Về dự án khai thác bauxite Tây nguyên: Thời gian là quan tòa của trời, đất
Posted On Saturday, May 16, 2009 at at 7:10 AM by Bô-xít Tây Nguyên
Nhân dân và lịch sử rất công bằng
Vào giữa thập niên 1980 của thế kỷ trước (1984-1986), sinh thời, có lần Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng đến Nha Trang. Chúng tôi đã hân hạnh được gặp và hỏi ông: “Thưa thầy, hiện tình đất nước thế này, liệu người ta có ghi vào sử sách để lại cho đời sau biết không ạ!”. Sau giây lát trầm ngâm, GS. Trần Quốc Vượng bảo rằng: “Các cậu cứ yên tâm, nếu sử chính thống không ghi, thì vẫn còn có sử dân gian. Nhiều người viết sử dân gian, hàng ngày vẫn âm thầm ghi chép đấy!”. Thì ra là vậy. Thảo nào có bao nhiêu là chuyện thâm cung, bí sử của đời này, đời kia, triều đại này, triều đại khác vẫn được người đời truyền tụng. Tôi liền thể hiện cái ý đó của GS. Trần Quốc Vượng trong mấy vần thơ:
Con cháu sẽ hỏi ta về những tháng, năm này
Như ta từng hỏi cha, ông về những ngày thủa trước
Tại sao Chu Văn An phải dâng sớ chém bảy gian thần?
Tại sao ba tộc nhà Ức Trai mắc họa?
Sự thật?
Sự thật có khi không được ghi trong sử
Nhưng lại được nhân dân chuyên chở đến muôn đời
Con cháu sẽ hỏi ta về những tháng năm này
Như ta từng hỏi cha, ông về những ngày thủa trước… [1]
Vâng! Với sử dân gian thì không thể ém nhẹm, giấu giếm, đổ vấy trách nhiệm cho người khác được. Chỉ những kẻ mất trí, hoặc vô học, ngu xuẩn mới không biết sợ sự phán xét của hậu thế. Trong kho tàng văn hóa dân gian, để răn dạy con cháu biết sống làm người tử tế, không để lại tiếng xấu cho đời sau, cha ông ta không cần nhiều lời, không cần phải tràng giang đại hải bằng tuyển tập này, toàn tập nọ, chỉ vẻn vẹn mấy chữ thôi, mà hàm ý thật thâm hậu, sâu sắc như: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”, hoặc “Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”, v.v. Còn “bia miệng” trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay, thì quả là công hiệu và đắc dụng vô cùng. Mọi chuyện tốt, xấu ở bất cứ đâu, từ tổng thống đến dân đen nếu mù quáng làm bậy đều được ghi chép và lập tức siêu tốc ngay trên mạng thông tin quốc tế, bất chấp thời gian, bất chấp không gian, tồn lưu vĩnh cửu. Thì, hỡi ôi! Dù các bạo chúa như Tần Thủy Hoàng, như Hít-le, như … từng trùm sự sợ hãi lên cả một đất nước, cả một dân tộc, có tái thế, cũng đừng hòng bịt miệng nổi trăm họ và càng không thể lòe bịp, mị dân, đốt sách và chôn sống trí thức được nữa.
Xưa nay, ở mọi thời, người có văn hóa (xin được lưu ý, có học vị, bằng cấp cao chưa hẳn là văn hóa đã cao) dù bất kỳ làm nghề gì, ở cương vị nào, quan lại hay dân thường, đều lấy sự phán xét của các thế hệ mai sau làm điều phải sợ, mà tích đức, tu nhân. Dân thường thì mong được để tiếng thơm trong gia phả tộc họ. Bậc quân vương thì muốn được lưu danh ngời sáng trong sử sách, chứ không phải là thứ hôn quân, bạo chúa bị hậu thế đời đời nguyền rủa. Còn người cầm bút muốn không bị người đời và đồng nghiệp các thế hệ kế tiếp coi khinh, thì phải tránh xa thứ nhân cách bồi bút, nịnh hót, xun xoe, cơ hội, láu cá, tô hồng… Để trước khi về với cát bụi, không phải lội ngược dòng đi tìm cái “tôi” đã mất. Để khi sức đã tàn, lực đã kiệt, bút đã gỉ, mực đã khô rồi, nhìn lại đống tác phẩm suốt một đời cầm bút, không phải cay đắng nhận ra rằng, toàn những thứ vô bổ, không lấy được “bụm” nào, chỉ đáng vứt sọt rác…
Vâng! Quả là đáng sợ lắm cái sự “hùm chết để da …”, đáng sợ lắm cái sự “trăm năm bia đá thì mòn …”. Chuyện kể rằng, có nhà văn nọ, cũng thuộc hàng “đại thụ” của giới văn chương nước nhà, được tác giả Chân dung nhà văn “mó” tới. Khi lâm trọng bệnh, biết không qua khỏi, thấy Xuân Sách đến thăm, ông rất mừng. Sau một hồi đắn đo, ông mới nói “Cậu viết như vậy cũng được thôi, nhưng “tha” cho mình mấy chữ được không?”. Trong hoàn cảnh ấy, tác giả Chân dung nhà văn rất bối rối, đến bên ông: “Thưa anh, muộn mất rồi, sách đã phát hành hết, làm sao mà sửa được…”. Thế đấy, chỉ mấy chữ liên quan đến đời người, đời văn thôi, mà trước lúc về với tổ tiên, nhà văn đáng kính nọ còn áy náy, day dứt, biết sợ. Huống chi là những văn bản vài ba trăm chữ liên quan, thậm chí làm mất cả một phần chủ quyền lãnh thổ, hoặc dày hàng vạn chữ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quốc kế dân sinh, đến vấn đề sinh tử của đất nước và còn hệ lụy đến cả muôn đời con cháu mai sau?
Chuyện cũng kể rằng, có một dòng họ, suốt mấy trăm năm, đời này truyền đời khác kiên trì kêu oan, quyết rửa bằng được một vết nhơ mang tội giết vua cho bậc tiền nhân của họ, là một đại công thần dưới triều đình xưa.
Vâng! Nếu thời gian là quan tòa rất vô tư của trời đất, phán quyết việc đúng sai, thì NHÂN DÂN và LỊCH SỬ bao giờ cũng công bằng với tất cả. Một Trần Thủ Độ có công sáng lập triều Trần, thay thế triều Lý đã đến thời mục ruỗng, thối nát, nhưng cái cách ông đối xử với con, cháu triều đại cũ thì không được nhân dân chấp nhận. Và, dù có công to, ông vẫn không được nhân dân lập đền thờ cũng là điều dễ hiểu. Nhưng với một khai quốc đại công thần Ức Trai uyên bác, chứa chan lòng yêu nước thương dân, dù oan khuất dậy trời xanh, thì vẫn được nhân dân đời đời thờ phụng.
Trở lại với các dự án khai thác bauxite ở Tây nguyên hiện nay và dòng sử dân gian, như ý của cố GS. Trần Quốc Vượng. Phải khẳng định ngay rằng, việc đúng sai đã quá rõ rồi. Mọi việc còn lại là của người chép sử và quyết định cuối cùng là của nhân dân với người đại diện cho mình là Quốc hội. Xin có vài lời bày tỏ:
Sử dân gian sẽ chép rằng: Vì đại sự Quốc gia, cái ý tưởng khai thác bauxite ở Tây nguyên đã phải “chết” từ gần 30 năm trước. Sau cũng ngần ấy năm, vùng cao nguyên hùng vĩ, với không gian văn hóa cồng chiêng rất đáng tự hào này, đã đưa nước ta trở thành một trong những “cường quốc” xuất khẩu cà phê của thế giới. Nhưng cái từ bauxite này lại bắt đầu “sống” lại vào ngày 3/12/2001 với chữ ký của ông Tổng Bí thư Đảng CSVN Nông Đức Mạnh, trong bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc, nhân chuyến ông Nông Đức Mạnh thăm Bắc Kinh. Tiếp đến là sự nhất trí cao, quyết tâm lớn của Bộ Chính trị, của lãnh đạo Đảng và nhà nước. Cụ thể là phát biểu của các ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày, tháng, năm tại …; ông Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ngày, tháng, năm, tại …; ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trả lời cử tri thủ đô ngày, tháng, năm, tại …; của ông Bộ trưởng Bộ Công thương, của ông … của ông … và của ông … vân vân.
Sử dân gian cũng ghi rõ: Báo chí trong nước với lực lượng hùng hậu ngót một ngàn tờ báo và tạp chí các kiểu, cùng đội ngũ người cầm bút đông vào hàng nhất nhì thế giới, thì hầu như im thin thít, ngoài một vài bài lẻ tẻ trên báo điện tử được cấp phép và trên vài trang Blog cá nhân. Còn các tờ báo mạng khác của Việt kiều ở nước ngoài thì phản ứng quyết liệt, với nhiều bài phân tích có tính khoa học cao, đầy trách nhiệm của các học giả trong và ngoài nước.
Sử dân gian cũng ghi những trang rất đậm dành cho trí thức Việt Nam, bộ phận ưu tú nhất của cộng đồng, rằng: Tuy có một bài báo mạng với cái tít rất khó chịu“Trí thức Việt Nam, đứa con hoang mất nết của dân tộc”, nhưng một số nhà khoa học hàng đầu trong nước, chỉ một thời gian ngắn đã kịp thời tập hợp được lực lượng đông đảo những nhà khoa học tên tuổi, đầy uy tín, thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, những nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn, nhà giáo … giàu tâm huyết và trách nhiệm với dân, với nước cùng ký tên trong bản kiến nghị chung gửi giới lãnh đạo cao nhất, đề nghị dừng ngay các dự án khai thác bauxite, để trừ mối đại họa lâu dài cho đất nước, vân vân và vân vân.
Còn với Quốc hội, thì sử dân gian sẽ chép rằng: Theo Hiến pháp thì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất trong hệ thống công quyền, là đại diện cho quyền lực của Nhân dân. Dù là Quốc hội nào, độc đảng hay đa đảng, đều phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc lên trên hết và phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước Nhân dân về những phán quyết của mình. Nếu thực sự là đại diện tối cao của nhân dân, Quốc hội khóa 12 phải có những phán quyết ở tầm trí tuệ cao về các dự án khai thác bauxite này. Mặc dù ông Nguyễn Phú Trọng trả lời với cử tri thủ đô như vậy, nhưng đó chỉ là ý kiến cá nhân. Ông ta cũng chỉ được bỏ một lá phiếu. Tuy nhiên … và … nhưng … (phần này sử dân gian còn để giấy trắng, vì phải chờ diễn biến thực tế về vấn đề bauxite tại các kỳ họp sắp tới của Quốc hội). Khi ấy, vị dân biểu nào nói gì, nói ra sao, có tâm huyết, trách nhiệm với lịch sử, với đất nước, với nhân dân đến mức nào, sẽ được sử dân gian ghi chép rất chi tiết, đầy đủ, thậm chí chụp cả ảnh, ghi thành phim … để lưu truyền cho hậu thế.
Cuối cùng, người viết bài này chỉ xin được nhấn mạnh một điều mà chắc chắn quý vị đang nắm trọng trách của đất nước hiện thời, như các ông: Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, cùng quý vị khác trong Bộ Chính trị… đều phải thừa nhận rằng: THỜI GIAN LÀ QUAN TÒA CỦA TRỜI, ĐẤT. NHÂN DÂN và LỊCH SỬ RẤT CÔNG BẰNG.
Nguyễn Chính
HD Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
[1] Bài thơ này đã đăng trên tạp chí Văn nghệ Nha Trang năm 1987, vào lúc mà người ta hay nói đến việc văn nghệ được “cởi trói”.
Nguồn: http://www.bauxitevietnam.info/bandoc/090515_thoigianlaquantoa.htm