Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên: Chọn thử góc nhìn phản biện về văn hoá

BXTN:- Nhân thực tế Chính quyền đang lảng tránh các tác hại về văn hóa đã được nhà văn Nguyên Ngọc nêu ra, nguy cơ về an ninh quốc phòng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu ra, để lái người dân qua khía cạnh môi trường và một chút về kinh tế, xin post lại bài này (đăng từ tháng 10/2008 trên Báo du lịch) để lưu ý tất cả về một nguy cơ văn hóa hiển hiện. Nhân tiện, báo Du lịch mới bị đình bản 3 tháng, TBT bị cách chức do đăng bài mang xu thế cảnh báo nguy cơ từ phái Trung Quốc khi nhìn và các sự kiện lịch sử gần đây.


"Sản xuất là khoá, Văn hoá là chìa!" Có chìa mà không có khoá thì mở cái gì? Có khoá mà không có chìa thì càng chắc ăn, không ai mở được!!!

"Có thực mới vực được đạo", ngồi đó mà làm văn hoá!

Bauxite Việt Nam


Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên: Chọn thử góc nhìn phản biện về văn hoá

Thứ Hai, 27/10/2008-7:41 AM

Tiếng cồng chiêng sẽ còn mãi vang xa

Tạm gác qua những số liệu thuyết phục về mặt khoa học của luồng ý kiến áp đảo không tán thành triển khai dự án này tại Tây Nguyên. Từ bài học vừa được đúc kết ở tuần lễ trước đó của hội thảo khoa học lịch sử “Các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn”, diễn ra tại Thanh Hóa, với câu chuyện của Tây Nguyên hôm nay đang đứng trước vấn nạn mà nhiều nhà khoa học so sánh sẽ như “bom nguyên tử môi trường”, khi ấy vụ việc Vedan cũng chỉ là… con kiến bé xíu so con voi to đùng!

Xoá sổ không gian văn hoá: nên không?

Trở lại với “bô xít Tây Nguyên”, nhà văn Nguyên Ngọc, con người của vùng đất Tây nguyên cho rằng điều cần cân nhắc nhất không hẳn là vấn đề môi trường mà trước hết và quan trọng hơn hết là chuyện xã hội - văn hóa. Ông Ngọc nhắc lại: sau năm 1975 chúng ta đã tổ chức một cuộc di dân chưa từng có từ đồng bằng lên Tây Nguyên với cường độ, tốc độ rất lớn và đến nay đã chứng tỏ đó là một sai lầm lớn. Ông Ngọc cho rằng: “Chúng ta đã hành động ở Tây nguyên rất thản nhiên, không hề quan tâm đến chỗ đây là một vùng đất và người rất đặc biệt về nhiều mặt. Thậm chí có thể nói chúng ta đã làm mọi việc ở Tây nguyên như là trên một vùng đất không người”.

Người M’Nông, chủ nhân ngàn đời của vùng đất Đắk Nông, sẽ đi về đâu? Lời hứa của những người chủ trương dự án, những nhà đầu tư và thực thi dự án hứa với đồng bào M’Nông có bao nhiêu căn cứ?. Theo ông Ngọc, nếu tiếp tục triển khai dự án như kế hoạch của Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (TKV), chắc chắn không gian sống, không gian văn hóa của cư dân bản địa Tây Nguyên sẽ bị đảo lộn, nếu không nói là bị xóa sổ.

Là người con Tây nguyên, TS Tuyết Nhung, Buôn Krông phản biện bằng cách công bố công trình nghiên cứu dài 36 trang của nhóm Đại học Tây nguyên về khảo sát xã hội tại khu vực TKV đang triển khai nhà máy khai thác ở xã Nhân Cơ. Bà Tuyết Nhung khẳng định: “TKV nói rằng khu vực khai thác bô xít là những vùng rừng không phát triển, cây trồng không sống được, trong khi thực tế cho thấy khu vực này cây cà phê đang phát triển rất mạnh và đời sống người dân đang ổn định”. Theo bà, với dự án đang triển khai tại Nhân Cơ đe dọa không gian văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Nếu mất “bon” (làng của người M’Nông), mô hình làng truyền thống và văn hóa của người M’Nông sẽ bị triệt tiêu. Từ đó kéo theo hàng loạt vấn đề về văn hóa - xã hội, thậm chí là các vấn đề an ninh, chính trị; cơ hội việc làm cho người lao động gần như không có, vì người dân tộc không có trình độ học vấn để có thể đào tạo thành công nhân phục vụ các nhà máy.

“Không có đất người dân bản địa sẽ đi đâu? Văn hóa Tây nguyên sẽ về đâu?” - bà Nhung hỏi. Theo bà, người dân mong mỏi ở các cấp chính quyền và chủ đầu tư một cam kết về vấn đề việc làm và bảo đảm một không gian văn hóa một khi phải nhường đất cho các dự án khai thác bô xít.

Dự án bảo tồn văn hoá M’Nông: tại sao không?

Vấn đề của bảo tồn các nghi lễ và lễ hội của dân tộc M’Nông, chính là rào chắn tốt nhất để bảo vệ bản sắc văn hóa, gìn giữ phong tục tập quán và nếp sống tốt đẹp của cộng đồng. Nhiều hướng dẫn viên du lịch cho biết, họ đã từng nghe nhiều già làng ở Tây Nguyên than vản rằng lâu quá không được nghe một tiếng chiêng lễ hội nào, nhớ lắm, buồn lắm… Bởi bến nước không còn, thổ cẩm không ai dệt, rừng đã phá tận nguồn, mùa lúa rẫy chỉ còn thưa thớt trong một số buôn làng, nên lễ cúng hàng năm không ai để ý đến. Bây giờ người già thèm nghe một tiếng chiêng, trẻ con thèm tắm một bến nước mà ít có được, thật là buồn!.

Tuy vậy, hiện nay nếu có dịp đến các buôn làng thì người ta vẫn thường gặp một số lễ cúng nhỏ. Đó là, lễ đặt tên cho trẻ sơ sinh, lễ hỏi, lễ kết nghĩa anh em, lễ cúng sức khỏe... được tổ chức gọn nhẹ trong từng gia đình của người M’Nông Gar hay lễ cúng cầu mưa, lễ bỏ mả, lễ cúng nhà mới của người M’Nông Kuênh... Nhìn chung các lễ trên đều do từng gia đình tự đứng ra tổ chức nên quy mô nhỏ, hẹp và mang nặng tính chất của lễ nghi, chứ không phải lễ hội với sự tham gia đông đúc của cộng đồng. Thậm chí có một số lễ bị bỏ quên từ lâu như lễ ăn trâu - cúng bến nước, ... thời gian gần đây, nhờ sự tác động của Nhà nước (hỗ trợ về kinh phí) nên đồng bào đã cố gắng phục chế lại. Có già làng sau khi tham gia tổ chức lễ ăn trâu - cúng bến nước đã tâm sự : “Nhờ Đảng, chính quyền ở địa phương đã tạo điều kiện cho buôn làng chúng tôi tổ chức lại lễ hội ăn trâu - cúng bến nước, để mọi người trong buôn có dịp sinh hoạt văn hóa, ôn lại truyền thống lễ hội của cộng đồng, nếu không chỉ vài năm nữa thôi, người già đi về với tổ tiên ông bà thì cháu con nó sẽ quên hết”. Điều đó chứng tỏ nghi lễ và lễ hội của người M’Nông đang đứng trước những thử thách nghiệt ngã và có nguy cơ mất hẳn.

Như vậy, thử mang lên bàn cân của việc nếu khai thác bô xít, mỗi năm ngân sách Đắc Lắc có thêm khoảng 1.500 tỉ đồng. Tài nguyên rồi cũng sẽ cạn kiệt. Không gian văn hoá truyền thống của người M’Nông sẽ lại chịu cảnh mai một do phải di dời để TKV khai thác bô xít. Chưa xét về vấn nạn ô nhiễm môi trường, sự đánh đổi ấy có đáng không?


Nguyễn Hương Thu

Nguồn: http://www.baodulich.net.vn/Story/vn/kinhtexahoi/theodongsukien/kinhtexahoi/2008/10/3047.html

0 comments: