Khai thác bô xít Tây Nguyên: Cần phải được nhìn nhận từ chiến lược an ninh quốc phòng
Posted On Monday, May 11, 2009 at at 4:15 PM by Bô-xít Tây Nguyên
BXTN:- Bài viết của Hồng Hà nhân phát biểu của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng đại ý sẽ không đưa vấn đề kha thác bô-xít Tây Nguyên ra Quốc hội mà sẽ chỉ đưa thêm khía cạnh giám sát môi trường vào dự án. Ông Hồng Hà phân tích và kêu gọi mọi người nhìn vào vấn đề an ninh quốc phòng của dự án. Đây là mảng quan trọng hơn cả, là đòn chí tử vào yếu địa của đất nước, là nguy cơ to lớn, không thể khắc phục, nhất là khi đặt vào bối cảnh tranh chấp biển đảo hiện nay. Đây là mảng mà chính quyền cố tình lờ đi trong thời gian gần đây như ông Hồng Hà chỉ ra và tôi hoàn toàn đồng ý.
Về quy hoạch và các đại dự án khai thác bô xít Tây nguyên, những biến chuyển gần đây của các cơ quan công quyền, được báo chí đưa tin có xu thế hướng dư luận tập trung vào khía cạnh kinh tế, sau đó là môi trường; trong khi đó có vẻ như (vô tình hoặc hữu ý) đã xem nhẹ, lảng tránh những vấn đề bức xúc về an ninh quốc phòng. Có phải chăng vấn đề an ninh quốc phòng- vốn được coi là "nhạy cảm", nhất là trong giai đoạn hiện nay- quan hệ Việt - Trung đã sang trang mới (lại sắp sửa Việt Nam - Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông..., lại sắp sửa như môi với răng...), nên sợ phạm húy, sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ tốt đẹp giữa Đảng và Nhân dân hai nước. và cần được né tránh?
Theo dõi bài phát biểu của ông Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Phú Trọng trong cuộc gặp gỡ cử tri Hà Nội và nếu chỉ suy từ những lời nói của ông Nguyễn Phú Trọng thì chẳng còn gì nhiều để cho Quốc Hội phải thảo luận về đại dự án này nữa. Mọi vấn đề hầu như đã được thống nhất cao, đã được an bài. (như phát biểu của ông Dương Trung Quốc, và dường như ông đã đúng!)
Là một con dân đất Việt, tôi thực sự đau lòng và thất vọng khi được nghe những lời phát biểu đó của chính vị Chủ tịch Quốc Hội, đại diện cho trên 80 triệu dân. Tuy nhiên, ông Chủ tịch Quốc hội có ý kiến của ông; còn tôi, một công dân Việt Nam, tôi có ý kiến của tôi:
1- Khai thác bô xít ở Tây nguyên không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế, không chỉ vì dự án chỉ có 600 triệu đôla, chỉ là mới thí điểm, đã được thống nhất cao- mà dân chúng mãi bây giờ mới biết, và Nhà nước quản lý được người lao động nước ngoài theo Luật Lao động mà Quốc Hội có thể bỏ qua không cần phê duyệt. Nhưng có lẽ ông Chủ tich QH chưa nắm được có bao nhiêu công nhân Trung Quốc đang làm việc ở rải rác khắp Việt Nam. (Theo báo chí khoảng 50.000 người! Trong số đó có nhiều dạng đến từ visa du lịch rồi làm “chui” hoặc chuyển đổi visa) Nhưng tệ hơn, thay vào con số lao động phổ thông ngoại nhập (không cần thiết) đó, là bấy nhiêu công nhân Việt Nam bị giành mất việc làm (Nhưng chủ trương của ta là sử dụng nguồn lao động phổ thông trong nước!)
2- Hiệu quả kinh tế chỉ là một khía cạnh của vấn đề, dù nó đóng vai trò quan trọng đến đâu (nước ta có nhiều "dự án rất to, nhưng hiệu quả rất nhỏ; hiệu quả rất nhỏ mà lại thất thoát rất to..."), nên các dự án bô xít Tây Nguyên sẽ không phải là ngoại lệ. Vấn đề người dân Việt quan tâm gấp trăm, gấp ngàn lần hiệu quả kinh tế của dự án là vấn đề an ninh quốc phòng, là sự tồn vong của dân tộc. Điều này đã được nhiều vị tướng lĩnh, nhiều nhà khoa học và nhiều người dân đề cập [1].
Để minh họa thêm cho vấn đề vô cùng quan trọng này, tôi xin mạo muội điểm lại một số sự kiện, để ai đó "lỡ quên" hoặc "trái tim lầm lẫn để trên đầu" cần nhớ lại:
- Đất nước ta đã chịu ách đô hộ cả một ngàn năm Bắc thuộc.
- Kể từ khi nước ta giành được độc lập, không một triều đại phong kiến phương Bắc nào không tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam: từ Hán, Đường đến Tống, Nguyên, Minh, Thanh.
- Đến thời Trung hoa đương đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Mao Trạch Đông và hậu duệ, ý đồ xâm lược Việt Nam của Trung Quốc không hề suy giảm, thể hiện như sau:
a. Việt Nam trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc: Trong cuốn sách: "Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua" của NXB Sự thật 1979, [2] có viết: "..., trong 30 năm qua Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc.... những người lãnh đạo Trung Quốc đã dùng "con bài" Việt Nam để câu kết với bọn đế quốc, phục vụ cho ý đồ chiến lược bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của họ."
Kèm theo là tấm Bản đồ Trung quốc hiện đại (1954) được trích dẫn trong tài liệu này.
b. Việt Nam trong chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc: Cũng theo nguồn tài liệu trên [2]: " Ý đồ bành trướng của những người lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt lộ rõ ở câu nói của Chủ tịch Mao Trạch Đông trong cuộc hội đàm với đại biểu Đảng Lao động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963: "Tôi sẽ làm chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam châu Á". Chủ tịch Mao Trạch Đông còn khẳng định trong cuộc họp Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1965: "Chúng ta phải giành được Đông nam châu Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaixia và Xingapo..Một vùng đất như Đông Nam châu Á rất giầu, ở đấy có nhiều khoáng sản...xứng đáng với sự tốn kếm để chiếm lấy... Sau khi giành được Đông nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây"
c. Những tư tưởng chỉ đạo đó được thể hiện bằng hành động cụ thể:
(1) Muốn nước Việt Nam chiến tranh huynh đệ tương tàn, chia cắt lâu dài. Tài liệu [2];
(2) Lấn chiếm biên giới phía Bắc với nhiều thủ đoạn khác nhau: Theo tài liệu: Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, NXB Sự thật, 1979. [3];
(3)Xâm chiếm quần đảo Hoàng sa của Việt Nam (1974). Ngày 11 tháng 1 năm 1974, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung quốc tuyên bố quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt nam), quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam) là lãnh thổ của Trung Quốc. Ngày 19 tháng 11 năm 1974, với một lực lượng lớn hải và không quân, Trung Quốc tiến đánh quân đội của chính quyền Sài Gòn đóng ở quần đảo Hoàng Sa và họ gọi cuộc hành quân xâm lược quần đảo này là "cuộc phản công tự vệ". Từ khi họ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, các sự kiện biên giới do họ gây ra, các vụ lấn chiếm đất đai Việt Nam ngày càng tăng: Năm 1974: 179 vụ; năm 1975: 294 vụ; năm 1976: 812 vụ; năm 1977: 873 vụ; năm 1978: 2175 vụ;
(4) Khi Việt Nam thống nhất, tiếp sức cho chế độ diệt chủng Khơ me đỏ mở mặt trận biên giới Tây Nam Việt Nam, phá hoại Việt Nam 1975-1979.
(5) Mở chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc 17/2/1979. Mặc dầu cuộc chiến tranh xâm lược tháng 2 năm 1979 đã thất bại thảm hại cả về quân sự và chính trị, những người lãnh đạo Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách điên cuồng chống Việt Nam bằng mọi thủ đoạn [2};
(6) Vũ trang xâm lược, chiếm đóng một số đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988;
(7) Thành lập huyện đảo Tam Sa gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam tháng 11 năm 2007;
(8) Lập căn cứ hải quân tại đảo Hải Nam năm 2008 (để đe doạ ai?)
(9) Lũng đoạn kinh tế Việt Nam: thu mua rễ hồi, sừng trâu..., tăng cường nhập lậu hàng qua biên giới, dung túng in tiền Việt Nam giả và tuồn vào Việt Nam với số lượng lớn, chính sách hỗ trợ nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu giá rẻ, chiếm công ăn việc làm của lao động Việt Nam trên đất Việt Nam, làm gia tăng thất nghiệp ở Việt Nam, từ đó gây mất ổn định kinh tế và chính trị cho Việt Nam;
(10) Tìm mọi cách ép các nhà lãnh đạo Việt Nam hợp tác khai thác bô xít ở Tây Nguyên-một vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam. (Tuyên bố chung của Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc). Không loại trừ âm mưu thâm độc: Từ hợp tác kinh tế, tiến tới chiếm lĩnh dần vị trí chiến lược Tây Nguyên.
Trên đây là những sự thật cay đắng mà mọi người dân Việt cần được biết và ghi nhớ, không thể vì những "chữ vàng" mà né tránh, quên lãng.
Đặt tay lên trán, tôi rùng mình, vì:
- Từ bản chất các ngôn từ mỹ miều, vàng ngọc của họ Việt Nam chỉ là "con bài" trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc.
- Việt Nam là mảnh đất Trung Quốc cần phải chiếm để mở đường chinh phục Đông Nam Á của họ và, vì những người lãnh đạo Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách điên cuồng chống Việt Nam bằng mọi thủ đoạn
Vài chục năm nữa:
1. Từ biên giới phía Bắc, núi liền núi, sông liền sông, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc có thể tràn sang Việt Nam bất cứ lúc nào họ muốn "dạy cho Việt Nam một bài học"
2. Ở Biển Đông, hải quân hùng hậu diễu võ dương oai, Biển Đông của nước ta trở thành ao nhà của họ
3. Ở trên Tây Nguyên, các khu công nghiệp hiện đại với cổ phần đáng kể của Trung Quốc, (họ cũng đã từng mua cổ phần của Rio - Úc châu), họ thao túng Tây Nguyên, dùng những thủ đoạn như đã từng lấn chiếm biên giới phía Bắc lập nên những bản làng, thành phố Trung Hoa...., biến Tây Nguyên thành nóc nhà của họ
Không loại trừ điều tất yếu họ mong đợi là:
1. Họ sẽ đồng hóa hết Việt Nam, biến dân Đại Việt thành kẻ nô lệ cho họ, hoặc,
2. Nếu không đồng hóa và thống trị được, thì biến Việt Nam thành một vùng tự trị của thiên triều Bắc Kinh.
ÔI ĐẤT VIỆT! NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ!?
Thưa ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, trên đây là suy nghĩ của một người dân Đất Việt, một cử tri của ông, mong ông và các nghị sỹ Quốc Hội của ông dành chút thời gian đọc bức TÂM THƯ này.
Kính thư,
Hồng Hà
Nguồn:
[1]. http://www.bauxitevietnam.info/, trong đó:
- Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
- Báo cáo của PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương
- Ý kiến của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên:
- Thư của Thiếu tướng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh (1974-1989) Nguyễn Trọng Vĩnh gửi Chủ tịch và các đại biểu Quốc Hội,
- Thư của Thiếu tướng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh (1974-1989) Nguyễn Trọng Vĩnh gửi các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng và các Phó thủ tướng chính phủ
- Thư của Nhà báo, nhà văn quân đội Phạm Đình Trọng gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
- Vài suy ngẫm về Trung Quốc. Dương Danh Dy, Cựu Tổng lãnh sự Lãnh sự quán Việt Nam Tại Trung Quốc (nghỉ hưu 1996)
-Ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân
[2]. Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua" của NXB Sự thật 1979,
[3]. Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, NXB Sự thật, 1979.
Một số thủ đoạn lấn chiếm biên giới phía Bắc nước ta của "người đồng chí" Trung Quốc [3]:
1. Từ xâm canh, xâm cư đến chiếm đất
Khu vực Trình Tường thuộc tỉnh Quảng Ninh là một ví dụ điển hình. Khu vực này được các văn bản và các bản đồ hoạch định và cắm mốc rỗ ràng là thuộc lãnh thổ Việt Nam: đường biên giới lịch sử tại đây đi qua một dãy núi cao, chỉ rõ làng Trình Tường và vùng xung quanh là lãnh thổ Việt Nam. Trên thực tế, trong bao nhiêu đời qua, những người dân Trình Tường, những người Trung quốc sang quá canh ở Trịnh Tường đều nộp thuế cho nhà đương cục Việt Nam. Nhưng từ năm 1956, phía Trong Quốc tìm cách nắm số dân Trung Quốc làm ăn ở Trịnh Tường, bằng cách cung cấp cho họ nhiều tem phiếu mua đường vải và nhiều hàng khác, đưa họ vào công xã Đồng Tâm thuộc huyện Đông Hưng, khu tự trị Choang - Quảng Tây. Nhà đương cục Trung Quốc nghiễm nhiên biến vùng lãnh thổ Việt nam dài 6km, sâu 1,3km thành sở hữu tập thể của một công xã Trung Quốc, thành lãnh thổ Trung Quốc. Từ đó họ đuổi những người Việt Nam từ nhiều đời nay sinh sống ở Trình Tường đi nơi khác, đặt đường dây điện thoại, tự cho phép đi tuần tra khu vuwcjnayf, đơn phương sửa lại đường biến giới sang đồi Khâu Thúc của Việt Nam... Trình Tường không phải là trường hợp đơn lẻ, còn đến trên 40 điểm khác mà phía Trung Quốc tranh lấn với thủ đoạn tương tự, như ở xã Thanh Loa huyện Cao Lộc (mốc 25,26,27) ở Lạng Sơn, Khảm Khau (mốc 17-19) ở Cao Bằng, Tà Lủng, Làn Phù Phìn ở Hà Tuyên...
2. Lợi dung xây dựng các công trình hữu nghị để đẩy lùi biên giới về phía Việt Nam. Tại khu vực Hữu Nghị quan: .. họ đã lấn chiếm một khu vực liên hoàn từ đường sắt sang đường bộ thuộc xã Bảo Lâm, huyện Vĩnh Lãng, tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam, dài 3,1km và vào sâu đất Việt Nam 0,5km.
3. Đơn phương xây dựng các công trình ở biên giới lấn sang Việt Nam.
Tại khu vực mốc 53 (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trên sông Quy Thuận có thác Bản Giốc, từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó. Ngày 20 tháng 2 năm 1976, phí Trung Quốc đã huy động 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang lập rthanhf hàng rào bố phòng dày đặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, làm việc đã rồi, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên sông và ở cồn Pò Thoong và ngang nhiên nhận cồn này là của Trung Quốc.
Các thị trấn Ái Điểm (đối diện với Chi Ma, Lạng Sơn), Bình Mãng (đối diện với Sóc Giang, Cao Bằng) vốn đã nằm sát các mốc 43 và 114, lại ngày càng được phía Trung Quốc mở rộng ra lấn sang đất Việt Nam từ hàng chục đến hàng trăm mét với công trình nhà cửa, trường học, khu phố..
4. Từ mượn đất của Việt Nam đến biến thành lãnh thổ của Trung Quốc
Khu vực Phia Un (mốc 94-95) thuộc huyện Trà Lĩnh tỉnh Cao Bằng là điển hình cho kiểu lấn chiếm này. Tại đây, mới đầu phía Trung Quốc mượn con đường mòn rồi tự ý mở rộng mặt đường để ô tô đi lại được vào khu vực mỏ của Trung Quốc, đặt đường dây điện, đưa dân đến ở ngày càng đông, lập bản làng mới. Dựa vào "thực tế" đó, từ năm 1956 họ không thừa nhận đường biên giới lịch sử chạy trên đỉnh núi Phia Un mà đòi biên giới phải chạy xa về phía nam con đường, sâu vào đất Việt nam hơn 500m. Lý lẽ của họ là nếu không phải đất của Trung Quốc sao họ có thể làm đường ô tô, đặt đường điện thoại được... Nguyên nhân chủ yếu của việc họ lấn chiếm là vì khu vực Phia Un có mỏ măng gan.
5. Xê dịch và xuyên tạc pháp lý các mốc quốc giới để sửa đổi đường biên giới. Ngay tại một số nơi mà vị trí mốc biên giới đặt đúng với đường biên giới lịch sử, họ cũng tìm cách xuyên tạc đường biên giới đã rõ ràng chạy giữa hai mốc như khu vực Kùm Mu-Kim Ngân-Mẫu Sơn (mốc 41,42,42) ở Lạng Sơn dài trên 9km, sâu vào đất Việt Nam 2,5km, diện tích gần 1.000hecta, khu vực Nà Pảng-Kéo Trình (mốc 29,30,31) ở Cao Bằng, dài 6,45km sâu vào đất Việt Nam 1,3km, diện tích gần 200hecta.
6. Làm đường biên giới lấn sang đất Việt Nam ..chỉ tính từ tháng 10 năm 1976 đến năm 1977, bằng việc làm đường biên giới họ đã lấn vào đất Việt nam tại hàng chục điểm, có điểm diện tích rộng 32hecta, sâu vào đất VieetjNam trên 1km như khu vực giữa mốc 63-65 thuộc huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng hay khu vực giữa mốc 1-2 Cao Ma Pờ thuộc tỉnh Hà Tuyên dài 4km, sâu vào đất Việt Nam 2km.
7. Lợi dụng việc vẽ Bản đồ giúp Việt Nam để chuyển dịch đường biên giới. Năm 1955-1956, Việt Nam đã nhờ Trung Quốc in lại bản đồ nước Việt nam tỷ lệ 1/100.000. Lợi dụng lòng tin của Việt Nam, họ đã sửa ký hiệu một số đoạn đường biên giới dịch về phía Việt Nam, biến vùng đất của Việt Nam thành đất của Trung Quốc./ Thí dụ: họ đã sửa ký hiệu ở khu vực Bản Giốc (mốc 53) thoocj tỉnh Cao Bằng, noqwi họ định chiếm một phần thác Bản Giốc của Việt Nam và cồn Pò Thoong.
8. Dùng lực lượng vũ trang để uy hiếp và đóng chốt để chiếm đất
Ở khu vực giữa mốc 2-3 thuộc xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Năm 1967-1968 nhiều hộ người Mèo thuộc huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam Trung Quốc sang định cư ở đây. Phía Việt nam đã yêu cầu Trung Quốc đưa số dân đó trở về Trung Quốc, nhưng họ làm ngơ, lại tiếp tục tăng số dân lên 36 hộ gồm 152 người, vào vùng này thu thuế, phát phiếu vải cho dân, đặt tên cho xóm dân Mèo này là "Sìn Sài Thăng", tên của một bản Trung Quốc ở bên kia biên giới cách khu vực này 3km. Mặc dù phía Việt Nam nhiều lần kháng nghị họ vẫn không rút số dân đó đi, trái lại, đầu năm 1976 còn đưa lực lượng vũ trang vào đóng chốt, chiếm giữ. Nay họ đã lập thêm đường dây điện thoại, loa phóng thanh, dựng trường học, tổ chức đội sản xuất, coi là lãnh thổ Trung Quốc.
Hồng Hà
Nguồn: http://www.bauxitevietnam.info/ykien/090511_traodoivonguyenphutrong.htm