Tây Nguyên và Bô-xít
Posted On Thursday, April 30, 2009 at at 1:45 PM by Bô-xít Tây Nguyên
Nguồn: http://vanconghung.vnweblogs.com/post/1026/152022
Bài này tôi viết theo đặt hàng của nhà thơ Nguyễn Trác, TBT Tạp chí Nhà Văn cho mục "Tiếng nói nhà văn" mà chả hiểu ông ấy có dám in không. Chả đâu như... nước ta. Cấm và không cấm cứ loạn lên. Hồi vụ Tây Nguyên, cấm báo chí đưa tin, sau đấy một thời gian lại yêu cầu ào ạt đưa. Vụ Hoàng Sa Trường Sa cũng vậy. Nhiều người đã bị rầy rà vì bày tỏ lòng yêu hai hòn đảo thân yêu của Tổ Quốc này. Bây giờ thì ngày nào cũng có HS TR trên báo, đến nỗi thấy phát thương cho ông tân chủ tịch HS không đất không dân ngày nào cũng phải trả lời phỏng vấn và tuyên bố sẽ bảo vệ HS đến cùng. Và Bô Xít. Tôi có bài "Bô xít, rừng và Tây Nguyên" in báo Văn Nghệ già tết dương lịch, sau đó vannghequandoi online đưa lên, được ba ngày phải bóc xuống vì hồi ấy có lệnh không được nhắc đến Bô xít, giống như một từ húy kỵ. Bi giờ thì các báo lại cũng tràn ngập Bô xít...
---------------------------
TÂY NGUYÊN VÀ BÔ XÍT
Tôi vừa lang thang đi mấy huyện ở Tây Nguyên. Đi mới biết hình như nơi nào ở Tây Nguyên cũng có... bô xít. Làng mạc, rừng núi, sông suối, rừng vườn... đang trù phú xum xuê thế, đang hồn nhiên tươi trẻ thế, đang xanh tươi mướt mát thế, bỗng một hôm phát hiện rằng có bô xít ở dưới, thế là...
Bây giờ đi xuống các địa phương phía nam Tây Nguyên thi thoảng ta gặp người... nước ngoài. Nhưng đây không phải nước ngoài du lịch, cũng không phải Tây ba lô, mà trông họ... nhếch nhác lắm. Thì ra đấy là... công nhân bô xít... nhập ngoại. Cái chuyện bô xít này chưa biết ngã ngũ như thế nào nhưng thấy lòng dân có vẻ bất an lắm. Mấy năm phát triển, rừng ào ào trụi, giờ lại thêm bô xít. Cái nhỡn tiền là môi trường - không chỉ là môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái thông thường, mà nó là cả môi trường văn hóa, bị xâm hại, không chỉ bị xâm hại, có nhà văn hóa còn bảo, nó sẽ bị phá hủy. UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chứ có phải chỉ riêng cồng chiêng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đâu. Có mấy nhà văn cũng đã có thư ngỏ gửi các cơ quan có trách nhiệm bày tỏ quan ngại về vấn đề này rồi...
Lại nhớ mới đây có một cái hội thảo khá lớn ở Đăk Nông rồi sau đó là ở Hà Nội về Bô xit. Chính quyền tỉnh và tập đoàn than khoáng sản Việt Nam thì muốn khai thác bô xit ở đây, nghe nói là vô cùng nhiều, nhiều như... đất, cứ bóc vỏ đất ra là thấy. Các nhà văn hóa, khoa học, có cả đại tướng Võ Nguyên Giáp và mấy vị tướng nữa, thì chỉ ra rằng, Bô xit có thật đấy, nhưng chả bõ bèn gì, bởi vì quặng Bô xit rất rẻ, có bóc hết đất Tây Nguyên cho nó trọc lếu trọc láo cả lên thì cũng chả đáng là bao nếu quy ra đô la. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thì kết luận: Không khai thác bô xít bằng mọi giá. Theo tính toán thì bao giờ Bô xit thành nhôm thì mới có giá trị. Mà từ Bô xit đến Nhôm là cả một giai đoạn rất dài và rất tốn kém, nghe nói có một nước nào đó ông nhà văn Nguyên Ngọc đã đi thăm, thì để phục vụ riêng một nhà máy luyện nhôm cỡ trung bình, nước này phải dành hẳn một nhà máy thủy điện cỡ Ia Ly để phục vụ nó. Mà đấy mới là điện, chứ để biến từ bô xit ra nhôm còn bao nhiêu thứ khác nữa. Thế nên nếu cứ quyết tâm làm bô xit thì văn hóa Tây Nguyên sẽ bị băm nát. Ông Nguyên Ngọc nói thế và nhiều người cũng biết thế. UNESSCO công nhận cồng chiêng Tây Nguyên là di sản nhưng thực ra là không gian văn hóa cồng chiêng chứ không chỉ mình cồng chiêng như một số người hiểu. Vậy nên vấn đề bô xit đang nóng ở Tây Nguyên. Đụng đến Bô xit là đã đụng đến cái món không gian văn hóa này rồi...
May thay là Bộ chính trị vừa có kết luận về vấn đề Bô Xít chứ không cứ như nghe cái nhà ông Đoàn Văn Kiển, chủ tịch HĐQT tập đoàn than khoáng sản Việt Nam trả lời Việt Nam net mà thấy hãi. Ông này nói rất lấy được, cái kiểu có làm mới biết lỗ lãi, mới biết có ảnh hưởng, có xâm hại gì không... thì quả là kiểu nói cả vú lấp miệng em, nói như kiểu duy ý chí một thời, rất vô trách nhiệm.
Tôi cho rằng, phàm là tài nguyên, là khoáng sản thì phải khai thác thôi. Nó là lộc giời, là ân sủng trời cho. Tuy thế nó không phải là vô tận, và nó cũng không phải là của làng để rồi ai cũng nhăm nhăm lao vào làm một phát cho nở mày nở mặt. Không thể khai thác nó bằng mọi giá. Đời mình chưa có điều kiện thì cứ để đấy, trồng cây, canh tác, làm du lịch (cắm cọc bảo: nơi này có Bô Xít đấy- cũng sẽ có khối người tò mò đến thăm)... rồi đời con, thậm chí đời cháu, chút, chít... có điều kiện, chúng sẽ khai thác một cách tinh tươm gọn ghẽ bằng những công nghệ hiện đại nhất, làm bô xít mà như đi du lịch, nước cứ trong vắt, đất cứ xanh rì cây lá... Bởi ngay cái kế hoạch khai thác bô xít bây giờ thì Trung ưong cũng đã nghiên cứu hàng mấy chục năm nay rồi cơ mà...
Bây giờ, rõ ràng lòng dân chưa thuận, mà trong Đảng cũng chưa đồng, còn nhiều vấn đề tế nhị mà chúng ta chưa lường hết được.
Thì đã làm sao nếu cứ tạm quên cái món bô xít đi. Cây công nghiệp, rừng, những thảo nguyên mênh mông rợn cỏ để chăn nuôi... vẫn phát triển như cũ. Tạm thôi, lòng dân là nước, nước ấy đang bình yên chảy như ngàn đời vẫn thế...
Nhà thơ VĂN CÔNG HÙNG