Gánh nặng của thế hệ hôm nay

Link gốc: http://www.laodong.com.vn/Home/Ganh-nang-cua-the-he-hom-nay/20091/123460.laodong

(LĐ) - Trữ lượng các loại khoáng sản ở nước ta rất nhiều. Có khoáng sản thì chúng ta phải khai thác phục vụ đời sống, phát triển. Nhưng đã qua rồi cái thời cứ vô tư khai thác không cần biết đến hệ lụy về môi trường sống.

Nếu khai thác nhiều quá thì những chất thải độc hại nhiều tỉ tấn cứ thế "trôi" và rải khắp nơi.

Nhiều tỉ tấn chất thải sẽ tàn phá hàng triệu hécta đất canh tác và khi ấy chúng là tai hoạ đối với mùa màng, cây cối, con người. Ơ các nước tiên tiến, muốn khai thác quặng độc hại, người ta phải tìm một thung lũng "chết" để chứa chất thải vào đó, sao cho hạn chế đến mức thấp nhất sự thiệt hại của môi trường ở những vùng sinh thái cận kề. Giải pháp đó hiện nay ở nước ta là rất khó, bởi chúng ta không dễ tìm được một thung lũng có đủ độ an toàn như thế.

Bài toán về khai thác tài nguyên thật khó. Không thể không khai thác nguồn tài nguyên quý giá, nhưng cũng không thể bất chấp hiểm hoạ môi trường và rất nhiều hệ lụy... Không thể vì lợi ích thu được tiền từ khai thác khoáng sản mà lại làm thiệt hại nghiêm trọng đến môi sinh của hàng triệu người.

Ngay cả khi có những đối tác nước ngoài có đủ tiềm lực kỹ thuật, tài chính vào khai thác thì họ có đủ tâm huyết và khả năng để bảo vệ môi trường sống cho con cháu chúng ta hay không lại là vấn đề lớn, cần phải cân nhắc kỹ càng.

Lo cho cháu con mai này là trách nhiệm và là đạo lý của cha ông. Nếu chưa thể lo được thì ít nhất cũng tìm giải pháp để đề phòng hiểm hoạ. Làm sao có thể thực thi những dự án trong khi đã biết chắc rằng dự án đó sẽ gây ra rất nhiều hiểm hoạ cho đời sau? Trách nhiệm của người đi trước luôn phải là đủ khả năng, tầm nhìn, hiểu biết để lượng định mọi hậu quả có thể xảy ra. Rất nhiều nhà khoa học, kinh tế học đã cảnh báo, có nghĩa là chúng ta đã biết; vậy thì, tại sao nơi này, nơi kia vẫn tiếp tục làm điều sẽ gây nguy hại đến cuộc sống của thế hệ sau?

Có tài nguyên thiên nhiên là tốt, cần lắm. Nhưng, có những đất nước không có tài nguyên vẫn giàu có như thường - bài học từ Nhật Bản là một dẫn chứng điển hình. Nếu chúng ta cứ vắt thật nhanh, bòn thật nhiều "của để dành" cho con cháu, thì mai này lịch sử sẽ ra sao? Dù muốn hay không, chúng ta cũng buộc phải thừa nhận rằng chưa bao giờ tài nguyên của đất nước bị khai thác một cách vội vã đến như thế và, chưa đủ tinh thần trách nhiệm đến như thế.

Phải giải quyết xong "bài toán" chất thải từ việc khai thác các loại quặng trước khi khai thác nó, đó là nguyên tắc. Phải tính toán sao cho tài nguyên của đất nước được chia đều cho nhiều thế hệ là bổn phận của những người đi trước. Đây không là chuyện hôm nay, mà là lợi ích dài lâu. Nếu không vì lợi ích dài lâu, đất nước ta sẽ không phát triển bền vững.

Hà Văn Thịnh


0 comments: