Kiến nghị bauxite
Posted On Thursday, May 14, 2009 at at 8:15 AM by Bô-xít Tây Nguyên
BXTN:- GS. Nguyễn Huệ Chi - một trong 3 người khởi xướng bản kiến nghị về bô-xít Tây Nguyên và xây dựng trang http://www.bauxitevietnam.info/index.html trả lời phỏng vấn đài RFI về chủ đề này.
Dự án bauxite ở Tây Nguyên vẫn là đề tài đang được công luận đặc biệt quan tâm. Sau khi bản kiến nghị dừng dự án bauxite với 135 chữ ký của giới trí thức trong và ngoài nước gửi đến Quốc Hội thì chính phủ đã có những phản hồi mà nhiều người cho rằng tích cực.
Tuy nhiên, một thông cáo báo chí gửi đi từ Bộ Công Thuơng lại bị giới trí thức trong nước cho là thiếu thiện chí và có ý chụp mũ những người ký tên vào bản kiến nghị này.
Để phản biện lại thông cáo này, nhóm vận động chữ ký đã gửi tiếp một bản kiến nghị thứ hai cho ba nhân vật cao cấp nhất của Việt Nam là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng.
Mặc Lâm phỏng vấn GS Nguyễn Huệ Chi, người đồng chủ trương và viết bản kiến nghị này, để tìm hiểu thêm vấn đề.
Dự luận hoan nghênh
Mặc Lâm : Thưa Giáo Sư, sau khi bức thư ngỏ thứ hai được gửi đi thì tín hiệu của dư luận phản hồi lại như thế nào?
GS Nguyễn Huệ Chi : Từ hôm qua đến nay dư luận phản hồi đối với thư ngỏ số hai của chúng tôi rất là sôi động, hoan nghênh lá thứ ngỏ của chúng tôi. Tất nhiên là chúng tôi vẫn ở trong tinh thần là rất tôn trọng đường lối giữ nước và phát triển đất nước, phải có hai vế là giữ nước cho an toàn và phát triển đất nước, nhưng mà giữ nước an toàn và phát triển đất nước trên cơ sở một nền dân chủ và công bằng.
Mặc Lâm : Theo báo chí thì Bộ Trưởng Bộ Công Thương là ông Phạm Khôi Nguyên đã có mặt tại Tây Nguyên để kiểm tra về những vấn đề dư luận phản biện, Giáo Sư có cho rằng đây là một dấu hiệu lắng nghe hay không?
GS Nguyễn Huệ Chi : Chúng tôi cũng suy nghĩ rất nhiều về việc ông Nguyên lên kiểm tra tại hiện trường và đưa ra những ý kiến rằng là hố để chứa bùn đỏ chưa đạt tiêu chuẩn và một số những hạng mục chưa đáp ứng được cái yêu cầu cao về phương diện môi trường cũng như là phương diện kỹ thuật. Và ngày hôm qua ông Trương Tấn Sang là uỷ viên Bộ Chính Trị có cho công bố là phải kiểm tra lại rất nhiều, nhưng mà trong đó là tài nguyên khoáng sản của đất nước.
Đấy là những tín hiệu mà theo chúng tôi là đáng chú ý. Tất nhiên tiếng nói của trí thức chắc chắn là đến tai các ông, mặc dù trong thứ ngỏ thứ hai chúng tôi đã nói là "lá thư tâm huyết" của những người có công lớn với đất nước như là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Mặc Lâm : Giáo Sư và những người chủ trương đã gửi thư ngỏ thứ hai để phản biện lại thông cáo báo chí của Bộ Công Thương vì những lý do gì?
GS Nguyễn Huệ Chi : Sở dĩ phải trả lời Bộ Công Thương vì thực tế là Bộ Công Thương đã đưa ra một thông cáo báo chí có thể nói là làm vội vã để chống lại một kiến nghị do hàng ngàn người ký tên, mà chắc là cũng do phải theo lệnh bề trên thôi, chứ còn chúng tôi cũng thừa biết rằng những người đứng đầu Bộ Công Thương làm sao mà có thể đối đáp được với chúng tôi vì chúng tôi có bằng cớ, chúng tôi là những nhà khoa học cho nên chúng tôi làm thực chứng, bằng cớ rõ ràng.
Còn các ông ấy thì một mặt rất hạn chế về học vấn, bởi vì chúng ta đã biết cái việc đào tạo quan chức ở Việt Nam có xuất phát từ học vấn đâu, có xuất phát từ giáo dục đâu. Cho nên chúng tôi rất thông cảm với các ông ấy, không trách các ông ấy làm gì, nhưng mà ít ra khi các ông ấy làm cái việc gọi là hầu hạ bề trên thì các ông ấy phải giữ cho được tư cách, tức là sự trung thực.
Có những điều mình thấy rằng không thể cưỡng lại bề trên nhưng mình không nên nói. Các ông ấy đã nói liều cho nên chúng tôi cũng phải đắn đo rất kỹ, cuối cùng thì chúng tôi thấy phải nói lại cho nó rõ các sự thiếu trung thực của Bộ Công Thương, cái sự hù doạ một cách rất là khôi hài của Bộ Công Thương trong việc gán ghép một cái kiến nghị hết sức chính đáng của hàng ngàn con người.
Phản ứng của Chính quyền?
Mặc Lâm : Và những giới chức được nêu tên trong bản kiến nghị thứ hai gồm có Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết và Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng có phản hồi cụ thể gì hay chưa?
GS Nguyễn Huệ Chi : Rõ ràng là các ông ấy làm thinh và thái độ của ông Nguyễn Tấn Dũng theo tôi là khó hiểu. Mới hôm trước thì "xin tiếp thu ý kiến của đại tướng" nhân ngày kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng mà hôm sau nói với cử tri Hải Phòng thì lại nói ngay rằng "phải biến cái khai thác bauxite thành một công nghiệp lớn" thì theo tôi là khó hiểu, có chể nói là kỳ quái trong một đất nước trọng lễ nghĩa như đất nước này.
Thế nhưng điều ấy nó cũng phản ánh một điều, tức là các anh đã bị chạm phải những tiếng nói mà các anh thấy rằng không thể hoàn toàn làm ngơ được.
Mặc Lâm : Đó là những gì mà Thủ Tướng Dũng đã làm, còn ông Chủ Tịch Quốc Hội - Nguyễn Phú Trọng thì sao, thưa Giáo Sư?
GS Nguyễn Huệ Chi : Ông Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu quốc hội, chủ tịch quốc hội, mà quốc hội là nơi soạn thảo ra pháp luật, thay đổi cả hiến pháp, thế mà ông ấy nói rằng "theo quy định của Quốc Hội thì với số tiền như thế, như thế... không thể đưa ra bàn".
Anh chịu áp lực của pháp luật và hiến pháp, khi anh đứng đầu để soạn thảo ra hiến pháp và pháp luật, một vấn đề quan trọng như thế lẽ ra anh phải nói rằng là rõ ràng ở đây phải đưa ra bàn bởi vì nó nằm trong 1 trong 4 điều mà phải đưa ra bàn ở quốc hội nếu như cái dự án ấy ở vào cái vị thế quan trọng, hiểm yếu của đất nước. Thế mà anh lại lờ cái việc ấy đi để anh chỉ nói đến số tiền. Cho nên tất cả những lời lẽ như thế cho ta thấy một sự lúng túng.
Mặc Lâm : Giáo Sư có hy vọng những kết quả khả quan từ hai bức thư ngỏ mà Giaó Sư và những người chủ trương đang theo đuổi hay không?
GS Nguyễn Huệ Chi : Tôi nghĩ là về phương diện nào đó cho thấy thiện chí của người ta trong việc phản hồi một cách gián tiếp những điều mà dư luận đặt ra, trong đó không phải chỉ có lá thư kiến nghị và những bức thư ngỏ của chúng tôi, mà chắc đây là tiếng nói dậy sóng của toàn thể dân tộc, mà tâm huyết nhất là hai lá thư và lời nói thẳng của Đại Tướng vào đúng hôm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong thư ngỏ số 2 của chúng tôi, chúng tôi rất tôn trọng, nhưng chúng tôi có đặt ở phần kết "nếu như giải pháp vẫn là giải pháp hy sinh lợi ích lớn nhất là an toàn của đất nước để phục vụ cho bên đối tác mà mình đã lỡ ký thì dân tộc Việt Nam này có lịch sử hàng nghìn năm sẽ là một dân tộc không khuất phục". Chúng tôi vẫn lắng nghe bởi vì chúng tôi là người dân, nhưng một khi người đứng đầu tỏ ra không tiếp nhận được cái tình cảm yêu nước tích luỹ từ hàng nghìn năm của dân tộc thì chính là các anh đối đầu với một vấn nạn rất lớn.
Mặc Lâm : Xin cám ơn Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.