Từ chiến thắng Buôn Ma Thuột nghĩ về địa chiến lược Tây Nguyên

Link gốc: http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/6346/index.aspx

(TuanVietNam) - "Tây Nguyên luôn luôn là địa chính trị, địa chiến lược và địa kinh tế của Việt Nam. Chúng ta phải biết cách bảo vệ gìn giữ yếu huyệt này. Khai thác Tây Nguyên cho mục đích kinh tế phải hết sức cẩn trọng, cân đối giữa bảo vệ sinh tồn và an ninh phát triển."

Nhân kỷ niệm 34 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, điểm mở đầu trúng huyệt dẫn tới chiến thắng lịch sử 30/4/1975, Đại tá Nguyễn Huy Toàn, chuyên gia lịch sử quân sự và đại tá Quách Hải Lượng, chuyên viên cao cấp Viện nghiên cứu Chiến lược Quân sự phân tích về vị trí chiến lược của Tây Nguyên và những vấn đề đặt ra khi phát triển khu vực trọng yếu này.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ý nghĩa địa chiến lược, địa chính trị và địa kinh tế của khu vực Tây Nguyên đối với đất nước vẫn nguyên vẹn, không hề thay đổi.
(Ảnh: aquasite.net)


“Ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Việt Nam và Đông Dương”

Từ xưa đến nay, khi nghiên cứu về Việt Nam, người ta thường đánh giá Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, có giá trị rất lớn về mặt quân sự, kinh tế, chiến lược.

Cha ông từ xa xưa đã nhận định vùng Tây Nguyên quan trọng tới mức nếu ai chiếm được Tây Nguyên thì coi như đã làm chủ được Việt Nam và Đông Dương.

Sau này, người Pháp, người Mỹ và thế giới cũng nhận thức được vị trí yết hầu của khu vực này với câu nói nổi tiếng: Đây là “nóc nhà của Đông Dương”. Vùng đất này liền kề ngã ba Đông Dương, cho nên khi chiếm lĩnh được khu vực này thì cũng dễ dàng chiếm lĩnh được toàn bộ Đông Dương.

Việc này được chứng minh rất rõ. Trong kháng chiến chống Pháp, Bắc Bộ mới là chiến trường chính. Nhưng khi mở chiến dịch Điện Biên Phủ, ta mở 7 chiến dịch ở 7 khu vực, trong đó, có một trận rất lớn được mở ở Tây Nguyên để bẻ gãy binh đoàn 100 của Pháp. Sau đó ta mới làm trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Trong kháng chiến chống Pháp, Tây Nguyên có vị trí quan trọng như vậy.

Người Mỹ ngay khi vào Việt Nam đã nắm bắt được vị trí chiến lược của Tây Nguyên và tập trung tinh lực mạnh vào đây. Các tướng lĩnh Sài Gòn được giao nhiệm vụ chỉ huy ở khu vực này đều là những tướng sừng sỏ trận mạc nhất.

Có biết bao trận đánh mà chúng ta chưa thể giành lại được Tây Nguyên và cuộc chiến tranh cứ kéo dài mãi tới 20 năm.

Buôn Ma Thuột – đòn mở đầu trúng huyệt

Ban Mê Thuột 11.3.1975 (Nguồn: Việt Nam 30 năm chiến tranh giải phóng- NXB Thông tin 2004)

Mùa xuân năm 1975, khi hạ quyết tâm chiến lược để tổng tiến công, tổng nổi dạy ở Miền Nam, Bộ Chính trị có cuộc họp hết sức quan trọng. Tổng Bí thư Lê Duẩn nêu vấn đề: Chúng ta phải “điểm huyệt” ở đâu? Và ông đã nói: phải “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột. Vì nếu điểm huyệt được Buôn Ma Thuột, toàn bộ miền Nam sẽ rung chuyển, dẫn đến rút lui chiến lược ở Huế, Đà Nẵng, và đó là thời cơ để chúng ta thần tốc, thần tốc và thần tốc giải phóng miền Nam.

Trong chiến dịch Tây Nguyên, để bảo đảm chắc thắng trong trận then chốt Buôn Ma Thuột, từ ngày 4/3/1975, ta đã tiến công quy mô vừa và nhỏ ở Pleiku và Kontum để nghi binh, cắt đường 19, đường 21 nối với đồng bằng khu 5, ngày 8/3 đánh chiếm Thuần Mẫn, cắt đứt đường 14 giữa Pleiku và Buôn Ma Thuột; ngày 9/3 đánh chiếm khu Đức Lập, Núi Lửa làm cho Buôn Ma Thuột bị cô lập hòan toàn.

2 giờ sáng ngày 10/3, ta tập trung một lực lượng mạnh, hiệp đồng binh chủng đánh thẳng vào Buôn Ma Thuột, mở đầu chiến dịch Tây Nguyên, cũng là mở cửa đột phá của cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975.

Đến ngày 24/3, chiến dịch Tây Nguyên kết thúc, ta giải phóng toàn bộ vùng chiến lược Tây Nguyên.

Cái tài tình của chiến dịch là ta đã chọn và điểm trúng huyệt trọng yếu của địch, làm vỡ thế trận ngay từ đầu, từ thất bại về chiến dịch trở thành thất bại về chiến lược.

Cẩn trọng khi khai thác Tây Nguyên

Tây Nguyên - mảnh đất đầy tiềm năng
và chúng ta phải hết sức thận trọng khi
lên kế hoạch khai thác. (Ảnh: aquasite.net)
Chiến tranh đã lùi xa, hơn 30 năm đất nước có hòa bình nhưng ý nghĩa địa chiến lược, địa chính trị và địa kinh tế của khu vực Tây Nguyên đối với đất nước vẫn nguyên vẹn, không hề thay đổi.

Chính vì vậy, trong suốt hơn 30 năm hòa bình, thống nhất Tổ quốc, các thế lực thù địch vẫn không thôi nhòm ngó và tìm cách kích động, quấy phá ở khu vực này.

Hai cuộc bạo loạn năm 2001 và 2004 đã minh chứng rất rõ về tính chất nhạy cảm và ý nghĩa chiến lược của khu vực này đối với an ninh quốc gia.

Nằm trong vành đai núi lửa Thái Bình Dương nên Tây Nguyên cực kỳ giàu tài nguyên, không chỉ bô-xít mà còn nhiều loại khoáng sản quý hiếm khác.

Vấn đề là trữ lượng của những mỏ này rất ít, nếu khai thác thủ công thì không đủ hoàn vốn, còn khai thác công nghiệp, thì chưa triển khai xong, mỏ đã cạn kiệt. Hoặc trữ lượng lớn như bô xít thì lại phân bố trên địa tầng mỏng, diện rộng nên khi khai thác phải bóc bỏ đi cả một lớp thực vật, ảnh hưởng đến môi sinh.

Vì vậy, nếu đặt vấn đề khai thác cần phải cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Điều quan trọng hơn cần lưu ý, không giống như dầu khí có thể làm với người Nga, người Mỹ, khu vực này rất không nên đưa bất cứ một người nước ngoài nào vào khai thác vì đây là địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự rất nhạy cảm.

Nhìn ra thế giới, nước nào cũng vậy, cũng có những vùng cấm, khu vực cấm đối với người nước ngoài. Ta cũng phải biết giữ yếu huyệt này.

Thật ra, phát triển kinh tế là nhu cầu bức thiết và chính đáng của cả dân tộc này, kể từ người lãnh đạo cao nhất đến những người dân thường. Nhưng khi thực hiện, đòi hỏi chúng ta phải thông minh, biết cân đối giữa dựng nước và giữ nước, giữa giữ vững an ninh quốc gia và xây dựng phát triển đất nước, giữa vấn đề kinh tế thị trường và những vấn đề liên quan tới bảo vệ sinh tồn và an ninh phát triển.

Nếu không suy nghĩ được một cách tổng hợp như vậy, lệch theo hướng nào cũng để lại những nguy hại về lâu dài.

Tây Nguyên luôn luôn là địa chính trị, địa chiến lược và địa kinh tế của Việt Nam. Chúng ta phải biết cách bảo vệ gìn giữ yếu huyệt này.

Nhiều khi phải bỏ qua lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ lợi ích lâu dài của dân tộc. Nếu chỉ vì lợi ích trước mắt, chúng ta sẽ có tội với thế hệ mai sau.

  • Nguyễn Huy Toàn – Quách Hải Lượng
  • Thu Hà (ghi)

0 comments: