TT Nguyễn Tấn Dũng: Khai thác bôxit - Đánh giá lại hiệu quả và tác động môi trường
Posted On Saturday, May 2, 2009 at at 8:41 AM by Bô-xít Tây Nguyên
Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/www.tuoitre.com.vn/Khai-thac-boxit-Danh-gia-lai-hieu-qua-va-tac-dong-moi-truong/2689717.epi
Link gốc trên báo Tuổi Trẻ (đã bị xóa): http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=313964&ChannelID=3
TT - Tiếp sau kết luận của Bộ Chính trị về bôxit, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ra văn bản chỉ đạo cụ thể những việc cần làm đối với các dự án bôxit ở Tây nguyên. Trong khi đó, trả lời phóng viên Tuổi Trẻ, ông Bùi Quang Tiến - tổng giám đốc Công ty cổ phần alumina Nhân Cơ (thuộc Tập đoàn Than - khoáng sản VN) - khẳng định: Đối với dự án bôxit Nhân Cơ, nếu không có hiệu quả kinh tế - chúng tôi dứt khoát không làm.
Ngày 30-4, cổng thông tin điện tử Chính phủ đã phát văn bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về việc quy hoạch, phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng bôxit.
Hiện trường mặt bằng công trường xây dựng Nhà máy alumina Nhân Cơ ở huyện Đắk R’lấp, Đắc Nông (ảnh chụp ngày 8-4) - Ảnh: T.T.D. |
Ngày 1- 5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Văn Kiển - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) - cho biết tập đoàn này đã và đang thực hiện nghiêm kết luận trên của Bộ Chính trị. Cụ thể, tập đoàn đã hoàn thành khu tái định cư cho người dân, đảm bảo đủ điều kiện cho dân đến ở.
Về công nghệ, ông Kiển cho biết VN sẽ lựa chọn công nghệ khai thác Bayer châu Mỹ thay vì Bayer châu Âu vì công nghệ châu Mỹ thích hợp hơn với loại quặng của VN. Công nghệ được lựa chọn sẽ đảm bảo đã có cải tiến, đáp ứng các yêu cầu môi trường.
Ưu tiên lao động địa phương
Rà soát quy hoạch bôxit Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phải rà soát quy hoạch bôxit trên cơ sở cập nhật tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu và đề xuất điều chỉnh quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bôxit giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025. |
Trong khi đó, Bộ Công thương khẳng định đến thời điểm này VN chưa hề ký thỏa thuận với bất kỳ đối tác nước ngoài hoặc liên doanh nào để cùng khai thác bôxit, sản xuất alumina tại VN. Các dự án hiện tại đều do TKV làm chủ đầu tư, tự huy động 100% vốn. Công ty Chalieco (Trung Quốc) chỉ trúng thầu xây nhà máy alumina. Sau khi hoàn thành, phía VN sẽ tiếp nhận vận hành nhà máy trên.
Giám sát chặt chẽ về môi trường
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược trình Chính phủ phê duyệt, phối hợp với các bộ, ngành thẩm định thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ của dự án Tân Rai và Nhân Cơ bảo đảm an toàn lâu dài đối với môi trường. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp kiểm tra, tính toán, đánh giá lại hiệu quả dự án alumina Nhân Cơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị báo cáo hội nghị trung ương tới về tình hình thực hiện các dự án khai thác và chế biến bôxit.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên - môi trường thực hiện điều tra, xác định trữ lượng bôxit của cả nước và khu vực Tây nguyên. Riêng tại hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ, Bộ Tài nguyên - môi trường phải chủ trì thẩm định kế hoạch sử dụng, thu hồi và hoàn thổ của hai dự án này, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương. Bộ này cũng phải phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các giải pháp môi trường đối với hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ.
Công trường chuẩn bị xây dựng Nhà máy luyện alumina Nhân Cơ, ở huyện Đak R’Lấp, Đắc Nông - Ảnh: T.T.D. |
Tính toán lại hiệu quả kinh tế
Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch - đầu tư bổ sung việc thực hiện dự án khai thác bôxit, sản xuất alumina vào báo cáo kinh tế - xã hội trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5-2009. Với Bộ Công an, Thủ tướng yêu cầu giám sát chủ đầu tư (TKV) thực hiện đúng quy định về lao động người nước ngoài làm việc tại VN.
Với TKV, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai dự án Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông) bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả kinh tế - tài chính. Riêng dự án Nhân Cơ chỉ triển khai sau khi đánh giá hiệu quả kinh tế, báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Đồng thời TKV phải xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch khai thác mỏ, hoàn thổ, khôi phục môi trường theo trình tự cuốn chiếu, bảo đảm tác động tối thiểu đến hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương, trình Bộ Tài nguyên - môi trường thẩm định trước khi triển khai thực hiện.
Thủ tướng cũng yêu cầu TKV tính toán lại hiệu quả kinh tế - tài chính hai dự án khai thác bôxit trên cơ sở cập nhật lại các số liệu để Bộ Công thương thẩm định, báo cáo Thủ tướng; thực hiện tốt công tác di dân tái định cư; chú trọng đào tạo cán bộ cho dự án trên cơ sở sử dụng lao động tại chỗ là chính; chủ động hướng dẫn nhà thầu nước ngoài chấp hành quy định về lao động nước ngoài làm việc tại VN.
C.V.KÌNH
“Không có hiệu quả, dứt khoát không làm”
- Hiện nay công ty chúng tôi đã tận thu được hơn 1,3 triệu tấn quặng bôxit. Tùy theo khu vực, có những nơi quặng nằm lộ thiên, có những nơi quặng nằm dưới lớp đất dày 0,5-3m. Chúng tôi dùng xe máy bốc hết lớp đất trên mặt đi, sau khi khai thác hết quặng bên dưới sẽ trả lại lớp đất về chỗ cũ và đảm bảo đất sẽ tốt hơn khi chưa khai thác quặng. Trong quá trình khai thác quặng, chúng tôi không tạo ra độ dốc lớn để làm xói mòn lớp đất màu mỡ ảnh hưởng đến sản xuất của dân. Sau khi khai thác quặng, hoàn thổ, chúng tôi trả lại đất cho dân sản xuất. Công ty cổ phần alumina Nhân Cơ - TKV có chương trình phối hợp với chính quyền địa phương trong việc khuyến cáo và hỗ trợ người dân sử dụng đất hoàn thổ trồng cây gì cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Mỗi năm chúng tôi chỉ khai thác quặng trên diện tích 50-60ha theo phương thức cuốn chiếu, nghĩa là khai thác đến đâu tiến hành hoàn thổ và trả lại cho dân, hạn chế tối đa việc di dời dân, không làm ảnh hưởng đến sản xuất mà phải làm cho cây trồng của người dân tốt hơn; quặng được khai thác ở khu vực thưa dân cư, những đồi trọc không trồng được cây gì. * Hiện vẫn có nhiều ý kiến cho rằng hiệu quả kinh tế của việc khai thác alumina không cao, do chi phí bảo vệ môi trường quá lớn? - Chúng tôi khẳng định rằng nếu dự án này không hiệu quả về kinh tế thì dứt khoát không làm. Dự án khai thác quặng bôxit và sản xuất alumina Nhân Cơ đầu tư hơn 700 triệu USD phải hiệu quả về kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm, bảo đảm về an ninh chính trị và quốc phòng khu vực Tây nguyên. Các nước như Trung Quốc, Úc khai thác quặng bôxit và sản xuất alumina chi phí cao hơn VN nhiều mà người ta làm còn hiệu quả thì không có lý gì VN làm không được. Chúng tôi sẽ đầu tư hơn 20 triệu USD làm hệ thống xử lý triệt để nước thải, không bao giờ để xảy ra hiện tượng bùn đỏ vỡ đập tràn ra ngoài khi mùa mưa đến gây hại môi trường mà dư luận lo ngại. * TKV sẽ chuẩn bị như thế nào cho nguồn nước để phục vụ nhà máy? - Chúng tôi đang phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh Đắc Nông nâng cấp hai hồ thủy lợi hiện có tại địa phương có sức chứa khoảng 14 triệu m3 nước đủ phục vụ việc tuyển quặng, 50% nước thải sẽ được thu hồi để tái sử dụng. Chúng tôi đảm bảo chủ động về nguồn nước, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân và các công trình thủy điện. Nguồn nước thải được xử lý tốt nhất, việc hoạt động khai thác quặng và sản xuất alumina không làm cạn kiệt nguồn nước ngầm mà phải cung cấp thêm nguồn nước cho việc sản xuất nông nghiệp, bằng những hồ thủy lợi chứa và tận dụng nước mưa.
NGUYỄN PHAN - QUANG TÍNN thực hiện |
______________
Tin, bài liên quan:
>> Tây nguyên: các dự án bôxit chuyển động
>> Khai thác bôxit, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Không thể phát triển bằng mọi giá
>> Khai thác quặng bôxit ở Tây Nguyên: Nhiều nguy cơ, chưa có giải pháp
>> Tây nguyên sẽ “chết” vì... khai thác bôxit
>> Lao động phổ thông nước ngoài đổ vào Việt Nam
>> Bộ Chính trị kết luận vấn đề bôxit: Thực hiện nghiêm ngặt bảo vệ môi trường (*)
>> Vấn đề môi trường đã được quan tâm đúng mức