Bauxite và tinh luyện Nhôm: Vài điều thường thức và cảm nghĩ

Bauxite, đọc là bô xit, là một loại quặng, chứa chủ yếu hai loại: oxit nhôm- còn gọi là alumina, và oxit sắt.

Oxit nhôm lưỡng tính, tan được trong cả axit lẫn bazơ.

Oxit sắt mang tính bazơ, chỉ tan trong axit.

Vì vậy, để tách oxit nhôm, người ta nghiền mịn quặng, rồi ngâm trong dung dịch xút đặc nóng. Oxit nhôm sẽ tan, oxit sắt còn lại ở dạng bùn đỏ, màu đỏ là màu của oxit sắt.

Thu lấy DUNG DỊCH CHỨA NHÔM, còn bùn đỏ thải ra môi trường, bùn này chứa cả xút dư, kiềm tính rất cao, không có sinh vật nào sống được, và tất nhiên là làm ô nhiễm nguồn nước.

Thông thường để tách được 1 tấn oxit nhôm, lượng bùn đỏ thải ra môi trường tối thiểu là 3 tấn.

Trung hòa DUNG DỊCH CHỨA NHÔM bằng axit, sẽ thu được kết tủa hydroxit nhôm.

Từ hydroxit nhôm, phải nung ở nhiệt độ khoảng 800 - 900 độ C, mới thu lại được oxit nhôm tinh khiết.

Giá thành oxit nhôm tinh khiết tương đối rẻ, khoảng 250-300 USD/tấn.

Hiện nay, VN khai thác chỉ dừng ở giai đoạn này.. Vì sao?

Từ oxit nhôm, muốn thu được nhôm kim loại, phải có nguồn điện năng dồi dào để thực hiện hai công đoạn: một là nấu nóng chảy oxit nhôm, hai là điện phân oxit nhôm nóng chảy, mới thu được nhôm. Oxit nhôm nóng chảy ở nhiệt độ 2.000 độ C, rất cao, không lò nào chịu được.

Vì vậy, người ta trộn oxit nhôm với một hợp chất hóa học, có tên là cryolit, tỷ lệ về khối lượng rất chênh lệch: một phần oxit nhôm, mười phần cryolit, mới thu được hỗn hợp chịu nóng chảy ở 900 độ C. Sau đó điện phân hỗn hợp này để được nhôm kim loại.

Giá thành nhôm kim loại cao chính là do giai đoạn làm nóng chảy và điện phân nóng chảy này.

Hiện khoa học đang có xu hướng tìm cách để làm nóng chảy oxit nhôm bằng nhiệt tỏa ra từ một phản ứng hóa học, hay khử bằng một phản ứng hóa học để thu trực tiếp nhôm, với giá rẻ hơn giá dùng điện, nhưng chưa thành công.

Năng lượng điện của VN cung cấp cho dân sinh còn chưa đủ, nên khó lấy đâu ra để điện phân nhôm.

Thiết nghĩ, việc khai thác quặng bauxite lúc này dù có qua chế biến thì cũng chỉ là bán tài nguyên thô với giá rẻ, nhưng hậu quả lớn là để lại thảm họa môi trường nhìn thấy rõ.

Có đáng như vậy không?

Nguyên Đắc Diên

Tp.Hồ Chí Minh, Email: dien2424@

0 comments: