Tây Nguyên oằn mình vì bô-xít

Link gốc: http://www.vnn.vn/xahoi/2008/12/819052/

Tây Nguyên oằn mình vì bô-xít

- Trong khi các nhà khoa học đang phản biện, cảnh báo những được mất về dự án khai thác bô - xít ở Tây Nguyên, thì nơi này đang phải oằn mình gánh chịu những tác động ban đầu, dù chưa có “mẻ” bô - xít nào được móc lên.

Tương tự dự án khai thác bô - xít, luyện alumin ở Nhân Cơ, huyện Đăk R’Lấp, Đắc Nông, dự án “đào bới” bô - xít luyện alumin Tân Rai, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng chỉ mới dừng lại ở việc san lấp mặt bằng, chuẩn bị dựng nhà máy tuyển quặng.

Những rừng thông và đồi chè trước đây đang bị san bằng để xây dựng nhà máy tuyển quặng bô - xít.
Ảnh: P.C

Dù chưa thấy hết những hậu quả từ việc khai thác bô xít, song những gì Tây Nguyên đang trải qua cũng đã báo hiệu những tác hại khôn lường như đã được cảnh báo nếu dự án đi vào hoạt động.

Biến hồ chứa nước thành hồ chứa… bùn đỏ

TIN LIÊN QUAN
Qua đoạn đường đồi ngoằn ngoèo hơn 30km, từ thị xã Bảo Lộc, chúng tôi đến thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng. Biển báo trụ sở của Công ty bô - xít Lâm Đồng nằm khiêm tốn như biển hiệu quán cơm ven tỉnh lộ 725.

Cách biển báo của Công ty bô - xít Lâm Đồng chừng 1km, tỉnh lộ 725 đã bị cắt đứt, và phủ kín bởi đống đất đỏ. Người ta đã san bằng rừng thông, và những đồi chè, cà phê để lấy mặt bằng dựng nhà máy tuyển quặng tại đây. Còn tỉnh lộ 725 được uốn chuyển cách vị trí cũ chừng 1km, đi ngang qua mạng sườn của nhà máy tuyển quặng trong tương lai.

Thị trấn Lộc Thắng, nơi đặt nhà máy tuyển quặng, trông đìu hiu, xơ xác bởi những đồi chè và những ngôi nhà đã bị bỏ hoang, từ khi nông dân nhận được tiền đền bù. Chỉ còn lác đác vài căn liêu xiêu có tiếng trẻ con giữa đồi chè trông rệu rã bởi thiếu bàn tay chăm sóc. Họ là những hộ còn “kẹt” lại vì chuyện tiền nong đền bù chưa thỏa đáng.

“Không biết lợi lộc gì, chứ giờ thấy khổ quá chú ơi! Ngày nào cũng đứng nhìn mấy đồi chè mà đau đứt ruột. Chăm tụi nó (chè) thì thấy phí công, vì họ sẽ đẩy xe ủi vô, san bằng hết, mà bỏ không đó thì thấy đau, nhưng chẳng biết làm sao nữa!”, ông Vũ Văn Bảy than thở.

Ông Vũ Văn Bảy chỉ về phần còn lại của đồi chè và ngôi nhà đã bị san bằng để làm nhà máy tuyển quặng.
Ảnh: P.C

Ông Bảy là một trong những hộ đang cố bám đất, đòi công bằng cho mình. Ông kể, từ năm 2006, chính quyền địa phương đã thông báo và tiến hành đo đạc để đền bù, giải tỏa, nhường mặt bằng để người ta khai thác quặng bô - xít.

“Nghe chủ trương của Nhà nước thì dân như tôi chấp hành thôi, chứ chẳng biết cái dự án kia lợi hại thế nào?! Nhưng giờ thì thấy khổ rồi! Không chỉ vì chuyện tiền nong đền bù, mà chúng tôi đang lo lấy đất đâu để trồng cây, mà không có đất thì nông dân như chúng tôi làm sao sống?”, ông Bảy nói thêm.

Chẳng phải là chuyện thiếu đất để trồng cây, mà nông dân cần những khu canh tác gần nguồn nước, để tiện cho tưới tiêu. Đất thì không thiếu, nhưng đất để trồng trọt được thì chẳng phải dễ có giữa đại ngàn luôn thiếu nước như vùng Tây Nguyên.

Ông Bảy chỉ xuống thung lũng, nơi có hồ chứa nước rộng cả trăm hecta, dưới chân đồi, rồi cho biết, đó là một trong những nguồn nước quan trọng để nông dân ở đây tưới tiêu cho mấy đồi chè, cà phê. Nguồn nước này khá dồi dào, vì được cung cấp bởi các suối, mương rạch từ phía thượng nguồn chảy về, và cả nước mưa.

Một phần của hồ chứa nước tưới tiêu cho các đồi chè, cà phê, nơi này sẽ bị biến thành hồ chứa bùn đỏ. Ảnh:
P.C

Nhưng theo quy hoạch của dự án khai thác bô - xít ở Lâm Đồng, cái hồ nước rộng cả trăm hecta kia sẽ là nơi chứa bùn đỏ, chất thải từ khâu tuyển quặng bô - xít để luyện alumin.

Ông Lê Việt Quang, Giám đốc Công ty bô - xít Lâm Đồng (thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam) cho biết, công ty này vừa hợp đồng với đối tác Trung Quốc về việc xử lý bùn đỏ. Ông Quang xác nhận việc hồ nước này sẽ bị “xóa sổ”, và các chuyên gia của Trung Quốc sẽ tiến hành nạo vét lòng hồ, lót chống thấm và biến hồ nước này thành hồ chứa bùn đỏ.

Nông dân lao đao vì bô - xít

Từ khi dự án triển khai tại Bảo Lâm, Lâm Đồng, cuộc sống người dân ở đây đã có sự xáo trộn. Chưa thấy được cảnh khá giả, nhưng những thân phận lao đao vì dự án bô - xít thì đã rõ. Nông dân bị đẩy xa những hồ nước, đồi chè, họ được đưa về tái định cư nơi tử tế hơn, nhưng lại lo ngay ngáy vì chẳng biết cách nào kiếm sống, khi những đồng tiền đền bù vơi đi và họ chưa tiếp nhận được phương thức kinh doanh chốn thành thị.

Anh Nguyễn Văn Chuyền lo âu về số phận và cuộc sống tương lai của gia đình mình.
Ảnh: P.C

Anh Nguyễn Văn Chuyền là một trong những hoàn cảnh éo le đó. Từ một chủ đất, giờ anh phải đi ở thuê và làm mướn cho người khác kiếm sống qua ngày.

“Tôi có 2,3ha đất trồng chè và cà phê, mỗi năm thu được khoảng 15 triệu. Khi dự án đến, họ hỗ trợ và đền bù cho chúng tôi được 154 triệu, và tôi phải mua lại nền nhà tái định cư ngoài thị trấn Lộc Thắng. Dù đã đăng ký nhưng đến nay vẫn chưa nhận được nhà, nhưng có về đó ở thì cũng chưa biết phải làm gì ăn”, anh Chuyền tâm sự.

Như gia đình ông Bảy, anh Chuyền đang phải lo đến nẫu ruột chuyện kiếm kế sinh nhai. Đất mình đã bị thu hồi để làm nhà máy tuyển quặng, nhà mới chưa có, giờ vợ chồng và đứa con anh dắt nhau đi ở trọ, còn anh chạy một chân làm thuê cho người khác để kiếm sống.

“Cầm chừng ấy tiền chứ chẳng dễ để mua được miếng đất canh tác đâu anh! Chỗ nào gần nguồn nước tưới tiêu thì cũng chỉ mua được 2 sào, nhưng ai chịu bán lẻ cho mình thế. Còn muốn rộng hơn thì phải vào sâu hơn, nhưng chẳng có nước để tưới tiêu thì cũng coi như tiêu luôn!”, anh Chuyền tính toán.

Với những nông dân quanh năm chỉ biết bám nương, bám rẫy, thì cuộc sống của họ phụ thuộc vào nguồn nước, đất. Khi mà hai điều kiện thiết yếu bị mất đi, cuộc sống họ lao đao là điều tất nhiên.

Trong khi đó, dự án tuyển quặng bô - xít để sản xuất alumin lại cần một nguồn nước dồi dào, nhưng lại chẳng phải dễ dàng với nơi đây, thì khi dự án triển khai, những đồi chè, cà phê chắc chắn phải lao đao theo vì cơn khát.

Ông Lê Việt Quang , Giám đốc Công ty bô - xít Lâm Đồng.
Ảnh: P.C

Để giải quyết bài toán này, ông Lê Việt Quang cho biết, trong dự án khai thác mỏ quặng Tân Rai có đầu tư xây dựng một đập nước ở Cai Bản, có sức chứa 21 triệu m3. Trong đó, 18 triệu m3 dùng cho việc tuyển quặng, khối lượng còn lại sẽ cung cấp cho nông dân dùng tưới tiêu. Dự án xây dựng đập này sẽ hoàn thành vào mùa khô 2009.

Mặc dù được “vẽ” một bức tranh sáng màu về nguồn nước cho nông dân trong vùng, nhưng đến nay, đập Cai Bản vẫn chỉ là bản vẽ. Và cho dù có xây được đập đi chăng nữa, thì việc cam kết chia nước trên có thực hiện đều đặn, hay còn phụ thuộc vào công suất của nhà máy, thì điều này không nằm trong tầm kiểm soát của nông dân.

Đó là chưa kể, để dẫn được nước từ đập Cai Bản đến các khu vực trồng trọt của nông dân chẳng hề đơn giản như cắm ống hút vào ly nước. Rồi đây, nông dân đã khó lại càng khó, nay phải đối mặt thêm với thảm cảnh về môi trường mà chưa thể lường hết được hậu quả của nó sẽ kinh khủng như thế nào?!

  • Phan Công
-->đọc tiếp...

Lãnh đạo Đắk Nông: "Không làm thì bô - xít vẫn là đất thôi"!

Link gốc: http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5486/index.aspx

Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cho rằng, nguy cơ môi trường trong các dự án bô - xít có hiện hữu nhưng không lớn. Đổi lại, bô - xít sẽ đem đến tăng trưởng kinh tế và việc làm cho người dân địa phương.

Khai thác bô - xít ở Australia. Ảnh: staff.it.uts.edu.au


Ông Điểu Kré, người dân tộc M" Nông là Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, Bí thư đảng bộ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.


- Quan điểm hiện nay của tỉnh như thế nào đối với khai thác bô - xít?

Ông Điểu Kré: Với Đắk Nông, khu CN chưa có, chưa tiếp cận khu CN, và môi trường lao động nhiều nên chưa tiếp cận được thực tế đã xảy ra.


Ông Điểu Kré: Đắk Nông có trữ lượng bô - xít lớn, tỉnh tha thiết đề nghị sớm triển khai khai thác, thi công nhà máy luyện alumin nhôm. Hiện nay Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam mới tiến hành khai khoáng, chưa có nhà máy luyện alumin nhôm. Đương nhiên, triển khai cũng có cái khó: Lượng điện chưa đủ để cung cấp nếu làm ngay nhà máy; nguồn nước để rửa quặng chưa đủ, và cơ sở giao thông rất hạn chế.

Đầu 2005 chủ trương của Chính phủ là cho khai thác trên 200 nghìn tấn/năm, đến 2006 nâng lên 300 nghìn tấn/năm và mới đây nhất, với Quyết định mới nâng sản lượng khai thác lên 600 nghìn tấn trên năm.

Quá trình làm tất nhiên vướng cái này cái khác nhưng chúng tôi đã huy động nhân dân trong vùng dự án, được dân rất ủng hộ.

Chúng tôi mong mỗi bộ ngành, các nhà khoa học sớm nói rõ về vần đề này không để sau này địa phương lừng chừng, có đầu tư hay không, hay là đầu tư như thế nào. Thông tin hiện nay tạo cản trở lớn với địa phương. Bà con đọc báo thấy bức xúc. Chính chúng tôi là những người vận động, làm việc với bà con để họ nhận thức, biết về phát triển chung đất nước, của Đắk Nông. Khi bà con nhận thức rồi, chúng ta đưa thông tin như thế chắc chắn sẽ gây khó nhiều. Do đó, trung ương phải sớm có quyết định.

- Như ông vừa nói, cái khó lớn nhất là lượng điện nước cung cấp cho nhà máy rất lớn. Trong khi đó, điện nước cung cấp cho cafe, cao su còn chưa đủ. Địa phương có phương án gì?

2-3 năm nữa sẽ đủ cấp điện. Riêng trong Đắk Nông, thủy điện lớn và vừa đã có 9 cái, chưa tính đến các công trình thủy điện do các DN tư nhân đầu tư, đủ điều kiện để cung cấp điện.

Cùng với sông suối cho thủy điện, lượng nước hi vọng có thể đủ.

"Mình không làm thì bô - xít vẫn là đất thôi"

- Quy hoạch khai thác chiếm tới 2/3 diện tích tỉnh Đắk Nông liệu có trở thành một cuộc đại khai phá Tây Nguyên?

Nói như vậy không phải. Người ngoài này đi chưa biết thực địa địa điểm bô - xít, nếu đã đến địa điểm sẽ thấy khai thác bô - xít chỉ một vùng nào đó thôi.

Nếu khai thác cả Đắk Nông thì đúng là Đắk Nông sẽ chết. Chắc chắn tỉnh không chấp nhận cách làm tràn lan như vậy. Tỉnh chủ trương khoanh vùng nhỏ ở nơi tập trung bô - xít. Thị xã Gia Nghĩa nhiều bô - xít nhưng một số huyện đâu có bô - xít, hoặc nếu có thì rất ít. Nói khai thác bô - xít hết cả Đắk Nông thì không phải, 1/2 cũng không phải, chỉ một phần thôi.

Khi các nhà khoa học tổ chức hội thảo, chúng tôi ủng hộ, nhưng nói như thế nào cho phù hợp, lượng thông tin như thế nào hai chiều thuận - nghịch thì chấp nhận được. Còn chỉ phản đối không, một chiều thì chúng tôi không đồng ý. Đánh giá phải trên cơ sở thực tiễn. Đánh giá như vậy là chủ quan.

- Nhưng thưa ông, diện tích đất chứa bô - xít, như lời ông nói là không lớn, song để khai thác còn phải dành đất xây khu nhà máy. Đặc biệt, khu chứa bùn đỏ...sẽ chiếm diện tích lớn. Theo như quy hoạch, sẽ chiếm 2/3 diện tích Đắk Nông?

Nếu lượng bô - xít ở Đắk Nông chiếm 2/3 diện tích là cũng đúng thôi. Tuy nhiên, chúng ta chỉ khai thác ở khu vực các rừng nghèo. Đất bô - xít như đồi trọc, trồng cái gì cũng không lên được, phía trên như đá lộ thiên nổi cục.

Đối với trung tâm tỉnh lị, trung tâm các huyện, khu dân cư đông đúc, khu di tích văn hóa - lịch sử, an ninh - quốc phòng, nói chung khu dân đang ở ổn định, dù có nhiều bô - xít đến mấy cũng không khai thác.

Quan điểm của địa phương là ưu tiên Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam khai thác. Nhiều DN đã ký hợp đồng nhưng lí do này khác không đủ thông tin, không đảm bảo yêu cầu về môi trường thì Bộ TN- MT, Chính phủ, trung ương và địa phương vẫn không chấp nhận.

Có những đối tác nước ngoài đủ điều kiện như Nga, chúng tôi rất tin tưởng. Chủ tịch Quốc hội nói Nga làm bô - xít rất tốt. Quan điểm của tỉnh là rất ủng hộ mời các nước đó tham gia. Còn những nước làm không đảm bảo môi trường, thì kiên quyết từ chối.

Tây Nguyên sẽ ra sao với những đại dự án bô - xít? Ảnh: Vnweblogs

- Việt Nam muốn mời phía Nga tham gia nhưng chính Liên Xô cũ đã từng khuyên VN không nên khai thác bô - xít Tây Nguyên. Ông nghĩ sao về điều này?

Vấn đề này, Bộ trưởng TN-MT đã trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Trước đây ta nhìn nhận tài nguyên bô - xít không như hiện nay, ít quan tâm từ khai thác đến nhập khẩu. Gần đây do bô - xít có giá trị cao nên các nước, nhất là DN trong nước mới quan tâm như thế. Tôi nghĩ nôm na vậy.

Mình không làm thì bô - xít vẫn là đất thôi. Quan điểm của tỉnh là khai thác hợp lý, có quy hoạch, lớp lang, quy định rõ ràng, không khai thác ào ào rồi sau này...

Bước làm đã có Bộ TN-MT tính hết!

- Các nhà khoa học đã có nhiều thư gửi lãnh đạo Đảng và Chính phủ, đề nghị tạm dừng triển khai các dự án khai thác bô - xít để có một đánh giá đầy đủ, đưa ra giải pháp thực tiễn. Ngay với các dự án kinh tế không gặp bất kỳ vấn đề lớn nào về môi trường mà Việt Nam đã gặp phải quá nhiều bất cập, thì với bô - xít, trong khi các nước phát triển cũng chưa tìm được giải pháp xử lý hữu hiệu, địa phương có nên cân nhắc?

Vấn đề tác hại môi trường là có nhưng không ở mức độ như báo chí nêu lên là một vùng Tây Nguyên "sẽ chết". Bước làm thì Bộ Tây Nguyên-MT đã tính hết. Nếu trồng cà phê 1-2 năm, chăm sóc tốt có trái, nhưng sau 3-4 năm, cà phê tự rụng lá, hoặc trái rất kém, vì trồng trên đất bô - xít. Việc khai thác bô - xít không ảnh hưởng gì đến nước tưới tiêu, sinh hoạt cho bà con trong khu vực.

Cùng với tỉnh, Bộ KHCN và Bộ TN-MT đã xác định chỗ nào khai thác trước, chỗ nào để lại sau này vì liên quan đến văn hóa, bản sắc dân tộc, liên quan đến đời sống sinh hoạt của bà con bản địa, nhất là vùng dân cư đông đúc, cố gắng không ảnh hưởng đến bà con.

Chúng tôi đã chọn địa điểm khai thác vừa có lợi cho tỉnh, vừa có lợi cho đất nước.

Chúng tôi chấp nhận sự đánh giá khoa học nhưng làm thế nào để nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc hiểu đúng. Vận động bà con đi tái định cư đã khó, viết bài như vậy, lại gây những phức tạp ở Tây Nguyên.

Liệu Tây Nguyên có thành một vùng đỏ như khu vực khai thác bô - xít ở Australia (dù nước này có công nghệ phát triển hơn VN nhiều lần). Ảnh: britannica.com

Có 1 khu CN, một DN vào, tỉnh sẽ có tăng trưởng

- Vậy những lợi ích gì về mặt kinh tế đã được đưa ra xem xét khi cân nhắc cho phép khai thác bô - xít?

Chỉ có nhà kinh tế mới tính toán được vấn đề đó. Với lãnh đạo bình thường có trách nhiệm chỉ biết nó giúp cho địa phương trước hết phát triển kinh tế, tăng thu nhập và tăng trưởng. Đó là cái trước mắt. Có 1 khu CN, một DN về đó thì chắc chắn tỉnh sẽ có nguồn thu, tăng trưởng kinh tế là chắc chắn rồi.

Đắk Nông, từ khi tách tỉnh năm 2004, 6 huyện phía Nam rất khổ, đời sống khó khăn hơn. Đầu tư vào Đắk Nông sẽ giải quyết được đói nghèo cho nhân dân ở đó.

Hai là, với công nghiệp bô - xít, giải quyết việc làm cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc tại chỗ ổn định, tiến bộ hơn. Vừa rồi, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam đã mở trường dạy nghề, chọn một số em sang học ở Trung Quốc, để khi nhà máy hoàn thành sẽ đưa các em về phục vụ cho phát triển khu công nghiệp này. Đó cũng là một hướng để giải quyết cái khó khăn, đói nghèo ở vùng đó.

Đó là những cái lợi. Còn về tác hại, bây giờ chưa xây dựng, chưa triển khai thì không thấy tác hại gì. Trong tương lai, chúng ta sẽ rút kinh nghiệm các khu CN như Vedan.

- Có chính sách cụ thể nào để bà con tại chỗ có việc làm ở khu công nghiệp, bởi theo tổng kết, chưa từng có trường hợp bà con người dân tộc nào làm và trụ lại ở khu công nghiệp, người địa phương chỉ làm dịch vụ nhỏ..?

Xin nói thật, với Đắk Nông, khu CN chưa có, chưa tiếp cận khu CN, và môi trường lao động nhiều nên chưa tiếp cận được thực tế đã xảy ra. Nhưng trong làm việc với Tập đoàn than khoáng sản Việt Na, hướng chỉ đạo của tỉnh là giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc tại chỗ gắn với đời sống xã hội, cả nhân lực, đào tạo con người. Nếu không làm tốt thì sau này có muốn vận động bà con để thực hiện chương trình này khác cũng rất khó.

Đắk Nông chưa có khu CN, chưa có DN để thu hút lao động thì chưa đánh giá được vấn đề này, nhưng quan điểm của tỉnh như thế. Nếu làm chưa tốt, chúng tôi với tư cách lãnh đạo địa phương sẽ có trách nhiệm phản ánh lại vấn đề đó.





ĐÓNG GÓP CỦA BẠN ĐỌC CHO CHUYÊN MỤC
(Hãy gửi cho chúng tôi bản đánh máy có dấu để bài viết của bạn sớm được đăng!)

Họ và tên: Lê Thống
Địa chỉ: HT
Email: lethongthanhtra.@yahoo.com.vn

Theo tôi phải nghe phản biện đúng của các nhà khoa học. Không thể nghe mấy ông lãnh đạo Tỉnh thường kém tầm nhìn chiến lược, chỉ chạy theo lợi ích trước mắt, lợi ích cục bộ vùng, miền, địa phương mà quên lợi ích chung của quốc gia. Dự án Bô xít ở Tây Nguyên phải được cân nhắc, bàn bạc thận trọng.

Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: ...@gmail.com

Tôi thật ngạc nhiên với lập luận của ông lãnh đạo Đắc Nông. Ông tỏ ra là người am hiểu thực tế nhưng không có một chữ về kiến thức khoa học.

Họ và tên: Phạm Đình Anh
Địa chỉ: LÂm Đồng
Email: dinhanhdhd@gmail.com

Tây Nguyên là nơi bắt nguồn của nhiều con sông chảy về đồng bằng. Ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) cũng có 01 mỏ bauxit nhỏ nhưng dòng suối để rửa bauxit đã chết. Dự án tại Lâm Đồng và Đắc Nông đang đi vào giai đoạn thi công, điều này không tránh khỏi tình trạng ô nhiễm các dòng sông và phải nói đến cả việc phá đi những cánh rừng cuối cùng của vùng Tây Nguyên. Tôi thiết nghĩ chúng ta cần phải xem xét kỹ hơn. Đừng tự giết chết mình.

Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: sabrina@hotmail.com

Nhiều nước trên thế giới cũng có Bauxite nhưng họ cũng đâu có khai thác đâu phải người ta không biết là khai thác nó thì đem lại lợi nhuận nhưng vấn đề là lợi nhuận đấy không thể bù đắp được cái môi trường và tài nguyên bị mất đi. Nếu Bauxite chưa khai thác thì nó vẫn còn ở đấy cơ mà, khi nào cần thì vẫn khai thác được chứ có mất đi đâu mà phải vội vàng đến thế??
Họ và tên: Tra
Địa chỉ:
Email: Traleanh@yahoo.com.vn

Tôi nghĩ không nên vì phát triển kinh tế, lợi ích trước mắt mà chấp nhận ô nhiễm, đánh mất bản sắc văn hoá Tây Nguyên. Lãnh đạo tỉnh nên nghĩ mình sẽ để lại gì cho thế hộ sau khi tiến hành khai thác bauxite: Những vùng đất chết không có sự sống. Hãy cân nhắc thật kỹ, còn ý kiến cá nhân tôi thì tôi nghĩ không nên khai thác bauxite.

Họ và tên: Nguyen Hong Tam
Địa chỉ: TPHCM
Email: htamktkt@gmail.com

Bằng bất cứ lý do gì, theo tôi không thể triển khai dự án. Chúng ta chưa đủ trình độ để quản lý và những hệ lụy quá lớn từ đó, nhất là vấn đề môi trường. Chúng ta không thể phát triển kinh tế theo chiều rộng, nhất là khi Bauxite cũng không phải là kim loại có thể khai thác đơn giản. Muốn triển khai dự án, phải phát triển thủy điện, như thế một lần nữa vấn đề môi trường bị động chạm. Chúng ta không thể phung phí tiềm năng thủy điện cho những dự án như thế. Phải chăng, một suy nghĩ, động cơ mang tính cục bộ địa phương đang tồn tại. Dự án có thật sự mang lại nguồn lợi lâu dài cho dân Dak Nong không? Tại sao Dak Nong không phát triển được theo những hướng khác?
Họ và tên: Tha Hương
Địa chỉ:
Email: learnontheway@yahoo.com

Thế hệ chúng ta chưa có đủ điều kiện để khai thác, một, hai thậm chí nhiều thế hệ nữa khi công nghệ đã có, chúng ta khai thác như thế lợi ích vẫn là của quốc gia nhưng hiệu quả sẽ tăng lên vài trăm phần trăm.
Chúng ta nên tìm các hướng khác để tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc.
Cần đánh giá và lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học trước khi có một chiến lược dài hơi đặc biệt là về khoáng sản những thứ không phải là bất tận.

Họ và tên: Nguyễn Việt Triều
Địa chỉ: TPHCM
Email: nvt@hcm.fpt.vn

Theo tôi phát biểu của lãnh đạo Đắc Nông là kiểu phát biểu của một người không có trình độ khoa học kỹ thuật và không chịu nghe tham vấn của các chuyên gia kỹ thuật mà chỉ là kiểu phát biểu theo cảm hứng cho vui miệng mà thôi . Chẳng lẽ những phân tích của bao nhiêu chuyên gia , kỹ sư về lĩnh vực này là con số không to tướng ? Đương nhiên nếu không khai thác thì đất quặng Bô xít vẫn là đất quặng chứ là gì nữa . ở đây các chuyên gia đã phân tích thật cụ thể là nếu khai thác thì sẽ gây thảm họa cho dân , cho Nước và hậu họa là vô cùng lớn so với cái được trước mắt không đáng là gì cả . Là một vị lãnh đạo mà phát biểu như vậy thì gọi là gì?

Chào
Họ và tên: khongtin
Địa chỉ: daknong
Email:

Khó tin được những lời hứa của các vị lãnh đạo bởi vì thực tế mọi vấn đề bức xúc ô nhiễm đều do người dân và báo chí phanh phui chứ các vị có để ý đâu. Vị sau lên thì đổ thừa cho vị trước. Thôi thì trời sinh sao để vậy cho thế hệ mai sau nhờ, đừng đánh trống bỏ dùi.

Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: tuanbinhrock@gmail.com

"Quan điểm của tỉnh là khai thác hợp lý, có quy hoạch, lớp lang, quy định rõ ràng, không khai thác ào ào..."

Mọi người làm ơn đọc kỹ một chút trước khi có ý kiến, phát biểu ý kiến lung tung, xúc phạm đến Lãnh đạo của một tỉnh như vậy sao coi được.

Họ và tên: Nguyễn Ngân Hà
Địa chỉ: Phú Yên
Email: nnh@py.yahoo.com

Tôi không đồng ý khai thác bâu - xít ở đắc nông vì cái lợi trước mắt mà để lại hậu quả rất xấu cho môi trường về sau này.

Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: LieTalk@gmail.com

Một bài trả lời phỏng vấn vô cùng cảm tính. Không có một số liệu hay định luợng nào mà dám nói bừa. Điện thiếu rồi sẽ đủ, nước cần rất nhiều nhưng không ảnh hưởng đến người dân Tây Nguyên.

Ai không biết điện Việt Nam dùng cho thành phố còn thiếu. Nước ở Tây Nguyên năm nào cũng thiếu vì khô hạn, nước cho sinh hoạt, tưới cây lương thực, cây công nghiệp còn thiếu.

Quy hoạch đến 2/3 diện tích tỉnh liên quan việc khai thác, xử lý, chứa chất thải bauxite mà coi chỉ là một phần.
Họ và tên: y nguyen
Địa chỉ: daknong
Email: nguyenhieuduc@yahoo.com

điều hiển nhiên, cái lợi phải kèm cái hại. Tuy nhiên nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển theo thế mạnh của địa phương, chúng ta vẫn tiến hành các dự án nếu tác động của dự án đến môi trường trong phạm vi cho phép (đấy là nhiệm vụ của các nhà khoa học, các nhà đánh giá tác động môi trường). Tôi hoàn toàn tán thành với ý kiến của Đ/c Điểu K'ré. Nếu một vùng đất không có khả năng phát triển thì dần cũng bị vùi vào quên lãng. Thử hỏi tại sao ai cũng lo ô nhiễm nhưng cứ nhà máy, xí nghiệp mọc ở đâu thì dân tình lại men theo đến đây sống, rồi sau lại đổ lỗi cho doanh nghiệp, cty làm ô nhiễm môi trường. Đấy là nghịch lý nhưng các nhà báo (các vị chuyên bới móc) chỉ biết nói theo 1 chiều thôi. Còn chúng ta những độc giả khi nghe ngóng cũng phải suy xét cho đầy đủ góc cạnh, không nên a dua, nhận xét trình độ....

Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: tapbk406@yahoo.com

Nếu như chỉ nhìn vào những cái lợi trước mắt thì không thể tránh khỏi một quyết định vội vàng, cũng như nếu chỉ đánh giá mặt trái của việc khai thác bauxite một cách hời hợt rằng "bây giờ chưa xây dựng, chưa triển khai thì không thấy tác hại gì. Trong tương lai, chúng ta sẽ rút kinh nghiệm các khu CN như Vedan" dễ làm cho người ta trở nên nôn nóng. "Nếu mình không làm thì bauxite vẫn là đất thôi", ông Điểu Kré nói đúng, nhưng nếu cơm không ăn thì gạo vẫn còn đó, theo tôi, ông nên tranh thủ cơ hội tốt này để lắng nghe, bổ sung cho mình những kiến thức mới và quan trọng hơn là tránh được một quyết định vội vàng về sau.
Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: hoaithu@yahoo.com

Câu chuyện tranh cãi xung quanh dự án bô - xít Tây Nguyên có nét giống với dự án thép Vân Phong. Hy vọng rằng Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm có quyết định ngừng dự án. Liên Xô cũ đã từng khuyên ta không khai thác với tư cách là một người anh lớn. Nhận xét về bài trả lời phỏng vấn của ông Chủ tịch TX Gia Nghĩa, Đắc Nông, tôi thấy không có chút sức nặng thuyết phục nào.
Họ và tên: đinh hữu phúc
Địa chỉ: 82/31 Nguyễn hồng Đào, p14, tân bình
Email: huuphucls@yahoo.co.uk

Thảm họa Vedan nhắc nhở chúng ta cần phải cảnh giác với những dự án có ảnh hưởng lớn đến môi trường như dự án bauxite Đắk nông; những người lãnh đạo đất nước hãy nhìn xa trông rộng để cho con cháu sau này không phải trả giá về những gì họ làm hôm nay...

Họ và tên: Nguyễn Chương
Địa chỉ:
Email: hoangchuong_vn2006@yahoo.com

Tất nhiên chúng ta đang bàn về cái lợi và cái hại của việc hi sinh hoặc ảnh hưởng đến môi trường đối với việc khai thác tài nguyên. Nhưng công tâm mà nói, ngay chính tại thành phố Hồ chí Minh, nơi tập trung" đầu não khoa học kĩ thuật" và ngay tại Hà nội, chúng ta có thể thống kê hàng núi những cái' "tầm bậy", "vô trách nhiệm" nhan nhản trên đường phố, và còn chưa tới lúc hâu quả lộ ra từ những công trình tốn bạc tỉ , trùm mền, nghiên cứu dỏm, sao chép...Nhìn Hà nội và thành phố HCM, chúng ta sẽ thấy các ông kiến trúc sư trưởng, quy hoạch đầu đàn " phá nát" các di tích, cảnh quan của thành phố thế nào !! Đó cũng là một dạng lãng phí và để lại hậu quả là sự mất lòng tin của lớp trẻ, của nhân dân. Tỉnh Daknông là tỉnh nghèo, chúng ta nên "thưong" đến hoàn cảnh của người dân nơi đấy, mà cùng chia xẻ. Và thử đặt hoàn cảnh chúng ta vào người dân nơi đấy, chúng ta có mong ước đổi đời, hoặc chí ít là cuộc sống dễ thở hơn không?Vị chủ tịch kia, dù chưa biết động cơ, trình độ và tấm lòng đối với dân nghèo ở tỉnh ấy, nhưng ít nhất là nói lên được mong ướccủa người dân (công ăn việc làm). Tuy là phương pháp làm, cách phát biểu của ông ấy có vẻ thiếu suy xét toàn diện, mà chỉ phiến diện, thiếu cơ sỏ khoa học để thuyết phục. Nếu một tỉnh nghèo, thì bản thân lãnh đạo phải chịu trách nhiệm.Và cao hơn nữa là chính phủ, thủ tướng phải có giải pháp cho tỉnh nghèo, không thể để người ta tự bơi lặn trong cảnh nghèo + trình độ lạc hậu mãi được.

Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: NGUYENTUTUTUONG@yahoo.com

Đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ qua môi trường. Nếu khai thác quặn ở đây thì hậu quả về môi trường là rất lớn khi mà tài nguyên rừng và và đất màu cho nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Chúng ta có thể khai thác nhưng mà không phải là hiện nay bởi vì nhu cầu về nhôm mà theo như các nhà khoa học là không cấp thiết. Đừng vì cái lợi trước mẳt mà bắt con cháu chúng ta phải gánh lấy hậu quả nặng nề. Bên cạnh đó việc mở rộng khai thác hàng năm phải được cân nhắc thận trọng theo đánh giá của các nhà khoa học không nên chỉ nghe những người không có chuyên môn nói.
Họ và tên: HÀ TRUNG
Địa chỉ:
Email: hatrunguk@yahoo.co.uk

Tôi ngạc nhiên về hiểu biết về khoa học, cũng như tầm nhìn của một số vị lãnh đạo các tỉnh nói chung, cũng như lãnh đạo tỉnh Đaknông, lãnh đạo TKV nói riêng.
Thứ nhất: Tây nguyên có thể phát triển bằng những ngành nghề khác chứ không nhất thiết phải "công nghiệp hoá", có khu công nghiệp, có nhà máy lớn....
Thứ hai: Chúng ta có MỘT Tây Nguyên hùng vĩ và bản sắc; hiện tại rừng núi đã bị phá tương đối nhiều, bây giờ dự án kia sẽ tàn phá thêm bao nhiêu hecta rừng nữa???

Thứ ba: Tây Nguyên là: rừng núi, sông suối. Nạn phá rừng ở Đaknông nhiều năm qua lãnh đạo Tỉnh đã làm những gì để gìn giữ rừng của Đaknông???
Họ và tên: vũ văn trường
Địa chỉ: thái hoà châu sơn phủ lý hà nam
Email: thaihoa_pl@yahoo.com

Tôi là một người đẵ từng sống và làm việc ở đăk nông tôi yêu con người và mảnh đất nơi này. đó là một nơi có khí hậu rất tốt, những cánh rừng rộng lớn, nương rẫy bạt ngàn sao ta không chú trọng phát triển lâm nghiệp và du lịch để tạo sự phát triển bên vững cho tây nguyên thay vì những dự án khai thác bo-xit mang nhiều tiềm ẩn lớn về môi trường sống có thể dẫn đến một tây nguyên chết.
Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: thanhbaoblam@yahoo.com

Khai thác Bauxit với quy mô lớn như thế nào? Quy trình xử lý ô nhiễm như thế nào? Theo tôi được biết sau khi Bauxit được rửa và thải ra còn lại một lượng hoá chất (tính kiềm), người ta phải lóng qua hồ Ôxalat và khử sau khi thải ra ngoài, nhưng theo tôi lượng hoá chất này có thể bị rò rỉ, bên cạnh đó lượng bùn đỏ thải ra loại bùn này rất mịn, khi bám vào đất có thể làm cho rễ cây, các sinh vật sống dưới đất không có ôxy, không khí

Họ và tên: Tran Duc
Địa chỉ: Ha Noi
Email: trduc@hotmail.com

Tôi thất vọng vì VietnamNet. Trước đây tôi vẫn coi VietnamNet là 01 kênh thông tin trung thực, khách quan. Tuy nhiên với những gì liên quan đến các dự án bauxit ở Tây Nguyên được VietnamNet truyền tải gần đây đã làm cho tôi thất vọng bởi tính "lá cải" của tờ báo. Cho đến nay, có thể nói hầu hết những ý kiến trên VietnamNet là của những người không phải chuyên môn, hoặc hiểu biết về bauxit rất hạn chế. Các ý kiến đó cho ta hình ảnh giống như các ông thầy bói xem voi rồi ra sức tranh luận rằng con voi nó như cái cột đình hay như các quạt. Chuyện đó cũng dễ hiểu vì bản thân các nhà khoa học đó họ bị chi phối bởi cảm tính nhiều hơn là suy luận khách quan, duy lý.

Việc VietnamNet truyền tải thông tin đến bạn đọc lại muốn thổi bùng xu hướng này mà không tìm hiểu bản chất của vấn đề là ở đâu, liệu những thông tin mà VietnamNet đăng đã đúng chưa? VietnamNet cần phải kiểm chứng thông tin trước khi đăng chứ không chỉ đơn thuần là cơ quan in ấn cứ có bài gửi là đăng. Hay như cách đăng bài phỏng vấn ông Điểu K Ré, bên cạnh những câu hỏi đáp, VietnamNet cho đăng những ảnh về bùn đỏ, về đàn voi với những chú thích kèm theo thì hỏi đâu là tính khách quan của báo chí. Mỗi vấn đề đều có 2 mặt của nó. Cái cần là tìm ra được giải pháp tốt nhất chứ không phải là phủ định vấn đề. Cách mà các nhà gọi là "khoa học" phát biểu trong thời gian qua, chỉ là những lý thuyết suông, sáo rỗng. Nếu các vị vì dân vì nước, hãy nêu được giải pháp gì cụ thể đi để giúp đồng bào Tây Nguyên thoát khỏi đói nghèo?

Vậy nên, tôi càng thất vọng với VietnamNet.
Họ và tên: Brokinv
Địa chỉ: HCM
Email: Brokinv@gmail.com

Đứng trước quy luật giá trị, quy luật tư nhiên hẵn người ta sẽ chọn lợi ích về phía mình. Nhưng với người tầm nhìn ngắn hạn thì ngay cả việc đâu là lợi ích thật sự cho bản thân họ cũng không nhìn thấy.

Tôi thật buồn cho những lời phát biểu thiếu biên chứng khoa học, tôi nói ở đây chỉ là khoa học logic. Phát biểu theo kiểu "tôi thấy thế, tôi nghĩ vậy và tôi không chịu...".

Để phát triển Tây nguyên cần đầu tư nghiên cứu chiến lược, và phải huy động nguồn lực xã hội. Nghĩa là kêu gọi công đồng đóng góp ý kiến. Lắng nghe các nhà khoa học, lắng nghe người dân, và lãnh đạo bằng cái tâm đi cùng cái tầm. Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo, những người trực tiếp có quan hệ lợi ích, và cả những người dân Việt Nam hãy thấu đáo và cẩn trọng trong việc lựa chọn lợi ích cho mình và cho con cháu mình.
Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: hathanh.thu@gmail.com

Phát biểu của lãnh đạo Đăk Nông cho thấy thiếu sự thiếu hiểu biết về khoa học cũng như kiến thức thực tế mang tầm quốc gia và thời đại. Ông ấy không biết gì về sự được mất trong một dự án kinh tế muốn xây dựng va phát triển của địa phương cái gì cũng la áng chừng... Ý kiến các nhà khoa học không thể xem thường được, họ la những chuyên gia trong lĩnh vực và tầm nhìn của họ dài hơn những người bình thường và động cơ của họ chỉ là vì lợi ích quốc gia thôi... Tây nguyên là một vùng có khí hậu ôn đới điển hình của Vn thiên nhiên ưu đãi rất nhiều tiềm năng du lịch còn tràn trề chưa khai thác hết ngành công nghiệp sạch này tại sao lại phải đi ngược lại thời đại và ngược lại sự phát triển chung của thế giới mà đi khai thác bauxit ngành bẩn,,,

Mong các vị lãnh đạo cân nhắc cẩn thận.
Họ và tên: HOANGHUUSON
Địa chỉ: HA NOI
Email: HOANGHUUSON1@YAHOO.COM

Tôi thật không ngờ một lãnh đạo tỉnh lại có thể nói những lời như vậy được. Không có một số liệu cụ thể, nói chung chung, như vậy mà cũng nói được. Nếu ông muốn phát triển khai thác quặng Boxit thì ông phải tính trả lời những câu hỏi sau:
- bao nhiêu phần trăm người dân được làm việc khai thác quặng
- những ảnh hưởng về nông nghiệp thì phương án hỗi trợ hay đền bù là như thế nào (trợ cấp cho những người bị thiệt hại về nông nghiệp là bao nhiêu)
-đ ể không có thảm hoạ mội trường thì ta có những phương án gì.
nếu một nhà lãnh đạo không trả lời được câu hỏi đó thì chỉ như các dự án trước:" nhắm mắt mà làm thôi!

Họ và tên: gia le
Địa chỉ: 123 tran hung dao.q5 tphcm
Email: gggg@yahoo.com

Như ông Điểu Kré đã nói: :"chúng ta chỉ khai thác ở khu vực các rừng nghèo. Đất bô - xít như đồi trọc, trồng cái gì cũng không lên được, phía trên như đá lộ thiên nổi cục". Tôi nhớ cái thời ở Bến Tre, Tiền Giang, người ta bảo là vùng nước mặn lúa không phát triển được, rồi đua nhau làm kênh dẫn nước ngọt về trồng lúa, cuối cùng khi dân nuôi được tôm sú thì lại phá kênh rồi bỏ lúa. Còn ở Tây Nguyên, tôi thiết nghĩ các nhà sinh vật và các nhà khoa học nên có vai trò tích cực hơn, chứ bô xít thì khai thác đến ngày nào đó cũng hết thôi.

Họ và tên: Dương Quang Phục
Địa chỉ: Kon Tum
Email: dqphuc_07@yahoo.com.vn

Theo tôi, đã là quặng với trữ lượng lớn là sẽ khai thác, nếu bây giờ ta không khai thác thì con cháu chúng ta cũng sẽ khai thác. Vì quặng vẫn ở đó không đâu được, nhưng điều kiện xã hội luôn thay đổi, khoa học tiến bộ hơn và giá trị của quặng ngày càng cao hơn. Vấn đề đặt ra là khai thác vào thời điểm nào với quy mô bao nhiêu là phù hợp.

Mục đích của địa phương là tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nhân dân, ở đây đòi hỏi địa phương tính cụ thể khi khai thác quặng sẽ mạng lại.

Chính phủ tính khối luợng, quy mô khai thác có thể mang lại cho địa phương, đất nước. Sau đó sẽ giải bài toán cân đối và quyết định cuối cùng. Chứ không phải khai thác bằng mọi giá để địa phương đạt mục đích. Yếu tố môi trường là yếu tố quyết định.


Họ và tên: dai hung
Địa chỉ: nha trang
Email: binhnguyenhoangda@gmail.com

Tôi thấy ý kiến của lãnh đạo tỉnh Daknong cũng hợp lý, nhưng vẫn mang tính lý thuyết còn khi áp dung thực tế thì hoàn toàn là chuyện khác. Cứ cho là khai thác có quy hoạch, có sự quản lý của bộ TNMT nhưng thử hỏi trình độ quản lý về môi trường của chúng ta tới đâu, có thấm gì so với trình độ của một nước tiên tiến như Australia- mà nước này cũng đâu có giải quyết được hậu quả quá lớn về môi trường từ việc khai thác quặng bo-xit của họ. Nếu lãnh đạo tỉnh cho rằng việc khai thác quăng là nhằm phát triển kinh tế của vùng thì đây đâu phải là sự phát triển bền vững, cứ cho là họ có thể giải quyết được công ăn việc làm cho lao động địa phương nhưng đây sẽ là lực lượng lao động thất nghiệp tiềm ẩn trong tương lai. Nói chung là không thể làm giàu bằng cách moi đất của mình lên để bán như vậy được.Tôi mong lãnh đạo tỉnh Daknong có thể nghĩ kĩ, nghĩ sâu và nghĩ thực tế hơn nữa.
Họ và tên: tra my
Địa chỉ: Hanoi
Email: bautroi13@yahoo.com

Bạn Y Nguyen – Dak Nong nói đúng : “Còn chúng ta những độc giả khi nghe ngóng cũng phải suy xét cho đầy đủ góc cạnh, không nên a dua, nhận xét trình độ.... “ Nhưng tôi muốn bổ sung thêm rằng để làm được như thế độc giả cũng phải có trình độ và phải có cái tâm. Bao nhiêu ý kiến của các nhà khoa học cũng không hợp với trình độ nhận thức của bạn thì phải. Tây Nguyên có bao nhiêu hướng phát triển để vẫn là một mảnh đất linh thiêng đáng tự hào. Những người lãnh đạo giỏi và tâm huyết chắc cũng phải nhận ra. Cầu xin những vị lãnh đạo có quyền quyết định đừng vì lợi ích trước mắt mà để con cháu dân tộc Việt mai sau lãnh chịu hậu quả.
Họ và tên: Cuongvule
Địa chỉ: 162A Tran Quang KHai HN
Email: cuongvule@yahoo.com

Tôi không mấy bất ngờ trước phát biểu có phần "ngây thơ" của vị lãnh đạo tỉnh Đaknông. Tôi đã đi làm một số dự án thủy điện ở điện tại đây và đã nhận được câu nói tương tự: "Nếu không làm thuỷ điện thì nước vẫn chỉ là nước thôi". Đúng vậy nếu suy nghĩ theo kiểu "thiểu số" thì không sai, nhưng xin hãy suy xét: Ông sẽ để lại tài nguyên gì cho con cháu ông sau này.

Họ và tên: Nguyễn Văn Trãi
Địa chỉ: Gia Nghĩa, Đăk Nông
Email: Nguyentrai81@yahoo.com

Tui thấy đa số ý kiến của các bạn còn mang tính a dua, chỉ nhìn nhận sự việc từ 01 góc độ. Dẫu biết rằng khai thác bô xít ở Đăk Nông sẻ ảnh hưởng đến môi trường, nhưng không đến mức biến tây Nguyên thành một vùng đất chết, nếu ta khai thác một cách chọn lọc, có quy hoạch kỹ lưỡng. Vấn đề là chúng ta phải lường trước những tác hại và có giải pháp hiệu quả. Nếu các bạn đã từng đến Đăk Nông, từng thấy đồng bào ở đây sống khổ cực thế nào thì tôi tin chắc bạn sẻ có một cái nhìn khác về sự việc này. Đăk nông là tỉnh mới thành lập, còn rất nghèo, nếu không khai thác lợi thế về Bô xít và làm thủy điện thì mãi mãi vẫn là tỉnh nghèo. Còn bảo phát triển du lịch sinh thái thì không doanh nghiệp nào đầu tư vì du lịch Đăk nông không thể sánh vói Đà lạt trong mọi thời đại; Còn trồng cây cao su thì không có mũ như mong muốn, cây này không phù hợp với tỉnh có độ cao hơn 700m như đăk Nông; Còn cây cà phê thì không thể trồng trên vùng đất có quặng bô xít.

Vì lẽ đó, nếu nhìn từ nhiều góc độ, đặc biệt là tâm huyết với đồng bào còn rất rất nhèo ở Đăk Nông thì việc khai thác Bô xít có quy hoạch, có chọn lọc là hợp lý.
-->đọc tiếp...