TKV sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo về bô-xít

BXTN: - Vẫn là chiêu bài "lái" sang khía cạnh môi trường để lảng tránh nguy cơ vô cùng to lớn và không có giải pháp giải quyết về an ninh quốc phòng, về tổn hại kinh tế có thể thấy trước, về sự tan vỡ của một nền văn hóa bản địa. Không cần cố tình tỏ ra quan tâm đến ý kiến của công chúng nữa, hãy trả lời các kiến nghị của các tướng lĩnh, các nhà khoa học, nhà văn hóa và hàng ngàn người khác đã nêu ra và được tổng hợp tại http://www.bauxitevietnam.info/index.html.


Lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay sẽ tiếp tục mở nhiều cuộc hội thảo khoa học để tiếp thu những ý kiến hay, nhằm bảo đảm tổ hợp bô-xít nhôm Lâm Đồng hoạt động “thân thiện với môi trường”.

>> Đại dự án bô-xít Tây Nguyên và ý kiến nhiều chiều

Làm việc với đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên - Môi trường cuối tuần qua, lãnh đạo TKV đưa ra lời giải cho bài toán xử lý bùn đỏ vốn đang gây quan ngại cho dư luận, và quả quyết việc xử lý này sẽ không làm ảnh hưởng tới môi trường.

Khu vực sẽ làm hồ chứa bùn đỏ thuộc Nhà máy bô-xít Tân Rai, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng. Ảnh: Tuổi Trẻ

Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh: “Vấn đề bùn đỏ của tổ hợp bô-xít nhôm Lâm Đồng không chỉ là chuyện riêng ở đây, mà đó là chuyện chung của ngành công nghiệp nhôm Việt Nam, là dự án có ý nghĩa tiền đề quyết định “có hay không có” những dự án khác sau này, là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân và sự phát triển “ xanh - không ô nhiễm” của Tây Nguyên".

Do đó, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên yêu cầu việc xử lý bùn đỏ phải dựa trên “tầm nhìn xa một cách đồng bộ”.

Theo TKV, trên cơ sở báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt, TKV sẽ cập nhật, bổ sung những, giải pháp, công nghệ mới để câu chuyện “bùn đỏ không còn là nỗi lo của xã hội”.

Chủ tịch HĐQT TKV Đoàn Văn Kiển cho biết, Tập đoàn đã tính toán cụ thể khối lượng bùn đỏ thải, khu vực thải và việc xử lý chất thải này theo nhiều phương án khả thi nhất.

Theo đó, Tổ hợp bô-xít - nhôm ở Lâm Đồng đã quy hoạch hồ chứa bùn đỏ với tổng diện tích lên đến 318 ha. Hồ này nằm trong một thung lũng nên không ảnh hưởng đến việc làm trôi chảy bùn đỏ đến nơi khác, không ảnh hưởng đến mạch nước ngầm trong khu vực...

Mặc dù đã xây dựng những giải pháp cho vấn đề bùn đỏ, song với tinh thần cầu thị, mong muốn việc xử lý bùn đỏ đạt hiệu quả cao nhất, TKV sẽ tiếp tục mở nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhiều diễn đàn công nghệ... để lắng nghe, tiếp thu những ý kiến hay, những giải pháp tốt để điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm tổ hợp bô-xít nhôm Lâm Đồng hoạt động “thân thiện với môi trường” như chỉ đạo của Chính phủ", ông Đoàn Văn Kiển khẳng định.

Giải pháp cơ bản đã có. Vấn đề quan trọng còn lại đó là lý thuyết phải được chứng minh bằng thực tiễn, nói phải đi đôi với làm bằng những hiệu quả thiết thực. Có thế thì bài toán bùn đỏ trong công nghiệp chế biến alumin của các tổ hợp bô-xit nhôm mới được giải hoàn chỉnh ”, một lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường nói.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng yêu cầu, song song với các giải pháp kỹ thuật cho hồ chứa bùn đỏ, chủ đầu tư và tỉnh ngay từ bây giờ phải có kế hoạch di dời các khu dân cư xa khu vực hồ chứa bùn đỏ (theo hướng mở rộng hồ chứa trong vòng 20 - 30 năm tới) chứ không nên mở tới đâu mới di dời dân tới đó.

Các khu dân cư không được nằm vùng hạ lưu hồ chứa hoặc sử dụng mạch nước ngầm thấp hơn hồ chứa bùn đỏ.

Theo TTXVN

Nguồn: http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/2009/05/846820/

0 comments: