Tây Nguyên oằn mình vì bô-xít
Posted On Wednesday, December 17, 2008 at at 12:59 AM by Bô-xít Tây Nguyên
Tây Nguyên oằn mình vì bô-xít | ||||||||||
- Trong khi các nhà khoa học đang phản biện, cảnh báo những được mất về dự án khai thác bô - xít ở Tây Nguyên, thì nơi này đang phải oằn mình gánh chịu những tác động ban đầu, dù chưa có “mẻ” bô - xít nào được móc lên. Tương tự dự án khai thác bô - xít, luyện alumin ở Nhân Cơ, huyện Đăk R’Lấp, Đắc Nông, dự án “đào bới” bô - xít luyện alumin Tân Rai, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng chỉ mới dừng lại ở việc san lấp mặt bằng, chuẩn bị dựng nhà máy tuyển quặng.
Dù chưa thấy hết những hậu quả từ việc khai thác bô xít, song những gì Tây Nguyên đang trải qua cũng đã báo hiệu những tác hại khôn lường như đã được cảnh báo nếu dự án đi vào hoạt động. Biến hồ chứa nước thành hồ chứa… bùn đỏ Qua đoạn đường đồi ngoằn ngoèo hơn 30km, từ thị xã Bảo Lộc, chúng tôi đến thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng. Biển báo trụ sở của Công ty bô - xít Lâm Đồng nằm khiêm tốn như biển hiệu quán cơm ven tỉnh lộ 725. Cách biển báo của Công ty bô - xít Lâm Đồng chừng 1km, tỉnh lộ 725 đã bị cắt đứt, và phủ kín bởi đống đất đỏ. Người ta đã san bằng rừng thông, và những đồi chè, cà phê để lấy mặt bằng dựng nhà máy tuyển quặng tại đây. Còn tỉnh lộ 725 được uốn chuyển cách vị trí cũ chừng 1km, đi ngang qua mạng sườn của nhà máy tuyển quặng trong tương lai. Thị trấn Lộc Thắng, nơi đặt nhà máy tuyển quặng, trông đìu hiu, xơ xác bởi những đồi chè và những ngôi nhà đã bị bỏ hoang, từ khi nông dân nhận được tiền đền bù. Chỉ còn lác đác vài căn liêu xiêu có tiếng trẻ con giữa đồi chè trông rệu rã bởi thiếu bàn tay chăm sóc. Họ là những hộ còn “kẹt” lại vì chuyện tiền nong đền bù chưa thỏa đáng. “Không biết lợi lộc gì, chứ giờ thấy khổ quá chú ơi! Ngày nào cũng đứng nhìn mấy đồi chè mà đau đứt ruột. Chăm tụi nó (chè) thì thấy phí công, vì họ sẽ đẩy xe ủi vô, san bằng hết, mà bỏ không đó thì thấy đau, nhưng chẳng biết làm sao nữa!”, ông Vũ Văn Bảy than thở.
Ông Bảy là một trong những hộ đang cố bám đất, đòi công bằng cho mình. Ông kể, từ năm 2006, chính quyền địa phương đã thông báo và tiến hành đo đạc để đền bù, giải tỏa, nhường mặt bằng để người ta khai thác quặng bô - xít. “Nghe chủ trương của Nhà nước thì dân như tôi chấp hành thôi, chứ chẳng biết cái dự án kia lợi hại thế nào?! Nhưng giờ thì thấy khổ rồi! Không chỉ vì chuyện tiền nong đền bù, mà chúng tôi đang lo lấy đất đâu để trồng cây, mà không có đất thì nông dân như chúng tôi làm sao sống?”, ông Bảy nói thêm. Chẳng phải là chuyện thiếu đất để trồng cây, mà nông dân cần những khu canh tác gần nguồn nước, để tiện cho tưới tiêu. Đất thì không thiếu, nhưng đất để trồng trọt được thì chẳng phải dễ có giữa đại ngàn luôn thiếu nước như vùng Tây Nguyên. Ông Bảy chỉ xuống thung lũng, nơi có hồ chứa nước rộng cả trăm hecta, dưới chân đồi, rồi cho biết, đó là một trong những nguồn nước quan trọng để nông dân ở đây tưới tiêu cho mấy đồi chè, cà phê. Nguồn nước này khá dồi dào, vì được cung cấp bởi các suối, mương rạch từ phía thượng nguồn chảy về, và cả nước mưa.
Nhưng theo quy hoạch của dự án khai thác bô - xít ở Lâm Đồng, cái hồ nước rộng cả trăm hecta kia sẽ là nơi chứa bùn đỏ, chất thải từ khâu tuyển quặng bô - xít để luyện alumin. Ông Lê Việt Quang, Giám đốc Công ty bô - xít Lâm Đồng (thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam) cho biết, công ty này vừa hợp đồng với đối tác Trung Quốc về việc xử lý bùn đỏ. Ông Quang xác nhận việc hồ nước này sẽ bị “xóa sổ”, và các chuyên gia của Trung Quốc sẽ tiến hành nạo vét lòng hồ, lót chống thấm và biến hồ nước này thành hồ chứa bùn đỏ. Nông dân lao đao vì bô - xít Từ khi dự án triển khai tại Bảo Lâm, Lâm Đồng, cuộc sống người dân ở đây đã có sự xáo trộn. Chưa thấy được cảnh khá giả, nhưng những thân phận lao đao vì dự án bô - xít thì đã rõ. Nông dân bị đẩy xa những hồ nước, đồi chè, họ được đưa về tái định cư nơi tử tế hơn, nhưng lại lo ngay ngáy vì chẳng biết cách nào kiếm sống, khi những đồng tiền đền bù vơi đi và họ chưa tiếp nhận được phương thức kinh doanh chốn thành thị.
Anh Nguyễn Văn Chuyền là một trong những hoàn cảnh éo le đó. Từ một chủ đất, giờ anh phải đi ở thuê và làm mướn cho người khác kiếm sống qua ngày. “Tôi có 2,3ha đất trồng chè và cà phê, mỗi năm thu được khoảng 15 triệu. Khi dự án đến, họ hỗ trợ và đền bù cho chúng tôi được 154 triệu, và tôi phải mua lại nền nhà tái định cư ngoài thị trấn Lộc Thắng. Dù đã đăng ký nhưng đến nay vẫn chưa nhận được nhà, nhưng có về đó ở thì cũng chưa biết phải làm gì ăn”, anh Chuyền tâm sự. Như gia đình ông Bảy, anh Chuyền đang phải lo đến nẫu ruột chuyện kiếm kế sinh nhai. Đất mình đã bị thu hồi để làm nhà máy tuyển quặng, nhà mới chưa có, giờ vợ chồng và đứa con anh dắt nhau đi ở trọ, còn anh chạy một chân làm thuê cho người khác để kiếm sống. “Cầm chừng ấy tiền chứ chẳng dễ để mua được miếng đất canh tác đâu anh! Chỗ nào gần nguồn nước tưới tiêu thì cũng chỉ mua được 2 sào, nhưng ai chịu bán lẻ cho mình thế. Còn muốn rộng hơn thì phải vào sâu hơn, nhưng chẳng có nước để tưới tiêu thì cũng coi như tiêu luôn!”, anh Chuyền tính toán. Với những nông dân quanh năm chỉ biết bám nương, bám rẫy, thì cuộc sống của họ phụ thuộc vào nguồn nước, đất. Khi mà hai điều kiện thiết yếu bị mất đi, cuộc sống họ lao đao là điều tất nhiên. Trong khi đó, dự án tuyển quặng bô - xít để sản xuất alumin lại cần một nguồn nước dồi dào, nhưng lại chẳng phải dễ dàng với nơi đây, thì khi dự án triển khai, những đồi chè, cà phê chắc chắn phải lao đao theo vì cơn khát.
Để giải quyết bài toán này, ông Lê Việt Quang cho biết, trong dự án khai thác mỏ quặng Tân Rai có đầu tư xây dựng một đập nước ở Cai Bản, có sức chứa 21 triệu m3. Trong đó, 18 triệu m3 dùng cho việc tuyển quặng, khối lượng còn lại sẽ cung cấp cho nông dân dùng tưới tiêu. Dự án xây dựng đập này sẽ hoàn thành vào mùa khô 2009. Mặc dù được “vẽ” một bức tranh sáng màu về nguồn nước cho nông dân trong vùng, nhưng đến nay, đập Cai Bản vẫn chỉ là bản vẽ. Và cho dù có xây được đập đi chăng nữa, thì việc cam kết chia nước trên có thực hiện đều đặn, hay còn phụ thuộc vào công suất của nhà máy, thì điều này không nằm trong tầm kiểm soát của nông dân. Đó là chưa kể, để dẫn được nước từ đập Cai Bản đến các khu vực trồng trọt của nông dân chẳng hề đơn giản như cắm ống hút vào ly nước. Rồi đây, nông dân đã khó lại càng khó, nay phải đối mặt thêm với thảm cảnh về môi trường mà chưa thể lường hết được hậu quả của nó sẽ kinh khủng như thế nào?!
|
Lãnh đạo Đắk Nông: "Không làm thì bô - xít vẫn là đất thôi"!
Posted On Thursday, December 4, 2008 at at 1:37 PM by Bô-xít Tây Nguyên
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cho rằng, nguy cơ môi trường trong các dự án bô - xít có hiện hữu nhưng không lớn. Đổi lại, bô - xít sẽ đem đến tăng trưởng kinh tế và việc làm cho người dân địa phương.
Khai thác bô - xít ở Australia. Ảnh: staff.it.uts.edu.au |
Ông Điểu Kré, người dân tộc M" Nông là Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, Bí thư đảng bộ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
- Quan điểm hiện nay của tỉnh như thế nào đối với khai thác bô - xít?
Ông Điểu Kré: Với Đắk Nông, khu CN chưa có, chưa tiếp cận khu CN, và môi trường lao động nhiều nên chưa tiếp cận được thực tế đã xảy ra. |
Ông Điểu Kré: Đắk Nông có trữ lượng bô - xít lớn, tỉnh tha thiết đề nghị sớm triển khai khai thác, thi công nhà máy luyện alumin nhôm. Hiện nay Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam mới tiến hành khai khoáng, chưa có nhà máy luyện alumin nhôm. Đương nhiên, triển khai cũng có cái khó: Lượng điện chưa đủ để cung cấp nếu làm ngay nhà máy; nguồn nước để rửa quặng chưa đủ, và cơ sở giao thông rất hạn chế.
Quá trình làm tất nhiên vướng cái này cái khác nhưng chúng tôi đã huy động nhân dân trong vùng dự án, được dân rất ủng hộ.
Chúng tôi mong mỗi bộ ngành, các nhà khoa học sớm nói rõ về vần đề này không để sau này địa phương lừng chừng, có đầu tư hay không, hay là đầu tư như thế nào. Thông tin hiện nay tạo cản trở lớn với địa phương. Bà con đọc báo thấy bức xúc. Chính chúng tôi là những người vận động, làm việc với bà con để họ nhận thức, biết về phát triển chung đất nước, của Đắk Nông. Khi bà con nhận thức rồi, chúng ta đưa thông tin như thế chắc chắn sẽ gây khó nhiều. Do đó, trung ương phải sớm có quyết định.
- Như ông vừa nói, cái khó lớn nhất là lượng điện nước cung cấp cho nhà máy rất lớn. Trong khi đó, điện nước cung cấp cho cafe, cao su còn chưa đủ. Địa phương có phương án gì?
2-3 năm nữa sẽ đủ cấp điện. Riêng trong Đắk Nông, thủy điện lớn và vừa đã có 9 cái, chưa tính đến các công trình thủy điện do các DN tư nhân đầu tư, đủ điều kiện để cung cấp điện.
Cùng với sông suối cho thủy điện, lượng nước hi vọng có thể đủ.
"Mình không làm thì bô - xít vẫn là đất thôi"
- Quy hoạch khai thác chiếm tới 2/3 diện tích tỉnh Đắk Nông liệu có trở thành một cuộc đại khai phá Tây Nguyên?
Nói như vậy không phải. Người ngoài này đi chưa biết thực địa địa điểm bô - xít, nếu đã đến địa điểm sẽ thấy khai thác bô - xít chỉ một vùng nào đó thôi.
Nếu khai thác cả Đắk Nông thì đúng là Đắk Nông sẽ chết. Chắc chắn tỉnh không chấp nhận cách làm tràn lan như vậy. Tỉnh chủ trương khoanh vùng nhỏ ở nơi tập trung bô - xít. Thị xã Gia Nghĩa nhiều bô - xít nhưng một số huyện đâu có bô - xít, hoặc nếu có thì rất ít. Nói khai thác bô - xít hết cả Đắk Nông thì không phải, 1/2 cũng không phải, chỉ một phần thôi.
Khi các nhà khoa học tổ chức hội thảo, chúng tôi ủng hộ, nhưng nói như thế nào cho phù hợp, lượng thông tin như thế nào hai chiều thuận - nghịch thì chấp nhận được. Còn chỉ phản đối không, một chiều thì chúng tôi không đồng ý. Đánh giá phải trên cơ sở thực tiễn. Đánh giá như vậy là chủ quan.
- Nhưng thưa ông, diện tích đất chứa bô - xít, như lời ông nói là không lớn, song để khai thác còn phải dành đất xây khu nhà máy. Đặc biệt, khu chứa bùn đỏ...sẽ chiếm diện tích lớn. Theo như quy hoạch, sẽ chiếm 2/3 diện tích Đắk Nông?
Nếu lượng bô - xít ở Đắk Nông chiếm 2/3 diện tích là cũng đúng thôi. Tuy nhiên, chúng ta chỉ khai thác ở khu vực các rừng nghèo. Đất bô - xít như đồi trọc, trồng cái gì cũng không lên được, phía trên như đá lộ thiên nổi cục.
Đối với trung tâm tỉnh lị, trung tâm các huyện, khu dân cư đông đúc, khu di tích văn hóa - lịch sử, an ninh - quốc phòng, nói chung khu dân đang ở ổn định, dù có nhiều bô - xít đến mấy cũng không khai thác.
Quan điểm của địa phương là ưu tiên Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam khai thác. Nhiều DN đã ký hợp đồng nhưng lí do này khác không đủ thông tin, không đảm bảo yêu cầu về môi trường thì Bộ TN- MT, Chính phủ, trung ương và địa phương vẫn không chấp nhận.
Có những đối tác nước ngoài đủ điều kiện như Nga, chúng tôi rất tin tưởng. Chủ tịch Quốc hội nói Nga làm bô - xít rất tốt. Quan điểm của tỉnh là rất ủng hộ mời các nước đó tham gia. Còn những nước làm không đảm bảo môi trường, thì kiên quyết từ chối.
Tây Nguyên sẽ ra sao với những đại dự án bô - xít? Ảnh: Vnweblogs |
- Việt Nam muốn mời phía Nga tham gia nhưng chính Liên Xô cũ đã từng khuyên VN không nên khai thác bô - xít Tây Nguyên. Ông nghĩ sao về điều này?
Vấn đề này, Bộ trưởng TN-MT đã trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Trước đây ta nhìn nhận tài nguyên bô - xít không như hiện nay, ít quan tâm từ khai thác đến nhập khẩu. Gần đây do bô - xít có giá trị cao nên các nước, nhất là DN trong nước mới quan tâm như thế. Tôi nghĩ nôm na vậy.
Mình không làm thì bô - xít vẫn là đất thôi. Quan điểm của tỉnh là khai thác hợp lý, có quy hoạch, lớp lang, quy định rõ ràng, không khai thác ào ào rồi sau này...
Bước làm đã có Bộ TN-MT tính hết!
- Các nhà khoa học đã có nhiều thư gửi lãnh đạo Đảng và Chính phủ, đề nghị tạm dừng triển khai các dự án khai thác bô - xít để có một đánh giá đầy đủ, đưa ra giải pháp thực tiễn. Ngay với các dự án kinh tế không gặp bất kỳ vấn đề lớn nào về môi trường mà Việt Nam đã gặp phải quá nhiều bất cập, thì với bô - xít, trong khi các nước phát triển cũng chưa tìm được giải pháp xử lý hữu hiệu, địa phương có nên cân nhắc?
Vấn đề tác hại môi trường là có nhưng không ở mức độ như báo chí nêu lên là một vùng Tây Nguyên "sẽ chết". Bước làm thì Bộ Tây Nguyên-MT đã tính hết. Nếu trồng cà phê 1-2 năm, chăm sóc tốt có trái, nhưng sau 3-4 năm, cà phê tự rụng lá, hoặc trái rất kém, vì trồng trên đất bô - xít. Việc khai thác bô - xít không ảnh hưởng gì đến nước tưới tiêu, sinh hoạt cho bà con trong khu vực.
Cùng với tỉnh, Bộ KHCN và Bộ TN-MT đã xác định chỗ nào khai thác trước, chỗ nào để lại sau này vì liên quan đến văn hóa, bản sắc dân tộc, liên quan đến đời sống sinh hoạt của bà con bản địa, nhất là vùng dân cư đông đúc, cố gắng không ảnh hưởng đến bà con.
Chúng tôi đã chọn địa điểm khai thác vừa có lợi cho tỉnh, vừa có lợi cho đất nước.
Chúng tôi chấp nhận sự đánh giá khoa học nhưng làm thế nào để nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc hiểu đúng. Vận động bà con đi tái định cư đã khó, viết bài như vậy, lại gây những phức tạp ở Tây Nguyên.
Liệu Tây Nguyên có thành một vùng đỏ như khu vực khai thác bô - xít ở Australia (dù nước này có công nghệ phát triển hơn VN nhiều lần). Ảnh: britannica.com |
Có 1 khu CN, một DN vào, tỉnh sẽ có tăng trưởng
- Vậy những lợi ích gì về mặt kinh tế đã được đưa ra xem xét khi cân nhắc cho phép khai thác bô - xít?
Chỉ có nhà kinh tế mới tính toán được vấn đề đó. Với lãnh đạo bình thường có trách nhiệm chỉ biết nó giúp cho địa phương trước hết phát triển kinh tế, tăng thu nhập và tăng trưởng. Đó là cái trước mắt. Có 1 khu CN, một DN về đó thì chắc chắn tỉnh sẽ có nguồn thu, tăng trưởng kinh tế là chắc chắn rồi.
Đắk Nông, từ khi tách tỉnh năm 2004, 6 huyện phía Nam rất khổ, đời sống khó khăn hơn. Đầu tư vào Đắk Nông sẽ giải quyết được đói nghèo cho nhân dân ở đó.
Hai là, với công nghiệp bô - xít, giải quyết việc làm cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc tại chỗ ổn định, tiến bộ hơn. Vừa rồi, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam đã mở trường dạy nghề, chọn một số em sang học ở Trung Quốc, để khi nhà máy hoàn thành sẽ đưa các em về phục vụ cho phát triển khu công nghiệp này. Đó cũng là một hướng để giải quyết cái khó khăn, đói nghèo ở vùng đó.
Đó là những cái lợi. Còn về tác hại, bây giờ chưa xây dựng, chưa triển khai thì không thấy tác hại gì. Trong tương lai, chúng ta sẽ rút kinh nghiệm các khu CN như Vedan.
- Có chính sách cụ thể nào để bà con tại chỗ có việc làm ở khu công nghiệp, bởi theo tổng kết, chưa từng có trường hợp bà con người dân tộc nào làm và trụ lại ở khu công nghiệp, người địa phương chỉ làm dịch vụ nhỏ..?
Xin nói thật, với Đắk Nông, khu CN chưa có, chưa tiếp cận khu CN, và môi trường lao động nhiều nên chưa tiếp cận được thực tế đã xảy ra. Nhưng trong làm việc với Tập đoàn than khoáng sản Việt Na, hướng chỉ đạo của tỉnh là giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc tại chỗ gắn với đời sống xã hội, cả nhân lực, đào tạo con người. Nếu không làm tốt thì sau này có muốn vận động bà con để thực hiện chương trình này khác cũng rất khó.
Đắk Nông chưa có khu CN, chưa có DN để thu hút lao động thì chưa đánh giá được vấn đề này, nhưng quan điểm của tỉnh như thế. Nếu làm chưa tốt, chúng tôi với tư cách lãnh đạo địa phương sẽ có trách nhiệm phản ánh lại vấn đề đó.
|