Tướng Giáp
Posted On Friday, May 8, 2009 at at 1:34 PM by Bô-xít Tây Nguyên
Tiêu Phong: Có thể nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp là biểu tượng cuối cùng còn lại của thế hệ cách mạng tiền bối. Ở lứa tuổi gần trăm như ông, việc quan tâm các vấn đề lớn của đất nước là một điều vô cùng đáng trận trọng. Cách đây vài năm, ý kiến "không phá hội trường Ba Đình" của ông đã bị bỏ qua. Rất có thể, mong muốn "không khai thác bô-xít Tây Nguyên" sẽ là ước nguyện lớn nhất cuối cùng của cuộc đời ông. Việc Thủ tướng đến thăm nhan 7/5 và nói "tiếp thu ý kiến" không thể xóa đi một thực tế là bức thư đầy tâm huyết ông gửi Thủ tướng đã bị xếp xó vài tháng nay, chưa bao giờ được trả lời chính thức. Rất chính xác khi coi Đại tướng là một người theo “chủ nghĩa đối lập trung thành” (loyal oppositionism), ta cùng đợi xem trên thực tế, sự trung thành của ông sẽ khiến giới cầm quyền để tâm tới sự đối lập đến mức nào.
Nguồn: http://www.blogosin.org/?p=881
Những đoạn (…) là tự ý đục bỏ
Tiếng vỗ tay như vỡ tung Cung Hữu Nghị Việt Xô khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn giọng: “Xin chào mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thời đó là Tổng Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ, người đã chấp hành triệt để và sáng tạo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị, cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch, chỉ đạo trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giành toàn thắng”. Thật khó biết điều gì đang diễn ra trong lòng Tướng Giáp, từ lâu ông đã có một gương mặt rất ít biểu lộ. Nhưng, những giọt nước mắt của những người có mặt hôm ấy thì không thể kềm chế, chúng lăn rất nhanh trên má họ; lăn khi, tiếng vỗ tay vẫn cứ kéo dài. Hôm ấy là ngày 6-5-1994, tại Hà Nội, Nhà nước tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bài diễn văn dài của Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ vỏn vẹn có 59 từ nói về Tướng Giáp, lại được viết rất công thức, “rào đón” bằng cả “Bộ Chính Trị” và “Bác Hồ”. Sở dĩ, chúng có thể tạo ra sự rung động đặc biệt đến vậy, là vì đó là lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, cái tên Võ Nguyên Giáp lại được nhắc đến trong một buổi lễ chính thức. Điện Biên Phủ là một chiến thắng “chấn động”, một chiến thắng đưa Võ Nguyễn Giáp trở thành một bậc tướng huyền thoại. Nhưng, năm 1984, khi chuẩn bị số đặc biệt mừng 30 năm Điện Biên, vào giờ chót, một tờ báo lớn đã phải “bóc” hình Tướng Giáp.
…
Trước lễ 7-5-1994, khi gặp phỏng vấn ông, tôi đã đặt một câu hỏi mà sau đó, báo Tuổi Trẻ “tự ý đục bỏ”: Thưa Đại tướng, khi Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, Đại tướng đang là Bộ trưởng Quốc Phòng, Bí thư Quân ủy, Tổng Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang, nhưng tại sao vai trò của Đại tướng rất ít được nhắc tới trong hồi ký Đại Thắng Mùa Xuân của tướng Văn Tiến Dũng? Tướng Giáp đáp: “Nhật ký Tổng Hành Dinh ghi rõ, trong những ngày ấy, tôi lệnh gì, anh Ba (Lê Duẩn) lệnh gì. Tôi nghĩ, các nhà sử học muốn tìm hiểu sự thật nên tiếp cận với các tài liệu chính thức ở Tổng Hành Dinh thay vì thông qua lời tuyên bố của một ai đó”. Khi nói tới “Nhật ký Tổng Hành Dinh” ông quay qua nói với thiếu tướng Lê Phi Long, người cùng có mặt trong buổi phỏng vấn: “Cậu biết rõ điều này, Phi Long”.
Thiếu tướng Lê Phi Long nguyên Cục phó Cục Tác chiến, là người từng có nhiều năm làm việc trong Tổng Hành dinh. Có những giai đoạn như Mậu Thân, tướng Long được giao nhiệm vụ theo dõi chiến trường, mỗi ngày làm 3 báo cáo, sáng (6g), trưa (12g), chiều (6g) cho một số ủy viên Bộ Chính trị. Ông, có thể nói, vừa là một chứng nhân, vừa là một người tạo ra lịch sử. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Lê Phi Long là Chủ nhiệm “Hướng Tây Nguyên”, ở bên cạnh Tướng Giáp cho đến giai đoạn quyết định, được giao làm Trưởng phòng Tác chiến “Cánh quân Duyên Hải” do tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy, “thần tốc” đánh từ Trị Thiên vào thẳng Dinh Độc Lập.
…
Tướng Giáp kể lại rằng, trong cái ngày 30-4 ấy, sau khi nhận được tin báo Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng. Ông đã rời Tổng Hành Dinh, một mình bước ra phố. Khi đó ông có cái cảm giác của một tướng quân đã đánh xong thành lũy cuối cùng, đã hoàn thành nhiệm vụ. Có lẽ trong giờ phút hạnh phúc đó, Tướng Giáp không thể ngờ những gì sắp xảy ra với mình.
… Tháng 3 năm 1985, Tướng Giáp, lúc này đã không còn chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, vào Huế dự lễ mừng “10 năm giải phóng”. Cùng đi với ông có Tướng Lê Trọng Tấn, lúc bấy giờ là Tổng Tham mưu Trưởng và Tướng Lê Phi Long. Họ được đón tiếp khá nồng hậu và được bố trí nghỉ tại khu nhà nghỉ xưa kia của Ngô Đình Cẩn ở Huế. Tướng Lê Phi Long kể: “Anh Văn gọi tôi tới cùng đi dạo chơi quanh vườn và nói: “Lâu nay các cậu có nghe người ta nói gì về mình không?” Tôi trả lời. Anh bảo: “Sao không thấy nói lại! Trong tình hình phức tạp hiện nay, con người ta có thể bị phân hóa thành 3 thái độ: một là thẳng thắn đấu tranh bảo vệ sự thật, chân lý; hai là trong khi chưa có điều kiện nói ra sự thật thì ngồi yên kiên trì chờ đợi; ba là cơ hội, xuyên tạc, sẵn sàng đổi trắng thay đen, bóp méo sự thật. Các cậu có đủ dũng khí thì theo cách một, chưa có điều kiện thì chọn cách 2, còn cách 3, thì phải tuyệt đối tránh”.
Hôm sau, đoàn của Tướng Giáp vào Đà Nẵng bằng đường bộ. Trên đèo Hải Vân, khác với không khí nồng hậu mà Huế giành cho Đại tướng, Đà Nẵng chỉ cử một tỉnh ủy viên trẻ măng, vô danh ra đón, không có đại diện Quân khu, Tỉnh đội. Tướng Lê Phi Long nhớ lại: “Chúng tôi rất bực mình, nhưng anh Văn vẫn bình thản”. Đêm ấy, Đoàn nghỉ ở nhà khách Mỹ Khê, sáng hôm sau, theo chương trình, đoàn sẽ đến đặt vòng hoa tại đài liệt sỹ trước khi dự lễ mừng chiến thắng. Nhưng đợi mãi, không thấy ai phát thư mời và phù hiệu cho đoàn của “anh Văn”. Các sỹ quan đi cùng hỏi thì được trả lời: “Mời ai đã có chủ định, kế hoạch cả. Ai không có giấy thì coi như không được mời”.
Lễ mừng Chiến thắng Đà Nẵng năm ấy được tổ chức trọng thể vì có Tổng Bí thư Lê Duẩn tới dự. Tướng Lê Phi Long kể, “chúng tôi rất băn khoăn, liền xin ý kiến của anh Tấn và anh Văn”. Trong đoàn có ý kiến, thôi không dự lễ nữa. Tướng Giáp suy nghĩ rất lâu rồi nhẹ nhàng nói: “Chúng ta vào đây không phải vì lễ lạt mà còn để viếng những đồng đội, đồng chí đã ngã xuống trên mảnh đất này. Đã tổ chức viếng thì phải tổ chức trang trọng, chu đáo theo đúng nghi thức quân đội”. Lập tức, Tướng Lê Trọng Tấn ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Quân Khu 5 tổ chức một lễ viếng riêng có đủ tiêu binh, quân nhạc và đích thân một vị trong Bộ Tư lệnh phải tháp tùng. Quân Khu 5, đương nhiên phải tuân lệnh. Sáng hôm sau, xung quanh đài liệt sỹ, dân chúng kéo đến rất đông, họ đến không phải được triệu tập. Họ đến để xem mặt vị tướng lừng danh mà họ vô cùng yêu mến.
…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911 tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Tướng Giáp kể: “Ông ngoại tôi vốn là một lãnh binh theo nghĩa quân Cần Vương, mỗi khi Tây về làng bà ngoại lại phải bỏ mẹ tôi vào quang thúng gánh chạy”.
Những năm học ở Trường Quốc học Huế, cậu Giáp học rất xuất sắc, thường tới nhà cụ Phan Bội Châu đàm đạo và được cụ Phan cho mặc sức sử dụng kho sách của mình. Giáp cũng chơi thân với thầy giáo Đặng Thai Mai. Con gái cụ Mai, bà Đặng Bích Hà, sau này là phu nhân đại tướng, kể: “Ba tôi lớn hơn nhà tôi một giáp, nhưng hai người là bạn vong niên, rất thân nhau”.
Năm 1929, 18 tuổi, lần đầu tiên Giáp ra Hà Nội. Một người đồng chí của ông ở Tân Việt, ông Nguyễn Văn Tạo, dẫn ông ra Cửa Bắc, thành Hà Nội để nhìn hai vết đạn đại bác của Pháp đánh dấu thành Hà Nội thất thủ. Tướng giữ thành Hoàng Diệu tự sát. Lúc dạy học ở Thăng Long, ông Giáp thường nói về tinh thần yêu nước và quá khứ anh hùng. Ông vẫn thường dẫn học trò ra đê Giảng Võ coi mộ Francis Garnier; ra Cầu Giấy chỉ cho học sinh mộ Henri Rivière để nung nấu họ tinh thần chống Pháp.
Một trong những học trò của Tướng Giáp, ông Bùi Diễm, một người đã từng là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa năm 1965, nhớ lại: Khi tôi vào trường Thăng Long, nơi đây đã sôi sục ý chí chống Pháp và những cuộc tranh luận về tương lai cho xã hội Việt Nam. Ban giáo sư gồm những người như ông Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giam, Trần Văn tuyên… Nhưng trong tất cả những nhân vật đáng nhớ, đặc biệt có một người tôi khó quên: đó là ông Võ Nguyên Giáp, người dạy tôi về môn Sử. Dáng người nhỏ nhắn song nhìn vào ông thì thấy cả một bầu nhiệt huyết. Những gì về ông Giáp hồi ấy thật đặc biệt, vì vậy mà hơn nửa thế kỷ sau, tôi vẫn còn nhớ rõ rệt. Phần giảng dạy của ông về Nã Phá Luân (Napoléon) rất ly kỳ. Ông trình bày tường tận chiến thuật và chiến lược của Nã Phá Luân bằng cách tả rõ từng trận đánh nhỏ một. Hình như ông đã in tất cả trong đầu và Sử trở thành một phần trong con người ông. Ông như chìm đắm vào thế giới của mình và ông lôi kéo học trò vào thế giới đó. Trong giờ ông giảng, học sinh thường im lặng như tờ… (Bùi Diễm- Gọng Kìm Lịch Sử, Phạm Quang Khai, 2000, tr. 21,22,23).
Lần ra Hà Nội năm 1929 để bàn với chi bộ Vinh và Hà Nội tổ chức cho Nguyễn Thị Minh Khai đi thoát ly, theo lời kể của chị Hồng Anh, con gái Tướng Giáp: “Cha tôi lần đầu tiên nghe nhắc đến cái tên Nguyễn Thị Quang Thái (cô em gái trẻ, thông minh và rất xinh đẹp của Nguyễn Thị Minh Khai-HĐ). Trong chuyến tàu cha tôi trở lại Huế, tới Vinh thì gặp mẹ tôi (Quang Thái) lên tàu, cùng với một nữ sinh Đồng Khánh. Lúc đó mẹ tôi mặc áo dài, tóc để xõa, da trắng, gương mặt sáng. Nhưng điểm gây ấn tượng với cha tôi nhất là đôi mắt”. Năm 1935, họ cưới nhau.
Năm 1940, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng được tổ chức đưa sang Vân Nam. Giáp chia tay với người vợ trẻ Nguyễn Thị Quang Thái khi họ vừa có Hồng Anh, con gái đầu lòng. Đó là lần chia tay cuối. Sau khi Giáp ra đi, Nguyễn Thị Quang Thái bị Pháp bắt và năm 1944 chết trong nhà tù.
Năm 1946, Võ Nguyên Giáp tới thăm gia đình ông Đặng Thai Mai khi gia đình giáo sư vừa rời Sầm Sơn ra Hà Nội sau khi từ chối một chức bộ trưởng trong chính phủ Trần Trong Kim. Năm ấy, bà Đặng Bích Hà bước sang tuổi 19, đẹp và là “tiểu thư” trong một gia đình danh giá. Mối tình của họ đã đưa bà Đặng Bích Hà lên chiến khu, sinh cho ông thêm hai cô gái, và đúng năm 1954 sinh hạ người con trai thứ nhất, đặt tên là Võ Điện Biên.
Khi phân công trong Đảng, Hồ Chí Minh nói: “Việc quân sự giao cho chú Giáp”. Cụ Hồ cũng đã từng cử Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc học quân sự. Nhưng trên đường đi, Chiến tranh Thế giới thứ hai đưa người Pháp ở chính quốc vào thế thua, Hồ Chí Minh thấy thời cơ tới nên gọi ông trở lại. Từ đó ông không có thêm cơ hội để học qua bất cứ một trường lớp nào. Có lẽ, chính những năm dạy sử ở Trường Thăng Long đã hình thành nên tư duy quân sự ấy.
Thiếu tướng Lê Phi Long cho rằng: “Ngoài tài năng còn có một yếu tố quan trọng khác, ông là một người có đầu óc thực tiễn ghê gớm, luôn tổng kết trong thắng, trong bại để tìm ra cách đánh mới”. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng đã quyết định thay đổi từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chậm, thắng chắc”. Một quyết định mà theo GS Phan Huy Lê, trở thành nhân tố làm nên Điện Biên Phủ. Một quyết định mà theo thượng tướng Lê Trọng Tấn, tránh cho toàn bộ lực lượng của ta bị “phơi áo” trong lòng chảo Điện Biên. Nhưng quyết định đó không chỉ là kết quả của “11 ngày đêm trăn trở”. Theo thiếu tướng Lê Phi Long, từ tháng 5-1953 sau trận Nà Sản, Đại tướng đã quyết định thành lập một tổ nghiên cứu 24 người nằm trong rừng lim khu căn cứ Định Hóa để “chuẩn bị lý luận đánh tập đoàn cứ điểm”. Tướng Lê Phi Long là một trong 24 sỹ quan nằm trong “Tổ Nhiên cứu” ấy.
Năm 1975, kết thúc chiến tranh. Năm 1977, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cho thôi chức Bí thư Quân ủy trung ương, thôi bộ trưởng Bộ Quốc phòng, những chức vụ mà ông được giao kể từ năm 1946. Năm 1982, ông không còn là ủy viên Bộ Chính trị. Năm 1983, ông được giao kiêm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về sinh đẻ có kế hoạch. Năm 1983, dân gian làm thơ: “Nhà thơ làm kinh tế/Thống chế đi đặt vòng”. Cũng trong năm 1983 ấy, ông về quê, thảnh thơi đi bộ ra chợ Tréo (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Chợt hỏi: “Bún chợ Tréo chấm ruốc, giờ có còn ngon không?”. Mấy người dân quê nghe “bún chấm ruốc” từ miệng vị tướng lẫy lừng, không hiểu sao, òa khóc.
(Phần cuối bài này có sử dụng một số chi tiết tôi đã viết trên tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật, tháng 5-2004)
Bài "Trận chiến mới..." mới được hiệu đính lại chính xác hơn. Mời xem lại. Xin cám ơn.