Chung quanh vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên

Link gốc: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=37&sub=130&article=146303

Điểm nhấn:

Nhất là, cần cảnh giác và có thái độ rõ ràng, kiên quyết với những mưu toan chính trị hóa vấn đề của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí, muốn chia rẽ nội bộ chúng ta; xuyên tạc sự thật, lợi dụng những tình cảm thiêng liêng trong trái tim, khối óc mỗi người để kích động hòng thực hiện những mưu đồ xấu xa của họ.
===> Hơi một tý là lôi con ngoáo ộp "các thế lực thù địch" ra để dọa dẫm nhân dân và bao biện cho bản thân. Các ý kiến đóng góp, phản biện đều dựa trên phân tích thực tế và toàn diện, hoàn toàn bởi thiện chí của các tướng lĩnh, các nhà khoa học và những người yêu nước khác. Kiểu lu loa "các thế lực thù địch" này mới là chính trị hóa vấn đề, để tránh phải đối mặt với các tranh luận công khai và khoa học.


ND - Nước ta có nguồn tài nguyên bô-xít thuộc loại lớn, có trữ lượng được xếp hạng thứ ba trên thế giới, chủ yếu tập trung ở khu vực Tây Nguyên. Việc phát triển ngành công nghiệp khai thác bô-xít, sản xuất a-lu-min và nhôm kim loại đã được nghiên cứu, cân nhắc và quyết định thận trọng, phục vụ phát triển kinh tế đất nước nói chung, góp phần phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên nói riêng.

Quá trình chuẩn bị

Theo các kết quả thăm dò, trữ lượng bô-xít ở nước ta được xác định và dự báo khoảng 5,4 tỷ tấn. Ðây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước và khu vực Tây Nguyên. Chính vì lẽ đó, thăm dò, khai thác, chế biến bô-xít là chủ trương từ Ðại hội IX và Ðại hội X của Ðảng đến nay.

Triển khai các Nghị quyết Ðại hội Ðảng, trong hai nhiệm kỳ, Bộ Chính trị đã nhiều lần bàn và ra các Nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ngành công nghiệp bô-xít, a-lu-min - nhôm, phục vụ phát triển kinh tế đất nước nói chung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên nói riêng. Thực hiện Nghị quyết của Ðảng, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025 với bước đi cụ thể và chỉ đạo triển khai dự án khai thác bô-xít, a-lu-min - nhôm. Chính phủ đã giao cho Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) là đơn vị có kinh nghiệm trong khai thác khoáng sản làm chủ đầu tư thực hiện dự án và chủ trì đàm phán với các đối tác nước ngoài. Việc phát triển ngành công nghiệp mới này đã được nghiên cứu, cân nhắc và quyết định thận trọng.

Nước ta có nguồn bô-xít lớn, nhưng nguồn điện năng hiện còn thiếu, giá điện công nghiệp bình quân cao. Do vậy, việc điện phân nhôm sẽ không hiệu quả và không khả thi trong giai đoạn đầu của quy hoạch. Trước mắt, để bảo đảm hiệu quả kinh tế, sẽ ưu tiên đầu tư các dự án sản xuất a-lu-min. Ðây là định hướng đúng, hợp lý và phù hợp hoàn cảnh thực tế nước ta cũng như kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp bô-xít, a-lu-min - nhôm trên thế giới. Việc đầu tư nhà máy điện phân nhôm được dự kiến trên cơ sở đầu tư đồng bộ tổ hợp Nhà máy điện - nhà máy điện phân nhôm vào giai đoạn sau năm 2010. Hiện nay, TKV đang triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư cho dự án thủy điện Ðồng Nai 5 để phục vụ cho dự án luyện nhôm.

Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1-11-2007. Ðây là cơ sở quan trọng để chỉ đạo và quản lý ngành khai thác, chế biến bô-xít.

Những việc đã làm

Ðược Chính phủ giao thực hiện vai trò chính trong đầu tư phát triển công nghiệp nhôm ở Tây Nguyên, với mục tiêu phát triển công nghiệp nhôm thành ngành kinh tế mạnh của đất nước vào năm 2020, TKV đã tổ chức các đoàn khảo sát thực địa tại Ðác Nông và Lâm Ðồng, phục vụ lập các đề án thăm dò bô-xít, xác định nguồn nước, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, địa điểm xây dựng các cơ sở hậu cần; hợp tác với Công ty Trắc địa ảnh hàng không (Bộ Quốc phòng) tổ chức chụp ảnh hàng không và lập bản đồ ảnh hàng không toàn vùng mỏ bô-xít Ðác Nông, Lâm Ðồng; hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp phép thăm dò và khai thác một số dự án.

Ðến nay, đã khởi công Tổ hợp bô-xít - nhôm Lâm Ðồng với nhà máy sản xuất a-lu-min công suất 600 nghìn tấn/năm do TKV là chủ đầu tư. Tại tổ hợp này, Công ty quốc tế công trình nhôm Trung Quốc Chalieco đã trúng thầu gói thầu xây dựng, vận hành, chuyển giao (EPC) Nhà máy a-lu-min. Tư vấn của chủ đầu tư là Viện Nghiên cứu cơ khí (NARIME) và các chuyên gia Ô-xtrây-li-a chuyên về lĩnh vực bô-xít - a-lu-min, nhôm. TKV đã đền bù, giải phóng mặt bằng 424 ha đất của 559 hộ dân (trong đó, có 77 hộ đồng bào dân tộc thiểu số), sẽ tiếp tục đền bù tiếp 980 ha đất của hơn 1.000 hộ dân (có 327 hộ đồng bào dân tộc thiểu số); số hộ dân yêu cầu tái định cư khoảng 700 hộ (có 230 hộ đồng bào dân tộc thiểu số). TKV đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước) của khu tái định cư, đủ chỗ cho khoảng 730 hộ (giai đoạn 1). Gói thầu xây dựng, vận hành chuyển giao nhà máy a-lu-min đang được Chalieco thi công đúng tiến độ, dự kiến hoàn thành và bàn giao cho TKV đưa vào sản xuất cuối năm 2010; công trình nhà máy tuyển quặng sẽ khởi công xây dựng trong năm 2009 để đồng bộ với nhà máy a-lu-min.

Dự án Nhân Cơ (huyện Ðác R'lấp, Ðác Nông), nhà máy a-lu-min công suất 600 nghìn tấn/năm cũng do TKV là chủ đầu tư. Một số công việc bắt đầu triển khai. Theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, phải rà soát lại tất cả các vấn đề liên quan, nếu thật sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục thực hiện.

Như vậy, tại hai dự án nói trên, TKV là chủ đầu tư, trực tiếp tổ chức khai thác bô-xít, chế biến a-lu-min; Công ty Chalieco (Trung Quốc) chỉ là nhà thầu xây dựng, vận hành và chuyển giao hai nhà máy a-lu-min và họ sẽ rút khi nhà máy được bàn giao cho chủ đầu tư. Theo khảo sát thực tế của phóng viên Báo Nhân Dân, để tiến hành triển khai thực hiện hợp đồng EPC hai nhà máy này, đến ngày 24-4, số lao động Trung Quốc có mặt tại Tổ hợp bô-xít Nhôm Lâm Ðồng là 583 người, trong đó có 38 nữ. Tại Ðác Nông, hiện nay mới có một số chuyên gia của Chalieco sang làm việc với các ngành chức năng của tỉnh Ðác Nông để tìm hiểu các quy định của pháp luật Việt Nam về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, chứ không có lao động phổ thông người Trung Quốc làm việc tại Ðác Nông. Về vấn đề này, Bộ Chính trị chỉ đạo: phải sử dụng lao động trong nước, chỉ sử dụng lao động kỹ thuật nước ngoài khi cần thiết và phải quản lý tốt lao động nước ngoài.

Thế nhưng, do thiếu thông tin và không có sự tìm hiểu kỹ càng, một số người chẳng biết dựa vào đâu đã thông tin rằng, lao động Trung Quốc "rầm rập kéo vào Tây Nguyên"; rằng, "Người dân tộc thiểu số khốn khổ đã phải ngơ ngác thiên di đi nơi khác, nhường chỗ cho hàng nghìn công nhân Trung Quốc được nhập khẩu ồ ạt"; hay chính quyền đã "nhượng quyền khai thác quặng bô-xít "trọn gói" từ khai thác tới chế biến thành bột a-lu-min rồi đưa về Trung Quốc tinh luyện thành nhôm"(!).

Phát triển công nghiệp nhôm gắn với phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương không chỉ là nguyện vọng của Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Ðác Nông, Lâm Ðồng, mà còn là nghĩa vụ và trách nhiệm của TKV. TKV cam kết áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong việc khai thác, chế biến quặng bô-xít đi liền với hoàn thổ, trồng và bảo vệ rừng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng dự án, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Quặng bô-xít ở Tây Nguyên có bề dày 1 - 8 m, phân bổ trên đỉnh đồi đến sườn đồi (trên mực nước ngầm), dưới lớp đất phủ dày trung bình 1 - 1,2 m), nên việc khai thác quặng, TKV cam kết thực hiện theo phương pháp lộ thiên "cuốn chiếu" hết khoảnh này đến khoảnh khác, dịch chuyển theo thời gian, khai thác đi trước, hoàn thổ đi liền sau. Với nguyên tắc khai thác đến đâu, hoàn thổ đến đó, cho nên việc thuê đất để khai thác chỉ cần thời gian 1 - 2 năm và đất sau hoàn thổ có thể được bàn giao lại. Những cam kết của TKV cần phải được giám sát chặt chẽ để bảo đảm phát triển kinh tế phải gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường!

Khai thác và chế biến bô-xít có tác động đến môi trường, hệ sinh thái và xã hội Tây Nguyên. Tiếp thu ý kiến đóng góp đúng đắn của các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước, các nhà khoa học, của những người dân tâm huyết với sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và của Tây Nguyên nói riêng, với hiệu quả toàn diện của các dự án khai thác bô-xít, sản xuất a-lu-min và nhôm, Bộ Chính trị đã giao Ban Cán sự Ðảng Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và khu vực Tây Nguyên trong từng thời kỳ; gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, đạt hiệu quả toàn diện. Kết luận của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ: "Khẩn trương lập báo cáo môi trường chiến lược và báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng dự án để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Riêng dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện".

Tất cả những việc làm trên thể hiện sự cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng của Ðảng và Nhà nước ta trước một dự án lớn. Ðồng thời, cũng thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp, tâm huyết của cán bộ, đảng viên và nhân dân, bảo đảm cho dự án đạt hiệu quả toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và gìn giữ môi trường. Vì vậy, cần phải có những thông tin đầy đủ, toàn diện về dự án để tránh những bức xúc do thiếu thông tin hoặc do thông tin sai lạc. Nhất là, cần cảnh giác và có thái độ rõ ràng, kiên quyết với những mưu toan chính trị hóa vấn đề của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí, muốn chia rẽ nội bộ chúng ta; xuyên tạc sự thật, lợi dụng những tình cảm thiêng liêng trong trái tim, khối óc mỗi người để kích động hòng thực hiện những mưu đồ xấu xa của họ.

Xuân Quang

0 comments: