Đánh giá lại hiệu quả dự án bô-xít Tây Nguyên
Posted On Saturday, April 11, 2009 at at 2:00 AM by Bô-xít Tây Nguyên
Link gốc: http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2009/04/3BA0DD52/
Đánh giá lại hiệu quả dự án bô-xít Tây Nguyên
Không triển khai dự án bằng mọi giá, xem xét lại hiệu quả kinh tế của dự án trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay... là kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải sau khi nghe đóng góp của các nhà khoa học về dự án bô-xít ở Tây Nguyên.
> Công bố quy hoạch dự án/ Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư tới hội thảo
Theo đánh giá của chủ đầu tư - Tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV), Việt Nam là nước có trữ lượng bô-xít lớn thứ 3 thế giới. Trong đó chỉ riêng 2 tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng, trữ lượng tài nguyên khoảng 5,4 tỷ tấn quặng nguyên khai tương ứng với 2,3 tỷ tấn tinh quặng. Tuy nhiên, tại hội thảo khoa học quy mô lớn do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hôm qua ở Hà Nội, nhiều đại biểu lo ngại về hiệu quả kinh tế của dự án, đặc biệt là 2 nhà máy sản xuất alumin ở Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông).
Phó thủ tướng chính phủ Hoàng Trung Hải. Ảnh: Hoàng Hà. |
Là người tham gia nghiên cứu và triển khai các dự án bô-xít ở Việt Nam trước đây, Tiến sĩ luyện kim Nguyễn Văn Ban đánh giá cả hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ khó đạt hiệu quả kinh tế. Hai dự án có cùng công suất thiết kế 600.000 tấn alumin mỗi năm, trong đó Tân Rai có vốn đầu tư ban đầu 628 triệu USD, còn Nhân Cơ là 697 triệu USD. Tuy nhiên, đến nay mức đầu tư đang tăng lên nhiều so với dự tính, riêng Tân Rai, số liệu do chính Ban Quản lý dự án Tổ hợp bô-xít nhôm Lâm Đồng công bố hôm 25/2 đã lên đến 800 triệu USD.
Giá thành mỗi tấn alumin của Tân Rai và Nhân Cơ lần lượt là 223-235 USD, theo đánh giá của tiến sĩ Ban, còn cao hơn nhiều so với giá thành alumin thế giới. Với giá thành cao như vậy, khả năng cạnh tranh của hai dự án rất thấp. Chưa kể tới chuyện, TKV tính toán các chi phí phát sinh như thuế suất xuất khẩu, phí môi trường, phí hoàn nguyên phục hồi môi trường ở mức thấp so với thực tế. Giá bán dự kiến (362 USD một tấn) cũng được xây dựng ở mức cao hơn nhiều so với hiện nay, khiến bài toán cân đối đầu vào và đầu ra càng chênh vênh.
Trong khi đó, việc vận chuyển quặng từ khai trường về nhà máy rất phức tạp và tốn kém. Theo ông, mỗi năm Tân Rai phải chi cho vận tải số tiền tối thiểu là 24,6 triệu USD còn Nhân Cơ là 38 triệu USD.
"Nếu mức đầu tư thay đổi lớn như vậy, lỗ vốn là nguy cơ khó tránh. Chỉ cần áp dụng đúng các biểu phí và thuế suất hiện nay, hoặc giá bán giảm khoảng 5% so với dự kiến, dự án sẽ không đạt hiệu quả kinh tế" ông Ban nói thêm.
Cùng nhận định trên, ông Phạm Bích San, Liên hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, dự án bị hạn chế vì hiệu quả kinh tế thấp. "Bởi mức giá hiện tại ta rất khó cạnh tranh". Ông lo ngại, dự án bước đầu triển khai nhưng đã gặp phải nguy cơ thua lỗ dễ dẫn đến là gánh nặng cho ngân sách sau này.
Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư, ông Đoàn Văn Kiển - Chủ tịch Hội đồng quản trị TKV lại khá lạc quan vào hiệu quả kinh tế của dự án. Ông minh chứng, mỗi dự án 0,6 triệu tấn alumin một năm sẽ tạo ra khoảng 2.000 việc làm với doanh thu 150 - 200 triệu USD. Với tư cách là chủ đầu tư, ông Kiển cho rằng, hơn ai hết TKV đã phân tích kỹ lưỡng về hiệu quả của dự án. Đời dự án dài tới hơn 40 năm, tất cả các thông số chỉ là dự báo. Ông Kiển minh họa, giá alumin có khi xuống 200 USD mỗi tấn nhưng có lúc lại lên tới 600 USD. "Điều này, ai tính trước được? Tại thời điểm khủng hoảng kinh tế, chúng tôi có thể lỗ nhưng đó chỉ là mang tính thời điểm. Sau 13 năm, chúng tôi sẽ hòa vốn. Nếu chưa triển khai mà đã kết luận chúng tôi sẽ bi lỗ thì tôi e rằng hơi sớm”, ông Kiển bày tỏ.
Trước nhiều ý kiến trái chiều, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận, chủ trương phát triển ngành công nghiệp khai thác bô-xít, sản xuất alumina ở nước ta là đúng đắn và được thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 10. Việt Nam có nguồn tài nguyên bô-xít lớn, có tiềm năng để hình thành ngành công nghiệp khai thác, sản xuất alumina lớn, tuy nhiên, không thể phát triển bằng mọi giá. Để triển khai thành công các dự án bô-xít cần có giải pháp quản lý, thực hiện chặt chẽ và hiệu quả .
Ông cũng nhìn nhận, quy hoạch bô-xít được lập dựa trên những dự báo về kinh tế, thị trường. Tuy nhiên, nhiều dự báo không chuẩn xác. Quy hoạch được chuẩn bị trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh, vì vậy đã đưa ra số lượng dự án và sản lượng thiên về tích cực. Do đó, khi nền kinh tế gặp khủng hoảng, đòi hỏi phải có sự đánh giá lại và điều chỉnh cho phù hợp. "Hiệu quả kinh tế là vấn đề Thủ tướng đặc biệt quan tâm. Dứt khoát không được để lỗ. Dứt khoát không để tiềm năng này biến Tây Nguyên thành đói nghèo". Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Do còn nhiều nghi ngại về hiệu quả kinh tế của các dự án , Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và Tập đoàn TKV cần nghiên cứu tính toán lại hiệu quả của dự án cho sát biến động của tình hình kinh tế thế giới.
Không chỉ lo ngại về tính khả thi trong hiệu quả kinh tế, nhiều vị đại biểu cho rằng ô nhiễm môi trường từ khai thác quặng bô-xít là điều khó tránh khỏi. Nguy cơ thiếu nước, bùn đỏ, xói mòn đất, địa chất công trình… liên tiếp được đặt ra. Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại quốc hội cho rằng, ảnh hưởng môi trường từ khai thác bô-xít còn quan trọng hơn hiệu quả kinh tế mang lại. Khi tận dụng các thung lũng làm hồ chứa nước và làm hồ chứa bùn đỏ thì tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Bùn đỏ thẩm thấu nước ngầm, tràn ra ngoài gây ô nhiễm. Ngoài ra, sử dụng nước mặt cũng khó thực hiện vì nước đã được quy hoạch làm thủy điện hoặc tưới tiêu.
"Trung Quốc mới cho đóng cửa hơn 100 mỏ bô-xít vì ô nhiễm môi trường và yêu cầu các doanh nghiệp phải trả lại nguyên trạng khu vực khai thác sau 4 năm vì lo ngại ô nhiễm", ông Trân cảnh báo. Ông cũng đề xuất, nếu thật cần thiết thì Chính phủ cho phép triển khai thí điểm dự án Tân Rai để học tập, rút kinh nghiệm.
Đại biểu Nguyễn Trung cảnh báo, nếu xây dựng hồ chứa bùn đỏ ở độ cao 700-800m, gần khu dân cư thì nguy cơ ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, đại diện cho Bộ Tài nguyên Môi trường, ông Bùi Cách Tuyến, Cục phó Cục Bảo vệ tài nguyên, khẳng định, khi cấp phép thăm dò bô-xít cho Tập đoàn. Than - Khoáng sản Việt Nam, Bộ đã đưa ra hàng loạt điều kiện, nếu đảm bảo đúng các tiêu chí này thì dự án sẽ không ảnh hưởng tới môi trường.
Hai nhà thầu Mỹ và Trung Quốc tham gia hội thảo đã đưa ra các bằng chứng cho thấy có thể phục hồi môi trường đất, nước sau khi dự án hoàn tất. Tuy nhiên, các ví dụ chỉ đề cập tới chuyện có thể trồng cây tự nhiên, chứ không nói tới cây công nghiệp. Trong khi đó, tại Tây Nguyên, trên khu vực đất đỏ bazan - nơi tập trung nhiều mỏ bô-xít đang có gần nửa triệu ha cà phê. Theo tính toán của một chuyên gia cà phê, năng suất ở đây đạt khoảng 2 tấn trên mỗi ha, giá bán bình quân hiện vào khoảng 1.500 USD mỗi tấn.
Chia sẻ với các đại biểu, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đồng tình dự án bô-xít đặt ra các lo lắng là chính đáng. Ông cho hay, các dự án bauxite lớn đều trong giai đoạn nghiên cứu chuẩn bị dự án. Dự án Alumina Tân Rai và Nhân Cơ là các dự án thí điểm để tìm hiểu công nghệ, thị trường. Dự án Tân Rai đã được nghiên cứu từ những năm 90, đến nay vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi về công nghệ, môi trường. Do đó vẫn cần phải có sự giám sát. Riêng dự án Nhân Cơ, do có sự thay đổi về công suất nên phó thủ tướng yêu cầu, "dứt khoát phải lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM) điều chỉnh và trình duyệt trước khi triển khai thực hiện".
Cho rằng các lo lắng về môi trường là có cơ sở, tuy nhiên, phó thủ tướng khẳng định, công nghệ và các giải pháp hiệu nay đều có thể giảm thiểu tác hại xấu đến môi trường. "Dù dự án này không thuộc diện phải có sự giám sát của Quốc hội hay cơ quan Bộ, nhưng do tính chất quan trọng tôi yêu cầu các Bộ liên quan có kế hoạch giám sát, kịp thời báo cáo những vấn đề phát sinh để đảm bảo dự án có được hiệu quả tốt nhất", Phó thủ tướng chốt.
Nhóm phóng viên