Khai thác Bauxite Tây Nguyên: "Căn bệnh Hà Lan" hay là "lời nguyền rủa mang tên Tây Nguyên"

BXTN:- Những người ủng hộ việc khai thác bô-xít Tây Nguyên thường lặp đi lặp lại luận điểm: Tài nguyên bô-xít của chúng ta nhiều thì ta phải khai thác để làm giàu cho dân cho nước, etc. Bài phân tích dưới đây với các dẫn chứng nghiên cứu và minh họa thực tiễn để chỉ rõ rằng luận điểm của phía ủng hộ dự án là cảm tính và thiếu khoa học. Một đơn cử dễ thấy là Nam Phi - nước giàu tài nguyên kim cương bậc nhất thế giới là đất nước mà người dân chưa bao giờ được hưởng lợi từ kim cương, Guinea - nước khai thác bô-xít lớn thứ hai trên thế giới nhưng lại cũng thuộc những nước nghèo nhất thế giới.


Phạm Minh Ngọc

“Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.” (Hồ Chí Minh)

Từ khá lâu rồi, chính xác là từ những năm 60 của thế kỉ trước các nhà khoa học đã nhận thấy hậu quả nghiêm trọng về chính trị và kinh tế mà các nước giàu tài nguyên thiên nhiên có thể gặp. Họ gọi đấy là “căn bệnh Hà Lan” hay là “lời nguyền rủa của tài nguyên” để mô tả quá trình suy sụp của ngành công nghiệp, hậu quả của những khoản thu nhập to lớn bất thình lình đổ về từ việc xuất khẩu nguyên liệu, nhiên liệu thô, tức là xuất khẩu những nguồn tài nguyên không thể tái sinh được. Thomas L. Friedman viết: “Tại những nước bị “bệnh Hà Lan” đồng nội tệ tự nhiên tăng giá đột ngột vì nguồn ngoại tệ chảy vào từ việc bán dầu hoả, vàng, khí đốt, kim cương hay các nguồn nguyên liệu khác. Kết quả là: hàng công nghiệp xuất khẩu không còn khả năng cạnh tranh còn hàng nhập khẩu thì xuống giá trông thấy. Người dân rủng rỉnh tiền trong túi, bắt đầu đổ xô đi mua hàng nhập khẩu, nền công nghiệp trong nước chết yếu - đấy chính là quá trình suy sụp của nền công nghiệp. Thuật ngữ “lời nguyền rủa của tài nguyên” cũng ám chỉ quá trình này, cũng nói về sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên có ảnh hưởng đến đời sống chính trị của đất nước, ảnh hưởng đến những ưu tiên về đầu tư và ưu tiên trong lĩnh vực giáo dục. Vấn đề lúc đó sẽ là: Ai có quyền vặn “van dầu” và ai được chia bao nhiêu phần của cái bánh chứ không phải là làm thế nào bảo đảm được khả năng cạnh tranh hữu hiệu, sáng kiến và sản xuất ra hàng hoá thực cho nhu cầu tiêu dùng thực nữa”.

Hơn thế nữa, Michael L. Ross, nhà chính trị học của đại học California (Los Angeles), sau khi nghiên cứu số liệu thống kê của 113 nước trong giai đoạn từ 1971 đến 1997, đã rút ra kết luận: “Nói chung, quá chú ý đến việc xuất khẩu dầu mỏ và các khoáng sản khác là một trở ngại đối với tiến trình dân chủ hoá đất nước nhưng việc xuất khẩu các hàng hoá khác lại không có hiệu ứng như thế; hiện tượng này được tìm thấy không chỉ ở bán đảo Arab, Trung Đông và phía Nam sa mạc Sahara mà còn xảy ra ở cả các nước nhỏ nữa”.

Đấy chính là qui luật thứ nhất của nền chính trị dựa trên dầu mỏ do Thomas L. Friedman nêu ra: “Mức độ tự do của các quốc gia dầu mỏ tỉ lệ nghịch với giá dầu. Theo qui luật thứ nhất của nền chính trị dựa trên dầu mỏ thì giá dầu trung bình thế giới càng cao, tự do ngôn luận, tự do báo chí, các thiết chế về bầu cử tự do và trung thực, tinh thần thượng tôn pháp luật, sự độc lập của toà án và các đảng phái chính trị càng mờ nhạt”.

Nhưng thế chưa phải là hết, bằng vào kinh nghiệm của nước Nga, Yury Afanasiev, nhà sử học lỗi lạc, người sáng lập Trường đại học nhân văn quốc gia Nga, còn viết: “Một khi nhà nước tập trung chú ý vào nguyên liệu thô chứ không phải vào sản phẩm thì nó cũng không cần đến dân chúng nữa. Nếu đất nước có ‘đường ống dẫn’ và ‘vàng đen’ thì dân chúng trở thành gánh nặng và mối đe doạ tiềm tàng. Chế độ cho rằng lúc nào nó cũng có thể mua chuộc được dân chúng. Nó không có nhu cầu thiết lập mối quan hệ với dân chúng thông qua các định chế thông thường của một xã hội dân chủ phát triển cao”.

Tức là, khác hẳn với những nước biết mình nghèo, biết mình không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, muốn phát triển thì phải khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Ở những nước đó, nước muốn mạnh thì dân phải giàu. Còn chính phủ của các nước giàu tài nguyên thiên nhiên thì không cần như thế, chỉ cần bán tài nguyên thiên nhiên là họ có đủ tiền để bảo đảm nuôi sống bộ máy quan liêu của mình và tiếp tục giữ mãi nhân dân trong cảnh sống phi dân chủ, nhẫn nhục và tăm tối. Đấy chính là lời nguyền rủa cay độc nhất của tài nguyên thiên nhiên. Chẳng cần phải là người thông thái cũng có thể nhận ra chuyện đó. Chỉ cần nhìn vào những nước như Nam Hàn, Singapore, Đài Loan, một bên và bên kia là những nước kia như Iran, Iraq thì sẽ rõ.

Đấy là những câu chuyện ở xa và đã có từ lâu. Còn đây là câu chuyện gần và mới, ông Thứ trưởng Lê Dương Quang, trong một buổi trả lời phỏng vấn đối với phóng viên của Cổng Chính phủ online, ông cho rằng chúng ta (Việt Nam) phải tìm mọi cách khai thác hết tiềm năng bauxite ở Tây Nguyên. Ngoài ra, trong khi tiếp xúc với cử tri quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng (09/05/2009), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Tài nguyên nước ta hạn hẹp trong khi trữ lượng bauxite lớn thứ ba thế giới, riêng ở Tây Nguyên trên 5 tỷ tấn và sẽ “đưa ngành công nghiệp khai thác quặng bauxite trở thành một ngành công nghiệp lớn của đất nước”. Lời của ông Thứ trưởng và tái khẳng định của ông Thủ tướng, cũng là lời của một người sang, tức là lời ‘có gang có thép’, nhất định phải trở thành hiện thực. Và như thế, “căn bệnh Hà Lan” hay “lời nguyền rủa của tài nguyên” có lẽ sẽ trở thành sự thật nhãn tiền trên đất nước này.

Nhưng lần này “lời nguyền” còn cay độc hơn bội phần, bởi vì khai thác dầu khí hay vàng không tạo ra hàng triệu tấn bùn đỏ nguy hại, không tạo ra nguy cơ ô nhiễm những nguồn nước cung cấp cho hàng triệu người dân sống phía dưới hạ lưu, không đe doạ huỷ diệt môi trường văn hoá và môi trường sống của hàng triệu cư dân bản địa. Và nhất là không diễn ra ở những vùng chiến lược xung yếu của quốc gia… Thiết nghĩ kể thêm nữa cũng bằng thừa, các nhà khoa học cùng với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá và quân sự đã nói quá đủ rồi.

La Thành đã viết rất đúng rằng: “Bauxite Tây Nguyên hoàn toàn có thể là điểm khởi đầu cho một sự tan rã, không chỉ ở mức thể chế chính trị mà ở tầm quốc gia - dân tộc”. Chỉ xin được bổ sung thêm: Nếu hồn thiêng sông núi cùng với thể phách của các bậc tiền nhân và những lời can gián trung thực, đấy khí phách và kiến thức của những người đang sống không buộc được những kẻ tham lam và ngu xuẩn phải ngừng ngay dự định bán tống bán tháo tài nguyên quốc gia, không bảo vệ được vùng Tây Nguyên xanh, một trong những tài sản quí giá nhất mà cha ông đã để lại cho chúng ta thì quá trình Somali-hoá cái đất nước có hình chữ S tươi đẹp này là việc hoàn toàn có thể xảy ra. Đấy chính là lời nguyền rủa tối hậu đối với tất cả chúng ta. Vì đấy là “lời nguyền rủa mang tên Tây Nguyên”.

Thoáng nhớ lại đâu đó câu thành ngữ " Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt"!

ĐN Mạng Bauxite hiệu đính


Nguồn: http://www.bauxitevietnam.info/bandoc/090516_loinguyentaynguyen.htm

-->đọc tiếp...

Thông tin sai trái trên vietnamchina.gov.vn: Sẽ xử lý kiên quyết, ngừng hợp tác

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các thông tin tiếng Hoa tại trang web này cũng có các nội dung như trên. Ngoài ra, máy chủ chứa nội dung của tên miền www.vietnamchina.gov.vn . Ơ hay, chính ông Nguyễn Thanh Hưng, cục trương cục Thương mại Điện tử Bộ Công thương nói là "Ta đăng tiếng Trung, Trung đăng tiếng Ta" cơ mà!

Ông cục trưởng Cục TMDT bảo thông tin đã được gỡ (14/05) Đại sứ quán VN tại TQ báo về cũng đã "bóc". Vậy mà sáng 16/05 Bauxite còn đem được "cả cụm" về đây!

Kiên quyết ngừng hợp tác. Nhưng "bạn" không muốn ngừng thì sao?

Bộ Công thương đang yêu cầu lãnh đạo cục này giải trình và sẽ kiểm điểm trách nhiệm. Từ điển mới: "kiểm điểm": kiểm xem có bao nhiêu điểm, để khi đề bạt sẽ được nhận chức theo điểm.

Bauxite Việt Nam

Thông tin sai trái trên vietnamchina.gov.vn: Sẽ xử lý kiên quyết, ngừng hợp tác

16/05/2009, 08:34 (GMT+7)

TT - Đó là ý kiến của Bộ Thông tin - truyền thông và Bộ Công thương. Nhưng đến chiều 15-5 những thông tin sai trái trên website www.vietnamchina.gov.vn vẫn chưa được gỡ xuống.

Cho đến chiều 15-5, trên trang web www.vietnamchina.gov.vn vẫn chưa gỡ bỏ những nội dung thông tin sai trái về VN

Website này có tên chính thức là website hợp tác kinh tế thương mại VN - Trung Quốc. Sở dĩ nó được gắn tên miền gov.vn (chỉ dành cho các cơ quan công quyền VN) bởi đây là website chính thức được thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Thương mại VN (nay là Bộ Công thương) và Bộ Thương mại Trung Quốc.

Đưa thông tin bất lợi từ lâu

Doanh nghiệp VN và Trung Quốc cũng như các nước khác muốn tìm hiểu các số liệu kinh tế, thương mại của VN và Trung Quốc có thể vào đây khai thác và coi đó là thông tin chính thức từ bộ, ngành hai nước cung cấp. Tuy vậy, khi vào trang web này, điều dễ nhận ra là hầu hết thông tin đều về Trung Quốc. Và việc đưa những thông tin bất lợi cho VN đã được bắt đầu từ tháng 3, kéo dài và có hệ thống sau khi VN thể hiện quan điểm mạnh mẽ về chủ quyền Hoàng Sa.

Ngày 18-3-2009, Trung tâm Thương mại (Bộ Thương mại Trung Quốc) - đơn vị trực tiếp điều hành website phía Trung Quốc - đã đưa bài “Cội nguồn của vấn đề biển Nam và lập trường nguyên tắc của Trung Quốc”, trong đó khẳng định: “Trên vấn đề biển Nam, Trung Quốc xưa nay đều có chủ quyền không thể tranh cãi”.

Trích dẫn thông tin một chiều từ phía Trung Quốc, website này phân tích chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) và khẳng định: “Chưa có bất cứ một nước nào đưa ra ý kiến bất đồng đối với việc Trung Quốc thực thi chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa và các vùng biển xung quanh quần đảo này”.

Đặc biệt, khi VN bổ nhiệm chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, ngày 29-4-2009, trang web này đã ngay lập tức trích dẫn lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du, trong đó khẳng định: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Tây Sa cùng vùng biển xung quanh. Trung Quốc và Việt Nam không tồn tại tranh luận đối với quần đảo Tây Sa. Cách làm kể trên của phía Việt Nam là trái phép và vô hiệu”.

Ngoài ra tại đây còn đưa các thông tin bất lợi khác cho VN như ngày 12-3 đưa “Trung Quốc khẳng định lại, yêu cầu về chủ quyền lãnh thổ đối với đảo Hoàng Nham và quần đảo Nam Sa của các nước khác đều là trái phép và không có hiệu lực”. Hay ngày 27-3 đưa thông tin “Tàu ngư chính lớn nhất Quảng Tây đến vùng biển Tây Sa triển khai hoạt động hộ tống tàu thuyền đánh bắt cá”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các thông tin tiếng Hoa tại trang web này cũng có các nội dung như trên. Ngoài ra, máy chủ chứa nội dung của tên miền www.vietnamchina.gov.vn hiện được lưu trữ tại Trung Quốc và do Trung tâm Thương mại điện tử quốc tế Trung Quốc đăng ký quản lý. Khi vào một tên miền khác là www.chinavietnam.gov.cn cũng sẽ được dẫn về máy chủ này và có nội dung giống như www.vietnamchina.gov.vn.

Như vậy, phía Trung Quốc đã chủ động đưa những thông tin về chủ quyền, lãnh thổ lên một website hợp tác chính thức giữa bộ ngành hai nước chỉ về lĩnh vực kinh tế và thương mại. Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù việc điều hành trang web này theo thỏa thuận có cả phía VN, trực tiếp là Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, Bộ Công thương nhưng những thông tin đó vẫn cứ được đưa lên.

Quản lý thông tin kém

Trả lời Tuổi Trẻ về vấn đề trên, Thứ trưởng thường trực Bộ Công thương Bùi Xuân Khu cho biết website www.vietnamchina.gov.vn được thành lập năm 2006 nhằm mục tiêu phát triển giao thương giữa hai bên. Sở dĩ được mang tên miền gov.vn vì đó là sản phẩm hợp tác giữa hai bộ thương mại VN - Trung Quốc. Ông Khu thừa nhận việc Bộ Công thương VN đã không sâu sát, quản lý kém thông tin đưa lên trang web hợp tác giữa hai bên.

Theo Thứ trưởng Bùi Xuân Khu, ngay khi nhận được công văn của Bộ Thông tin - truyền thông, Bộ Công thương đã đề nghị thương vụ ở Đại sứ quán VN tại Bắc Kinh yêu cầu Bộ Thương mại Trung Quốc gỡ thông tin này xuống. Thương vụ tại Bắc Kinh báo về là phía Trung Quốc đã gỡ.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ thực tế những thông tin trên chưa hề được gỡ xuống và nếu phía Trung Quốc không gỡ, VN sẽ phản ứng thế nào, ông Bùi Xuân Khu cho biết sẽ kiểm tra lại. Vì những thông tin trên không nằm trong phạm vi hợp tác về kinh tế thương mại giữa hai nước nên phía VN sẽ kiên quyết yêu cầu phải gỡ bỏ.

Về việc Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin để những thông tin bất lợi cho VN lên website chính thức giữa hai bộ, ông Bùi Xuân Khu cho biết Bộ Công thương đang yêu cầu lãnh đạo cục này giải trình và sẽ kiểm điểm trách nhiệm. Bộ Công thương có thể sẽ đề nghị ngừng, không hợp tác tại website trên, trình Thủ tướng quyết định.

C.V.K. - V.V.T.

Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin - truyền thông) cho biết sau khi phát hiện có sai phạm về thông tin trên website trên, Bộ Thông tin - truyền thông đã có văn bản gửi Bộ Công thương. Tinh thần của văn bản này là đề nghị xử lý kiên quyết theo quy định pháp luật VN. Theo ý kiến này, đây cũng là bài học cho việc hợp tác về thông tin trên Internet với nước ngoài của các bộ, ngành khác nếu có.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ trong trường hợp một trang web có tên miền “gov.vn” đặt server tại nước ngoài có những sai phạm về thông tin thì việc giải quyết như thế nào, ông Trần Minh Tân - phó giám đốc Trung tâm Internet VN-VNNIC - nêu rõ thông tư hướng dẫn về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet của Bộ Thông tin - truyền thông đã quy định tên miền “gov.vn” chỉ dành cho các cơ quan, tổ chức nhà nước của VN ở trung ương và địa phương. Các cá nhân và tổ chức nước ngoài không được sử dụng tên miền có đuôi “gov.vn“, việc đặt server như thế nào do đơn vị đăng ký tên miền chịu trách nhiệm.

Đối với trường hợp cụ thể của www.vietnamchina.gov.vn, ông Trần Minh Tân nói trong trường hợp đây là trang web có liên quan đến Bộ Công thương thì mọi thông tin trên website đó do Bộ Công thương chịu trách nhiệm.


Nguồn: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=316337&ChannelID=3
-->đọc tiếp...

Về dự án khai thác bauxite Tây nguyên: Thời gian là quan tòa của trời, đất

Nhân dân và lịch sử rất công bằng

Vào giữa thập niên 1980 của thế kỷ trước (1984-1986), sinh thời, có lần Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng đến Nha Trang. Chúng tôi đã hân hạnh được gặp và hỏi ông: “Thưa thầy, hiện tình đất nước thế này, liệu người ta có ghi vào sử sách để lại cho đời sau biết không ạ!”. Sau giây lát trầm ngâm, GS. Trần Quốc Vượng bảo rằng: “Các cậu cứ yên tâm, nếu sử chính thống không ghi, thì vẫn còn có sử dân gian. Nhiều người viết sử dân gian, hàng ngày vẫn âm thầm ghi chép đấy!”. Thì ra là vậy. Thảo nào có bao nhiêu là chuyện thâm cung, bí sử của đời này, đời kia, triều đại này, triều đại khác vẫn được người đời truyền tụng. Tôi liền thể hiện cái ý đó của GS. Trần Quốc Vượng trong mấy vần thơ:

Con cháu sẽ hỏi ta về những tháng, năm này

Như ta từng hỏi cha, ông về những ngày thủa trước

Tại sao Chu Văn An phải dâng sớ chém bảy gian thần?

Tại sao ba tộc nhà Ức Trai mắc họa?

Sự thật?

Sự thật có khi không được ghi trong sử

Nhưng lại được nhân dân chuyên chở đến muôn đời

Con cháu sẽ hỏi ta về những tháng năm này

Như ta từng hỏi cha, ông về những ngày thủa trước… [1]

Vâng! Với sử dân gian thì không thể ém nhẹm, giấu giếm, đổ vấy trách nhiệm cho người khác được. Chỉ những kẻ mất trí, hoặc vô học, ngu xuẩn mới không biết sợ sự phán xét của hậu thế. Trong kho tàng văn hóa dân gian, để răn dạy con cháu biết sống làm người tử tế, không để lại tiếng xấu cho đời sau, cha ông ta không cần nhiều lời, không cần phải tràng giang đại hải bằng tuyển tập này, toàn tập nọ, chỉ vẻn vẹn mấy chữ thôi, mà hàm ý thật thâm hậu, sâu sắc như: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”, hoặc Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”, v.v. Còn “bia miệng” trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay, thì quả là công hiệu và đắc dụng vô cùng. Mọi chuyện tốt, xấu ở bất cứ đâu, từ tổng thống đến dân đen nếu mù quáng làm bậy đều được ghi chép và lập tức siêu tốc ngay trên mạng thông tin quốc tế, bất chấp thời gian, bất chấp không gian, tồn lưu vĩnh cửu. Thì, hỡi ôi! Dù các bạo chúa như Tần Thủy Hoàng, như Hít-le, như … từng trùm sự sợ hãi lên cả một đất nước, cả một dân tộc, có tái thế, cũng đừng hòng bịt miệng nổi trăm họ và càng không thể lòe bịp, mị dân, đốt sách và chôn sống trí thức được nữa.

Xưa nay, ở mọi thời, người có văn hóa (xin được lưu ý, có học vị, bằng cấp cao chưa hẳn là văn hóa đã cao) dù bất kỳ làm nghề gì, ở cương vị nào, quan lại hay dân thường, đều lấy sự phán xét của các thế hệ mai sau làm điều phải sợ, mà tích đức, tu nhân. Dân thường thì mong được để tiếng thơm trong gia phả tộc họ. Bậc quân vương thì muốn được lưu danh ngời sáng trong sử sách, chứ không phải là thứ hôn quân, bạo chúa bị hậu thế đời đời nguyền rủa. Còn người cầm bút muốn không bị người đời và đồng nghiệp các thế hệ kế tiếp coi khinh, thì phải tránh xa thứ nhân cách bồi bút, nịnh hót, xun xoe, cơ hội, láu cá, tô hồng… Để trước khi về với cát bụi, không phải lội ngược dòng đi tìm cái “tôi” đã mất. Để khi sức đã tàn, lực đã kiệt, bút đã gỉ, mực đã khô rồi, nhìn lại đống tác phẩm suốt một đời cầm bút, không phải cay đắng nhận ra rằng, toàn những thứ vô bổ, không lấy được “bụm” nào, chỉ đáng vứt sọt rác…

Vâng! Quả là đáng sợ lắm cái sự “hùm chết để da …”, đáng sợ lắm cái sự “trăm năm bia đá thì mòn …”. Chuyện kể rằng, có nhà văn nọ, cũng thuộc hàng “đại thụ” của giới văn chương nước nhà, được tác giả Chân dung nhà văn “mó” tới. Khi lâm trọng bệnh, biết không qua khỏi, thấy Xuân Sách đến thăm, ông rất mừng. Sau một hồi đắn đo, ông mới nói “Cậu viết như vậy cũng được thôi, nhưng “tha” cho mình mấy chữ được không?”. Trong hoàn cảnh ấy, tác giả Chân dung nhà văn rất bối rối, đến bên ông: “Thưa anh, muộn mất rồi, sách đã phát hành hết, làm sao mà sửa được…”. Thế đấy, chỉ mấy chữ liên quan đến đời người, đời văn thôi, mà trước lúc về với tổ tiên, nhà văn đáng kính nọ còn áy náy, day dứt, biết sợ. Huống chi là những văn bản vài ba trăm chữ liên quan, thậm chí làm mất cả một phần chủ quyền lãnh thổ, hoặc dày hàng vạn chữ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quốc kế dân sinh, đến vấn đề sinh tử của đất nước và còn hệ lụy đến cả muôn đời con cháu mai sau?

Chuyện cũng kể rằng, có một dòng họ, suốt mấy trăm năm, đời này truyền đời khác kiên trì kêu oan, quyết rửa bằng được một vết nhơ mang tội giết vua cho bậc tiền nhân của họ, là một đại công thần dưới triều đình xưa.

Vâng! Nếu thời gian là quan tòa rất vô tư của trời đất, phán quyết việc đúng sai, thì NHÂN DÂN và LỊCH SỬ bao giờ cũng công bằng với tất cả. Một Trần Thủ Độ có công sáng lập triều Trần, thay thế triều Lý đã đến thời mục ruỗng, thối nát, nhưng cái cách ông đối xử với con, cháu triều đại cũ thì không được nhân dân chấp nhận. Và, dù có công to, ông vẫn không được nhân dân lập đền thờ cũng là điều dễ hiểu. Nhưng với một khai quốc đại công thần Ức Trai uyên bác, chứa chan lòng yêu nước thương dân, dù oan khuất dậy trời xanh, thì vẫn được nhân dân đời đời thờ phụng.

Trở lại với các dự án khai thác bauxite ở Tây nguyên hiện nay và dòng sử dân gian, như ý của cố GS. Trần Quốc Vượng. Phải khẳng định ngay rằng, việc đúng sai đã quá rõ rồi. Mọi việc còn lại là của người chép sử và quyết định cuối cùng là của nhân dân với người đại diện cho mình là Quốc hội. Xin có vài lời bày tỏ:

Sử dân gian sẽ chép rằng: Vì đại sự Quốc gia, cái ý tưởng khai thác bauxite ở Tây nguyên đã phải “chết” từ gần 30 năm trước. Sau cũng ngần ấy năm, vùng cao nguyên hùng vĩ, với không gian văn hóa cồng chiêng rất đáng tự hào này, đã đưa nước ta trở thành một trong những “cường quốc” xuất khẩu cà phê của thế giới. Nhưng cái từ bauxite này lại bắt đầu “sống” lại vào ngày 3/12/2001 với chữ ký của ông Tổng Bí thư Đảng CSVN Nông Đức Mạnh, trong bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc, nhân chuyến ông Nông Đức Mạnh thăm Bắc Kinh. Tiếp đến là sự nhất trí cao, quyết tâm lớn của Bộ Chính trị, của lãnh đạo Đảng và nhà nước. Cụ thể là phát biểu của các ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày, tháng, năm tại …; ông Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ngày, tháng, năm, tại …; ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trả lời cử tri thủ đô ngày, tháng, năm, tại …; của ông Bộ trưởng Bộ Công thương, của ông … của ông … và của ông … vân vân.

Sử dân gian cũng ghi rõ: Báo chí trong nước với lực lượng hùng hậu ngót một ngàn tờ báo và tạp chí các kiểu, cùng đội ngũ người cầm bút đông vào hàng nhất nhì thế giới, thì hầu như im thin thít, ngoài một vài bài lẻ tẻ trên báo điện tử được cấp phép và trên vài trang Blog cá nhân. Còn các tờ báo mạng khác của Việt kiều ở nước ngoài thì phản ứng quyết liệt, với nhiều bài phân tích có tính khoa học cao, đầy trách nhiệm của các học giả trong và ngoài nước.

Sử dân gian cũng ghi những trang rất đậm dành cho trí thức Việt Nam, bộ phận ưu tú nhất của cộng đồng, rằng: Tuy có một bài báo mạng với cái tít rất khó chịu“Trí thức Việt Nam, đứa con hoang mất nết của dân tộc”, nhưng một số nhà khoa học hàng đầu trong nước, chỉ một thời gian ngắn đã kịp thời tập hợp được lực lượng đông đảo những nhà khoa học tên tuổi, đầy uy tín, thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, những nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn, nhà giáo … giàu tâm huyết và trách nhiệm với dân, với nước cùng ký tên trong bản kiến nghị chung gửi giới lãnh đạo cao nhất, đề nghị dừng ngay các dự án khai thác bauxite, để trừ mối đại họa lâu dài cho đất nước, vân vân và vân vân.

Còn với Quốc hội, thì sử dân gian sẽ chép rằng: Theo Hiến pháp thì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất trong hệ thống công quyền, là đại diện cho quyền lực của Nhân dân. Dù là Quốc hội nào, độc đảng hay đa đảng, đều phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc lên trên hết và phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước Nhân dân về những phán quyết của mình. Nếu thực sự là đại diện tối cao của nhân dân, Quốc hội khóa 12 phải có những phán quyết ở tầm trí tuệ cao về các dự án khai thác bauxite này. Mặc dù ông Nguyễn Phú Trọng trả lời với cử tri thủ đô như vậy, nhưng đó chỉ là ý kiến cá nhân. Ông ta cũng chỉ được bỏ một lá phiếu. Tuy nhiên … và … nhưng … (phần này sử dân gian còn để giấy trắng, vì phải chờ diễn biến thực tế về vấn đề bauxite tại các kỳ họp sắp tới của Quốc hội). Khi ấy, vị dân biểu nào nói gì, nói ra sao, có tâm huyết, trách nhiệm với lịch sử, với đất nước, với nhân dân đến mức nào, sẽ được sử dân gian ghi chép rất chi tiết, đầy đủ, thậm chí chụp cả ảnh, ghi thành phim … để lưu truyền cho hậu thế.

Cuối cùng, người viết bài này chỉ xin được nhấn mạnh một điều mà chắc chắn quý vị đang nắm trọng trách của đất nước hiện thời, như các ông: Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, cùng quý vị khác trong Bộ Chính trị… đều phải thừa nhận rằng: THỜI GIAN LÀ QUAN TÒA CỦA TRỜI, ĐẤT. NHÂN DÂN và LỊCH SỬ RẤT CÔNG BẰNG.

Nguyễn Chính

nchinhvn@yahoo.com

HD Mạng Bauxite Việt Nam biên tập


[1] Bài thơ này đã đăng trên tạp chí Văn nghệ Nha Trang năm 1987, vào lúc mà người ta hay nói đến việc văn nghệ được “cởi trói”.


Nguồn: http://www.bauxitevietnam.info/bandoc/090515_thoigianlaquantoa.htm

-->đọc tiếp...

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi trả lời phỏng vấn báo YOMIURI (Nhật Bản)

BXTN:- Bài trả lời phỏng vấn của GS. Nguyễn Huệ Chi được đăng tạm thời qua trang talawas do trang bauxitevietnam đang tạm thời có trục trặc kỹ thuật.


1. Tai sao ong phan doi du an khai thac bo-xit tai Tay Nguyen?

Không phải chỉ riêng tôi mà bất kỳ người Việt có lương tri nào cũng phản đối, vì đây là một dự án chưa thấy đem lại lợi ích gì cho đất nước mà nguy cơ tàn phá môi trường, tiêu diệt hệ sinh thái phong phú, và để lại những hậu quả nghiêm trọng về nguồn nước độc hại cho không chỉ riêng Tây Nguyên mà cả một vùng đồng bằng rộng lớn phía Nam Việt Nam, và không phải chỉ trong dăm mười năm mà trong ba bốn mươi năm hoặc lâu hơn thế, thì đã rành rành ra đấy. Đáng nói hơn nữa là nó đảo lộn đời sống của đồng bào người Thượng, thêm nhiều tập quán văn hóa lâu đời của nhiều tộc người Tây Nguyên rồi sẽ bị xóa bỏ. Sẽ nguy hiểm đến thế nào nếu người các dân tộc ở đây không còn không gian truyền thống để sinh hoạt và không còn duy trì được bản sắc văn hóa của mình? Anh tôi, nhà dân tộc học Từ Chi trước đây gần 20 năm đã cảnh báo việc đưa người Kinh lên thâm nhập Tây Nguyên, sẽ làm biến chất cái làng cổ truyền Tây Nguyên qua việc “tập thể hóa” đất đai du canh của họ, đẩy người bản địa vào tận chân núi, lại “soán” luôn Ông “Giàng” (Yang) mà họ thờ phụng hàng bao nhiêu đời, thay vào đấy bằng một thứ chủ nghĩa vô thần cực đoan kỳ cục mà đến bây giờ người Kinh, ngay cả những vị quan chức cấp tối cao, tôi mạnh dạn mà nói thế, cũng không sao “đeo đẳng” mãi được nữa! Một tình trạng đến thế mà còn kéo dài thì nhất định trước sau sẽ xảy ra “sự cố”. Rất tiếc, điều anh tôi cảnh báo đã bị các nhà chính trị bỏ ngoài tai và như ta thấy, cách đây một số năm đã được chứng thực tại Tây Nguyên. Nay, người ta lại đang làm một chuyện tàn phá mới đối với Tây Nguyên mà vẫn tuyệt nhiên không chịu rút ra bài học không xa, có gốc gác là sự thiếu hiểu biết và thiếu thật lòng tôn trọng văn hóa Tây Nguyên. Họ chỉ biết có cái lợi thiển cận mà cái lợi ấy cũng rất mơ hồ, và nếu dùng công thức 50/50 như lời ông Đoàn Văn Kiển Tập đoàn Than khoáng sản thì còn là vô trách nhiệm! Đem đất nước và dân tộc ra mà thử nghiệm mà về kinh tế chỉ có thể trông mong hòa trong khi về tất cả các mặt khác lại không hòa mà thua trắng, chỉ có đám “đỏ đen” chứ có ai trung thực và yêu nước mà lại chịu đựng nổi lối tư duy cờ bạc đó? Cái hậu họa dứt khoát sẽ đến ngay nhãn tiền. Vì nghĩ thế, tôi và một số anh em tâm huyết đã phản đối dự án này.

2. Mot so nguoi cho rang su hien dien cua TQ tai Tay Nguyen chinh la nguyen nhan de ho phan doi du an nay. Theo y kien ca nhan ong, tai sao ho lai coi do la mot su de doa?

Câu hỏi này không rõ. “Họ” mà quý báo nói đây là ai? Nếu là đại đa số nhân dân Việt Nam thì xin quý báo điều tra thêm trong thực tiễn. Còn nếu là những người trí thức và công dân ký tên trong “Kiến nghị” thì nội dung “Kiến nghị” đã nói cụ thể; chúng tôi lo ngại ở 4 điểm:

1. Việc lập dự án khai thác bauxite mới được công khai hóa từ cuối năm 2008 nhưng trên thực tế lại đã được ký tắt với Trung Quốc từ khá lâu trước đó mà chưa đưa ra Quốc hội phê chuẩn. Nghĩa là đối với chúng tôi, việc ký với ai cũng là quan trọng nhưng còn không kém quan trọng là nó có được tiến hành hợp pháp hay không. Tại sao lại có chuyện như vậy ở một đất nước từ lâu đã có Hiến pháp và gần đây còn ban hành hàng loạt bộ luật được Quốc hội thông qua? Đó là điều không thể lý giải. Một việc làm không hợp pháp được nhắm mắt làm ngơ thì bao nhiêu việc nữa sẽ khiến cho việc điều hành đất nước này trở nên lộn xộn, không minh bạch, xa lạ với quỹ đạo phát triển như mọi nước đã và đang đi[1] (Mới đây, ngày 4-5-2009, trả lời đông đảo cử tri Hà Nội yêu cầu đưa vấn đề khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên ra Quốc hội phê chuẩn và giám sát “như ý kiến của nhiều nhà khoa học và chuyên gia”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng có nói: “Không phải bất kỳ vấn đề nào cũng đưa ra lấy ý kiến của Quốc hội mà còn tùy thuộc vào quy mô, tầm cỡ của các dự án. Trong khi đó, quy mô mỗi dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ mới chỉ là hơn 600 triệu đôla”. Ông còn nói thêm: “Dự án chỉ mới đang thí điểm, chưa đâu vào đâu” (xem: http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/05/845582/). Trong khi đó thì mạng truyền thông Trung Quốc lại xác nhận các công ty của họ đã đổ vào Tây Nguyên những khoản tiền hết sức lớn, và họ đã bắt đầu thi công từng phần của dự án chứ không phải là “chưa ra đâu vào đâu” như ông Trọng nói (xem: http://www.youyiguan.com/bbs/viewthread.php?tid=20527). Mặt khác, tuy chia ra từng dự án thì quy mô ở Tân Rai và Nhân Cơ nhỏ thật nhưng xét tổng thể cả quy hoạch bauxite Tây Nguyên hẳn phải nói là rất lớn! Báo “Du lịch” ngày 13-4-2009 đăng bài của một phóng viên lên điều tra tận nơi cho biết: “Dự án Tân Rai chính thức làm lễ khởi công tổ hợp nhà máy sản xuất Alumin vào ngày 18/11/2008. Thời gian khai thác của dự án này dự tính kéo dài trong 98 năm, trữ lượng bauxite ở Tân Rai có thể trên 700 triệu tấn. Nếu khai thác 600.000 tấn/năm thì thời gian khai thác của riêng vùng Tân Rai sẽ kéo dài 45 năm, và nếu mở rộng vùng mỏ bauxite ra Bảo Lộc, lên Di Linh thì thời hạn khai thác có thể lên tới 150 năm”. Cớ sao ta không trình Quốc hội trên Dự án tổng thể khai thác bauxite ở toàn vùng Tây Nguyên mà lại chia nhỏ ra từng dự án con để phán xét quy mô của mỗi cái là nhỏ? Hơn nữa, trong 5 tiêu chí của một dự án “cần phải đưa trình Quốc hội xét duyệt” theo Nghị quyết số 66/QH 11 ngày 29-6-2006 thì có tiêu chí thứ 4 ghi rõ “Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh”; Tây Nguyên ai cũng đều biết là “mái nhà Đông Dương” mà không đáng xếp vào tiêu chí thứ 4 sao? Hãy nghe Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói: “Nay lại để Trung Quốc khai thác bauxit ở Cao nguyên Trung phần thì sẽ có năm, bảy ngàn hoặc hơn một vạn công nhân hay quân nhân Trung Quốc đến cư trú và hoạt động tại đây, sẽ hình thành một “thị trấn Trung Hoa”, một “căn cứ quân sự” trên địa bàn chiến lược vô cùng xung yếu của chúng ta (vũ khí đưa vào thì không khó gì). Phía Bắc nước ta, trên biển Trung Quốc có căn cứ hải quân hùng mạnh, phía Tây Nam nước ta (Cao nguyên) Trung Quốc có căn cứ lục quân trang bị đầy đủ thì độc lập, chủ quyền mà chúng ta đã phải đổi bằng hàng triệu sinh mạng cùng xương máu sẽ như thế nào?!” (trích “Thư gửi BCT ĐCSVN và TT CPVN”). Cũng chính Kết luận số 245-TB/TW của Bộ Chính trị ĐCSVN do Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang thông báo ngày 24-4-2009 có nói rõ: “Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài, đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa”. Kết luận ấy chứng tỏ Bộ Chính trị biết vị thế Tây Nguyên trọng yếu như thế nào.

Tôi không phải là người có thói quen thích theo dõi nhân sự của một đảng cầm quyền, cũng không thích nghe lời bàn tán xầm xì của dư luận, chỉ biết làm chuyên môn và tôn trọng những ai là đại diện cho quyền lực của đất nước, nhưng trước việc này cũng không khỏi băn khoăn: hình như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chính là một Ủy viên trong Bộ Chính trị Đảng CS thì phải. Sao ông lại trả lời cử tri của mình lạ vậy? Người ta có cảm tưởng như đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đang… cãi lại Ủy viên BCT Nguyễn Phú Trọng, hay cũng có thể luận giải theo một hướng khác, rằng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng muốn “giải thích lại” thực chất ý nghĩ của Ủy viên BCT Nguyễn Phú Trọng. Mong sao đó đều là những cảm giác nhầm lẫn (Được biết thêm chiều hôm qua, 14-4-2009, trong lời kết luận phiên họp của UBTVQH, ông Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Chính phủ “chuẩn bị một báo cáo chuyên đề riêng về chủ trương khai thác bô-xít Tây Nguyên để cung cấp đầy đủ thông tin tới các đại biểu Quốc hội”. Có thế chứ. Xin ghi nhận chuyển biến đó và hãy cứ chờ đợi, lắng nghe ý kiến của các vị. Tuy nhiên, nếu Quốc hội chỉ nghe mà không thảo luậnbiểu quyết thì thưa ông Trọng, đó chẳng phải là điều người dân mong đợi).

Còn ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì phải nói là càng lạ nữa. Trong buổi sáng 7-5-2009 đến thăm sức khỏe Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân ngày kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trước lời khuyên thẳng thắn của Đại tướng về việc nên dừng dự án bauxite, ông nói gọn ghẽ: “Chính phủ xin tiếp thu và nghiên cứu ý kiến của Đại tướng”, các báo mừng rỡ loan tin, vậy mà cách một hôm sau, tiếp xúc với cử tri Hải Phòng, ông lại đã dõng dạc tuyên bố: Nhà nước sẽ đưa việc khai thác bauxite thành một ngành công nghiệp lớn!? Ô hay, chỉ mới qua một ngày một đêm thôi, mà cả một Chính phủ chứ có phải cá nhân ông đâu, đã “tiếp thu và nghiên cứu” xong ý kiến của vị Đại tướng nhanh thế a? Thế thì con ông và cháu ông sẽ hiểu vấn đề đạo lýlễ nghĩa trong xã hội Việt Nam là gì? Chuyện giáo dục bằng “gương người lớn” mà không quan trọng ư? Ông có nhớ câu chuyện cổ tích về một người bố cho ông nội ăn cơm trong gáo dừa thay bát cho khỏi vỡ, vì ông nội tay đã run, và đứa con nhìn thấy liền học theo, cũng chuẩn bị sẵn hai cái gáo dừa mẻ để dành về sau cho bố mẹ, hay không? Đó là chưa nói ông đang là “tấm gương” cho cả nước nhìn vào kia mà!

2. Ai cũng biết Trung Quốc rất cần nhôm để chạy đua trong ngành tên lửa và hàng không vũ trụ, để thực hiện những tham vọng không sao dò lường hết của họ. Từ lâu họ đã ký hợp đồng khai thác thứ quặng này ở nhiều nước và xúc tiến khai thác quy mô ngay cả trên đất nước họ. Khốn nỗi công nghệ của họ chưa đạt độ an toàn môi sinh cao, lại do những nhà thầu tư nhân thậm chí là những cai đầu dài vô học di cư bất hợp pháp chạy đua khai thác, đã gây ra những tai họa khủng khiếp ở lục địa Đen khiến cả thế giới đều lo lắng, và họ cũng đã phải đóng cửa rất nhiều mỏ quặng bauxite ở ngay trên đất nước họ[2 ] (Theo GS Nguyễn Ngọc Trân trong bài “Khai thác bauxite Tây Nguyên: 3 vấn đề, 3 kiến nghị” công bố ngày 8-4-2009 thì “Gần đây thôi, Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa 100 mỏ bô-xít vì gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Mỏ bô-xit Nhữ An đã bị đóng cửa sau một năm hoạt động vì nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, cùng nhiều chứng bệnh lạ xuất hiện. Nước này cũng ra quy định các doanh nghiệp khai thác bô-xit chính quy phải trả lại hiện trạng đất đai như ban đầu sau 4 năm khai thác, nếu không đáp ứng tiêu chuẩn này sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn” (Xem: http://www.tuanvietnam.net/news/InTin.aspx?alias=thongtindachieu&msgid=6620). Cũng xin xem Dương Danh Dy: “Tìm hiểu tình trạng ô nhiễm môi trường klhi khai thác bauxit tại một vài nơi ở Trung quốc” (http://www.bauxitevietnam.info/tulieu/081128_timhieuonhiemotq.htm)). Thế thì làm sao mà tin họ được chứ! Thế mà lại ký hiệp ước mời họ đến khai thác bauxite trên đất nước mình, có phải là đã chuyển gánh nặng ô nhiễm tại đất nước Trung Hoa mênh mông sang mảnh đất Việt Nam bé nhỏ, để 84 triệu nhân dân Việt Nam gánh chịu thay cho 1 tỷ 3 dân của họ hay không? Sao lại có chuyện lạ đời đến thế? Ai, người Trung Hoa hay người Việt, đã tính chuyện lạ đời như thế?

3. Giới chuyên môn thừa biết đặc điểm quặng bauxite ở Việt Nam đòi hỏi một kỹ thuật khai thác khác với khai thác quặng bauxite ở Trung Quốc[3] (Xem thêm bài “Vấn đề công nghệ và môi trường trong khai thác bauxite ở Tây Nguyên” của GS TS Nguyễn Thanh Sơn trên báo “Tia sáng” ngày 4-5-2009 (http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=76&News=2825&CategoryID=3). Thế mà ta lại du nhập công nghệ khai thác bauxite Trung Quốc vào Việt Nam kể cả du nhập nhà máy của họ. Lấy gì bảo đảm rằng những công nghệ khai thác ấy thích hợp với yêu cầu kỹ thuật khai thác bauxite của chúng ta, bớt tốn kém và đưa lại hiệu quả? Những gì người Trung Quốc đã làm ở châu Phi, nơi mà ngay cả ở nhiều mỏ đồng họ cũng phải cuốn xéo, chẳng là bài học đáng học hay sao? Tại sao cứ phải “cố đấm ăn xôi” (mà đã chắc đâu có xôi để ăn) như vậy?

4. Việc đưa công nhân Trung Quốc vào Tây Nguyên cũng là cả một vấn nạn khiến chúng tôi lo lắng. Tuy thông báo 245-TB/TW của BCT Đảng Cộng sản vừa rồi có nói “chưa chủ trương bán cổ phần cho tổ chức và cá nhân nước ngoài”, và có chỉ thị về việc “sử dụng người lao động địa phương”, điều này có làm yên lòng chúng tôi ít nhiều, nhưng báo chí của Việt Nam trước đấy đều cho biết kể từ cuối năm 2008, các Công ty Trung Quốc đã đưa công nhân vào làm việc ở Tân Rai – và đưa vào nhiều rồi. Thế nghĩa là ông chủ có thể “chưa sẵn sàng dọn cỗ” nhưng đã có các loại “bất tốc chi khách” – khách không mời mà đến. Lạ lùng hơn nữa là những người ngoại quốc này còn làm việc một cách bất hợp pháp tại Việt Nam vì nhiều người trong số đó đến nước chúng tôi bằng visa du lịch chứ không phải visa làm việc – họ đâu được phép chuyển đổi từ “khách du lịch” sang “công nhân khai mỏ”?! Đối phó với các loại “khách” này sẽ ra sao, trong khi người Việt còn thất nghiệp và đi nhiều nước kiếm việc làm? Phải chăng là mình đã tự làm khó cho mình (nên nhớ xét về tỷ lệ, mật độ dân số ở Việt Nam hiện đã gấp đôi Trung Quốc)?

3. Xin duoc hoi ong voi nguoi Viet thi TQ co y nghia nhu the nao (ke thu cu, ke thu tiem an, doi thu hay nguoi anh lon)?

Chúng tôi coi nhân dân Trung Quốc là bạn như mọi dân tộc khác ở gần cũng như ở xa Việt Nam. Chúng tôi nghĩ, nhân dân Việt Nam cần học hỏi mọi đức tính tốt đẹp của nhân dân Trung Quốc và củng cố mối quan hệ láng giềng giữa hai nước thật tốt. Đó là điều kiện để cả hai dân tộc cùng phát triển trong hòa bình, trong xu thế của nền kinh tế thị trường mang tính toàn cầu hóa hiện nay. Nhưng giai cấp thống trị Trung Hoa đủ các mầu sắc từ sắc vàng các triều đại xưa đến sắc đỏ triều đại nay thì luôn luôn có dã tâm bành trướng, không phải chỉ bành trướng sang Việt Nam mà còn sang nhiều nước láng giềng, chuyện này lịch sử đã và vẫn đang còn ghi chép. Chỉ hai sự kiện này là đủ để hiểu “tim đen” của các “đồng chí Trung Quốc”: năm 1956, lợi dụng lúc quân Pháp rút khỏi Hoàng Sa, chính quyền miền Nam Việt Nam chưa tiếp quản kịp, Trung Quốc liền tức tốc cho quân ra chiếm; năm 1974, biết tình thế nguy cấp của chính quyền Sài Gòn, Trung Quốc cũng tức tốc thực hiện chiến thuật cũ, chiếm trọn cả quần đảo Hoàng Sa. Đó là thời của vũ lực. Nay đã sang thời kỳ mới, xâm lăng bằng kinh tế và văn hóa, tiêu diệt bà con láng giềng bằng gây ô nhiễm… Bởi thế, trong huyết quản con người Việt Nam vẫn sẵn có ý thức cảnh giác với mọi nguy cơ và phương thức xâm lược, và luôn luôn tự củng cố nội lực bằng tinh thần đoàn kết rộng rãi, điều ấy là dễ hiểu[4] (Mới đây thôi giới blogger Việt Nam mới phát hiện một vụ việc có thể nói là tày trời: Bộ Thương mại, nay là Bộ Công thương, đã ký kết xây dựng một trang mạng chung với truyền thông Trung Quốc có cả phần tiếng Việt và tiếng Hoa để đưa tin về việc hợp tác kinh tế việt-Trung. Ngày khai trương có mặt cả 3 vị đứng đầu Đảng và Nhà nước hai bên là đồng chí Hồ, đồng chí Nông và đồng chí Nguyễn, cùng kích hoạt cho trang mạng đi vào hoạt động. Nhưng hỡi ôi, chỉ sau ít lâu thì mới biết, nhiều bài được phát trên trang tiếng Việt mang tên miền Việt Nam lại đưa những tin xuyên tạc rất thậm tệ đối với Việt Nam. Hỏi đến những người chủ trì trang mạng ở Bộ Công thương thì họ đành lắc đầu, không có cách gì để xóa, bởi một lẽ giản đơn là máy chủ do phía Trung Quốc nắm giữ. Trang mạng “Bauixite Việt Nam” đã loan báo kịp thời trong bài “Giao trứng cho ác”, có hình ảnh cả ba đồng chí lãnh đạo tươi cười đứng sát bên nhau trong ngày khởi động cái phương tiện truyền thông gây tai vạ chết người cho dân tộc chúng ta (xin xem: http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.onhkvgrivrganz.vasb/lxvra/090513_tvnbgehatpubnp.ugz); còn “Blog Lê Tuấn Huy” thì nêu vấn đề hình như đã chạm tới bản chất: “Đồng tiền và chủ quyền” (http://blog.360.yahoo.com/blog-bfvqsbM9frIQmHcPB6d2QS4LkA–?cq=1&p=895); và “Blog Osin” gọi đó là “Giao trứng cho Trung Quốc” (http://www.blogosin.org/?p=898). Thử hỏi, với những chuyện chơi khăm kiểu đó, các “đồng chí Trung Quốc” thực hiên “16 chữ vàng” với Đảng Việt Nam có thật là “lòng vàng” hay không, hay là chỉ “lòng vàng” với Đảng mà “dạ tối thui” với đất nước và nhân dân này? Ngoài ra, dù gì đi nữa, dù vô tình hay cố ý, ngây thơ hay dại dột, thì vẫn cứ nhất thiết phải truy cứu: người nào ở cấp nào đã bị kẻ khác “làm xiếc” và người nào ở cấp nào là Lê Chiêu Thống trong trường hợp giao truyền thông cho Trung Quốc “nắm gáy” nói trên?).

4. Cac ong dang kien nghi gi tu phia chinh phu?

“Kiến nghị” đề ngày 12 tháng Tư năm 2009 của chúng tôi yêu cầu Chính phủ hãy dừng toàn bộ việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, có tổ chức giám sát chặt chẽ, và đưa dự án khai thác đó ra thông qua Quốc hội để Quốc hội xem xét thấu đáo tính chất tiền khả thi của nó, sau đó phê chuẩn hoặc bác bỏ là toàn quyền của Quốc hội. Nhưng cũng trong “Kiến nghị”, chúng tôi lại cũng khẩn thiết kêu gọi Quốc hội hãy “thấu suốt được tinh thần của đại đa số dân chúng không muốn dự án này tiếp tục vì tất cả những hệ lụy nặng nề của nó” để Quốc hội có quyết định hợp lý hợp tình.

5. Cac ong keu goi moi nguoi tham gia hoat dong cua minh bang cach nao?

Thực ra chúng tôi không kêu gọi mọi người tham gia ký vào “Kiến nghị” mà lúc đầu chỉ gửi e-mail đến 15 người bạn nhờ góp ý tư vấn cho mình. Không ngờ đây vốn là một mối quan ngại đã nung nấu sẵn trong tâm can nhiều người chỉ chờ dịp là bùng phát, nên “Kiến nghị” được nhiệt liệt hưởng ứng, người này truyền cho người kia, rốt cuộc đến chiều ngày 16 (sau 4 ngày) thì đã có 133 người ghi tên vào danh sách, trong đó có rất nhiều nhà khoa học hàng đầu, văn nghệ sĩ tiêu biểu ở trong nước cũng như ngoài nước. Và cho đến nay con số đã trên 1.000 người. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán trước sau của chúng tôi là muốn cho Nhà nước thấy sự thành tâm của mình, đây không phải là một việc gì khuất tất, nên những ai muốn ghi tên phải có đủ thông tin về nhân thân và về địa chỉ cư trú cụ thể. Vì thế, trong danh sách gửi lên cũng chỉ mới chọn lọc được 400 người và sắp tới sẽ có thêm 200 người nữa; những người còn lại phải bổ sung một số thông tin còn thiếu thì mới được gửi tiếp[5] (Hiện nay, Danh sách đợt 3 đến con số 600 đã công bố, chúng tôi sắp công bố Danh sách đợt 4 để gửi lên Nhà nước, đến hơn 1.000 người. Tiến độ có chậm trễ so với lượng người đăng ký (quá chậm trễ là khác) vì chúng tôi đều làm việc “tay trái”).

6. Theo du kien se co mot cuoc tu hop, trong hoa binh, vao ngay 23/4 de bay to su phan doi doi voi viec tien hanh du an. Xin duoc hoi ly do gi da khien cho cuoc tu hop ay khong dien ra?

Chúng tôi không biết đó là dự kiến của ai, riêng chúng tôi không hề đề xuất dự kiến này.

8. Xin cho biet ke hoach trong tuong lai cua cac ong la gi?

Việc lưu truyền bản “Kiến nghị” trên các trang mạng kể từ ngày 12-4-2009 làm cho ba người soạn thảo chúng tôi liên tiếp nhận được một số lượng e-mail hưởng ứng không sao trả lời xuể. Vì thế, đến ngày 22-4-2009 thì chúng tôi đành phải lập một Blog “Bauxite Việt Nam” (http://vn.myblog.yahoo.com/huechivn2009) để tiếp nhận thông tin từ khắp bốn phương. Nhưng rồi số lượng người truy cập cũng nhiều đến mức quá tải, đến ngày 28-4-2009 đã có hơn 41 vạn lượt người vào xem. Thế là đến ngày 27 tháng Tư năm 2009 chúng tôi lại phải chuyển đổi từ blog sang Website “Bauxite Việt Nam” (http://www.bauxitevietnam.info) do một số anh em tâm huyết đứng ra điều hành. Đến nay mới chỉ qua một ngày mà đã có hơn 36.000 lượt người truy cập[6] (Tính đến chiều 14-5-2009 đã có trên 40 vạn lượt người vào xem trang mạng của chúng tôi. Sở dĩ nói một cách phỏng đoán thế thôi vì tự nhiên trang mạng bauxitevietnam.info đang yên lành bỗng gặp “trục trặc”, vào mạng vẫn được, song upload thì không được nữa, và số lượng người truy cập hiển thị trên trang web cũng bị xóa. Ai mà lo ngại ảnh hưởng của trang mạng vốn tuân thủ nghiêm chỉnh phép nước của chúng tôi thế nhỉ? Chắc đây phải là “kẻ địch”, “mưu toan phá hoại đất nước”, nói như Thông cáo báo chí ngày 28-4-2009 của Bộ Công thương).

9. Cung co cac quoc gia khac nhu My dang can nhac khai thac khoang san tai VN. Cac ong co phan doi nguoi My toi VN ko? Neu khong, tai sao ong lai Kien nghi nhu vay?

Chúng tôi không hề phản đối người Mỹ tới Việt Nam đặt quan hệ bình thường về nhiều mặt. Trái lại, việc củng cố mối quan hệ Việt-Mỹ giúp cho Việt Nam phát triển là một yêu cầu tối cần thiết. Nhưng nếu người Mỹ đến chỉ để khai thác bauxite ở Tây Nguyên thì mọi vấn đề đang đặt ra về môi sinh, về văn hóa, về lợi nhuận… vẫn như thế, có khác gì đâu. Chúng tôi không kỳ thị các công ty Trung Quốc, mặc dù công nghệ Trung Quốc chắc chắn là kém xa Mỹ – và đã từng để lại nhiều hệ lụy nặng nề cho đất nước chúng tôi như các nhà máy mía đường Trung Quốc mà Nhà nước chúng tôi từng nhập về cách đây hàng chục năm làm cho ngành mía đường Việt Nam thua lỗ chỏng gọng vì dây chuyền công nghệ cũ mèm. Người nhập kiếm được một món béo bở, tất nhiên, còn dân chúng phải è cổ ra gánh chịu mọi hậu quả, ai mà chả thấy[7] (Ngay chính một trang mạng của Trung Quốc 中军网 www.milchina.com 日期:2009-5-6 10:14:12 来源: 编辑:中军编辑 3984582, trong bài “Cuộc cạnh tranh bô-xít Tây Nguyên giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ” cũng thừa nhận chính sách đưa các dây chuyền công nghệ đã bỏ đi cũng như các công nghệ lạc hậu của Trung Quốc vào đầu tư tại Nam Trung Bộ Việt Nam từ lâu đã gây ra ô nhiễm tệ hại và làm cho người Việt Nam thêm nghi ngại Trung Quốc, “Nếu không phân tích vấn đề sâu sắc và có thái độ tự mình phản tỉnh, từ góc độ bản thân tiến hành kiểm thảo tìm ra mấu chốt… chúng ta sẽ ngã lộn nhào xuống hố”). Vấn đề mà chúng tôi quan tâm là phải bảo vệ sự an bình của Tây Nguyên bằng mọi giá, hơn nữa cũng phải bớt dần đi cái lối làm kinh tế theo kiểu cứ moi khoáng sản lên để bán. Cái đó là một biện pháp “bóc ngắn cắn dài” chỉ làm cho kinh tế Việt Nam ngày càng tụt hậu so với nền kinh tế các nước hiện đại.

10. Theo ong thi cac cty VN ky hdong voi cong ty cua TQ khi nao vay?

Việc này không có báo chí nào đưa, có lẽ cũng là điều cấm kỵ sao đó nên tôi không thể trả lời quý báo chính xác được. Trên ba số báo mạng Vietnamnet bằng tiếng Anh ra các ngày 23-09-2004, 14-10-2005 và 02-11-2005 có nhắc rằng dự án ký kết đã được duyệt, số tiền là bao nhiêu bao nhiêu, nhưng lại không hề ghi rõ ngày tháng hai bên đặt bút ký. Có lẽ “lề đường bên phải” phải dùng đến loại giày riêng, buộc báo chí phải “gọt” hết những con số thòi ra như vậy cho “vừa giày”. Chỉ biết đến nay, theo trang mạng BBC, Công ty Chinalco đã đưa người vào khai thác ở Tây Nguyên rồi[8] (Trong “Thư ngỏ” số 2 gửi lên các vị đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước ngày 7-5-2009, chúng tôi đã tra tìm được các “bản ghi nhớ” ký với nhau giữa các công ty TQ và Việt Nam từ 2001 đến 2007; như vậy, câu trả lời này đã được bổ sung cụ thể và rõ ràng).

11. Cho toi thoi diem hien tai, theo ong duoc biet, da co bao nhieu cong nhan TQ dang lam viec o cong truong?

Đây cũng là một “bí mật nhà nước” mà báo chí không được phép để lộ. Trên Vietnamnet ngày 14-4-2009 có nói tới 20 dãy nhà tập thể dành cho công nhân Trung Quốc ở khu mỏ Tân Rai và quang cảnh hoạt động nhộn nhịp mua bán của đám công nhân nói tiếng Hoa đang sinh sống ở đây, chứ không nói rõ số lượng bao nhiêu. Tất nhiên 20 dãy nhà kia chỉ là nhà cho công nhân làm việc cơ bắp chứ chuyên gia kỹ sư Trung Quốc thì đều ở các ngôi nhà ngoài thị trấn. Tuy vậy cũng trong bài báo ấy lại có để lộ rằng: theo lời một chủ quán ăn là Phượng thì số lượng công nhân Trung Quốc ở khu mỏ vào khoảng 800 người. Còn theo trang mạng “Sài Gòn tiếp thị” ngày 15-4-2009 thì những đợt công nhân Trung Quốc đầu tiên đã đổ bộ vào Tân Rai từ tháng Mười một năm 2008, mới đầu khoảng 700 người, nhưng vào những thời điểm làm nước rút, số lượng có thể lên đến 2.000 người. Cần chú ý thêm là cũng theo các báo trên, công nhân người Việt ở đây rất ít; quá ít người dân địa phương được nhận vào làm. Riêng ở Đắc Nông, tức ở khu mỏ bauxite Nhân Cơ, nơi hiện đang xúc tiến mạnh việc xây dựng nhà máy luyện alumin Nhân Cơ do Tập đoàn Chalco Trung Quốc trúng thầu chính, thì theo báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV News) vào thời gian cao điểm có thể có 2.000 người Trung Quốc làm việc tại đây (trích lời ông Bùi Quang Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ – TKV), nhưng sau đó, ông Ngô Tố Ninh, lãnh đạo Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ – TKV lại đã cải chính rằng con số nêu trên là chưa chính xác, bởi vào thời gian cao điểm, trên công trường xây dựng nhà máy chỉ có gần 3.000 lao động làm việc mà thôi (Vietnamnet ngày 26-4-2009). Chỉ chừng đó cũng đủ thấy một chuyện không có gì ghê gớm cả mà đối với thông tin truyền thông Việt Nam vẫn là cả một trò… “ú tim”. Trong khi ở Tân Rai người ta không nhận công nhân người Việt thì liệu 3.000 công nhân tại Nhà máy alumin Nhân cơ do Tập đoàn Chalco cai quản có được bao nhiêu người Việt? Muốn điều tra cho rõ điều này chắc phải có một đội ngũ các nhà xã hội học chịu khó xin phép đến Nhân Cơ hỏi chuyện từng người bằng tiếng Hoa, tiếng Việt, hoặc bằng tiếng của người dân tộc bản địa rồi cứ thế làm một phép cộng tỉ mỉ mới biết đích thực có bao nhiêu trong số 3.000 công nhân kia là người Việt Nam[9] (Không phải chỉ ở Tây Nguyên, rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, công nhân Trung Quốc đã sang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, công trường đông đặc. Xin xem bài “Lao động phổ thông nước ngoài đổ vào Việt Nam” của Cầm Văn Kình và Đăng Nam trên báo “Tuổi trẻ” ngày 16-4-2009 và trên trang mạng http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=311388; và các bài: “Người Quảng Tây ở Quảng Nam” trên báo “Sài Gòn tiếp thị” 5-5-2009 (http://www.sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=50976&fld=HTMG/2009/0505/50976); “Thợ Việt - Trung đón tết trên công trường thủy điện” trên báo “Quảng Nam” ngày 19-1-2009 (http://baoquangnam.com.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=16125&Itemid=202)).


Nguồn: http://www.talawas.org/?p=4424
-->đọc tiếp...

Website đăng ký tại VN đưa quan điểm của TQ về Hoàng Sa, Trường Sa

BXTN:- Bài viết về sự kiện trang web hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc trong một thời gian khá dài liên tục đăng nhiều bài khẳng định các quan điểm chính trị của phía Trung Quốc về biển đảo của ta. Mặc dù có vẻ không trực tiếp liên quan đến kế hoạch khai thác bô-xít Tây Nguyên nhưng thực ra sự kiện này rất quan trọng ở chỗ nó cho thấy cách làm việc và mức độ đáng tin cậy của Bộ Công thương - đơn vị chủ quản của cả trang web lẫn đại dự án bô-xít. Bài báo gốc trên SGTT và bản đăng lại trên VNN đã bị xóa thể hiện sự sợ hãi và vị trí sai trái của chính quyền trong vụ việc này.


Cho đến chiều ngày 14.5.2009, trang web “Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc” có địa chỉ: www.vietnamchina.gov.vn vẫn còn lưu những bản tin thể hiện quan điểm của chính quyền Trung Quốc về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngày 29.4.2009, website này đã đăng tuyên bố của Trung Quốc trước sự kiện Việt Nam bổ nhiệm chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa. Tuyên bố được phát ngôn bởi bà Khương Du: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Tây Sa cùng vùng biển xung quanh. Trung Quốc và Việt Nam không tồn tại tranh luận đối với quần đảo Tây Sa. Cách làm kể trên của phía Việt Nam là trái phép và vô hiệu. Trung Quốc đã nghiêm chỉnh bày tỏ lập trường với phía Việt Nam về việc này”.

Tuyên bố của bà Khương Du trên www.vietnamchina.gov.vn

Tây Sa là từ mà người Trung Quốc dùng để chỉ Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam đã xác lập chủ quyền chính thức đối với quần đảo Hoàng Sa từ thời vua Gia Long (năm 1816). Người dân Việt Nam đã hiện diện trên phần lãnh thổ có chủ quyền hợp pháp này liên tục hàng trăm năm cho đến khi bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng vào ngày 19.1.1974.

Việc Trung Quốc có những tuyên bố sai trái về quần đảo Hoàng Sa không phải là điều mới xảy ra. Tuy nhiên, khi tuyên bố này được đăng trên một website có tên miền “gov.vn” chỉ cấp cho các cơ quan Chính phủ Việt Nam; nội dung ở trang chủ cũng ghi cơ quan chủ quản là: bộ Thương mại nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…, thì nó trở thành một vấn đề gây hoang mang cho người đọc ở trong và ngoài nước.

Sáng 13.5, sau khi đọc được thông tin này trên blog Lê Tuấn Huy, được trang web viet-studies.info của GS Trần Hữu Dũng dẫn link, chúng tôi đã thông báo ngay tới các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cho đến ngày 14.5, những thông tin sai trái nói trên vẫn chưa được đưa ra khỏi trang web “Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc”.

Vào lúc 10h30 sáng 14.5, chúng tôi đã liên lạc trực tiếp với ông Nguyễn Thanh Hưng, cục trưởng cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, bộ Công thương, cơ quan chịu trách nhiệm về trang web này. Lúc đầu ông Hưng cho rằng, “tôi nghĩ là không có gì quá ghê gớm cả. Anh phải vào thực tế trang web thì thấy có nhiều thông tin về hợp tác thương mại, kinh tế có nhiều điểm rất là tốt”.

Khi chúng tôi hỏi về phần tiếng Việt của website đăng tuyên bố của bà Khương Du thì ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng: “Đó là trang web của Trung Quốc chứ có phải của mình đâu”. Chúng tôi hỏi: “Trang web có đuôi .gov.vn thì người ta phải hiểu là của Việt Nam, thưa ông?”. Ông Hưng giải thích: “Của mình nhưng mà là phía Trung Quốc phụ trách. Tiếng Việt do phía Trung Quốc phụ trách để họ đăng trực tiếp bằng tiếng Việt giúp doanh nghiệp Việt Nam”.

Theo giới thiệu của ông Nguyễn Thanh Hưng, chúng tôi liên hệ với người trực tiếp phụ trách trang web, ông Trần Hữu Linh, phó cục trưởng cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, bộ Công thương. Ông Linh xác nhận trang web tiếng Trung do phía Việt Nam phụ trách, vietnamchina.gov.vn, vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, bên cạnh trang web này, chúng tôi còn tìm thấy một trang web khác, cũng gọi là “Mạng thông tin hợp tác kinh tế – thương mại Việt Nam – Trung Quốc” bằng tiếng Trung, nhưng có tên là chinavietnam.gov.cn/ (đuôi “vn” được thay bằng “cn”) và nội dung thì tương tự như website tiếng Việt, thể hiện quan điểm của chính quyền Trung Quốc về các vấn đề quốc tế và đặc biệt là về biển Đông.

Như vậy, trên thực tế, các nhà doanh nghiệp Trung Quốc thay vì tiếp cận được với website do bộ Công thương phụ trách lại nhận được thông tin do phía Trung Quốc đưa ra. Về phía các nhà doanh nghiệp Việt Nam, khi truy cập website “hợp tác...” để tìm thông tin về thương mại họ còn phải đọc những thông tin về các vấn đề đối ngoại và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam theo quan điểm của chính quyền Trung Quốc.

Cũng trong buổi sáng 14.5, ông Linh cho biết: “Cục Quản lý báo chí, bộ Thông tin truyền thông vừa đề nghị có mấy bài phải bỏ xuống. Tôi cũng đang báo cáo với lãnh đạo bộ để xử lý”. Nhưng, theo ông Linh thì vì, “theo thoả thuận phía Trung Quốc lo phần tiếng Việt. Phía Việt Nam lo phần nội dung bằng tiếng Trung”; cho nên bộ sẽ phải “gửi công hàm sang bộ Thương mại Trung Quốc đề nghị bỏ những nội dung không dành cho kinh tế và thương mại”.

Theo thông tin của trung tâm Internet Việt Nam (Vnnic) thì trang web này do bộ Thương mại (nay là bộ Công thương) đăng ký tên miền. Về nguyên tắc, khi đã đăng ký tên miền Việt Nam, thì server phải đặt tại Việt Nam. Nhưng, theo Vnnic, trang web www.vietnamchina.gov.vn đang hoạt động với một server ở Trung Quốc. Căn cứ nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet thì từ nội dung đăng tải trên website, đến phương thức hoạt động của trang web “Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc” đều có nhiều sai phạm.

  • Huy Đức - Mạnh Quân (Bài và ảnh theo SGTT)

-->đọc tiếp...

Báo cáo về bô-xít sẽ nằm trong báo cáo kinh tế-xã hội

BXTN:- Hy vọng nhân cơ hội này, Quốc hội sẽ quan tâm và giành được quyền cho biểu quyết thực hiện dự án hay không bởi theo đúng luật, dự án này cần được thông qua Quốc hội bởi nó liên quan đến khu vực quan trọng, nhạy cảm về an ninh quốc gia. Ngoài ra, mặc dù một số quan chức ủng hộ dự án có đưa ra lý do mỗi nhà máy (Tân Rai và Nhân Cơ) có số tiền chỉ mới 600 triệu USD nhưng đó là ngụy biện bởi phải được xét gộp trong một đại dự án mà Đảng và Chính phủ chủ trương.


Một ngày sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chính phủ chuẩn bị báo cáo chuyên đề riêng về chủ trương khai thác bô-xít Tây Nguyên, ngày 15/5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công Thương sớm hoàn chỉnh báo cáo về các dự án bô-xít để bổ sung vào báo cáo kinh tế - xã hội.

>> Đại dự án bô-xít Tây Nguyên và ý kiến nhiều chiều

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, báo cáo này sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp sẽ khai mạc thứ 4 tuần tới.

Ông Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương bám sát ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 650/TTg-KTN ngày 29/4/2009 để hoàn thiện nội dung báo cáo, chuyển Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung.

Quang cảnh khai thác bô-xít tại Đắk Nông.
Ảnh do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cung cấp

Tại Công văn này, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung vào báo cáo kinh tế - xã hội trình Quốc hội tại kỳ họp tới việc thực hiện dự án khai thác bô-xít, sản xuất alumin. Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, tính toán, đánh giá lại hiệu quả dự án alumin Nhân Cơ, báo cáo Thủ tướng, đồng thời chuẩn bị báo cáo về tình hình thực hiện các dự án khai thác và chế biến bô-xít tại Hội nghị Trung ương tới.

Hôm qua (14/5), kết luận phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Chính phủ "chuẩn bị một báo cáo chuyên đề riêng về chủ trương khai thác bô-xít Tây Nguyên để cung cấp đầy đủ thông tin tới các đại biểu".

Đáp lại đề nghị này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay, sẽ báo cáo Thủ tướng để chuẩn bị một báo cáo riêng về bô-xít Tây Nguyên để gửi Quốc hội. "Những vấn đề mà đại biểu QH và người dân quan tâm, nhất là các vấn đề thời sự, Chính phủ sẽ tiếp thu và có báo cáo riêng", ông Phúc khẳng định.

  • VA

-->đọc tiếp...

Bô-xít, chống suy thoái kinh tế và...

(TuanVietNam)- Nhiều phát ngôn đúng đắn, thậm chí chuẩn xác, một vài hành động “khó quên” nhưng lại tiêu cực. Đó là cảm nhận chung của Tuần Việt Nam về những phát ngôn và hành động ấn tượng của tuần vừa rồi. Nổi lên vẫn là những mối quan tâm về các vấn đề bô-xít, suy thoái kinh tế, mở rộng dân chủ... trong thời điểm sắp diễn ra kỳ họp Quốc hội.


“Chính phủ phải có báo cáo riêng về bô-xít”

Đó là đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đối với Chính phủ, vào ngày 14/5 tại phiên họp UB Thường vụ Quốc hội.

Như vậy, mặc dù Thủ tướng đã giao một số bộ, ngành chuẩn bị báo cáo về chủ trương và quy hoạch khai thác bô-xít Tây Nguyên để đưa vào báo cáo chung về kinh tế - xã hội, nhưng Quốc hội vẫn mong muốn Chính phủ chuẩn bị một chuyên đề riêng để đệ trình.

Điều này cho thấy mặc dù có một số ý kiến nói rằng theo luật định, các dự án khai thác bô-xít không nằm trong diện thảo luận của Quốc hội, nhưng quy hoạch bô-xít Tây Nguyên vẫn là vấn đề được các đại biểu cực kỳ quan tâm. (VietNamNet, 14/5)

“Mở rộng dân chủ trong Đảng chỉ có tốt”

Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An. (Nguồn ảnh: VietNamNet)

Từ kinh nghiệm hoạt động của mình, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An khẳng định như vậy khi bàn về thí điểm dân chủ trực tiếp trong bầu cử ở gần 1.500 trong số 22.000 đảng bộ cơ sở trên cả nước.

Ông nói: “Để phát huy được dân chủ thực sự thì tập thể lãnh đạo và người đứng đầu phải cởi mở, tạo môi trường cho đồng chí của mình thể hiện, coi ý kiến khác nhau là bình thường…Việc mở rộng dân chủ này có sức mạnh rất lớn, sinh hoạt dân chủ trong nội bộ Đảng sẽ sôi động lên rất nhiều… Qua đó, không khí dân chủ nội bộ Đảng sẽ nhanh chóng lan tỏa toàn xã hội, phát huy sáng kiến, sáng tạo, sự hồ hởi toàn xã hội”. (Pháp luật TP HCM, 11/5)

Cựu Chủ tịch Quốc hội đã bàn về một thực tế: Có được dân chủ trong Đảng là một bước để tiến tới xã hội dân chủ hơn. Nhìn lại lịch sử phong trào lao động quốc tế, dân chủ trong nội bộ Đảng luôn là điều tự nhiên, là yêu cầu tối thiểu phải đáp ứng trong các đảng và các tổ chức công nhân thời cuối thế kỷ 19.

“Luật sư phải độc lập”

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. (Nguồn ảnh: VNN)

Tại ĐH đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất, sau khi nghe dự thảo Báo cáo Chính trị và thảo luận của đại diện các đoàn luật sư, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết nói: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, luật sư phải độc lập, tôn trọng sự thật khách quan, tuân thủ Hiến pháp và đạo đức nghề nghiệp”.

Có thể nói nhận định xác đáng này của Chủ tịch nước đã đưa ra một tiêu chí chuẩn xác và thiết yếu cho các luật sư Việt Nam thời hội nhập.

Để trở thành một bộ phận của kinh tế thế giới, nền kinh tế thị trường non trẻ của Việt Nam cần được chuẩn hóa về nhiều khía cạnh, trong đó có phương diện pháp luật.

Và các luật sư không thể không tiến tới sự độc lập và khách quan cao nhất trong nghề nghiệp, để vươn lên trình độ chuyên nghiệp, theo cùng thế giới.

“Năm nào tận cùng là 8, 9 thì xấu với kinh tế nước ta”

Nguyên Bộ trưởng KH-ĐT Trần Xuân Giá. (Nguồn ảnh: VTC)

Phát hiện này là của nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá. Trả lời phỏng vấn TBKTVN, ông tiết lộ: “Tôi kiểm nghiệm ra rằng, những năm nào có số cuối là 8 và 9 thì đều xấu với kinh tế của nước ta. Năm 1978 -1979 là xấu, rồi năm 1988 -1989 cũng xấu và bây giờ là 2009 cũng xấu”. (VnEconomy, 14/5)

Như vậy, trái với quan niệm của dân gian rằng 8 và 9 là hai số đẹp, cựu Bộ trưởng quan niệm năm nào có chữ số tận cùng là 8 và 9 thì lại là không đẹp cho nền kinh tế của đất nước.

Giới nghiên cứu kinh tế có thể cho đây là một phát hiện dựa trên cơ sở quan sát chủ quan của một cá nhân, với số lượng “mẫu” hơi ít (3 mẫu), có vẻ chưa đủ tính khoa học.

Tuy nhiên, Tuần Việt Nam vẫn xin chọn nó là một trong các phát ngôn ấn tượng của tuần, vì nó là phát hiện thú vị của một cựu quan chức, từng đứng đầu một bộ chịu trách nhiệm rất lớn về sự vận hành và phát triển của kinh tế Việt Nam.

“Đề nghị QH xem xét đơn từ chức của tôi”

Bộ trưởng Nội vụ Yuriy Lutsenko. (Nguồn ảnh: Ria Novosti)

Đây là nguyên văn lời Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, ông Yuriy Lutsenko. Hôm 12/5, ông này đã đệ đơn từ chức lên Quốc Hội sau khi có những thông tin nói rằng, ông bị cảnh sát Đức bắt giữ sau một trận cãi vã tại sân bay Frankfurt trong trạng thái say xỉn hồi tuần trước.

Bộ trưởng Yuriy Lutsenko tuyên bố: “Tôi đề nghị Qquốc hội xem xét đơn xin từ chức của tôi, và bàn bạc vấn đề này mà không cần có sự hiện diện của tôi”. (Tiền Phong, 13/5)

Chưa bàn xem liệu thông tin nói rằng Bộ trưởng say rượu cãi vã là đúng hay sai, nhưng việc ông Yuriy Lutsenko có đơn từ chức với lời lẽ thẳng thắn như vậy cũng cho thấy sự đàng hoàng, quân tử, dám làm dám chịu của một vị quan chức trong chính phủ. Văn hóa từ chức chính là một nét đẹp của cá nhân mỗi vị lãnh đạo, làm tăng niềm tin của dân chúng vào một tập thể lãnh đạo.

“Tôi có hai quê hương, Sài Gòn và Lý Sơn”

TS Sử học Nguyễn Nhã. (Nguồn ảnh: Doanh nhân SG cuối tuần)

Con người “một đời nặng nợ với Hoàng Sa – Trường Sa” – TS sử học Nguyễn Nhã – kể lại một kỷ niệm thật cảm động và đáng nhớ nhất trong sự nghiệp nghiên cứu của mình về Hoàng Sa – Trường Sa:

Đó là ngày mà tôi và các đồng sự quyết định ấn hành Tập san Sử Địa số 29 (đầu năm 1975 - TVN) đồng thời triển lãm sử liệu minh chứng chủ quyền Việt Nam. Tôi cùng với Giáo sư Ngô Gia Hy (Trưởng Ban vận động xây dựng Đền thờ Tổ Hùng Vương) và Giáo sư Trần Huy Phong (Trưởng môn Võ Vovinam) đứng ra tổ chức.

... Sau ba hồi chiêng trịnh trọng và trong không khí thiêng liêng đó, tôi xúc động bật khóc, quay qua hai đồng sự của mình, mắt cả hai người cũng hoe đỏ, mọi người cùng ôm nhau khóc. Tôi nghĩ, trong khung cảnh đó, tấm lòng người con đất Việt được thể hiện một cách mãnh liệt nhất
”.

Một kỷ niệm đáng nhớ mới đây của TS Nguyễn Nhã: Chủ tịch huyện đảo Lý Sơn cho biết đã coi TS Nguyễn Nhã như một người con của đảo. Nhà “Hoàng Sa – Trường Sa” học rất vui vẻ: “Vậy là tôi có hai quê hương, một ở Sài Gòn và hai là ở Lý Sơn”. (Đại Đoàn Kết, 11/5)

“Intel phản đối mạnh mẽ quyết định của EU và sẽ kháng án”

Hãng chip số 1 thế giới đã bị sốc trước án phạt mà EU dành cho họ: mức phạt kỷ lục 1,06 tỷ euro (tương đương 1,44 tỷ USD) với phán quyết “vi phạm luật chống độc quyền” ở châu lục này.

Một đại diện của Ủy ban châu Âu cho biết: “Intel khiến hàng triệu người dùng châu Âu phải chịu thiệt hại bởi những hành động có tính toán nhằm loại bỏ đối thủ ra khỏi thị trường chip trong nhiều năm qua”. Đáp lại, Chủ tịch Intel Paul Otellini cho rằng hành động của họ “đơn giản chỉ là cạnh tranh”, Intel phản đối EU và sẽ kháng án. (VnExpress, 14/5)

Trông người lại ngẫm đến ta. Doanh nghiệp VN đã từng bị kiện bán phá giá khi đặt chân vào thị trường EU. Một tập đoàn lớn hàng đầu thế giới như Intel còn bị phạt tơi bời như vậy, liệu các doanh nghiệp Việt có đủ bản lĩnh, hiểu biết về luật pháp và tinh thông về thị trường Âu châu để tránh được càng nhiều càng tốt những sự việc đáng tiếc?

CSGT đánh dân chảy máu đầu bằng còng số 8

Anh Trình bị CS Minh đánh chảy máu đầu. (Nguồn ảnh: VnExpress)

Tác giả của hành động “ấn tượng” đến phát sợ này là của anh cảnh sát giao thông “nóng tính” Nguyễn Đức Cảnh Minh, sinh năm 1985, thuộc đội điều khiển giao thông – Phòng CSGT, công an TP Đà Nẵng. “Nạn nhân” là anh Nguyễn Minh Trình (sinh năm 1983, cư dân TP Đà Nẵng).

Theo lời “nạn nhân” thuật lại, sáng 11/5, anh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm nên bị CSGT thổi phạt. Anh phản ứng (bằng lời nói), liền bị đồng chí Cảnh Minh trừng trị (bằng hành động): dùng còng số 8 đánh vào đầu vào cổ, gây toác đầu, chảy máu. (Tiền Phong, 12/5)

Lãnh đạo Phòng CSGT, công an TP Đà Nẵng đã phải vào cuộc, cho biết sẽ đình chỉ công tác đối với thượng sĩ Minh, chờ kết luận cụ thể, với quan điểm “sai đến đâu xử lý đến đó, không bao che”.

“Rung chuông vàng” nhầm lẫn tai quái

Một hành động không chủ ý nhưng cũng đáng phê bình khi chương trình Rung chuông vàng của VTV3, Đài Truyền hình VN, công nhận kết quả thi của thí sinh Nguyễn Thị Hòa, và chỉ vài ngày sau đó, nhà đài lại có công văn bác bỏ. Do nhầm lẫn này của VTV, giải thưởng 18 triệu đồng treo cho người chiến thắng bị rút xuống thành 3 triệu. (Đất Việt, 13/5)

Chuyện có thể không lớn, nhưng nó “ấn tượng” ở chỗ đây là hành động của một kênh truyền hình quốc gia. Cách ứng xử như vậy cho thấy một phần thái độ cẩu thả, coi thường khán giả, coi thường người chơi của “nhà đài”, và điều đáng chán là đây lại cũng chẳng phải sai sót lần đầu của VTV3.

Riêng với thí sinh Nguyễn Thị Hòa, những gì VTV làm hẳn đã để lại cho cô một ấn tượng “khó quên”.

  • Đoan Trang (tổng hợp)
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/vn/nhanvattrongngay/6946/index.aspx
-->đọc tiếp...

Chủ tịch QH: Chính phủ phải có báo cáo riêng về bô-xít

BXTN:- Như vậy, gần như chắc chắn chủ trương khai thác bô-xít Tây Nguyên sẽ được đưa ra báo cáo tại Quốc hội. Lưu ý rằng đây chỉ là báo cáo để các đại biểu biết - như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Tôi hy vọng các đại biểu quốc hội sẽ không chỉ biết mà phải giành được quyền cho ý kiến về kế hoạch này, qua đó phản ánh và hiện thực hóa được ý nguyện của đại đa số người dân là dừng ngay lập tức dự án. Tôi mong các bậc trí thức, các nhà khoa học, tướng lĩnh - thông qua vai trò và quan hệ của mình để giúp các đại biểu quốc hội nhận thức rõ hơn lợi hại của vấn đề, từ đó đưa ra các quyết sách và hành động hợp với nguyện vọng của dân.


- Kết luận phiên họp UBTVQH chiều nay (14/5) bàn về việc chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ 5, khai mạc vào tuần tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chính phủ "chuẩn bị một báo cáo chuyên đề riêng về chủ trương khai thác bô-xít Tây Nguyên để cung cấp đầy đủ thông tin tới các đại biểu".

>> Đại dự án bô-xít Tây Nguyên và ý kiến nhiều chiều

Các ĐBQH đề nghị Chính phủ báo cáo riêng về bô-xít Tây Nguyên. Ảnh minh họa Trí Dũng

Trước đó, một số đoàn đại biểu QH và các cơ quan của QH cũng có đề xuất tương tự.

Như vậy, mặc dù Thủ tướng đã giao một số bộ, ngành chuẩn bị báo cáo chủ trương và quy hoạch khai thác bô-xít Tây Nguyên để đưa vào báo cáo chung về kinh tế - xã hội, nhưng Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu đều mong muốn Chính phủ chuẩn bị một chuyên đề riêng để trình Quốc hội.

Tiếp thu ý kiến này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay, sẽ báo cáo Thủ tướng để chuẩn bị một báo cáo riêng về bô-xít Tây Nguyên để gửi Quốc hội. "Những vấn đề mà đại biểu QH và người dân quan tâm, nhất là các vấn đề thời sự, Chính phủ sẽ tiếp thu và có báo cáo riêng", ông Phúc nói.

Báo cáo kết quả phân giới cắm mốc biên giới Việt - Trung

Khai mạc vào ngày 20/5 và dự kiến kéo dài 1 tháng, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII sẽ xem xét các báo cáo chung về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2009, về ngân sách nhà nước, việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội...

Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho biết, Chính phủ sẽ trình thêm một số báo cáo riêng về các vấn đề thời sự nổi cộm gần đây, để xin ý kiến Quốc hội. Chẳng hạn, về nguồn vốn kích cầu, việc miễn, giảm, giãn thuế thu nhập cá nhân, dự án đầu tư tại Venezuela của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (thực chất đã ký kết từ trước)...

Mặc dù rút gọn thời gian, nhưng kỳ họp sẽ vẫn cố gắng đảm bảo chất lượng, dành thời gian bàn bạc, xem xét và quyết định những chủ trương lớn. Do đó, ngoài báo cáo tổng hợp, theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, trong từng lĩnh vực, sẽ có những báo cáo cụ thể gửi riêng để đại biểu tham khảo, không cần đọc trước Hội trường.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn, kết quả công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc, theo dự kiến, sẽ được báo cáo công khai tại Hội trường. Ngoài ra, có thể gửi tài liệu (đóng dấu mật) tới đại biểu, để tạo điều kiện cho đại biểu nắm bắt tốt hơn vấn đề.

Dự kiến ngày 19/6, QH sẽ thông qua Nghị quyết về bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009; về miễn, giảm, giãn thuế thu nhập cá nhân.

VPQH sẽ trang bị cho đại biểu mỗi người 1 laptop loại hợp lý, có gắn tên đại biểu. Đồng thời, sẽ thí điểm gửi file điện tử một số tài liệu đến hòm thư đại biểu. Trong các ngày nghỉ của kỳ họp, sẽ tập huấn cho đại biểu cách dùng máy tính.

Cũng theo dự kiến của Văn phòng Quốc hội, các báo cáo về tình hình lao động thất nghiệp, mất việc làm trong 4 tháng đầu năm 2009 cũng như kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo nhiều năm qua sẽ được gửi cho đại biểu tự nghiên cứu.

BXTN:- Nên lưu ý thực trang công nhân Trung Quốc sang giành mất việc của người lao động Việt Nam, và được trả lương cao hơn nữa.

Ngoài ra, do tầm quan trọng của vấn đề, Quốc hội cũng sẽ dành hẳn 1 ngày để thảo luận về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2008 - 2012, thay vì chỉ dành nửa ngày như chương trình dự kiến.

Thông qua Luật Quy hoạch đô thị

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua 5 dự án luật: Luật Quản lý nợ công, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Bồi thường nhà nước, Luật Cơ yếu, Luật Lý lịch tư pháp.

Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ biểu quyết 8 dự án luật sửa đổi bổ sung khác như: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; Luật Di sản văn hóa... và thông qua Nghị quyết về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2008 - 2012.

5 dự án luật khác sẽ được xem xét, cho ý kiến lần đầu, như Luật Viễn thông, Luật Khám chữa bệnh...

Ngoài phiên khai mạc, các phiên thảo luận khác về kinh tế - xã hội và chất vấn (2 ngày rưỡi) sẽ được truyền hình trực tiếp.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, chậm nhất vào ngày 19/5, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (PVN) và các đơn vị có liên quan phải báo cáo giải trình trước QH các dự án đầu tư khai thác dầu khí tại Venezuela.

Trước đó, ngày 28/11/2008, tại thủ đô Caracas, Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đã ký bản ghi nhớ với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela để thành lập công ty liên doanh và hợp đồng khai thác dầu nặng tại lãnh thổ nước này. Dự án này có ý nghĩa quan trọng đối với PVN trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng hoạt động kinh doanh.

  • Lê Nhung


Nguồn: http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/2009/05/847645/
-->đọc tiếp...