Công Nhân TQ vào VN: lách để viết?

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/Local-press-have-to-find-ways-on-reporting-chinese-workers-in-vietnam-nnguyen-05092009083422.html


Trong khi những báo nhiều độc giả như Tuổi Trẻ Online bất ngờ dừng loạt bài về công nhân TQ ở Tây Nguyên, làng báo TPHCM vẫn còn một tờ tiếp tục các bài viết về vấn đề này.

AFP- Hàng trăm công nhân Trung Quốc đang sống và làm việc ở dự án bauxite Tân Rai, Lâm Đồng.

Một nhà báo lâu năm ở VN nói với chúng tôi rằng, không phải ngẫu nhiên một số báo phải ngưng một đề tài và báo khác lại được tiếp tục. Theo lời ông, có một vài biệt lệ và những báo làm đề tài nhậy cảm thường tiếp cận vấn đề rất khéo léo, một hình thức lách để viết mà vẫn tường trình được sự việc.

Saigon Tiếp Thị là báo in và có thêm bản điện tử sgtt.com.vn, ngày 14/4/2009 tờ báo có phóng sự ghi nhận sự kiện hàng trăm công nhân TQ đang sống và làm việc ở dự án bauxite Tân Rai Lâm Đồng. Gần đây nhất ngày 6 /5/2009, Saigon Tiếp Thị đưa lên mạng bài ‘Người Quảng Tây ở Quảng Nam’ dưới hình thức phóng sự, ghi nhận sự kiện hơn 500 công nhân Trung Quốc đã vào VN từ ba năm qua, lao động tại các công trường thủy điện ở tỉnh Quảng Nam.

Công nhân TQ đã có mặt ‘trên từng cây số’

Trước khi trở lại với bài báo SGTT, chúng tôi muốn tìm câu trả lời là thực sự đã có bao nhiêu công nhân TQ hoạt động ở VN, đặc biệt là lực lượng lao động phổ thông. Cuối tháng Tư, các báo ở VN đều đưa tin ông Nguyễn Thanh Hòa Thứ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội cho biết, có khoảng 50 ngàn người nước ngoài đang làm việc tại VN và 30% trong số này thuộc diện vào Việt Nam làm việc không hợp pháp. Con số chính thức này có thể chưa phản ánh đúng thực tế, vì theo số liệu của Bộ Xây Dựng và Hiệp Hội Doanh Nghiệp Cơ Khí, các nhà thầu Trung Quốc đang nắm giữ vị trí tổng thầu nhiều dự án ở VN, bao gồm thủy điện nhiệt điện, nhà máy xi măng và phân bón. Theo Tổng Hội Xây Dựng VN thì đã có hàng vạn công nhân TQ có mặt ở các công trình mà doanh nghiệp TQ trúng thầu. Doanh nghiệp TQ có thói quen mang theo công nhân làm việc kể cả lao động phổ thông, gồm luôn anh nuôi chị nuôi, công nhân vệ sinh và bảo vệ.

Chắc chắn có khá nhiều công nhân lao động phổ thông nước ngoài đang làm việc ở VN một cách bất hợp pháp. TS Nguyễn Quang A, VT viện Nghiên Cứu Phát Triển

Công nhân TQ đã có mặt ‘trên từng cây số’ theo cách nói vui của người bình dân. Trong dịp trả lời đài ACTD, TS Nguyễn Quang A Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển, một tổ chức độc lập ở Hà Nội đưa ra nhận định:

“Chắc chắn có khá nhiều công nhân lao động phổ thông nước ngoài đang làm việc ở VN một cách bất hợp pháp. Con số cụ thể là bao nhiêu thì tôi cũng chỉ được biết qua thông tin trên báo chí, nhưng mà người dân có thể cảm nhận được việc này qua một số dự án mà các nhà đầu tư nước ngoài trúng thầu.”

Trở lại bài báo ‘Người Quảng Tây ở Quảng Nam’ trên báo SGTT bản điện tử ngày 6/5. Bài báo được dẫn nhập, Trên cung đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam có một làng công nhân người Quảng Tây Trung Quốc. Họ đã đến đây hơn ba năm để xây dựng hai công trình thủy điện Za Hung và Sông Kôn 2.

Phóng viên Đoàn Nguyễn tác giả bài phóng sự ghi nhận rằng, cho đến thời điểm cuối tháng 4 trên đại công trường này, có 523 công nhân Trung Quốc. Dự án thủy điện này sắp hoàn thành, người TQ đã có ngay công trình thủy điện mới, cũng ở miền Trung Việt Nam để thi công tiếp.

Nỗi đau của nước nhược tiểu

Công ty Cổ Phần Za Hưng thuộc tập đoàn Hà Đô, Bộ Quốc Phòng, địa chỉ 25 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội, là chủ đầu tư công trình thủy điện Za Hung. Ông Nguyễn Văn Đảm, phó tổng giám đốc công ty, cho biết tổng đầu tư cho công trình là 600 tỉ đồng, người Trung Quốc đã thắng hai trong ba gói thầu xây lắp thuộc về công ty cổ phần Quế Năng, gói thầu lắp đặt thiết bị thuộc Công Ty Cổ Phần Quế Võng. Theo chân hai công ty này có 340 người Trung Quốc.

Vẫn theo SGTT, ông Nguyễn Văn Đảm nhận xét, công nhân Trung Quốc làm việc hiệu quả hơn công nhân Việt Nam, thể hiện ở ba khía cạnh, sức khỏe tốt hơn, chuyên nghiệp hơn và có ý thức kỷ luật cao hơn. Tờ báo trích lời ông Nguyễn Văn Tê trưởng công an huyện Đông Giang cho biết, trong ba năm ở hai công trình của người Trung Quốc chỉ xảy ra 2 vụ ẩu đả với người địa phương, nếu so với những công trình chỉ có lao động Việt Nam là quá êm thắm.

Công nhân Trung Quốc làm việc hiệu quả hơn công nhân Việt Nam, thể hiện ở ba khía cạnh, sức khỏe tốt hơn, chuyên nghiệp hơn và có ý thức kỷ luật cao hơn. Ông Nguyễn Văn Đảm, PTGĐ Cty Cổ Phần Za Hưng

Vừa rồi là một phần bài Người Quảng Tây ở Quảng Nam trên báo mạng SGTT ngày 6/5/2009. Trong phóng sự này, nhà báo dành cơ hội cho giới chức Trung Quốc được lên tiếng, ông Ngô Hải Hoa 30 tuổi, phó giám đốc dự án công trình thủy điện Za Hung, người trực tiếp cai quản 300 lao động Trung Quốc phát biểu rằng, công nhân TQ muốn có việc làm chứ không muốn định cư. Ông Hoa tâm sự là bên TQ không dễ kiếm việc, làm việc ở vùng rừng núi này của VN tuy xa nhà nhưng thu nhập cao hơn. Thu nhập lao động phổ thông 4.000 tệ mỗi tháng, chúng tôi tính ra tiền đồng VN tương đương gần 10 triệu 400 ngàn đồng. Lao động phổ thông lương như thế quả là quá cao so với công nhân VN. Còn với lương cán bộ quản lý như cá nhân ông Hoa vào khoảng 6.000 nhân dân tệ tức gần 16 triệu tiền Việt. Cán bộ quản lý Ngô Hải Hoa thêm rằng, cuộc sống ở công trình Za Hung không có gì phàn nàn. Thức ăn thì có đầu bếp Trung Quốc nấu, mùa nào thức nấy, chợ không thiếu thứ gì. Chỗ ở cũng không chật chội, mỗi công nhân 4 mét vuông, tổ trưởng thì hai người một phòng 20 mét vuông, còn cán bộ quản lý thì được phòng riêng. Cán bộ TQ Ngô Hải Hoa cho biết tại công trình có internet, có chảo vệ tinh bắt được 30 đài TQ, có sân bóng đá, bóng chuyền điều ông Hoa cho là không khác gì đang ở nhà bên TQ.

Quả là cách tiếp cận vấn đề của báo mạng SGTT rất khéo léo, phải đến những dòng cuối cùng mới thấy được nỗi đau của người nhược tiểu. Tác giả Đoàn Nguyễn ghi nhận rằng, ở hai công trình thủy điện Za Hung và Sông Kôn số 2 này, người Việt đã bị gạt ra trong cuộc kiếm tìm việc làm ở ngay trên quê hương mình. Đây là những công việc phổ thông ai làm cũng được. Ông Đỗ Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang xác định là khi triển khai hai dự án vừa nói, chính quyền địa phương đã yêu cầu nhà đầu tư phải ưu tiên sử dụng lao động địa phương. Theo lời ông Tài nhà đầu tư đã chỉ tuyển vài ba người ở địa phương và con số thật quá nhỏ bé nếu so với lao động Trung Quốc.

Trung Quốc có chính sách hẳn hoi rõ ràng là người ta khuyến khích những nhà thầu Trung Quốc khi đi nhận thầu, thì đem được càng nhiều lao động Trung Quốc ra nước ngoài càng tốt. TS Phạm Sĩ Liêm, Thứ Trưởng Bộ Xây Dựng

Báo mạng SGTT nhận định rằng, có thể ý chí của địa phương và quan điểm của nhà đầu tư còn chưa gặp nhau. Cũng có thể lao động TQ có những ưu điểm nổi trội hơn lao động nội địa. Nếu đúng như vậy, lao động Việt cũng cần xem lại mình trong phiên chợ việc làm toàn cầu đầy sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Chính sách Trung Quốc

Nhận định về sự kiện lao động TQ hoạt động ở VN trong khi công nhân VN không có nhiều cơ hội tìm việc. Trả lời Mặc Lâm đài ACTD, nguyên Thứ Trưởng Bộ Xây Dựng TS Phạm Sĩ Liêm phát biểu:

“Trung Quốc có chính sách hẳn hoi rõ ràng là người ta khuyến khích những nhà thầu Trung Quốc khi đi nhận thầu, thì đem được càng nhiều lao động Trung Quốc ra nước ngoài càng tốt. Cũng như sử dụng càng nhiều càng tốt vật liệu xây dựng do Trung Quốc sản xuất. Hình như chính phủ họ còn đặc biệt ưu đãi những doanh nghiệp sử dụng được trên 35% tổng giá trị vật liệu sử dụng của công trình.”

Một khía cạnh khác trong bài ‘Người Quảng Tây ở Quảng Nam’ của báo mạng SGTT, mặc dầu các công trình thủy điện ở huyện miền núi Đông Giang dân cư địa phương là người dân tộc thiểu số, thế nhưng những cuộc tình giữa công nhân TQ và cư dân địa phương vẫn diễn ra. Trong bài có đoạn nói về ‘Đứa con trắng bóc của người Cơ Tu’ mô tả khá rõ ràng chuyện một bé gái lai Tàu ra đời, kết quả của một vụ ngoại tình giữa một phụ nữ người dân tộc Cơ Tu và công nhân TQ. Bà vợ người Thượng này còn dọa bỏ chồng đi theo người TQ khi các công trình ở Đông Giang hoàn tất.

Thưa quí thính giả câu chuyện ‘Người Quảng Tây ở Quảng Nam’ của báo mạng SGTT mới chỉ là một nét chấm phá, một vệt nhỏ trong bức tranh sẫm màu về sự kiện công nhân TQ đang có mặt khắp nơi ở VN, từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam, Tây Nguyên và tới tận miền Đông Nam Bộ. Hy vọng còn được đọc nhiều bài báo khác sinh động như vậy.

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

0 comments: