Triển khai dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên - Khoảng 30% khối lượng thiết bị có thể sản xuất trong nước

Nguồn: http://www.sgtt.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=50871&fld=HTMG/2009/0503/50871


Sau bài của GS-TS Phạm Duy Hiển về vấn đề cần phải có chiến lược nội địa hoá công nghệ khai thác bauxite, trao đổi với SGTT ngày 28.4, chuyên gia luyện kim TS Nguyễn Văn Ban (nguyên trưởng ban dự án Nhôm – tổng công ty Khoáng sản Việt Nam) cho rằng: khoảng 30% khối lượng thiết bị chúng ta có thể sản xuất trong nước được với giá thành sẽ bằng khoảng 60 – 70% giá trị nhập khẩu.

Chọn công nghệ theo đặc điểm thạch học quặng

Việt Nam làm chủ công nghệ khai thác bauxite tới đâu?

Do đặc điểm cấu trúc địa lý và tính chất vật lý của bauxite Việt Nam nên khai thác bauxite bằng phương pháp lộ thiên khá dễ dàng: đào từ trên xuống, gạt bỏ lớp phủ bên trên, xúc bauxite và chở đi. Hiện các thiết bị đều có sẵn nên tập đoàn công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) có kinh nghiệm và hoàn toàn làm chủ được phương pháp này.

Thứ hai là công nghệ tuyển khoáng bauxite (tuyển rửa) chủ yếu dùng nước rửa khiến các hạt mịn trôi đi, hạt to còn lại sẽ là bauxite. Bởi các hạt mịn thường chứa silic cao, nguyên tố này có hại cho sản xuất alumin – giảm thực thu oxit nhôm. Tuỳ vào loại quặng, nếu quặng nguyên khai tốt thì không phải tuyển, còn quặng của chúng ta là phải tuyển. Hiện viện Công nghệ luyện kim và tổng cục Hoá đã áp dụng được công nghệ này tại mỏ Bảo Lộc (Lâm Đồng) nên về cơ bản công nghệ này chúng ta hoàn toàn làm chủ được.

Còn công nghệ xử lý bauxite thành alumin?

Về công nghệ sản xuất alumin, Việt Nam chưa làm được mà cần sự giúp đỡ công nghệ của các nước khác. Hiện trên thế giới những công ty có công nghệ alumin tốt là các công ty nhôm của Bắc Mỹ và Tây Âu như Pechiney, Alcoa, Alcan–Rio Tinto… hai công nghệ ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất là American Bayer (hoà tách ở nhiệt độ trung bình 142oC) và Bayer (hòa tách ở nhiệt độ 105 – 107oC). Các nước sẽ tuỳ vào đặc điểm thạch học quặng của mình mà lựa chọn công nghệ.

Nên xác lập công nghệ trên mẫu đại diện mỏ

Vậy đặc điểm quặng bauxite ở Tây Nguyên là gì? Và với loại quặng đó chúng ta nên sử dụng công nghệ nào, thưa tiến sĩ?

Trên thế giới quặng bauxite có ba loại chính: gibbsite, beumite và diaspora. Quặng của chúng ta chủ yếu là gibbsite. Và công nghệ thích hợp nhất cho khai thác loại quặng này là American Bayer.

Tuy nhiên tôi phải nhấn mạnh, không phải bauxite mỏ nào cũng giống mỏ nào. Để xác lập công nghệ thiết kế nhà máy alumin, bất cứ dự án nào cũng phải tiến hành nghiên cứu xác lập công nghệ trên mẫu đại diện mỏ.

Và không phải bất cứ công ty nhôm nào cũng có công nghệ tốt. Chỉ có những công ty có kinh nghiệm, có lịch sử phát triển lâu đời, đã trải qua thiết kế nhiều công trình, có nhiều Know how (bí quyết) trong chế tạo thiết bị, vận hành sản xuất mới có công nghệ tốt. Do đó, việc lựa chọn đối tác cung cấp công nghệ sản xuất alumin hết sức quan trọng, có như vậy mới đảm bảo nhà máy xây dựng xong vận hành an toàn và cho chỉ tiêu kinh tế tốt.

Có nhiều ý kiến lo ngại về công nghệ Trung Quốc không phù hợp với quặng của nước ta sẽ gây độ rủi ro cao. Ý kiến của tiến sĩ về vấn đề này thế nào?

Quặng của chúng ta chủ yếu là gibbsite trong khi quặng của Trung Quốc chủ yếu là diaspora. Nói TKV chọn American Bayer từ phía Trung Quốc độ rủi ro cao là đúng. Vì Trung Quốc bản thân họ không có loại quặng giống chúng ta, nên kinh nghiệm xử lý quặng là không có.

Chưa kể đến theo hợp đồng EPC nhà máy được trang bị hoàn toàn thiết bị của Trung Quốc sẽ khó đảm bảo chất lượng. Bởi trong một vài cuộc trao đổi gần đây với các bên, tôi có hỏi về các thiết bị thiết yếu khi sản xuất alumin như lò nung hay máy lọc chân không có hay không thì hầu hết câu trả lời nhận được là… không biết.

Chỉ làm một số dự án ở quy mô vừa phải

Như tiến sĩ trình bày ở trên về khả năng nội địa hoá công nghệ thì có nhất thiết phải giao việc cung cấp thiết bị, công nghệ cho nhà thầu EPC?

Về thực tế, có khoảng 30% khối lượng thiết bị chúng ta có thể sản xuất trong nước được với giá thành sẽ bằng khoảng 60 – 70% giá trị nhập khẩu. Nếu EPC nhà máy được trang bị hoàn toàn thiết bị Trung Quốc thì chúng ta sẽ mất đi cơ hội chế tạo một số thiết bị trong nước để giảm đầu tư. Các công ty xây dựng Việt Nam mất cơ hội tham gia thi công một số hạng mục công trình.

Tiến sĩ có đề xuất nào cho vấn đề này?

Theo tôi có thể triển khai mô hình EPCM (Engineering Procurement Construction Management) thay vì EPC (Engineering Procurement Construction – loại hợp đồng xây dựng, thường được gọi là “chìa khoá trao tay”). Với EPCM chúng ta sẽ thuê một công ty chuyên điều hành công việc của dự án. Với từng khâu, từng thiết bị ta sẽ lựa chọn đối tác cũng như thiết bị phù hợp nhất thì sẽ tiết kiệm hơn là “chìa khoá” trao hết cho đối tác, đồng thời tránh được nhiều rủi ro.

Môi trường là vấn đề được quan tâm nhiều nhất đằng sau các dự án. Theo tiến sĩ chúng ta nên có một thái độ thi công như thế nào là hợp lý với các dự án bauxite ở Tây Nguyên?

Theo tôi chúng ta không nên làm ồ ạt mà nên làm một số dự án ở quy mô vừa phải (cũng là thử nghiệm). Không nên đặt tham vọng quá nhiều vào dự án để rồi kéo theo những rủi ro. Dăk Nông địa hình như hình mái nhà, không giữ được nước, không chứa được nước trong khi theo tính toán tới năm 2025 chúng ta cần tới 350 triệu m3 nước cho dự án này thì không biết sẽ lấy ở đâu. Muốn giải quyết các dự án tại Dăk Nông phải tìm giải pháp cho vấn đề nước và giao thông vận tải.

Thanh Tuyền thực hiện


Trong cuộc họp giao ban báo chí sáng 28.4, bộ Công thương đã có báo cáo về một số ý kiến xung quanh việc triển khai dự án bauxite. Giải thích cho các ý kiến lo ngại công nghệ Trung Quốc không phù hợp, báo cáo có đoạn: “… TKV cho biết, cả hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều lựa chọn công nghệ Bayer, đã lấy mẫu thử và kết quả sản phẩm đủ tiêu chuẩn điện phân nhôm. Trung Quốc có kinh nghiệm, có công nghệ sản xuất alumin (kể cả với quặng gibbsite), điện phân nhôm và là một trong các nhà máy sản xuất alumin – nhôm hàng đầu thế giới. Như vậy, công nghệ Trung Quốc được kiểm chứng qua thực tế và có thể áp dụng cho các dự án ở Việt Nam. Tập đoàn TKV cam kết có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ theo đúng như hồ sơ mời thầu, đảm bảo công nghệ tiên tiến. Chính phủ sẽ giao nhiệm vụ cho bộ Khoa học và công nghệ chủ trì việc kiểm tra và giám sát để đảm bảo công nghệ chuyển giao là tiên tiến, thân thiện với môi trường...”.


0 comments: