bảo tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam giới thiệu thư của một nhóm các nhà khoa học gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước kiến nghị tạm dừng triển khai các dự án bô xít Tây Nguyên như một tư liệu tham khảo.

Tháng 12/2007 và tháng 10/2008, UBND tỉnh Đắk Nông, Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam (TKV) cùng Viện Tư vấn phát triển đã tổ chức hai cuộc hội thảo đánh giá về những dự án bô-xít của Tập đoàn TKV đang triển khai trên Tây Nguyên với sự tham gia của: đại diện tỉnh Đắk Nông, chủ đầu tư-TKV, các nhà quản lý, các nhà khoa học thuộc những vực có liên quan (kinh tế, công nghệ, kỹ thuật, địa chất, môi trường, xã hội v.v.).

Trong hoàn cảnh đang có nguy cơ rất hiện hữu về thiếu điện cho các ngành sản xuất khác, việc sản xuất nhôm kim loại là một định hướng sai lầm của VN
Ảnh: Những rừng thông và đồi chè trước đây đang bị san bằng để xây dựng nhà máy tuyển quặng bô - xít (VietNamNet)

Qua hai cuộc hội thảo, có thể tóm tắt hai ý kiến nhận xét đánh giá chủ yếu về khai thác bô-xít trên Tây Nguyên được rút ra như sau:

(1) Trên quan điểm vĩ mô và về mặt chiến lược, tuyệt đại đa số các nhà khoa học đã thống nhất đánh giá các dự án bô - xít đang được triển khai là: không có hiệu quả về mặt kinh tế-tài chính; rất không hiệu quả về mặt kinh tế-xã hội; với trình độ tiếp cận lạc hậu của chủ đầu tư cũng như của các đối tác Trung Quốc về các giải pháp công nghệ kỹ thuật, các dự án bô-xít đang được tích cực triển khai sẽ phá hủy môi trường tại chỗ (của Tây Nguyên), sẽ gây ra những thảm họa về sinh thái trên diện rộng (cho các tỉnh Nam Trung Bộ của VN và các tỉnh của Campuchia); đang tạo ra thêm các yếu tố bất ổn định về an ninh trật tự xã hội trên Tây Nguyên.

(2) Ở tầm vi mô và mang tính chất cục bộ, ý kiến của TKV- chủ đầu tư đã tự đánh giá về các dự án bô - xít đang được triển khai là: kinh tế Tây Nguyên kém phát triển, vì vậy cần tận dụng khai thác nguồn tài nguyên bô - xít có hạn để tranh thủ xuất khẩu cho Trung Quốc nhằm bổ sung nguồn thu ngân sách cho địa phương và cho chủ đầu tư.

Ngoài ra, qua hai lần hội thảo, đã là sáng tỏ một số vấn đề:

- Mặc dù trong các văn bản của TKV thường dùng khái niệm “alumin”, hay “công nghiệp bô xít-nhôm” (ngay cả nhà nghỉ của TKV cũng mang tên “Alumin”) nhưng trên thực tế, chỉ có các dự án khai thác bô - xít, và chế biến bô - xít thành nguyên liệu thô (có tên gọi bằng tiếng Anh là alimina, hoặc bằng tiếng Pháp là alimine) để xuất khẩu cho Trung Quốc. Hoàn toàn không có dự án nhôm (aluminium) nào đang được triển khai. Việc lạm dụng từ “alumin” không tồn tại trên thực tế của TKV trong điều kiện hạn chế về trình độ văn hóa cũng như ngoại ngữ của đồng bào dân tộc ít người dễ dẫn đến hiểu nhầm là “nhôm”.

- Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đắk Nông: “Trong vùng quy hoạch khai thác bô - xít diện tích đất nông nghiệp, nhất là diện tích trồng cây hàng năm và cây lâu năm chiếm một tỷ lệ tương đối lớn. Hầu hết nhân dân sống trong vùng quy hoạch mỏ có nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Việc khai thác quặng bô - xít sẽ làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của toàn bộ các hộ dân trong vùng quy hoạch”.

TIN LIÊN QUAN
Cái giá văn hoá-xã hội-chính trị của các đại dự án bô-xít
Đại kế hoạch bô-xít: Lợi ích trước mắt, nguy cơ lâu dài
Lãnh đạo Đắk Nông: "Không làm thì bô - xít vẫn là đất thôi"!
Mất và được trong việc khai thác bô - xít Tây Nguyên
Cuộc chơi của các "đại gia" bô - xít trên thế giới
Đại dự án bô - xít Tây Nguyên: người trong cuộc đề xuất gì?

- Theo báo cáo của TKV tại Hội thảo phân tích về thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (SWOT) mang tính chiến lược của các dự án bô - xít là: “Sử dụng nhiều đất đai; tiêu thụ năng lượng điện lớn; tác động lớn về môi trường và xã hội; cơ sở hạ tầng không đảm bảo; Rủi ro chính trị xã hội cao; Thay đổi mối quan hệ tài nguyên với phát triển kinh tế và phong tục địa phương; Chi phí bảo vệ môi trường cao; v.v.”

Thực tế là qua hai lần hội thảo, chúng ta đã có thể rút ra từ các nhận xét đánh giá trên là: Chủ đầu tư - TKV là một tập đoàn của Nhà nước, có am hiểu về công nghệ kỹ thuật, có ý thức chính trị xã hội, luôn đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi nhuận của doanh nghiệp nên chấm dứt vô điều kiện càng sớm càng tốt việc triển khai các dự án bô - xít trên Tây Nguyên.

Để làm sáng tỏ hơn về những đánh giá và kết luận trên, chúng tôi xin được bổ sung và làm rõ 10 lý do không nên triển khai các dự án bô - xít như sau:

1/ Triển khai các dự án bô - xít là không cần thiết

Ba câu hỏi về chức năng cơ bản của nền kinh tế vĩ mô: sản xuất ra hàng hóa gì? sản xuất ra như thế nào? và để phục vụ cho các đối tượng nào trong xã hội? Nhiệm vụ chủ yếu mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng cần giải quyết là giảm đến mức tối thiểu sự lãng phí trong việc sản xuất ra những sản phẩm không cần thiết và tăng cường đến mức tối đa việc sản xuất ra những sản phẩm cần thiết.

Trước hết, nhu cầu về nhôm kim loại của VN không lớn, theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay và trong tương lai hàng năm VN chỉ nhập khẩu khoảng 100-150 nghìn tấn (tương đương với 2 chuyến tàu). Trên thị trường thế giới, nhôm kim loại luôn là mặt hàng thường xuyên có sẵn, chưa bao giờ xẩy ra khan hiếm. Về mặt kỹ thuật, nhôm chỉ được coi là “kim loại cơ bản”, không thuộc nhóm “kim loại quý hiếm” vì có thể được thay thế bằng các sản phẩm khác như sắt, gỗ, nhựa, giấy. Ngành công nghiệp nhôm chỉ tồn tại ở một số ít nước trên thế giới, chủ yếu là ở những nước có dư thừa điện năng giá rẻ.

Vì vậy, trong hoàn cảnh đang có nguy cơ rất hiện hữu về thiếu điện cho các ngành sản xuất khác, việc sản xuất nhôm kim loại là một định hướng sai lầm của VN. Alumina là nguyên liệu thô để luyện thành nhôm kim loại, và bô - xít là quặng đầu vào để tuyển thành alumina. Việc khai thác bô - xít, tuyển thành nguyên liệu thô alumina chỉ phục vụ cho mục đích xuất khẩu lại càng là một định hướng sai lầm.

Thứ hai, phát triển một ngành sản xuất tiêu tốn nhiều nước ngay trên một địa bàn còn đang khát nước là một lựa chọn không thông minh. Theo báo cáo của chủ đầu tư, chương trình bô - xít trên Tây Nguyên chủ yếu tập trung vào khai thác quặng bô - xít để chế biến thành nguyên liệu thô là alumina để xuất khẩu trong điều kiện phải sử dụng nguồn nước ngọt, vốn còn đang rất khan hiếm, đang ngày càng cạn kiệt, nhưng rất cần cho việc phát triển các cây công nghiệp khác có giá trị xuất khẩu rất cao (như cà phê, chè, cao su). Công nghiệp khai thác, tuyển-luyện bô - xít thành alumina có 3 ảnh hưởng rất tiêu cực đến nguồn nước: vừa tiêu hao rất nhiều nước (cần khoảng 60 mét khối nước cho 1 tấn), vừa làm ô nhiễm nguồn nước và vừa làm cạn kiệt nguồn nước tự nhiên.

Tất cả các dự án bô - xít đều nằm trong khu vực thượng nguồn lưu vực của sông Đồng Nai và Sêrêpốc. Việc khai thác bô - xít sẽ dẫn đến hậu quả không tránh khỏi là làm cạn kiệt nguồn nước của các con sông này. Trong đó, sông Đồng Nai đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc ổn định kinh tế xã hội của các khu dân cư lớn đồng thời cũng là các khu công nghiệp lớn như TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Bình Dương.

Nước ngọt là nguồn lực phát triển các cây công nghiệp quan trọng, còn đang thiếu đối với Tây Nguyên. Sử dụng nguồn tài nguyên nước ngọt có hạn đó để phát triển cao su, cà phê hay chè, chúng ta có thể dần dần lấy lại màu xanh cho Tây Nguyên.

Tài nguyên nước ở Tây Nguyên là vô cùng quý giá và đặc biệt, tài nguyên nước trong mùa khô là sự sống còn của nền kinh tế Tây Nguyên. Trong mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 2) tổng lượng mưa ở Đắk Nông bình quân chỉ đạt 35mm, trong khi mực nước ngầm ngày càng hạ thấp đang là một thách thức rất lớn đối với phát triển kinh tế nói chung và đối với cây công nghiệp nói riêng (đặc biệt là cây cà phê).

Hồ chứa nước tiêu sẽ bị biến thành hồ chứa bùn đỏ. Ảnh: VietNamNet

2/ Triển khai các dự án bô - xít không làm tăng ngân sách địa phương

Vì mục tiêu của TKV hiện nay là khai thác và chế biến bô - xít thành nguyên liệu thô để xuất khẩu, nên các dự án bô - xít không dẫn đến việc lan toả phát triển các dự án đầu tư có hiệu quả khác. Việc tăng thu ngân sách địa phương trên Tây Nguyên sẽ rất khiêm tốn. Các khoản nộp cho địa phương là thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, hay kể cả cái gọi là “thương quyền” của dự án khai thác bô - xít là không đáng kể, và không đủ bù số tiền ngân sách các tỉnh sẽ phải chi ra để khắc phục suy thoái môi trường do khai thác bô - xít.

Gần đây, ông Đặng Đức Yến- Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định (trên mục Kinh tế-Xã hội một số báo gần đây) rằng “nếu dự án alumin này vào, tính từ các khoản thuế, phí bảo vệ môi trường… sẽ đóng góp cho tỉnh khoảng 1.600 tỷ đồng và đến năm 2011 thì có thể đạt hơn 2.000 tỷ đồng”. Chúng tôi cho rằng, nhận định như vậy là thiếu trách nhiệm và quá lạc quan vì con số nêu trên là không đúng sự thật. Cả ngành công nghiệp than của VN sau 120 năm phát triển, xuất khẩu trên 20 triệu tấn than/năm, hiện nay cũng chỉ có lợi nhuận trước thuế khoảng 3000 tỷ đ/năm, mức nộp cho ngân sách nhà nước còn ít hơn nhiều so với con số dự tính nộp cho Đắk Nông nêu trên của các dự án bô - xít!

Bản thân dự án Nhân Cơ (theo tính toán ban đầu của chủ đầu tư), với số vốn đầu tư 2938,8 tỷ đồng, mức thuế nộp ngân sách chỉ khoảng 30,2 tỷ đồng. Số liệu này đến nay cũng không đáng tin cậy, vì 3 lý do:

(i) đến nay con số này sẽ còn giảm vì tổng mức đầu tư chỉ sau 1 năm đã tăng lên trên 3200 tỷ (tổng mức đầu tư thực tế sau này chắc chắn sẽ tăng cao hơn nữa);

(ii) giá thành sản phẩm của dự án chưa được xác định (bản thân Giám đốc Công ty Nhân Cơ cũng đã không thể trả lời được câu hỏi giá thành sản xuất và giá xuất khẩu nguyên liệu thô alumina là bao nhiêu?);

(iii) hiện nay giá bán nguyên liệu thô alumina trên thế giới đang giảm mạnh. Ngay cả Trung Quốc cũng đã phải đóng cửa các dự án alumina ở tỉnh Sơn Đông vì không có hiệu quả.

3/ Triển khai các dự án bô - xít không có hiệu quả

Như trên đã phân tích, hầu như toàn bộ nguyên liệu thô alumina chỉ để xuất khẩu với quy mô lớn sẽ dẫn đến sự phục thuộc vào thị trường thế giới. Khách hàng mua nguyên liệu alumina của VN chỉ duy nhất là Trung Quốc. Nguồn cung cấp alumina trên thế giới rất phong phú (kể cả alumina được chế biến từ các loại quặng không phải bô - xít). Qui mô phát triển bô - xít của VN càng lớn, thì giá bán càng giảm, hiệu quả kinh tế càng thấp và sự phụ thuộc vào Trung Quốc càng cao.

Thực tế, việc xuất khẩu nguyên liệu thô là alumina không có giá trị và không có hiệu quả kinh tế cao. Giá trị của alumina chỉ chiếm 10-12% so với giá trị của nhôm kim loại và chỉ bằng <5%>

Kinh nghiệm từ chính TKV cho thấy trên thị trường khoáng sản, các doanh nghiệp VN không có khả năng cạnh tranh cao so với ngay các đối thủ trong khu vực. Ví dụ, việc xuất khẩu than của TKV hiện nay là một điển hình. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) trong một Hội thảo ngay tại Hà Nội về chính sách phát triển kinh tế của VN, giá xuất khẩu than của VN (được qui về cùng giá trị chất lượng theo nhiệt năng) vào cùng một thị trường là Nhật Bản chỉ bằng 2/3 giá than xuất khẩu của Australia.

Tương lai đối với nguyên liệu thô alumina của TKV sẽ cũng không thể cạnh tranh được với Indonesia, và càng không thể cạnh tranh được với Australia, là những nước đã và đang xuất khẩu với qui mô lớn, có nhiều lợi thế về vận tải biển hơn hẳn VN.

Ngoài ra, yếu tố công nghệ lạc hậu và thị trường tiêu thụ bị phụ thuộc nước ngoài cũng sẽ không cho phép TKV thu được hiệu quả kinh tế trong việc xuất khẩu nguyên liệu thô alumina. Trường hợp điển hình hiện nay là dự án đồng Sinh Quyền của TKV. Việc xuất khẩu tinh quặng đồng hiện nay của dự án Sinh Quyền hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Nếu đưa tinh quặng đồng từ Sinh Quyền về nhà máy Tằng Lỏong để luyện thành đồng kim loại có thể bán cho nhiều hộ tiêu dùng (trong nước và/hoặc xuất khẩu), nhưng vì nhập khẩu công nghệ luyện đồng lạc hậu (chỉ luyện ra được kim loại đồng “ba con chín” có độ tinh khiết chỉ đạt 99,95÷99,97%, trong khi tiêu chuẩn của thị trường thế giới cao hơn “bốn con chín” 99,995) giá bán đồng kim loại thấp, tỷ suất lợi nhuận của việc luyện đồng lại thấp hơn nhiều so với xuất khẩu quặng tinh.

Đối với TKV, tương lai của ngành công nghiệp nhôm cũng không thể khá hơn hiện tại của các ngành công nghiệp đồng và than.

4/ Để xuất khẩu alumina phải đầu tư một hệ thống đường sắt không hiệu quả

Theo kế hoạch của TKV, để xuất khẩu alumina cần xây dựng 270km đường sắt từ Bình Thuận lên Tây Nguyên với chi phí ước khoảng 20.800 tỷ đồng (tương đương với 1,3 tỷ đô la) và một cảng biển Bình Thuận với chi phí 9.100 tỷ đồng (khoảng 535 triệu đô la). Cả hai dự án này thuộc lĩnh vực hạ tầng chỉ để phục vụ cho xuất khẩu alumina và vận chuyển than từ cảng lên Tây Nguyên.

Theo báo cáo về “định hướng công nghệ” của TKV tại Hội thảo, tuyến đường sắt còn được dùng để chở nước biển từ Bình Thuận lên Tây Nguyên để xử lý bùn đỏ?. Mặc dù các dự án bô - xít đang triển khai rầm rộ, nhưng hạng mục hạ tầng này đang còn “treo” và chưa rõ. Cả hai hạng mục này cần phải được đầu tư bằng nguồn vốn của chủ đầu tư và hạch toán vào alumina.

Như vậy, chắc chắn các dự án bô - xít và alumina trên Tây Nguyên lại càng không hiệu quả. Còn nếu, để hai hạng mục này được xây dựng bằng tiền đóng thuế của người lao động trong cả nước thì cần phải được Quốc hội xem xét.

Trong khi chờ đợi đường sắt (không biết bao giờ làm), chủ đầu tư dự tính sẽ sử dụng đường ôtô để chở than và các hóa chất độc hại khác từ biển lên Tây Nguyên và chở alumina từ Tây Nguyên ra biển. Rất tiếc, cả ba mặt hàng “than” hóa chất và “alumina” lại không thể sử dụng cùng một loại xe tải để tận dụng hai chiều hàng đi-hàng về. Than có thể chở bằng xe thùng, xe ben, còn alumina và hóa chất phải chở bằng xe bồn chuyên dùng hiện đại.

Như vậy, theo “định hướng công nghệ” của chủ đầu tư, phương tiện vận tải ô tô sẽ được sử dụng để chở hàng triệu tấn hàng một năm trên cung độ hơn 270km (về mặt kỹ thuật, cung độ tối ưu của vận tải ô tô loại 15-25T chỉ khoảng 10-15km). Vì vậy, giá thành alumina sẽ tăng cao hơn nhiều (chỉ tính riêng chi phí vận tải ra biển để xuất khẩu đã tăng thêm khoảng 1 triệu đ/tấn), việc xuất khẩu alumina không thể có lãi.

5/ Triển khai các dự án bô - xít là không an toàn về môi trường sinh thái

Một là: Môi trường đất bị chiếm dụng và môi trường sinh vật bị hủy hoại

Phần lớn, tới 95% bô - xít trên thế giới khai thác lộ thiên. Trong ngành mỏ, đây là phương thức khai thác đòi hỏi chiếm dụng nhiều đất, có tác hại huỷ diệt hệ thực vật và động vật, làm sói mòn trôi lấp đất. Mức độ chiếm dụng đất của các dự án bô - xít trên Tây Nguyên rất lớn. Diện tích rừng và thảm thực vật bị phá huỷ trong khâu khai thác bình quân 30-50ha/tr.tấn bô - xít; diện tích mặt bằng bị chiếm dụng để xây dựng nhà máy tuyển bô - xít bình quân 150 ha/tr.tấn công suất, và để tuyển alumina 450 ha/tr.tấn công suất.

Hai là: chất thải bùn đỏ sẽ phải tồn trữ vĩnh viễn trên cao nguyên dễ có nguy cơ bị trôi lấp, gây thảm họa về môi trường cho các tỉnh phía dưới.

Bùn đỏ gồm các thành phần không thể hoà tan, trơ, không biến chất và tồn tại mãi mãi như Hematit, Natrisilico-aluminate, Canxi-titanat, Mono-hydrate nhôm, Tri-hydrate nhôm v.v. Bùn đỏ là chất thải không thể tránh được của khâu chế biến bô - xít. Trên thế giới, chưa có nước công nghiệp phát triển nào (kể cả Mỹ) có thể xử lý được vấn đề bùn đỏ một cách hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của xã hội (chỉ đáp ứng được khả năng của nhà đầu tư).

Australia là nước có lợi thế về địa hình (bằng phằng, có lớp đá gốc), khí hậu (rất ít mưa) và dân cư (rất thưa) thuận lợi cho việc chế biến bô - xít và chôn cất bùn đỏ tại chỗ. Ở Việt Nam, nếu chế biến bô - xít thành alumina trên Tây Nguyên sẽ bắt buộc phải tạo ra các hồ chứa bùn đỏ thường xuyên đe doạ tình hình an ninh chính trị trên địa bàn (bọn khủng bố có thể lợi dụng biến các hồ bùn thành bom bẩn). Lượng “bom bẩn” tạo ra trên Tây Nguyên sẽ lớn gấp 3 lần lượng alumina thu được từ Tây Nguyên để xuất khẩu cho Trung Quốc. Ngoài ra, còn phải thường xuyên tồn chứa một lượng lớn hoá chất độc hại (để chế biến bô - xít thành alumina) trong các kho hóa chất trên Tây Nguyên.

Chỉ riêng dự án của công ty cổ phần Nhân Cơ, theo báo cáo ĐTM, phần đuôi quặng nước thải và bùn thải có khối lượng tới hơn 11 tr.m3/năm. Dung tích hồ thải bùn đỏ sau 15 năm lên tới hơn 8,7 triệu m3. Với qui mô như vậy, thiệt hại do vỡ đập: không thể kiểm soát được, nguy cơ vỡ đập không thể lường trước được.

Tương tự, dự án Tân Rai có lượng bùn đỏ thải ra môi trường khoảng 0,8 tr.m3/năm, lượng nước bẩn thải ra môi trường 4,6 tr.m3/năm. Khối lượng quặng bô - xít khai thác của dự án này lên tới 2,32 tr.m3/năm, dẫn đến nguy cơ tổng lượng bùn đỏ phải tích trên cao nguyên cả đời dự án Tân Rai 80-90 tr.m3. Nhưng tổng dung tích của hồ chứa của dự án chỉ có: 20,25 tr.m3, số còn lại không biết chứa ở đâu?, ai là người chịu trách nhiệm? chủ đầu tư? dân địa phương?.

Ba là: các dự án bô - xít sẽ làm mất nguồn nước ngọt không có gì thay thế để phát triển các cây công nghiệp trên Tây Nguyên và mất nguồn nước cung cấp cho các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh

Cả hai khâu tuyển bô - xít và tuyển alumina trên Tây Nguyên đều đòi hỏi rất nhiều nước. Dự án Nhân Cơ có tổng mức tiêu dùng nước tới gần 15 triệu m3/năm. Dự án Tân Rai, có dự kiến xây đập chắn nước để đáp ứng nhu cầu của dự án khoảng 18 triệu.m3/năm. Như vậy, nguồn nước cho café, cao su và các nhu cầu khác bị mất đi hơn 33 tr.m3/năm. Lượng nước ngọt này chủ yếu dùng để tuyển quặng bô - xít, vì vậy không thể tuần hoàn, hay lọc để tái sử dụng cho các mục đích khác.

Bốn là: các dự án bô - xít trên Tây Nguyên sẽ làm thay đổi môi trường và sinh thái của cả khu vực

Vấn đề môi trường chủ yếu liên quan đến các chất thải. Các chất thải không thể tránh được trong các dự án bô - xít gồm:

(i) trong khai thác bô - xít, khối lượng chất thải rắn rất lớn, bình quân lượng đất đá phủ phải bốc lên và đổ thải 1m3/tấn bô - xít;

(ii) trong khâu tuyển quặng bô - xít, lượng chất thải bình quân 1tấn/tấn quặng nguyên khai;

(iii) trong khâu tuyển alumina lượng chất thải (gồm bùn đỏ, bùn oxalate, và nước thải) bình quân >2m3/tấn; và cuối cùng,

(iv) trong khâu luyện nhôm, lượng chất thải độc hại bình quân 1kg/tấn.

Ngoài các nguy cơ phá hủy môi trường tại chỗ, các dự án bô - xít alumina còn có những ảnh hưởng tiêu cực không thể tránh được đến hệ sinh thái trên qui mô rộng lớn.

Trong khâu khai thác bô - xít, nguy cơ hiện hữu là thảm thực vật và động vật của Tây nguyên sẽ bị thay đổi. Trong khâu tuyển alumina nguy cơ hiện hữu là tiêu dùng nhiều nước, phải xây đập chắn, sẽ ảnh hưởng đến chế độ thủy văn của các dòng chảy. Các biến đổi dị thường về thời tiết và khí hậu khu vực miền trung có nguy cơ sẽ xẩy ra ngay gắt hơn, hạn hán sẽ kéo dài hơn, lũ quét sẽ xẩy ra thường xuyên hơn (thiệt hại do các biến đổi dị thường về thời tiết hiện nay đã tới 4000-5000 tỷ đ/năm). Các chuyên gia của Comecon (Hội đồng tương trợ kinh tế) ngày xưa đã so sánh: để lấy được 1 tấn bô - xít trên Tây Nguyên, cái giá Việt Nam phải trả là sẽ mất đi 1 tấn lúa ở miền nam trung bộ.

Tương lai đối với nguyên liệu thô alumina của TKV sẽ cũng không thể cạnh tranh được với Indonesia, và càng không thể cạnh tranh được với Australia. Ảnh: Khai thác Bô - xít ở miền Tây Australia. Nguồn: britannica.com

6/ Triển khai các dự án bô - xít là không phù hợp với năng lực của TKV

Trong tất cả các khâu của việc phát triển ngành “bô - xít-nhôm”, TKV chỉ có thế mạnh duy nhất ở khâu đơn giản nhất là bốc xúc đất bazan để khai thác quặng bô - xít. Các khâu chủ yếu quan trọng còn lại đều phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài.

Với chức năng là một tập đoàn kinh tế của Nhà nước, có trách nhiệm phát triển ổn định ngành than để cung cấp đủ than cho nền kinh tế, TKV hiện còn đang đứng trước những thách thức không thể vượt qua, đó là cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện.

Kể từ khi được thành lập đến nay, trong suốt hơn 13 năm qua, trong ngành than hầu như TKV chưa có đầu tư tái sản xuất mở rộng, chưa xây dựng được thêm một mỏ than mới nào, toàn bộ sản lượng than hiện có đều được khai thác theo kiểu “thâm canh” đến tối đa tại các mỏ than được xây dựng từ thời bao cấp theo Tổng sơ đồ do Liên Xô (cũ) lập trước đây.

Việt Nam có bể than đồng bằng Sông Hồng với tiềm năng (trữ lượng) gấp 20 lần bể than Quảng Ninh. Mặc dù điều kiện khai thác có khó khăn hơn so với bể than Quảng Ninh, nhưng than đồng bằng sông Hồng lại có chất lượng cao hơn, rất phù hợp cho các nhà máy nhiệt điện, xi măng, phân bón, hoá chất, luyện kim v.v. Những nguồn lực có hạn của TKV nên chăng phải được ưu tiên để phát triển bể than đồng bằng sông Hồng để làm ra sản phẩm mà nền kinh tế VN đang rất cần, nhưng không thể nhập khẩu được trong tương lai gần.

Ngoài việc không thể tăng được sản lượng than do không có đầu tư đúng mức như trên, hiện nay, tại bể than Quảng Ninh, TKV còn phải đối mặt với hai vấn đề cũng chưa có khả năng giải quyết. Đó là: (i) vấn đề môi trường vùng than Quảng Ninh đang bị xuống cấp nghiêm trọng và (ii) vấn đề vi phạm kỹ thuật cơ bản (cũng rất nghiêm trọng) của các mỏ than đã và đang làm tăng số vụ tai nạn lao động chết người cao gấp 3 lần mức bình quân của thế giới.

Yêu cầu về vốn đầu tư của riêng ngành than hiện nay cũng rất lớn, bình quân khoảng 1 tỷ đô la/năm.

Ngoài ra, định hướng “kinh doanh đa ngành” của TKV đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập (phần lớn các dự án “đa ngành” không hiệu quả, đều phải được “bao cấp” từ hòn than, đặc biệt là các dự án điện Na Dương, công ty Tài Chính, khách sạn, du lịch, lắp ráp ôtô v.v.). Gần đây, TKV còn được Chính Phủ giao bổ sung nhiệm vụ xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện chạy than. Tất cả những nhiệm vụ hệ trọng trên đang đè nặng lên đôi vai gầy và quá mỏng manh của người thợ mỏ. Có thể nói, giao cho TKV những dự án ngoài than cũng chẳng khác nào giao “ốc mang cọc cho rêu”.

7/ Triển khai các dự án bô - xít là không đảm bảo sinh kế cộng đồng của các đồng bào dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên

Đồng bào các dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên chủ yếu sống bằng nghề nông. Đất rừng Tây Nguyên ngắn với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với bà con dân tộc ít người, đất rừng không chỉ là không gian sinh tồn, mà còn gắn liền với đời sống văn hóa. Suy giảm về tài nguyên rừng kéo theo suy giảm về văn hóa. Không một buôn làng nào không gắn với rừng như gắn với thần linh riêng của mình.

Số liệu điều tra cụ thể của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Tây Nguyên đã khẳng định: Khác với ý kiến lâu nay (của chủ đầu tư) cho rằng đất có hàm lượng bô - xít cao không thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, ở xã Nhân Cơ (trên địa bàn triển khai dự án bô - xít Nhân Cơ) diện tích đất nông nghiệp chiếm tới 83,03%, đất lâm nghiệp 0,08% và chỉ có 2,1% đất chưa sử dụng. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã Nhân Cơ có 4.573 ha, trong đó có 3039,5 ha trồng cây công nghiệp là cà phê (2264 ha), cây điều (515 ha), cây tiêu (136 ha), và cau su (124,5 ha).

Trong khi đó, diện tích chiếm đất của dự án Nhân Cơ trên 4000ha, tương đương với 87% diện tích đất tự nhiên của xã. Cũng theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Tây Nguyên, đối với đồng bào M’nông, chưa có dự án bô - xít Nhân Cơ đồng bào đã thiếu đất sản xuất rồi.

Chiếm dụng phần lớn đất nông nghiệp nhưng các dự án bô - xít không mang lại chỗ làm việc cho đồng bào dân tốc thiểu số. Ví dụ, dự án Tân Rai có diện tích chiếm đất tới 4200ha, nhưng chỉ tạo ra chỗ làm việc cho tổng số 1668 lao động. Như vậy, bình quân dự án bô - xít cần 2,5ha đất để tạo ra 1 việc làm cho người phải có đào tạo. Trong khi đó, 1 ha đất dùng để phát triển cây công nghiệp sẽ tạo ra 5 chỗ làm việc cho bà con dân tộc ít người không cần phải đào tạo.

Cũng theo số liệu điều tra, khảo sát của Trường Đại học Tây Nguyên, trong 12 buôn làng của huyện Đắk Rlap, số người học hết lớp 9 để có đủ điều kiện tuyển dụng vào dự án cũng “chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Dự án bô - xít Nhân Cơ mới chỉ tuyển chọn được 2 (hai) con em đồng bào dân tộc tại chỗ đi đào tạo công nhân. Hiện dự án bô - xít Nhân Cơ đang gửi người đi đào tạo tại Trung Quốc, nhưng chủ yếu là con em của cán bộ trong công ty- từ các tỉnh khác đến.

Theo số liệu của Công ty Alumin Nhân Cơ, để triển khai dự án, số lượng lao động sẽ tập chung vào Tây Nguyên khoảng 3000 người, bao gồm kỹ sư, công nhân kỹ thuật (chủ yếu là người Trung Quốc) và một số ít còn lại là lao động từ ngoài Bắc vào. Đối với dự án Tân Rai (đang triển khai ở Lâm Đồng), tình trạng cũng tương tự, và nguy cơ còn hiện hữu hơn vì nhà thầu Trung Quốc đã thắng thầu.

Khoảng cách giầu-nghèo giữa người có việc làm (từ nơi khác đến, có thu nhập) và người không có việc làm (người dân tộc, không được đào tạo, không còn đất canh tác) sẽ gia tăng. Việc người dân tộc trên Tây Nguyên sẽ bị đẩy ra ngoài cuộc sống xã hội ngay trên quê hương của mình, thay vào đó là làn sóng di cư mới của những lực lượng lao động có đủ trình độ từ Trung Quốc và các tỉnh ngoài Tây Nguyên đã trở thành hiện thực.

(Ví dụ điển hình là dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả của TKV ở Quảng Ninh hiện nay, sau khi trúng thầu, nhà thầu Trung Quốc đã đưa công nhân và lao động phổ thông từ Trung Quốc sang thực hiện 100% công việc).

Ngoài ra, dự án bô - xít Nhân Cơ còn chiếm dụng, san lấp cả hồ nước ngọt (hồ Cá Trê của người M’nông bon Bù Zấp) là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và địa điểm hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn.

8/ Triển khai các dự án bô - xít là không phát triển bền vững Tây Nguyên

Để phát triển bền vững, chúng ta cần có đánh giá, phân tích nghiêm túc các thế mạnh, các điểm yếu, các cơ hội, và các thách thức trong phát triển kinh tế của Tây Nguyên (các học giả Harward thường gọi là “phân tích chiến lược”).

Trước hết: Thế mạnh của Tây Nguyên là đất đỏ bazan. Đây là nguồn tài nguyên rất quý, là nơi duy nhất có khả năng trồng cau su, cà phê, tiêu, điều, chè. Trong đó, tại các khu vực có mỏ bô - xít các cây trồng chủ lực là cà phê, điều, tiêu và cau su có năng suất bình quân tương đối cao và trình độ thâm canh và canh tác của người dân cũng rất chuyên nghiệp. Đây không chỉ đơn giản là “thế mạnh”, theo khái niệm của kinh tế thị trường, đất đỏ bazan của Tây Nguyên là “thế mạnh cạnh tranh cốt lõi”.

Thứ hai: Điểm yếu của Tây Nguyên là hạ tầng cơ sở kém phát triển (đặc biệt là đường giao thông, nước ngọt và nguồn cung cấp điện) và trình độ đào tạo của người lao động có hạn.

Thứ ba: Cơ hội phát triển kinh tế của Tây Nguyên là nhu cầu tăng kim ngạch xuất khẩu cà phê, chè, điều, tiêu, cau su v.v. trong cân bằng ngân sách của Nhà nước đang ngày càng tăng. Trong hoàn cảnh VN đã ra nhập WTO, thị trường cho các sản phẩm cà phê, điều, cao su ngày càng được đảm bảo. Theo đánh giá của các chuyên gia, sản phẩm các cây công nghiệp trên vùng đất đỏ bazan có thể dần thay thế kim ngạch xuất khẩu của dầu thô (với trữ lượng có hạn và với sản lượng đang ngày càng giảm) của VN.

Thứ tư: Thách thức lớn nhất của Tây Nguyên là do vị trí địa lý của Tây Nguyên với chức năng là “mái nhà của Đông Dương” việc phát triển kinh tế trên Tây Nguyên có ảnh hưởng đến vấn đề môi trường và vấn đề sinh thái không chỉ của Tây Nguyên mà còn của các tỉnh bên dưới (nam trung bộ của VN và các tỉnh của Lào và Campuchia.

Qua phân tích như trên, ta thấy, các dự án bô - xít-alumina hoàn toàn không phát huy được thế mạnh (thậm chí còn triệt tiêu các thế mạnh), nhưng lại khơi sâu điểm yếu (làm căng thẳng hơn những mất cân đối về giao thông, nước ngọt và điện năng), không tận dụng được cơ hội (thậm chí còn làm giảm cơ hội xuất khẩu), nhưng lại làm hiện thực hơn các thách thức (môi trường và sinh thái).

Lựa chọn của Tây Nguyên: bô - xít-alumina hay cây công nghiệp?

Trước hết, về mặt định hướng: phát triển cây công nghiệp là định hướng đã được Chính Phủ VN lựa chọn từ trước đến nay, có đầy đủ căn cứ khoa học, và kinh tế xã hội, đã và đang được thực tế của Tây Nguyên chứng minh là hoàn toàn đúng đắn. Còn phát triển bô - xít là một định hướng hoàn toàn mới, nhưng rất nguy hiểm xét về mặt khoa học và kinh tế xã hội, tuy chưa được thực tế của VN chứng minh, nhưng trên thế giới, đã có rất nhiều ví dụ điển hình.

Thứ hai, về nguyên tắc phát triển bền vững (hoặc phát triển sạch): phát triển cây công nghiệp là “phát triển xanh” và sạch. Cây công nghiệp không chỉ có tác dụng lấy lại mầu xanh cho Tây Nguyên, còn có tác dụng giữ độ ẩm, hạn chế các thảm họa thiên tai như lũ quyét, lũ ống, chống khả năng khô cằn, điều hòa nguồn cung cấp nước cho các tỉnh hạ lưu. Ngược lại, phát triển bô - xít là phát triển hủy diệt mầu xanh, xâm hại đến thảm thực vật và thảm sinh vật và làm ô nhiễm không chỉ Tây Nguyên mà cả các tỉnh dưới hạ lưu.

Thứ ba, về hiệu quả kinh tế: Các tính toán cho thấy, hiệu quả kinh tế của các dự án bô - xít thấp hơn nhiều so với cau su và cà phê. Cùng với một số tiền bỏ ra (tạm lấy tổng mức đầu tư theo tính toán ban đầu của dự án bô - xít Nhân Cơ là 2938,8 tỷ đồng), nếu phát triển bô - xít, chủ đầu tư sẽ làm mất đi 4000 ha cây công nghiệp, nếu phát triển cây công nghiệp chủ đầu tư sẽ trồng mới được 34.754 ha cau su, hay 58.777 ha cà phê.

Tổng doanh thu hàng năm của bô - xít chỉ đạt 1.450 tỷ đồng, còn của cau su là 2.242 tỷ đồng, của cà phê là 5.878 tỷ đồng. Khả năng thanh toán nợ của các dự án cau su và cà phê cao hơn của bô - xít khoảng 5 lần; Khả năng đóng góp cho ngân sách địa phương của cau su cao hơn 23 lần, của cà phê cao hơn 72 lần. Tổng lao động sử dụng của bô - xít chỉ có tối đa 5000 người (chủ yếu di dân từ nới khác đến), nhưng của cau su là 173.000 người, của cà phê là 588.000 người (chủ yếu là lao động tại chỗ) v.v. (chi tiết xem bảng sau).

Chỉ tiêu so sánh

đ/vị

bô - xít

Cao su

Cà phê

1. Tổng vốn đầu tư, tỷ.đồng

tỷ VNĐ

2.938,8

2.938,8

2.938,8

2. Diện tích cây xanh bị phá hủy

ha

4.000

0

0

3. Diện tích cây xanh được trồng mới

ha

0

34.754

58.777

4. Tổng Doanh thu hàng năm

tỷ đ.

1.450

2.242

5.878

5. Tổng thuế nộp ngân sách hàng năm

tỷ đ

30

701

2.175

6. Lợi nhuận sau thuế hàng năm

tỷ đ

301

1.061

3.703

7. Khả năng thanh toán nợ của dự án

B/C

1,9

9,0

9,0

8. Thời gian thu hồi vốn

năm

<5

>3

>1

9. Sử dụng lao độngngười5000 173.000588.000


Ghi chú: số liệu so sánh trên đến nay sẽ còn thay đổi theo hướng có lợi hơn cho cao su và cà phê, vì tổng mức đầu tư của dự án bô - xít Nhân Cơ sau một năm đã tăng lên hơn 3200 tỷ VNĐ. Con số thực sau này chắc chắn sẽ còn cao hơn nữa.

9/ Triển khai các dự án bô - xít là không minh bạch

Kết quả của các lần hội thảo cho thấy, còn rất nhiều vấn đề quan trọng (như nêu trên) cần phải được làm rõ trước khi triển khai các dự án bô - xít. Hiện nay, mặc dù chủ đầu tư chưa làm rõ được bất cứ vấn đề gì nhưng vẫn tích cực triển khai. Cách làm như vậy là không minh bạch, không cầu thị và chưa hết trách nhiệm.

Điều đáng quan ngại hơn, là càng triển khai, càng nẩy sinh nhiều các câu hỏi chưa có câu trả lời, hoặc được chủ đầu tư đưa ra các câu trả lời cũng không minh bạch. Ví dụ: (i) Như trên đã nêu, để xử lý bùn đỏ, chủ đầu tư dự tính sẽ vận chuyển nước biển bằng tàu hoả từ Bình Thuận lên Tây Nguyên?. (ii) Trong quá trình đấu thầu dự án Tân Rai, qui mô công suất đã được chủ đầu tư điều chỉnh tăng lên gấp 2 lần chỉ căn cứ theo “ý kiến” của các nhà thầu nước ngoài. (iii) Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, các vấn đề hiệu quả và vấn đề môi trường của dự án Tân Rai đã được giảm xuống đến mức nhà thầu không có công nghệ nguồn, đang phải đóng cửa các dự án của chính mình ở mẫu quốc cũng đã thắng thầu các dự án ở Tây Nguyên?

Việt Nam đang rất cần triển khai các dự án nhiệt điện chạy than. Mặc dù các dự án điện là các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng, rất thiết yếu đối với nền kinh tế, Chính phủ vẫn yêu cầu chủ đầu tư phải làm rõ “đầu vào” và “đầu ra” (hợp đồng mua than và hợp đồng bán điện). Các dự án bô - xít là những dự án bán rẻ tài nguyên của đất nước, không những cả “đầu vào” “đầu ra” đều chưa rõ, mà bản thân công nghệ kỹ thuật (“hộp đen”) của dự án cũng còn tồn tại nhiều vấn đề không minh bạch. Những người đưa ra các quyết định, các lựa chọn rất quan trọng về công nghệ kỹ thuật bô - xít-alumina lại không có kinh nghiệm gì về alumina-bô - xít Tây Nguyên (giám đốc Công ty bô - xít Nhân Cơ không trả lời chính xác được câu hỏi “bể bùn đỏ có tổng mức đầu tư là bao nhiêu?”, chỉ đưa ra con số “khoảng 200 tỷ đồng”, tức khoảng 12 triệu U$, thấp hơn 10-15 lần mức bình quân của thế giới, nhưng trên hội thảo cứ khẳng định bể chứa bùn đỏ khổng lồ rộng hơn 200ha “do nước ngoài thiết kế” là “rất an toàn”).

10/ Triển khai các dự án bô - xít là không tuân thủ luật

Thứ nhất, theo Điều 14, Mục 1, Chương III của Luật Bảo vệ môi trường 2005, thì các chương trình như bô - xít ở Tây Nguyên, phải có Đánh giá môi trường chiến lược (ĐCM) trước khi phê duyệt.

Mặc dù vậy, trên thực tế, các dự án bô - xít đã được triển khai, thậm chí có dự án đã đấu thầu, nhưng vẫn chưa có ĐCM được phê duyệt. Đây là một kẽ hở đang bị chủ đầu tư TKV cùng các nhà thầu Trung Quốc lợi dụng bỏ qua các nguy cơ về phá hủy môi trường và các thảm họa về sinh thái cho toàn bộ khu vực Nam Trung bộ của VN để chấp nhận và đưa những công nghệ lạc hậu vào Tây Nguyên.

Thứ hai, Luật khoáng sản quy định: (tại khoản 1, điều 5) “Nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; ưu tiên các dự án có áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến, làm ra sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội cao”; (tại khoản 4 điều 5) “Chính phủ hạn chế việc xuất khẩu khoáng sản dưới dạng nguyên liệu thô” và (tại khoản 1 điều 48) đã nêu rõ: nhà nước có chính sách ưu đãi và khuyễn khích đầu tư đối với các dự án chế biến khoáng sản thành nguyên liệu tinh và sản phẩm.

Trong khi đó, chương trình phát triển của TKV chỉ tập trung cho việc xuất khẩu alumina là một dạng nguyên liệu thô, không phải là sản phẩm nhôm. Các dự án alumina của TKV đang tích cực triển khai với công nghệ thải bùn đỏ (dạng lỏng) rất lạc hậu của Trung Quốc. Trong ngành công nghiệp nhôm của Thế giới, Trung Quốc không nằm trong số những nước có công nghệ nguồn. Chính các công nghệ thải bùn đỏ mà TKV đang nhập khẩu từ Trung Quốc vào Tây Nguyên hiện đang bị xã hội tẩy chay ở tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Các nước trên thế giới, kể cả các nước đang phát triển hoặc chậm phát triển, đã từ lâu chuyên sang công nghệ thải bùn đỏ thân thiện hơn với môi trường (dạng khô).

Thứ ba, theo “Chương trình nghị sự 21 của VN” về phát triển bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại QĐ số 153/2004/TTg-QĐ ngày 17/8/2004, trong đó về các lĩnh vực tài nguyên môi trường đã quy định cần ưu tiên bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước, khai thác thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản; về định hướng phát triển bền vững đã nêu rõ quan điểm: phát triển ngành khai khoáng cân đối với phát triển chung của các ngành kinh tế khác.

Trong khi đó, các dự án khai thác bô - xít và chế biến nguyên liệu thô alumina đều dự kiến xâm hại trên quy mô lớn đến môi trường nước ngọt, môi trường đất của Tây Nguyên. Theo báo cáo của TS. Tuyết Nhung Buôn Krông (Đại học Tây Nguyên), dự án bô - xít Nhân Cơ đã xâm hại đến sinh kế của cộng các bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn (chiếm đất canh tác, lấp cả hồ nước ngọt).

Tóm lại, về nhiều khía cạnh tuân thủ luật, việc triển khai các dự án bô - xít trên Tây Nguyên hiện nay của chủ đầu tư cần phải được dừng lại kịp thời để xem xét đánh giá trước khi chưa quá muộn.

Nhận xét và kiến nghị

Mặc dù các dự án bô - xít đang trong thời kỳ triển khai, nhưng cân nhắc giữa “Mất và được trong việc khai thác bô - xít Tây Nguyên” chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng:

(i) Mọi sai lầm đều có thể sửa chữa được;

(ii) Những chi phí chủ đầu tư đã từng chi ra cho bô - xít không thể so sánh được với những thiệt hại vô cùng nặng nề mà nền kinh tế của đất nước sẽ phải ngánh chịu từ việc khai thác bô - xít;

(iii) Cũng như dự án thép ở Vân Phong, chúng ta hãy tiếp tục nói “không” với các dự án bô - xít trên Tây Nguyên mang tính hủy diệt môi trường và không hiệu quả về mọi mặt.

Ngày 5/11/2008, 17 nhà khoa học, quản lý, nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực có liên quan đến phát triển bền vững kinh tế-xã hội Tây Nguyên đã có Thư kính gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc Hội, Chính Phủ và các tỉnh đề nghị tạm dừng khai thác bô - xít trên Tây Nguyên.

Với các lý do trình bầy trên, chúng tôi kính đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam xem xét không cho phép triển khai các dự án bô - xít trên Tây Nguyên.

  • TS. Nguyễn Đông Hải - Nhà văn Nguyên Ngọc - TS. Nguyễn Thành Sơn
-->đọc tiếp...

Triển vọng bô-xít Tây Nguyên - Tìm hiểu tại chỗ

Link gốc: http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5792/index.aspx

Triển vọng bô-xít Tây Nguyên - Tìm hiểu tại chỗ

"Khai thác bô-xít ở Tây Nguyên hiện nay nếu hạch toán đủ, cầm chắc là sẽ lỗ lớn, để lại những hậu quả nghiêm trọng trên nhiều phương diện cho quốc gia, nhất là nước ta đất chật người đông, thiên tai có xu hướng ngày càng gia tăng. Dù khát vọng phát triển nhanh kinh tế đất nước đến đâu chăng nữa, không thể nóng vội và giản lược như cách làm bô-xít theo hai dự án nói trên." - Chuyên gia Nguyễn Trung nhận định về tình hình khai thác bô-xít ở Tây Nguyên sau chuyến đi thực tế.

Trong những ngày từ 17 đến 23 tháng 12 năm 2008, tôi cùng với một nhóm anh em quan tâm đến vấn đề bô-xít đã cùng nhau đi 4 tỉnh Kontum, Gia Lai, Đắc Nông và Lâm Đồng để tìm hiểu tại chỗ vấn đề khai thác bô-xít. Chúng tôi đã đến hai nơi dự kiến sẽ là nhà máy chế biến alumina tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (tại Đắc Nông). Cả hai dự án nay do Trung Quốc xây dựng. Trong chuyến đi này chúng tôi đã gặp được lãnh đạo tỉnh, huyện, sở tài nguyên môi trường.

Dưới đây là những suy nghĩ của tôi sau chuyến đi này:

Vấn đề nước

Dự án Tân Rai nằm vùng các suối đầu nguồn cung cấp nước cho các sông La Ngà, Đồng Nai, là các nguồn nước chính của thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi và hồ Trị An. Dự án Nhân Cơ nằm vùng đầu nguồn suối Đăk R’Tih – nguồn nước chính của các nhà máy thủy điện nằm trên sông Sêprốc. Cả hai dự án alumina này, mỗi dự án cần khoảng 15 - 20 triệu m3 nước / năm, đều chưa có giải pháp thỏa đáng, lấy nước cho việc này thì lại mất hay thiếu nước cho yêu cầu tại chỗ cho dân sinh, trồng trọt và cho thủy điện.

Riêng cho dự án Nhân Cơ, vấn đề thiếu nước còn trầm trọng hơn, đến nỗi có ý kiến đề xuất phải tính đến việc xây dựng hệ thống lấy nước từ sông Đồng Nai dài hàng chục cây số bơm lên độ cao phải đạt là hơn 300m – nghĩa là hoàn toàn phi kinh tế và vì thế không khả thi.

Chè và cafe mọc rất tốt nơi sẽ bị bốc đi để khai thác bauxite. Ảnh: Nguyễn Trung

Vấn đề nước bùn

Nước bùn đỏ, được thải ra trong quá trình sơ chế alumina, còn đọng lại một lượng soude caustic đáng kể, có tác dụng ăn mòn và hủy diệt môi sinh. Với địa thế vùng thượng nguồn, dự án Tân Rai có nguy cơ gây ô nhiễm cho thủy điện Đàm Thuận – Đa Mi và hồ Trị An (nguồn nước chính của thủy điện Trị An và tỉnh Đồng Nai). Nước bùn đỏ của dự án Nhân Cơ có nguy cơ gây ô nhiễm các suối hồ trong vùng và nguồn nước cung cấp cho các thủy điện trên suối Đăk R’Tih.

Với công suất mỗi dự án là 300 – 600 nghìn tấn alumina/năm, ô nhiễm do hàng chục triệu m3 nước bùn đỏ/năm rất nguy hiểm và xử lý rất tốn kém; sự kiện Vedan không thấm tháp gì so với nguy cơ này.

Về hồ chứa bùn đỏ

Trong quá trình sơ chế alumina, bùn đỏ được tách ra từ quặng còn đọng lại một lượng soude caustic có tác dụng ăn mòn và hủy diệt môi sinh nơi chứa nó, có thể làm hỏng các mạch nước ngầm tại lòng hồ và môi sinh của các vùng chung quanh; phương pháp xử lý là phải chôn trong các hồ lớn rồi phủ lên một tầng đất đủ dầy, xong trồng cây lên trên để chống phong hóa. Nhưng đặc điểm tự nhiên của vùng có các hồ chứa bùn đỏ của 2 dự án này là có địa thế cao, gió lớn về mùa khô và mưa nhiều về mùa mưa (thường là gấp đôi lượng mưa trung bình của cả nước). Việc giữ cho hàng triệu tấn bùn đỏ năm này qua năm khác trong các hồ chứa không bị gió bốc bay đi lung tung hoặc không trôi xuống các vùng chung quanh sẽ rất tốn kém và nhiều rủi ro nghiêm trọng.

Chú ý, trong phòng thí nghiệm, tiến bộ công nghệ và khoa học kỹ thuật ngày nay hoàn toàn có khả năng xử lý vấn đề bùn đỏ và nước thải, được ứng dụng thành công phần nào trong thực tế ở quy mô nhỏ; tuy nhiên có hai vấn đề tồn tại lớn nan giải: (a) giá thành, (b)sự phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nơi có vấn đề phải xử lý. Vì vậy, đến nay chưa một nước nào trên thế giới có thể xử lý có hiệu quả thỏa đáng vấn đề bùn đỏ. Riêng nước Mỹ có tới 26.000 km sông suối bị ô nhiễm do khai thác mỏ chưa có cách gì giải quyết ở mức độ có thể chấp nhận được (Sheran – WME – Australia).

Một số công nghệ hóa học hiện đại nhất hiện nay trên thế giới – ví dụ công nghệ Bauxsol - cũng chưa cho lời giải thỏa mãn, chi phí rất cao, đồng thời phát sinh vấn đề mới. Tại Úc đã có nơi nhà chức trách phải đình chỉ việc thực hiện công nghệ Bauxsol để nghiên cứu thêm (mỏ bô-xít ở địa phương Skytop Mountain – xem: RedOrit Jan. 20-2006 - PATTON TOWNSHIP)...

Vì những lẽ này, và vì nhôm không phải là mặt hàng quý hiếm, nên không quốc gia nào trên thế giới coi bô-xít là khoáng sản chiến lược, không quốc gia nào dám chọn sản xuất nhôm làm chủ bài cho phát triển kinh tế. Cũng vì những lý do ô nhiễm, chỉ có 6% nhôm trên thế giới được sản xuất tại các vùng rừng nhiệt đới nhiều mưa, song thường là những nơi xa và thưa dân cư.

Đáng chú ý, vừa qua phía Trung Quốc và tập đoàn TKV đã tổ chức một đoàn của Lâm Đồng đến tham quan mỏ khai thác bô-xít Bình Quả/Quảng Tây – thủ đô công nghiệp nhôm của Trung Quốc, nơi quặng có hàm lượng 0,65 (của Tây Nguyên là >0,5). Một phó chủ tịch huyện tham gia đoàn về kể rằng những gì thấy được là tuyệt vời, song chính Bình Quả cũng thừa nhận chưa giải quyết được thỏa đáng vấn đề bùn đỏ.

Sắp tới sẽ có một đoàn như thế nữa cấp các Bộ và Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đi thăm vùng mỏ khai thác bô-xít ở Bình Quả; thiết nghĩ nên đối chứng mỏ này với gần 100 mỏ bô-xít Trung Quốc đã đóng cửa gần đây (trong đó có một số mỏ ở vùng Hắc Long Giang, và các mỏ ở Hà Nam, ở Tịnh Tây / Quảng Tây) và những điều vừa nói trên về công nghệ Bauxsol.

Ngoài ra Tây Nguyên là vùng cao và có gió mạnh, cung đoạn vận tải quặng từ mỏ về nơi tuyển rửa trung bình là 5 - 10 km, về mùa khô bụi đỏ sẽ tác hại một diện tích lớn rừng và cây trồng ở gần, đồng thời hủy hoại cảnh quan. Xin nhớ đến các vùng “Quảng Ninh đen” năm này qua năm khác toàn một mầu đen vì khai thác than để có thể hình dung tác hại của bụi và bùn đỏ.

Đất khai thác bô-xít (để lầm phèn chua) sau khi hoàn thổ ở Bảo Lộc: Không loại cây nào mọc được ngoài keo tai tượng. Đây chỉ là nơi có quặng bô-xít được đào đi, rồi lấy đất lấp lại, không phải là nơi chứa bùn đỏ. Ảnh: Nguyễn Trung

Vấn đề năng lượng và vận tải

Chế biến alumina cần một lượng than theo tỷ lệ 1 tấn than / 1 tấn alumina. Như vậy, mỗi dự án cần khoảng 300-400 nghìn tấn than / năm trong giai đoạn đầu, gấp đôi trong giai đoạn sau. Lấy từ đâu tới và đi đường nào? Đồng thời cũng phải vận tải một khối lượng như thế alumina từ nhà máy xuống cảng biển.

Vận tải cho than và alumina của dự án Tân Rai dự kiến sẽ sử dụng giao thông đường bộ hiện có và sẽ xây cảng Kê Gà (Bình Thuận). Đường bộ hiện có rất khó cáng đáng thêm yêu cầu vận tải của dự án Tân Rai; cảng Kê Gà nếu được xây riêng cho alumina sẽ có thể tác động xấu đến môi trường du lịch của miền Trung.

Vấn đề vận tải của dự án Nhân Cơ còn nan giải hơn, chưa có phương án dứt khoát (tất cả mới chỉ là dự kiến), nếu sử dụng đường bộ thì phải đi về hướng Bà Rịa – Vũng Tàu, rất xa và sẽ lâm vào tình trạng tương tự như của Tân Rai, nếu làm đường sắt chuyên dụng Đắc Nông – Bình Thuận thì chuyên gia bên Bộ Giao thông vận tải ước tính cần khoảng 3 tỷ USD (tập đoàn Than & Khoáng sản “TKV” dự trù là 1,3 tỷ USD). Ngoài ra còn phải cộng thêm kinh phí xây dựng cảng Kê Gà do TKV dự toán khoảng 530 triệu USD, sẽ lấy tiền ở đâu?

Hơn thế nữa, xây một hệ thống đường vận tải và cảng như vậy chỉ để chuyên dụng cho sản xuất alumina là sự lãng phí cực kỳ to lớn, không một quốc gia nào dám làm, nhất là nước ta còn nghèo, đất chật, người đông. Hệ thống này, nếu muốn xây dựng, bắt buộc phải được kết hợp với phục vụ các mục đích dân sinh và kinh tế khác, rất tốn kém, quy hoạch và thiết kế đến bao giờ xong – trong khi nhà máy đã khởi công xây dựng?

Về thủy điện để luyện nhôm hoàn toàn không khả thi, vì chỉ để sản xuất 100 nghìn tấn nhôm / năm – tương thích với lượng nhôm nhập khẩu tiêu thụ trong nước một năm - cần một nhà máy thủy điện có công suất là 300 MW, nghĩa là tương đương với nhà máy thủy điện Trị An (gần 400 MW). Như vậy giá thành của nhôm sẽ vọt lên như thế nào? Lấy đâu ra 5 hay 10 nhà máy thủy điện Trị An ở vùng cao nguyên này để sản xuất mỗi năm tối thiểu là 0,5 đến 1 triệu tấn nhôm để có thể tham gia thị trường với tính cách là quốc gia xuất khẩu nhôm? Trong khi đó thị trường nhôm thế giới rất phong phú cho nhu cầu của nước ta, dồi dào, đủ mọi chủng loại.

Vấn đề hoàn thổ

Dự tính diện tích phải hoàn thổ nơi khai mỏ của cả hai dự án lên tới 3000 ha ở giai đoạn I và sẽ lên tới 6000 - 7000 ha ở giai đoạn hai. Có thể thấy trước: Sẽ rất tốn kém nếu muốn có lại đất đai có thể trồng trọt được, song dù làm được cũng sẽ là những vũng loang lổ khắp rừng núi, mặt bằng chỗ cao chỗ thấp và nói chung là sẽ bị hạ thấp, cảnh quan hoang tàn. Những nơi hoàn thổ cũng cần phải vài chục năm mới có thể trồng trọt được bình thường nếu làm tốt việc cải tạo đất sau khi hoàn thổ, song hầu như chỉ thích hợp cho loại cây họ bạch đàn.

Những điều vừa trình bầy, tôi rút ra từ thu thập thông tin trên thế giới và qua việc đến thăm mỏ khai thác bô-xít Bảo Lộc để sản xuất ra phèn chua trong chuyến đi này. Tại mỏ này cho thấy, sau 30 năm khai thác mới hoàn thổ được khoảng 2 ha trong tổng số 36 ha diện tích đã khai thác, rất tốn kém, chỉ thấy một loại cây keo tai tượng cao hơn một mét, hỏi được biết trồng các loại cây khác không sống được. Bài học về hoàn thổ trong việc khai thác than ở Quảng Ninh cho đến hôm nay vẫn là một ác mộng.

Vấn đề việc làm và các hệ quả

Tính toán cả hai dự án với khoảng 7000 ha rừng và đất sẽ tạo ra khoảng 3000 việc làm mới bên trong nhà máy và các khu mỏ, đương nhiên chủ yếu là lao động cơ bắp. Các lãnh đạo địa phương cho rằng giỏi lắm sẽ chỉ có vài phần trăm trong tổng số 3000 này là con em các dân tộc ít người, lẽ đơn giản là họ không thích hợp và không muốn loại lao động này. Như vậy vấn đề việc làm cho Tây Nguyên, nhấ;t là cho người lao động của các dân tộc ít người hầu như không giải quyết được, trong khi đó đất và rừng dành cho đồng bào các dân tộc ngày càng thu hẹp vì khai thác bô-xít, đời sống của họ sẽ ngày càng thêm khó khăn.

Thử làm các bài toán kinh tế về mọi phương diện có liên quan đến việc 7000 ha rừng và đất sẽ phải biến mất để nhường chỗ cho khai các mỏ bô-xít và chỉ giúp cho 3000 người có việc làm! Cũng một diện tích như thế lớp đất bồi bề mặt phải hàng triệu năm tự nhiên mới tạo ra được sẽ bị bốc đi để khai thác bô-xít, bao giờ hoàn lại được?!

Báo chí nói riêng dự án Tân Rai dự kiến tạo ra 16.000 việc làm, có thể là như vậy. Song càng nhiều việc làm ở mỏ đồng nghĩa với càng nhiều lao động thủ công trong khai thác, hệ quả xâm phạm môi trường tự nhiên càng lớn.

Không phải ngẫu nhiên vào những năm 1980 Liên Xô và khối SEV hồi ấy đã khuyên Việt Nam không nên khai thác bô-xít ở vùng này.

Về vấn đề đất và rừng vốn nhạy cảm đối với đồng bào các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, phụ họa thêm vào đó là tác động của những yếu kém và bất cập của các chính sách và của bộ máy hành chính. Qua việc khai thác bô-xít, những vấn đề nhạy cảm này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, tích tụ thêm những căng thẳng mới dễ gây mất ổn định – thậm chí có thể rất nguy hiểm, rất thuận lợi cho sự can thiệp từ mọi phía bên ngoài.

Khỏi phải nói những hệ quả về văn hóa, xã hội đối với đồng bào các dân tộc ít người Tây Nguyên sẽ là trầm trọng.

Hai dự án sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 10 nghìn người bên ngoài hàng rào khu mỏ và nhà máy; song đấy là những công việc dịch vụ dân sinh, chủ yếu sẽ rơi vào tay người kinh; người các dân tộc ít người hầu như không được lợi gì, mà chỉ có thể bị tác hại thêm do những tệ nạn xã hội sẽ phát sinh.

Có tin nói sẽ có khoảng 1400 - 1500 người Trung Quốc vào xây dựng cho mỗi dự án, số đông là lao động chân tay. Việc quản lý một số lượng đông như vậy tại vùng cao này thật không đơn giản.


Đến nay chưa một nước nào trên thế giới có thể xử lý có hiệu quả thỏa đáng vấn đề bùn đỏ. Ảnh: clpccd.cc.ca.us

Kết luận

1. Khai thác bô-xít ở Tây Nguyên hiện nay nếu hạch toán đủ, cầm chắc là sẽ lỗ lớn, để lại những hậu quả nghiêm trọng trên nhiều phương diện cho quốc gia, nhất là nước ta đất chật người đông, thiên tai có xu hướng ngày càng gia tăng. Nếu đem nguồn vốn của ta bỏ vào hai dự án này, và nếu có chính sách đầu tư và bộ máy thực hiện tốt, hoàn toàn có khả năng phát triển Tây Nguyên xanh bền vững, tránh được mọi hiểm họa do khai thác bô-xít, tăng thêm giàu có cho đất nước, đem lại hài hòa dân tộc, và an ninh quốc gia được tăng cường.

2. Rất tiếc là hai dự án bô-xít với nhiều hệ lụy nghiêm trọng như vậy lại không được khảo sát với sự cẩn trọng đúng mức, đã thế lại triển khai theo quy trình lộn ngược, bây giờ lâm vào tình trạng “ván đã đóng thuyền”, rất khó cho đất nước. Trong khi đó, nhiều lãnh đạo cấp tỉnh tỏ ra rất phấn khởi – đơn giản là tin rằng mọi chuyện “đã có Trung ương và tập đoàn TKV lo toan và tính toán hết rồi, không có gì phải lo...”, có bô-xít GDP của tỉnh sẽ tăng, có thêm tỷ trọng cơ cấu kinh tế là công nghiệp, có thêm nguồn thu nhập cho ngân sách tỉnh là thuế tài nguyên, ngoài ra có thêm một số nguồn thu nhỏ khác...

3. Dự án alumina Tân Rai có nguy cơ triệt tiêu khả năng Bảo Lộc có thể trở thành một Đà Lạt 2 và tác hại nhiều tiềm năng phong phú khác đang được phát huy của địa phương này.

4. Dự án alumina Nhân Cơ – được lập luận với lý do đất Đắc Nông xấu không thể làm gì khác ngoài bô-xít có lẽ không xác đáng. Thực tế cho thấy đất Đắc Nông chỉ xấu hơn so với các tỉnh Tây Nguyên lân cận, song vẫn là vùng đất giàu, nếu có hệ thống thủy lợi nhỏ giải quyết tốt vấn đề nước. (Một lãnh đạo tỉnh cho rằng nếu Đắc Nông mỗi năm được đầu tư khoảng 30 – 40 triệu USD riêng cho việc xây dựng hệ thống các hồ nhỏ làm thủy lợi cho rừng và vườn, chỉ trong vòng 5 năm sẽ có một Đắc Nông khác).

5. Công nghiệp bô-xít như đang làm theo 2 dự án này có nguy cơ tác động xấu đến toàn ngành du lịch Việt Nam, hủy hoại nhiều tiềm năng to lớn của Tây Nguyên. Trong khi đó hàng trăm nghìn ha rừng kiệt ở Tây Nguyên nằm chờ các chính sách và thể chế đúng đủ sức hấp dẫn sự đầu tư mang lại một Tây Nguyên xanh giàu có cho chính mình và cho cả nước.

6. Hiện nay các nước phát triển trên thế giới tìm mọi đường phát triển “kinh tế các-bon thấp”, kinh tế tri thức, họ đạt được nhiều thành tựu kinh ngạc. Một số nước đang phát triển đang vận dụng có hiệu quả kinh nhiệm này. Là nước đi sau, vì sao Việt Nam cứ phải ngày càng đi sâu mãi vào công nghiệp thượng nguồn, hiện nay là các dự án đồ sộ về quặng sắt và thép, rồi đây thêm quặng sơ chế alumina hầu như chỉ bán được cho một người mua.., tất cả chẳng lẽ chỉ để kéo dài thêm nữa sự tụt hậu của mình?

7. Mọi hệ quả kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường sẽ xảy ra trong quá trình thực hiện hai dự án này ở vùng nhạy cảm Tây Nguyên sẽ tăng thêm nguy cơ uy hiếp an ninh và sự ổn định chính trị của Tây Nguyên, mà cũng có nghĩa là của cả nước.

Qua tìm hiểu sơ bộ trong chuyến đi Tây Nguyên, riêng tôi càng thấm thía: Dù khát vọng phát triển nhanh kinh tế đất nước đến đâu chăng nữa, không thể nóng vội và giản lược như cách làm bô-xít theo hai dự án nói trên. Tôi nghĩ cách làm như thế là nóng vội, chỉ chứa đựng rủi ro và cầm chắc thất bại lâu dài cho cả nước. Cơm không ăn, gạo còn đó, không vội gì phải phá rừng núi ngay bây giờ để lấy đi tài nguyên không tái tạo được với những cái giá phải trả rất đắt, khả năng xử lý các hệ quả lại ngoài tầm với.

Một khi nước ta có kết cấu hạ tầng và năng lực quản trị quốc gia tốt hơn, giá trị mọi tài nguyên sẽ càng tăng lên gấp bội; trong khi đó triển vọng phát triển Tây Nguyên xanh và bền vững trong tầm tay, biết bao nhiêu lợi thế nước đi sau cho phép nước ta đi lên một quốc gia phát triển hiện đại không được khai thác. Đương nhiên, con đường phát huy lợi thế nước đi sau và phát triển bền vững để sớm trở thành quốc gia hiện đại đòi hỏi sự nỗ lực nghiêm túc và nghiêm khắc hơn nhiều lần về mọi phương diện đối với con người và bộ máy làm việc trong hệ thống chính trị của nước ta. Đây chính là cái đất nước đang cần, cái đất nước đang thiếu.

  • Nguyễn Trung

Kinh nghiệm từ nước Australia

Ông Nguyễn Đức Hiệp, chuyên gia môi trường tại Australia. Australia hiện đứng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất nhôm, nhưng cũng là nơi cư dân có nhận thức cao về bảo vệ môi trường nhận định: Nhà máy luyện nhôm phải tốn rất nhiều điện để điện phân. Trong quá trình sản xuất nhôm thải ra một chất gọi là "bùn đỏ" rất độc hại và không phân huỷ theo thời gian. Trong quá trình luyện nhôm phải có một hồ chứa để chứa bùn đỏ. Hợp chất này nếu không bảo quản tốt có thể tràn lan ra ngoài làm ô nhiễm nguồn nước, sông ngòi.

- Những nhà máy luyện nhôm ở Australia, chẳng hạn như do các công ty Trung Quốc dự tính hoạt động, có thể tạo ra các phản ứng từ xã hội không?

Hiện nay Australia là nước sản xuất nhôm lớn nhất thế giới. Thường các nhà máy luyện nhôm ở khá xa khu dân cư, ít tác hại tới môi trường. Luyện nhôm chỉ thích hợp với các nước lớn, có đất rộng để xây nhà máy xa khu dân cư, xa các đô thị và có chỗ bảo quản các chất thải do nhà máy luyện nhôm tạo ra. Vừa rồi công ty Tranco của Trung Quốc được khai thác bôxit khá gần rừng quốc gia của Australia đã bị một số tổ chức lên án.

- Đối với trường hợp sản xuất nhôm của Việt Nam ở Tây Nguyên, theo anh thì như thế nào?

Theo tôi đặt nhà máy luyện nhôm của Việt Nam ở Đăk Nông không khả thi lắm. Thứ nhất là phải phá rừng để xây nhà máy. Thứ hai là không tìm được chỗ thích hợp để chứa bùn đỏ.

- Người ta nói hiện nay Trung Quốc xuất khẩu ô nhiễm, anh có thành ý kiến đó không?

Đúng như vậy. Do luyện nhôm tốn điện, do luật bảo vệ môi trường gắt gao nên các công ty Trung Quốc đang tìm cách chuyển các nhà máy luyện nhôm sang các nước nhỏ như Việt Nam, nơi nhân công rẻ và luật môi trường cũng có nhưng thực thi rất là yếu. Đó là lí do tại sao công ty luyện nhôm Tranco của Trung Quốc ngoài đầu tư vào Australia còn nhòm ngó Việt Nam. Luyện nhôm ở Trung Quốc đã làm hại môi trường rất lớn, nên họ chuyển ra nước ngoài. Vì thế Việt Nam không nên nhìn vào mối lợi kinh tế trước mắt mà bị hại rất lớn về sau. Do trước đây không chú ý nên hiện nay Trung Quốc đang cực khổ vì môi trường bị phá huỷ trầm trọng. Vì vậy họ đang có ý đồ xuất khẩu ô nhiễm sang nước khác.

(Theo RFI - Pháp)





-->đọc tiếp...