Để làm đúng kết luận Bộ Chính trị về bô-xít Tây Nguyên

Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/6906/index.aspx


(TuanVietNam) - Đề xuất của nguyên ĐBQH, GS Nguyễn Ngọc Trân để triển khai đúng và tốt kết luận của Bộ Chính trị về khai thác bô xít Tây Nguyên.

Khoảng cách có thể có từ Kết luận đến triển khai tùy thuộc trước tiên vào trình độ và mức độ sẵn sàng tiếp nhận một cách đầy đủ và đúng đắn Kết luận của Bộ Chính trị.


Vấn đề khai thác bô-xít Tây Nguyên quá quan trọng về nhiều mặt, vì vậy dư luận xã hội hết sức quan tâm đến việc triển khai Kết luận của Bộ Chính trị [1] và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ [2] là dễ hiểu và rất đáng mừng vì thể hiện ý thức làm chủ của nhân dân. Nhất thiết chúng ta phải triển khai đúng và tốt kết luận. Nhằm mục đích đó, bài viết này nêu lên một số việc cần làm.

1. Hơn cả trình độ là mức độ sẵn sàng tiếp nhận

Khoảng cách có thể có từ Kết luận đến triển khai tùy thuộc trước tiên vào trình độ và mức độ sẵn sàng tiếp nhận một cách đầy đủ và đúng đắn Kết luận của Bộ Chính trị.

Hiệu quả tổng hợp, tác động đến môi trường tự nhiên, văn hóa xã hội, và an ninh quốc phòng là những vấn đề mang tính hệ thống và có liên quan chặt chẽ với nhau.

Trình độ hạn chế giới hạn việc tiếp thu, điều này đã hẵn. Nhưng mức độ sẵn sàng, một nhân tố chủ quan, nếu thấp sẽ là yếu tố hạn chế còn quan trọng hơn nhiều, nếu không nói là chính yếu [3]. Trong quá khứ, há chẳng phải vì nó thấp mà đã có không ít trường hợp ý kiến chỉ đạo đúng nhưng triển khai thì chập chờn, chiếu lệ, làm không đúng, thậm chí còn bị lái theo một hướng khác.

Thái độ không sẵn sàng có động cơ được che dấu rất tinh vi nhưng suy cho cùng, đó là vì tám chữ cần kiệm liêm chính, chí công vô tư mà Bác Hồ luôn nhắc nhở cán bộ đảng viên, nhất là những người có chức có quyền ở các cấp các ngành, đã bị lãng quên.

2. “Nói không” với những hội nghị được dàn cảnh. Tăng cường phản biện và giám sát

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các Bộ và nhà đầu tư Tổng Công ty Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV), chắc chắn sẽ có nhiều hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia, các hội nghị để thẩm định các báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo tác động môi trường ĐMC và ĐTM, các luận chứng kinh tế kỹ thuật, v.v. … Các cuộc họp này là cần thiết, nhưng với điều kiện chúng phải thực chất, phải có phản biện để đảm bảo tính khoa học và khách quan.

Tôi rất cảnh giác, vì đã chứng kiến không ít lần, với các hội nghị, hội thảo khoa học, nói là để lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, nhưng thực tế là những “hội nghị tung hô được dàn cảnh”, thậm chí còn được ban tổ chức gọi là “Diên Hồng”, cốt để ngụy trang những lỗ hổng khoa học, và chính thức hóa những kết luận đã được định trước. Với cách làm này, chúng ta sẽ được nghe rằng Kết luận của Bộ Chính trị và Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “đã được triển khai nghiêm túc” và mọi việc “đã được tính toán kỹ lưỡng”, “đã được các nhà khoa học nhất trí”, v.v. … nhưng về cơ bản là đi tiếp trên đường ray cũ!

Nhất thiết phải tăng cường phản biện và giám sát, như đã làm vừa qua, và phải thể chế hóa hai công tác này để sự việc không được diễn ra như vậy.

Khai thác bô-xít ở Tây Nguyên thật sự là một thách thức lớn đối với nề nếp quản lý nhà nước hiện nay của chúng ta.

3. Nâng cao nhận thức và chất lượng trong phối hợp liên ngành, ngành - địa phương









































Trong công văn chỉ đạo của Thủ tướng có rất nhiều cụm từ
phối hợp. Phối hợp đòi hỏi sự cộng tác trong việc thực hiện các nhiệm vụ có liên quan với nhau. Các nhiệm vụ lại phải tuân thủ thời gian hoàn thành theo một trình tự thời gian nhất định. Tuyệt nhiên phối hợp không phải là cách hành xử “nhắm mắt với nhau”, “nhắm mắt cho nhau” để “dĩ hòa vi quý”.

Khai thác bô-xít ở Tây Nguyên thật sự là một thách thức lớn đối với nề nếp quản lý nhà nước hiện nay của chúng ta. Mong rằng các thiết chế nhà nước, Chính phủ và Quốc hội nói riêng, sẽ biết biến thách thức này thành thời cơ, nâng cao tính chuyên nghiệp và năng lực phối hợp của mình.

Vấn đề nước đã được nêu lên rất nhiều tại hội thảo ngày 09.04.2009, vì đây là một trong những điểm rất quan trọng nhưng lại rất yếu, của Dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên. Khai thác không tính toán kỹ có thể ảnh hưởng đến cả sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thế nhưng Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônBộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ gì, phối hợp với nhau như thế nào trong vấn đề nước? Không có được một dòng nào! Tám tỉnh [4] cũng chỉ là các tỉnh có tài nguyên bô-xít và không được giao một nhiệm vụ nào về nguồn nước. Còn các tỉnh, thành phố khác nằm trong lưu vực sông Đồng Nai hoàn toàn không có trong danh sách.

Liệu vấn đề nước đã được nhận thức đúng mức chưa? Yêu cầu quản lý nước theo lưu vực sông, một ví dụ điển hình của sự phối hợp liên ngành, liên địa phương và ngành-địa phương, phải được thực hiện, không thể lần lữa nữa.

4. Chăm lo hơn nữa đến sự phát triển bền vững Tây Nguyên

Khoảnh khắc xúc động mạnh nhất đối với tôi trong ngày hội thảo ngày 09.04.2009, là lúc đồng chí lãnh đạo tỉnh Đắc Nông phát biểu và nói về tình cảnh nghèo khó của đồng bào và từ đó niềm vui khi nhận được một ngôi trường mới, và niềm hy vọng đặt vào dự án khai thác bô-xít Nhân Cơ.

Đúng là bà con còn quá nghèo và chúng ta còn nợ các dân tộc anh em Tây Nguyên quá nhiều, còn phải bù đắp nhiều hơn nữa các hy sinh lớn lao của đồng bào trong suốt hai cuộc kháng chiến. Nhưng cũng chính vì vậy mà tôi cho rằng sẽ là tội lỗi nếu ai đó, cho dù mới chỉ thoáng qua trong ý nghĩ, muốn bằng những món quà như thế, đánh đổi sự ủng hộ của đồng bào đối với một dự án chưa đủ cân nhắc, tính toán, có thể xáo trộn dữ dội cuộc sống của đồng bào và cả sự tồn tại về lâu dài của các dân tộc Tây Nguyên.

Từ 30 năm nay, chúng ta chưa tiếp tục Chương trình điều tra tổng hợp Tây Nguyên [5], một công trình rất có ý nghĩa nhưng mới chỉ là khúc dạo đầu cho một chương trình nghiên cứu phát triển Tây Nguyên toàn diện. Chúng ta đã thừa kế và phát triển một số cơ sở nghiên cứu và đào tạo. Chúng ta đã xây dựng mới một số khác. Liệt kê thì cũng không ít, nhưng điều kiện làm việc, kinh phí rất hạn chế, lãnh đạo chỉ đạo thì từ xa, nội dung phục vụ thiết thực kinh tế xã hội của vùng thì chưa nhiều [6].

Cái mà Tây Nguyên cần và là nền tảng, theo tôi, là một nguồn nhân lực được đào tạo và một chiến lược phát triển Tây Nguyên bền vững và nhất là một sự quan tâm gắn bó ruột thịt nhiều hơn nữa.

  • Gs. Tskh. Nguyễn Ngọc Trân

[1] Thông báo số 245- TB/TW của Bộ Chính trị ngày 24.04.2009.

[2] Triển khai Kết luận, ngày 29.4.2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có công văn số 650/TTg-KTN chỉ đạo cụ thể 9 Bộ, 8 địa phương và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

[3] Ngạn ngữ có câu “Không ai khiếm thính bằng những người không muốn nghe, Không ai khiếm thị bằng những người không muốn thấy”.

[4] Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Bình Thuận, Cao Bằng, Lạng Sơn

[5] Chương trình khoa học cấp nhà nước này do Giáo sư Nguyễn Văn Chiển làm chủ nhiệm, đã được triển khai trong các năm 1975-1980.

[6] Sau 1975, chúng ta đã kế thừa Trường Đại học Đà Lạt, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Viện Pasteur Đà Lạt, (nay trở thành Công ty Vắc-xin Pasteur Đà Lạt). Chúng ta đã xây dựng Trường Đại học Tây Nguyên, Viện Nghiên cứu Cà-phê và môt số cơ sở nghiên cứu khoa học là chi nhánh hay trực thuộc các Viện ở Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh, hay đặt trụ sở tại Nha Trang.


0 comments: