Suy nghĩ từ kết luận về bô-xít Tây Nguyên

Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/6834/index.aspx


(TuanVietNam)- "Như nhiều người, tôi cũng đã mong đợi Kết luận của Bộ Chính trị được đưa ra sớm hơn, bởi một lẽ dĩ nhiên ra sớm hơn sẽ tốt hơn. Nhưng điều chính yếu là các ý kiến phản biện đã được lắng nghe và nhờ vậy đã có những điều chỉnh quan trọng." - GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Đại biểu Quốc hội.

Móng nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai,
Lâm Đồng. Ảnh: laodong.con.vn
Sau cuộc hội thảo ngày 9/4/2009, một cuộc trao đổi thẳng thắn và xây dựng, dư luận chờ đợi xem sự phản biện này, khá toàn diện về nội dung, rộng rãi về đối tượng tham dự, đối với hai dự án khai thác bô-xít để sản xuất alumina tại Tân Rai và Nhân Cơ, và rộng hơn là quy hoạch khai thác bô-xít ở Tây Nguyên cho đến năm 2015 có xét đến năm 2025, sẽ được Đảng và Nhà nước tiếp nhận như thế nào.

Ngày 24.04.2009, Bộ Chính trị đã ra thông báo (số 245- TB/TW) Kết luận của Bộ Chính trị về “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025”.

Tiếp nhận Kết luận này như thế nào tùy thuộc vào mỗi người. Đối với tôi, Kết luận cho thấy Bộ Chính trị đã lắng nghe các ý kiến đã được phát biểu và nhiều ý kiến đã được tiếp thu. Bao trùm nhất là đã có một bước đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng.

1. Đối chiếu với những tham luận ngày 09.04.2009, tôi ghi nhận về quy hoạch và kế hoạch khai thác bô-xít, Bộ Chính trị đã lưu ý đến hiệu quả tổng thể, kinh tế và xã hội, tiết kiệm tài nguyên, thị trường (nhu cầu và sức cạnh tranh).

Nhiều vấn đề tác động đến môi trường từ khâu khai thác như chế biến, vận chuyển đến xử lý chất thải, lựa chọn công nghệ, quan tâm đến đời sống và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương, cũng đã được nhấn mạnh.

Nhiều vấn đề trước đây được xem là nhạy cảm cũng đã được nêu rõ trong Kết luận: việc sử dụng lao động nước ngoài phải đúng quy định của pháp luật, Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài.

Bộ Chính trị đã chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp khai thác bô-xít, chế biến alumin, nhôm phải bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của đất nước; có bước đi thích hợp, từ nhỏ đến lớn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và khu vực Tây Nguyên trong từng thời kỳ.

Tiếp tục thực hiện chủ trương triển khai hai dự án ở Tân Rai và Nhân Cơ, nhưng đối với dự án Nhân Cơ, Bộ Chính trị chỉ đạo “cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện”.

Bộ Chính trị yêu cầu “khẩn trương lập báo cáo môi trường chiến lược (ĐMC) và báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của từng dự án”. Một điều chỉnh quan trọng nữa so với trước đây là “chưa chủ trương bán cổ phần cho tổ chức và cá nhân nước ngoài”.

2. Làm gì sau Kết luận của Bộ Chính trị? Theo thiển ý của tôi, giờ đây dư luận xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học và đặc biệt là Quốc hội cần giám sát sát sao việc triển khai thực hiện đúng đắn Kết luận của Bộ Chính trị.

Trong các lĩnh vực lựa chọn công nghệ, tính toán cân bằng nước, mối quan hệ giữa nước mặt và nước ngầm tại Tây Nguyên và với các vùng lân cận, đặc biệt miền Đông Nam Bộ, xử l‎ý chất thải bùn đỏ, bảo vệ đa dạng sinh học, quan trắc diễn biến môi trường… các nhà khoa học, các hiệp hội ngành nghề có rất nhiều việc để nghiên cứu và giám sát.

Thiết nghĩ, Bộ Chính trị và Thường trực Chính phủ nên sớm ban hành các cơ chế cần thiết, trong đó có cơ chế để có được thông tin.

3. Như nhiều người, tôi cũng đã mong đợi Kết luận của Bộ Chính trị được đưa ra sớm hơn, bởi một lẽ dĩ nhiên ra sớm hơn sẽ tốt hơn. Nhưng điều chính yếu là các ý kiến phản biện đã được lắng nghe và nhờ vậy đã có những điều chỉnh quan trọng.

Cũng không có gì là lạ, trong thời gian qua, bên cạnh những ý kiến phản biện tâm huyết và khoa học của các giới, đã có những phát biểu mang tính xuyên tạc của một số người muốn lợi dụng vấn đề bô-xít để kích động, chia rẽ dân tộc. Tuy nhiên những ý kiến lạc lõng này chỉ càng làm sáng hơn các phản biện xây dựng và khách quan.

Nhìn về tương lai, tôi tin chắc trí tuệ Việt Nam sẽ tìm ra các phương thức thích hợp để thực hiện đúng đắn cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

  • GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân

0 comments: