Công bố quy hoạch dự án bô xít Tây Nguyên

Link gốc: http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2009/04/3BA0DD04/

Công bố quy hoạch dự án bô xít Tây Nguyên

Hội thảo quy mô lớn được tổ chức tại Hà Nội hôm nay, do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, nhằm lắng nghe góp ý cho Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô xít giai đoạn 2007-2015, tầm nhìn 2025.

Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường, các nhà thầu Trung Quốc, Mỹ, và các chuyên gia khai khoáng, luyện kim. Nhà văn Nguyên Ngọc, người gắn bó nhiều năm với văn hóa Tây Nguyên và nhà sử học Dương Trung Quốc cũng tới tham gia ý kiến.

Quy hoạch dự án được Thủ tướng phê duyệt từ 1/11/2007, với mục tiêu phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản bô xít phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội các địa phương và phát triển mạng hạ tầng cơ sở liên quan như giao thông vận tải, cảng biển, điện... Doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm chủ đầu tư xây dựng dự án, kêu gọi các đối tác trong và ngoài nước tham gia góp vốn cổ phần trên nguyên tắc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nắm giữ cổ phần chi phối và chịu trách nhiệm chính trong việc đầu tư, thực hiện quy hoạch.

Quá trình triển khai chia thành 3 giai đoạn: đến 2010, 2011-2015 và 2016-2025. Trước năm 2015, các dự án sẽ tập trung sản xuất alumina xuất khẩu, sản xuất hydroxyt nhôm (phèn chua) phục vụ trong nước và xuất khẩu. Sau năm 2015, sản xuất alumina và nhôm điện phân, duy trì sản xuất hydroxyt nhôm. Sản lượng dự kiến sẽ lên tới 13-18 triệu tấn vào năm 2025.

Trong giai đoạn đến năm 2010, Việt Nam dự kiến triển khai 3 dự án alumina gồm Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đăk Nông 1), Kon Hà Nừng (Gia Lai) và 1 dự án hydroxyt nhôm tại Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Hiện TKV đã khởi công dự án Tân Rai với gói thầu EPC nhà máy alumina do nhà thầu Chalieco Trung Quốc thực hiện; đồng thời chuẩn bị khởi công dự án nhà máy alumina Nhân Cơ. Dự án Kon Hà Nừng đang được chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại và Công nghệ Hà Nội thăm dò trên diện tích 68 km2. Riêng dự án hydroxit nhôm, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam là chủ đầu tư dự án đang triển khai công tác thăm dò mỏ bô xít Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Theo Bộ Công Thương, có thể coi đây là các dự án thử nghiệm tại 3 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên là Lâm Đồng, Đăk Nông và Gia Lai.

Đến 2011-2015, dự kiến sẽ đầu tư tiếp 3 dự án alumina Đăk Nông 2 - 3 - 4, với tổng công suất dự kiến 4,5-6 triệu tấn alumina mỗi năm. Các dự án này chỉ có thể đưa vào vận hành sau khi hoàn thành việc xây dựng tuyến đường sắt Tây Nguyên - Bình Thuận, dự kiến vào giai đoạn 2014-2015.

TKV và một số chủ đầu tư khác (Công ty cổ phần An Viên) đang hoàn chỉnh thủ tục xin thăm dò 7 mỏ bô xít Đăk Nông, 2 mỏ bô xít Lâm Đồng và 2 mỏ tại Bình Phước. Dự kiến, toàn bộ công tác thăm dò sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2010-2011, đảm bảo có cơ sở tài nguyên tin cậy để lập dự án đầu tư.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có nguồn tài nguyên bô xít thuộc loại lớn trên thế giới. Trữ lượng đã được xác định và dự báo là 5,4 tỷ tấn, chủ yếu tập trung ở khu vực Tây Nguyên. Đã nhiều năm qua, Tây Nguyên tập trung phát triển tối đa cây công nghiệp, nhưng hiệu quả kinh tế còn hạn chế, đời sống đồng bào còn khó khăn, hạ tầng nghèo nàn, trình độ dân trí hạn chế. Vì vậy, bô xít được xác định là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sực phát triển kinh tế xã hội khu vực, góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trên địa bàn.

Cũng theo Bộ Công Thương, việc phát triển ngành công nghiệp khai thác bô xít, sản xuất alumina - nhôm đã được nghiên cứu cân nhắc và quyết định thận trọng, phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ và đáp ứng nguyện vọng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Dự án đã được gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và địa phương liên quan để hoàn chỉnh, đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định, góp ý và trình Chính phủ phê duyệt. Tuy chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược nhưng trong dự án quy hoạch đã đề cập nội dung cơ bản của vấn đề này.

Bộ Công Thương thừa nhận, ngành công nghiệp nhôm sử dụng nhiều điện năng, chi phí giá thành cao, không hiệu quả và không khả thi trong giai đoạn đầu của quy hoạch. Vì vậy, trước mắt sẽ ưu tiên các dự án sản xuất alumina.

Hiện nay lượng alumina sản xuất trên thế giới khoảng 75 triệu tấn mỗi năm. Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu 10 triệu tấn mỗi năm. So với một số nước xuất khẩu lớn như Australia và Mỹ, Việt Nam có lợi thế khi làm ăn với thị trường Trung Quốc. TKV đã mời một số nhà sản xuất nhôm lớn của Trung Quốc hợp tác đầu tư kèm theo cam kết tiêu thụ sản phẩm.

Hoàng Lan - Song Linh


0 comments: